Skip to main content

TPP: Chuẩn mực mới của thế kỷ 21

Vượt xa nội dung những hiệp định thương mại thường thấy, hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra viễn cảnh xây dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn với những chuẩn mực mới của thế kỷ 21.
Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với Chủ biên cuốn "TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam" vừa ấn hành về những thách thức đang đặt ra trước cơ hội này.

Ông có hy vọng TPP sẽ là lực đẩy buộc Việt Nam giải quyết những điểm yếu của điều hành kinh tế vĩ mô?
Không thể khẳng định tham gia TPP là chúng ta có ngay liều thuốc để giải quyết tận gốc các điểm yếu kém trong điều hành vĩ mô. TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại. Vấn đề của Việt Nam phải tự người Việt Nam giải quyết, không thể trông chờ áp lực từ bên ngoài. Sau sáu năm gia nhập WTO, mặc dù đã có những đổi thay về thể chế đáng kể, nhưng chất lượng thể chế vẫn là một rào cản cho phát triển: tính minh bạch kém, ưu ái đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước một cách bất bình đẳng, đầu tư công kém hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền chưa cao. Quyền sở hữu còn dang dở, bởi sự bảo hộ khách quan và hiệu quả của Nhà nước đối với các sở hữu và khế ước dường như thiếu vắng…

Bỏ nhiều công sức nghiên cứu về các nút thắt trong thể chế đã cản trở phát triển kinh tế, ông nhận diện thế nào về những yếu kém trong quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp nhà nước?
Theo đánh giá của ngân hàng Thế giới, tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước ở Việt Nam được cho là thấp, chất lượng chính sách và năng lực điều hành kém cải thiện, mức độ thực thi pháp luật tuân thủ chế độ pháp quyền chưa ổn định, thậm chí được đánh giá thấp trong khu vực, tính công khai minh bạch của chính sách kém được cải thiện…
Ngược lại, nếu so sánh với người láng giềng khổng lồ phương Bắc, hơn một thập kỷ tham gia WTO, nền kinh tế Trung Hoa đổi thay đáng kinh ngạc, mở ra một kỷ nguyên “thuê ngoài thể chế” để hiện đại hoá quốc gia. Đòn bẩy chiến lược WTO đã thúc ép cải cách thể chế hiệu quả. Người Trung Hoa từ năm 2006 đã áp dụng các tiêu chí quản trị doanh nghiệp nhà nước hiện đại của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), từ đó cải cách 170 tập đoàn quốc hữu của họ khá thành công, rất nhiều tập đoàn trở thành những “tay chơi toàn cầu”. Ngược lại, Việt Nam đã không sử dụng được WTO để cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước cũng như quản trị quốc gia. Quan sát các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, hầu hết đều gặp trục trặc, không thể linh hoạt, năng động, sáng tạo như doanh nghiệp tư nhân. Dùng tài sản quốc gia để đầu tư kinh doanh mà không kiểm soát được là một rủi ro rất lớn cho nền kinh tế, cho toàn dân, cướp đi cơ hội và để lại gánh nợ cho các thế hệ con cháu. Với Vinashin và nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác ở Việt Nam, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ, ưu ái, nguồn vốn được rót vào như một đặc ân, trên thực tế đã giúp các tập đoàn này né tránh sức ép cạnh tranh trong nước và quốc tế. Quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước cũng chưa minh bạch. Trong trường hợp mất khả năng thanh toán, người ta thường thấy Chính phủ can thiệp bằng biện pháp hành chính để cứu sự đổ vỡ của các tập đoàn này, với chi phí trải rộng ra cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và cho thế hệ mai sau.
Để có một doanh nghiệp nhà nước mạnh, phải tôn trọng sức ép cạnh tranh, tôn trọng tính hiệu quả, quy trình quản lý minh bạch. Hiện nay, khối tài sản quốc gia vào các doanh nghiệp nhà nước thực tế là rất lớn. Con số 1.300 doanh nghiệp nhà nước được công bố mới chỉ bao gồm những doanh nghiệp 100% vốn của Chính phủ, các bộ. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác có một phần vốn của Nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các đoàn thể, tổ chức xã hội có vốn từ ngân sách. Con số này lớn hơn nhiều, có thể vượt qua hàng chục ngàn doanh nghiệp được đầu tư từ ngân sách quốc gia. Phần lớn hiệu quả sử dụng vốn ở doanh nghiệp nhà nước rất thấp, lượng công việc tạo ra cũng rất thấp so với số lượng công việc tạo ra từ khối dân doanh.
Việt Nam đang đứng trước sức ép cần công khai và kiểm soát chặt chẽ hơn khối lượng tài sản rất lớn đầu tư vào khu vực doanh nghiệp có liên quan đến ngân sách quốc gia, một khái niệm rộng hơn doanh nghiệp nhà nước. Do lẫn một số chức năng, phải gánh trách nhiệm thực thi một phần chính sách Nhà nước giao nên đôi khi doanh nghiệp nhà nước kinh doanh với hiệu quả không cao. Vì thế, phải minh bạch giữa kinh doanh và những gì thuộc về chính sách, những nguồn lực, khối tài sản được sử dụng thế nào? Vấn đề thứ hai, phải minh định ai là ông chủ của doanh nghiệp nhà nước: uỷ ban, Chính phủ, hay bộ? Nhưng bộ làm sao quản lý? Thực tế phải uỷ quyền cho một số cán bộ, công chức đại diện… Quyền sở hữu chồng chéo, được thực thi phân tán lại thiếu kiểm soát đã làm cho khối tài sản đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước bị hao hụt trầm trọng. TPP không phải bài thuốc, mà chỉ tạo thêm sức ép. Hơn lúc nào hết, cần minh định rõ ai thực hiện các quyền sở hữu cụ thể nào trong doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán, đánh giá đo lường với mục tiêu đề ra, kiểm soát gắt gao doanh nghiệp nhà nước nhiều hơn, tựa như các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán phải có trách nhiệm minh bạch quản trị với các cổ đông.
TPP được ký kết sẽ mở ra những cơ hội nào cho Việt Nam?
Nội dung TPP chưa được đàm phán xong, các cam kết chưa được công bố, song thông tin về nội dung đàm phán thu lượm từ nhiều nguồn khác nhau tiết lộ những sức ép rất lớn đang đặt ra cho Việt Nam: xoá bỏ hầu hết thuế quan, mở cửa thị trường, thắt chặt những chuẩn mực bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, các tiêu chuẩn kỹ thuật, và cam kết xây dựng chính quyền minh bạch… hướng tới xoá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hoá, dịch vụ và tư bản được lưu thông trong nội khối ngày một dễ dàng, nhà đầu tư an tâm hơn trong một môi trường thể chế ổn định… Trong đó, yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ được nâng cao, với những chế tài khắc nghiệt hơn khi các thành viên vi phạm thương mại tự do. Rồi còn những thể lệ để kiểm soát đầu tư công, đòi hỏi công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm của chính quyền; quyền tự do lao động, bảo vệ giới thợ… Các thể chế đáp ứng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mang tính phổ cập toàn cầu chính là lợi điểm tạo sức ép cải cách thể chế từ bên ngoài giúp phá vỡ sức ỳ chống trả dai dẳng từ những thói quen cũ.

