Skip to main content

Mong đợi một Quốc hội đổi mới

(Bài đã đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp Luật, Số Tháng 07/2007):

Tiến cử, tự ứng cử, vận động rồi bỏ phiếu, bẩu cử ở đâu cũng là cuộc huy động quyền lực nhân dân để lựa ra những dân biểu có năng lực đại diện cho ngàn vạn tiếng dân. Một nhiệm kỳ mới đang đến với 493 đại biểu, Quốc hội sẽ làm gì để thỏa ước vọng về một chính quyền biết lắng nghe và phục vụ dân ý. Bài viết dưới đây góp một cách nhìn về Quốc hội trong thời chuyển đổi.

Danh có chính, ngôn mới thuận: Bầu cử làm cho chính quyền hợp pháp

Sau khi tổ chức thành công hội nghị APEC và gia nhập WTO, nửa đầu của năm 2007 được lưu lại trong trí nhớ nhân dân bởi những kỳ vọng về cuộc bầu cử tiến tới một Quốc hội đổi mới. Đằng sau náo nức cờ hoa của những không gian lễ hội, đôi khi người ta sao nhãng ý nghĩa chính trị và pháp lý to lớn của cuộc bầu cử. Những lá phiếu, ấy chính là sự ủy nhiệm của quyền lực nhân dân. Chỉ khi được dân ủy trị, chính quyền mới trở nên hợp pháp. Cuộc bầu cử trở thành trục khuỷu trung chuyển từ quyền lực của hàng triệu chủ nhân thành quyền lực của chính quyền. Năm năm một lần, chờ tới cuộc bầu cử mới, ông chủ nhân dân lại mới có quyền thay công bộc.
Bầu cử tuy quen mà vẫn lạ ở đất nước chúng ta. Sáu thập kỷ với 12 cuộc bỏ biếu dường như chưa thể nhanh chóng trở thành văn hóa và truyền thống của một dân tộc với ký ức hàng ngàn năm tâm lý thần dân. Muốn bầu cử, phải có cử rồi mới đến bầu. Từ 56 triệu cử tri chọn lấy 500 người đại diện, hơn 10 vạn chiếc đũa chỉ chọn lấy một ngọn cờ, cử và bầu vì lẽ ấy là những chuyện kỹ thuật thật khó khăn. Thì cũng thế, làm sao cho mỗi cử tri có một phiếu bầu với cùng một giá trị thật chẳng thễ dễ dàng với cả thế giới này [[1]]. Nếu phân bổ theo dân số, 150 ngàn dân Hà Nội được chọn một đại biểu Quốc hội, trong khi con số này ở TP HCM là 226 ngàn dân. Cùng một lá phiếu, song giá trị của chúng ở các địa phương chưa hẳn đã giống nhau. Tư duy lại khái niệm hạt bầu cử và tách dần chúng khỏi địa giới hành chính có lẽ hết sức cần thiết để làm cho cuộc bầu cử được công bằng hơn.
Dân chủ, song lãnh đạo tập trung, các vòng hiệp thương đã xuất hiện với mong muốn phân bổ số đại biểu một cách hài hòa tương đối giữa các tầng lớp dân cư và giữa các địa phương. Song cũng tại đây, các vòng hiệp thương đã thu hẹp dần số lượng các ứng viên; người giữ quyền hiệp thương hành xử chẳng khác các đại cử tri- quyền của họ càng rộng thì sự tự do lựa chọn của cử tri cũng theo đó mà bị giới hạn dần.
Vì nhiều lẽ ấy, muốn có được một cơ quan dân cử phản ánh lợi ích đa dạng của dân chúng hơn nữa, cần xem xét làm lại luật bầu cử- một đạo luật được ban hành cách đây một thập kỷ và đã được chỉnh sửa không cơ bản vào năm 2001 [
[2]]. Ngoài tư duy lại hạt bầu cử, hướng tới các đơn vị bầu cử được phân chia theo dân số, tách biệt khỏi địa giới hành chính, Luật bầu cử ấy phải đề cao quyền tự ứng cử của người dân và từng bước minh bạch hóa các tiêu chí của hiệp thương.

