Skip to main content

Mot goc nhin ve cho chung khoan

MỘT GÓC NHÌN VỀ CHỢ CHỨNG KHOÁN

Phạm Duy Nghĩa (NQL 4/2008)

Sáu năm gần như tập dượt èo uột, năm thứ bảy nhảy nhót với những lướt sóng ồn ào, năm thứ tám đột ngột ủ rũ, chợ chứng khoán Việt Nam bị xô đẩy bởi đủ loại tin đồn. Như xem lại một bộ phim quay chậm, bài viết dưới đây góp vài thiển nghĩ và một cách nhìn về cái thị trường có vẻ vừa xa lạ, vừa đỏng đảnh này.
Dù đã biết chút chút đỏ đen hụi họ, số đông người nước ta tập làm quen với chợ vốn từ thuở quỹ tín dụng mọc nên như nấm. Lãi cao rồi tan vỡ, sự sụp đổ của các quỹ tín dụng hơn 20 năm về trước đã giáng một cú trời giáng vào niềm tin của người dân vào kiểu huy động vốn rộng rãi hứa trả lãi của người kinh doanh. Từ các doanh nghiệp gia đình các công ty đã mọc lên. Dù tên gọi là cổ phần hay hữu hạn, song nếu các thành viên đều là thân hữu, việc chuyển nhượng vốn đều lọt sàng xuống nia giữa những người quen, các doanh nghiệp ấy vẫn chưa có dáng dấp các công ty thực sự. Được nhà nước dựng ra từ năm 2000, song hồi lâu ít hàng, không kẻ mua người bán, chợ chứng khoán đìu hiu là điều dễ hiểu.
Khi cổ phần, được xác nhận bằng cổ phiếu, có cơ hội tự do chuyển đổi; khi lòng ham muốn mau chóng làm giàu từ mua đi bán lại cổ phiếu được khuấy động náo nhiệt bởi những cò chứng khoán, bởi những báo chí quen rút tít và giật dây mà ít phải chịu trách nhiệm về lời lẽ của mình, chợ chứng khoán bỗng sôi réo mau lẹ. Khách chen chân mở tài khoản, nhiều công ty chứng khoán làm cao, lời lãi trên giấy thành tiền tươi, nhà sang, xe xịn. Cơn khát kiếm tiền đổi nhanh thành sóng thành gió, nông dân, người thợ, có chút để dành là người ta thành cổ đông, một nghề mới-nhà đầu tư-đã ra đời.
Một năm sôi réo bỗng giúp các ngân hàng ốm yếu xưa nay bỗng nở nang, vốn lấy từ dân cư trở nên rẻ hơn nhiều vay bởi các ngân hàng, một cuộc huy động vốn quy mô rộng rãi đã diễn ra tìm cách chảy vào khu vực kinh doanh. Một chợ với kỷ luật khắt khe của thị trường sẽ uốn dòng vốn đó vào những nơi hiệu quả, các công ty đại chúng với ngàn vạn cổ đông có cơ may xuất hiện, chúng ta thêm một lần gần hơn với chợ vốn toàn cầu.
Chỉ có điều, tính minh bạch của các công ty thấp, các báo cáo tài chính ít đáng tin cậy, các cổ đông có phần chưa quen phân tích rủi ro dựa trên chứng cứ mà vồn vã mua vào bán ra phỏng theo những tin đồn… tất cả những điều ấy đã làm cho tấm huy chương của chợ chứng khoán mau chóng chuyển gam màu. Rồi một ngày chợ ở Mỹ khó khăn, tiền đô-la nước ấy mất giá, mua nguyên liệu đắt từ Tàu, bán hàng rẻ sang Mỹ, thiệt đơn thiệt kép, doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu kêu. Nền kinh tế bay vào vùng thời tiết xấu, tin ấy lan nhanh, những cuộc tháo chạy khi chợ chứng khoán bước vào tuổi thứ tám cũng hỗn nhiệt chẳng khác gì khi tranh mua mua một năm về trước.
Đã dựng nên chợ rồi, nhà nước cỏ vẻ như đang sốt sắng muốn lấy tiền dân góp sức mua vào để cứu cái chợ ấy. Đó là một phản ứng hơn là một tầm nhìn. Quan trọng và dài hơi hơn là xây dựng các thể chế làm cho quản trị công ty trở nên minh bạch, cho kiểm toán tư nhân hoàn toàn độc lập, cho các giám đốc và nhà quản lý công ty buộc phải có trách nhiệm với cổ đông đã tin tưởng vào mình. Thêm nữa, Ủy ban chứng khoán phải là một thiết chế độc lập, tự chịu trách nhiệm về mọi hành xử của mình vì lợi ích của các nhà đầu tư, hơn là một đơn vị thuộc quyền của Bộ Tài chính.
Trồi sụt chứng khoán, những học phí bằng tiền của, nước mắt, và có thể là sức khỏe, tính mạng.. của từng nhà đầu tư hy vọng sẽ mang lại những cảm nhận mới về vai trò mà nhà nước cần phải giữ trong một thời buổi nền kinh tế đã trở nên rất tinh vi và khó điều tiết chỉ bởi các mệnh lệnh.

Comments

Popular posts from this blog

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due

Đoán định tư pháp là gì?

Bài viết ngắn dưới đây góp phần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau đây: (i) Đoán định tư pháp là gì, ra đời trong bối cảnh nào, có ảnh hưởng gì trong ngành tư pháp trên thế giới, (ii) Ngành tư pháp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để chủ động ứng xử với xu thế Đoán định tư pháp [1] . Đoán định tư pháp (Predictive Justice) là gì? 1.       Đoán định tư pháp là một xu thế thay đổi cung cách cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động xét xử của tòa án, dưới sức ép của thời đại dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý (Legal Tech start-up), cung cấp những giải pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng của các công nghệ thông minh. 2.       Xu thế này bắt nguồn từ những nỗ lực cung cấp nguồn luật mở (open data) từ 50 năm nay. Do công nghệ thay đổi rất nhanh (máy tính, vật liệu bán dẫn, chip điện tử, mạng Internet, các thuật toán dẫn tới trí tuệ nhân tạo), 50 năm qua máy tính đã thông minh hơn 1,

Cập nhật: 45 năm đào tạo luật ở VN

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước phát biểu hôm qua tại ĐH Luật HCM rằng: nước ta đã cấp phép cho 95 cơ sở đào tạo luật, tức là cứ 1 triệu dân đã có một trường dạy luật. Mạng lưới các trường dạy luật VLSN cũng đã hình thành , góp thêm tiếng nói yêu cầu định chuẩn nghề luật, trước mắt Ban Nội chính TW, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, hai bộ GD-ĐT và Tư pháp chắc sẽ phải nghĩ ra cách để kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường luật. Cũng nghe thêm tin rằng hàng năm trên toàn quốc số sinh viên nhập học ngành luật đã lên tới hàng chục vạn, đã xuất hiện xu thế cát cứ, ví dụ Tòa án sẽ tuyển dụng thư ký từ Học viện t òa án, VKS tuyển nhân lực từ Trường Đại học kiểm sát, thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành luật sẽ thêm rối bởi xu thế cát cứ nêu trên. Như vậy, từ 1976 đến nay, VN đã có 45 năm đào tạo luật học. Vài ghi nhớ: Trước 1945, trường luật đã được mở tại HN dưới thời Pháp thuộc, bắt đầu từ bậc cao đẳng hành chính, sau đó nâng lên bậc cử nhân.  Sau 1954 ở phía Nam Đ