Từ ủy trị nghĩ về vai trò nghị viện

Yêu mến sách Phương Tây, GS Nguyễn Đăng Dung ưa trích rằng “Quốc hội có quyền được làm tất cả, trừ việc biến đàn ông thành đàn bà” [[3]]. Câu cách ngôn ấy dường như muốn ám chỉ đến cuộc dùng dằng chia quyền giữa nhà vua, thủ hiến và nghị viện ở xứ Anh. Nhận ủy trị từ dân chúng, Quốc hội phải có quyền; quyền lực ấy càng thực thì dân quyền càng cao.
Với 500 đại biểu, mỗi người có một phiếu bầu ngang nhau, được lựa chọn từ cô bác nông dân, anh thợ mỏ, cho tới nhân viên bàn giấy, các giáo sư tiến sĩ cho tới quan chức trung ương đứng đầu các bộ ngành, xuân thu nhị kỳ mỗi năm chỉ họp có hai phiên chính, Quốc hội là một thể chế quyết nghị tập thể bằng cách bỏ phiếu. Thiết chế ấy phải có những vai trò và cách thức thực thi quyền một cách riêng biệt, khác xa các cơ quan hành chính tuân thủ chế độ thủ trưởng.
Từ khi các cuộc họp được truyền hình mang đến bữa cơm tối của từng nhà dân, Quốc hội Việt Nam đang quay trở lại với một vai trò cũ mà rất mới của nó; nghị viện trước là một diễn đàn. Nơi ấy lợi ích của ngàn vạn nhóm cử tri được cọ sát, nơi ấy xảy ra tranh luận và đối chất, nơi ấy làm cho mọi góc cạnh của một chính sách phải được phơi bày. May mắn có Quốc hội, người dân bị thu hồi đất có nơi để hỏi về chính sách đền bù, phụ huynh và học sinh có nơi để phê bình quan giáo dục; các mâu thuẫn đó được phơi bày một cách hòa bình. Người làm quan khôn khéo uốn theo dư luận ấy mà tìm ra chính sách hợp lòng dân; lỡ lời mà phán lại cả cử tri và quay lưng lại dư luận xã hội thì chỉ đón nhận lấy bất tín nhiệm. Dường như Quốc hội nước ta đã và đang ngày càng làm tốt vai trò tạo diễn đàn của mình.
Quốc hội, ấy cũng là nơi “làm luật”, tuy rằng luật lệ chủ yếu do Chính phủ soạn thảo và đệ trình-tức là phần lớn các công đoạn quan trọng của xây dựng luật do Chính phủ làm. Thẩm định chính sách của từng đạo luật, tranh luận tại các ủy ban cũng như tại các phiên họp toàn thể chắc sẽ phải thay đổi rất nhiều mới có thể làm ra những đạo luật mà dân chúng mong chờ, với những giải pháp trúng vấn đề và bằng những chi phí hợp lý cho toàn xã hội. Thực hiên thông qua luật bằng hai lần đọc, sau khi thông báo chính sách, cần cân nhắc để chuyển dần hoạt động của Quốc hội sang các ủy ban, hơn là mất quá nhiều thời gian để tổ chức các phiên toàn thể, rất khó khăn cho việc thảo luận chuyên sâu.
Cũng như vậy, Quốc hội còn là nơi quyết định ngân sách, nơi giám sát nền hành chính và những mong thực thi các quyền lực tối cao khác được ghi nhận bởi Hiến pháp 1992. Khởi đầu từ 125 đại biểu chuyên trách, Quốc hội nước ta đang đi những bước đầu tiên trên con đường dài tiến tới một nghị viện chuyên nghiệp [[4]].

Từ đại biểu chuyên trách tới nghị sỹ chuyên nghiệp

Đất nước phát triển ngày một nhanh đang cần tới một nền quản trị quốc gia chuyên nghiệp. Tham gia vào cuộc quản trị đó, Quốc hội và các dân biểu có một vai trò đặc biệt quan trọng. Người ta bảo đại biểu Quốc hội trước hết phải có khả năng lắng nghe và thể hiện lợi ích của cử tri. Rung động như sợi dây đàn, tâm nguyện của toàn dân vang vọng qua hành xử của người đại diện nhân dân trở thành những kiến nghị lập pháp, những yêu cầu chất vấn và bền bỉ giám sát nền hành chính vì lợi ích của cử tri.
Muốn làm được việc ấy, người đại biểu phải gắn bó mật thiết hơn với lợi ích của những người đã bầu ra mình. Không chỉ là bốn cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau hai cuộc họp Quốc hội thường niên, đại biểu Quốc hội phải gần với các cử tri thuộc đơn vị bầu cử của mình hơn nữa; phải có thời gian sống và làm việc trong đơn vị bầu cử của mình. Ủy nhiệm quyền lực, cử tri cũng mong các đại biểu phải có trách nhiệm với người đã bầu ra mình. Trách nhiệm chính trị ấy phải được thể hiện qua hoạt động của đại biểu trong suốt nhiệm kỳ. Ước mong các đại biểu kỹ tính và giám sát gắt gao nền hành chính sẽ ngày càng nhiều hơn.
Mỗi đại biểu có một phiếu biểu quyết ngang nhau, Quốc hội là một cơ quan quyết nghị tập thể theo thể thức dân chủ. Những đặc thù riêng ấy làm cho hoạt động dân biểu cũng phải có nghề; không thạo nghề thì khó nói tới hiệu quả. Vì vậy, muốn có một vai trò thực tế hơn nữa trong đời sống chính trị nước ta, chẳng những từng đại biểu Quốc hội phải thạo nghề và chuyên nghiệp hơn, mà quy trình hoạt động của các ủy ban và của các phiên toàn thể cũng phải được hoàn thiện [[5]].
Sáng bàn về đình công và chỗ ở cho công nhân, chiều thảo luận về ngân sách và ùn tắc giao thông, hoạt động của người đại biểu Quốc hội đa dạng, trải rộng tới mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Năng lực của người đại biểu cốt ở khả năng biết lắng nghe, biết tham vấn chuyên gia, biết tìm tin và biết tranh luận. Vững tin ở lợi ích của cử tri mà mình đại diện, người đại diện ấy từng bước thương thuyết và dàn xếp lợi ích với các nhóm cử tri khác. Người ta bảo dân biểu là chính khách, bởi họ làm trung gian giữa các nhóm lợi ích và góp phần chuyển tải quyền lực nhân dân thành các chính sách cụ thể.
Các chính sách ấy, về cơ bản được thông qua bằng các đạo luật; nghề của dân biểu vì vậy cũng là nghề lập pháp. Soạn thảo và chữa văn chương là công việc của chuyên gia giúp việc, người đại biểu Quốc hội phải có lý lẽ và bằng chứng mới có thể tranh luận về chính sách và ảnh hưởng xã hội của từng đạo luật. Làm luật rồi đây sẽ là công việc ngày càng bận rộn, bởi dưới sức ép của luật lệ WTO và tăng trưởng GDP xấp xỉ hai con số, pháp luật nước ta phải được thay đổi và bổ sung nhanh chóng cũng là điều dễ hiểu. Hy vọng Quốc hội khóa XII sẽ góp phần ban hành ra ngày càng nhiều các đạo luật tạo nên sự tự do và năng động cho nhân dân. Các đạo luật gần với dân tâm dân nguyện sẽ sống trong trái tim và ý thức người dân, chúng sẽ dễ thực thi hơn ngàn vạn con chữ nếu chỉ được ban hành vì tiện lợi cho người quản lý.Hơn 60 năm đã trôi qua, kể từ khi người dân nước Việt Nam giành được quyền bầu cử tự do thật sự bằng xương máu của nhiều thế hệ. Một khoảnh khắc rất ngắn trong đời mỗi con người, ngày bầu cử ấy là ngày chúng ta ủy nhiệm quyền làm chủ cho các đại diện của mình. Chọn mặt gửi vàng, quyền sau khi được trao, đã thuộc về người đại biểu. Những mong quyền ấy được dùng theo mơ ước của cử tri./.
[1] Xem thêm Vũ Văn Nhiệm, Bàn về nguyên tắc “một người, một phiếu bầu, một giá trị” trong bầu cử, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Đại học Luật TP HCM, 2(39), 2007, tr. 45-55.
[2] Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 15/04/1997; sửa đổi ngày 25/12/2001.
[3] Nguyễn Đăng Dung (CB), Quốc hội trong nhà nước pháp quyền, NXB ĐHQG HN, 2007, tr. 84
[4] Xem thêm: Nguyễn Sỹ Dũng, Thế sự: Một góc nhìn, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007.
[5] Về luật nghị viện (quy trình và thủ tục), xem thêm Ban công tác lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội), Quy trình, thủ tục trong hoạt động của Quốc hội, Hà Nội, 2005

Comments

Popular posts from this blog

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due

Đoán định tư pháp là gì?

Bài viết ngắn dưới đây góp phần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau đây: (i) Đoán định tư pháp là gì, ra đời trong bối cảnh nào, có ảnh hưởng gì trong ngành tư pháp trên thế giới, (ii) Ngành tư pháp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để chủ động ứng xử với xu thế Đoán định tư pháp [1] . Đoán định tư pháp (Predictive Justice) là gì? 1.       Đoán định tư pháp là một xu thế thay đổi cung cách cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động xét xử của tòa án, dưới sức ép của thời đại dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý (Legal Tech start-up), cung cấp những giải pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng của các công nghệ thông minh. 2.       Xu thế này bắt nguồn từ những nỗ lực cung cấp nguồn luật mở (open data) từ 50 năm nay. Do công nghệ thay đổi rất nhanh (máy tính, vật liệu bán dẫn, chip điện tử, mạng Internet, các thuật toán dẫn tới trí tuệ nhân tạo), 50 năm qua máy tính đã thông minh hơn 1,

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v