Gia nhập cuộc chơi TPP sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh?
Những cam kết từ TPP hy vọng sẽ kích thích sự tìm hiểu của doanh nghiệp và công chức Việt Nam. Khác với đàm phán gia nhập WTO, quá trình đàm phán TPP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có tiếng nói. Nỗ lực để kịp thời ra mắt cuốn sách TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam, chúng tôi mong muốn thông điệp “gia nhập cuộc chơi TPP, hằng hà sa số doanh nghiệp tư nhân năng động mới là chìa khoá cho phát triển” sẽ lan toả tới toàn xã hội. Nếu cứ để doanh nghiệp nhà nước né tránh sức ép cạnh tranh, được ưu ái nhiều độc quyền kinh doanh, cơ hội tiệm cận đất đai và tín dụng từ nguồn lực của Nhà nước, sẽ xuất hiện những nhóm thế lực kiểm soát tài nguyên kinh tế của quốc gia. Quốc gia nào cũng có doanh nghiệp nhà nước, nhưng thường chỉ kinh doanh những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, hoặc không có động cơ để đầu tư. Hy vọng với TPP, các thể chế sẽ được cải cách để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
...mở cửa dâng hiến thị trường, không khéo chúng ta góp phần bóc lột sức trẻ của lao động rẻ, tài nguyên và môi trường sống để làm giàu cho tư bản nước ngoài.
TPP buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, hiểu những luật chơi khi thị trường mở rộng đáng kể, nhất là thị trường Hoa Kỳ, khi thuế suất được cam kết giảm, sẽ tạo cơ hội cho những ngành như da giày, dệt may xuất khẩu, đồ gỗ, linh kiện lắp ráp. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa cho các nước nội khối TPP, những ngành từng được bảo hộ cao ở Việt Nam như lắp ráp ôtô chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Ngành chăn nuôi, sản phẩm nông nghiệp của họ tiên tiến hơn, chất lượng tốt hơn, khi thuế quan giảm sản phẩm nội địa của nước ta sẽ bị thách thức.
TPP hy vọng cũng sẽ dẫn đến tái phân bổ về đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài. Những sản phẩm dệt may Việt Nam vừa có cơ hội, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức nếu không chứng minh được quy tắc, tiêu chuẩn, giấy chứng nhận về xuất xứ hàng hoá. Kéo theo luồng đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, chuyển dịch đầu tư hy vọng Việt Nam có thêm giá trị gia tăng, sử dụng đầu tư nước ngoài như những cú hích. Ngành lắp ráp xe máy hình như đã là một ví dụ thành công khi tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm cao. Nếu Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài có trọng điểm trong khi doanh nghiệp tư nhân, các ngành công nghệ phụ trợ phát triển, FDI sẽ có hiệu ứng lan toả. Còn nếu FDI chỉ để sử dụng nguồn lao động rẻ thì… mở cửa dâng hiến thị trường, không khéo chúng ta góp phần bóc lột sức trẻ của lao động rẻ, tài nguyên và môi trường sống để làm giàu cho tư bản nước ngoài.

TPP có là cơ hội để mỗi người lao động hiểu và giành lấy quyền chính đáng của mình?
Khi đặt bút ký TPP, Việt Nam cần xem xét thực tiễn pháp luật có điểm nào lệch so với những cam kết từ TPP hay không? Nếu không nghiêm túc làm như vậy, tôi e rằng thực tiễn pháp lý nước ta có thể là nguyên cớ dẫn tới những vụ khiếu kiện tiềm ẩn sau này. TPP như chúng tôi tìm hiểu không có nội dung đáng kể nào cam kết về nhân quyền hay tự do dân chủ, song có nhiều cam kết về tiêu chuẩn và việc bảo vệ quyền lợi giới thợ, ví dụ quyền thành lập hội đoàn. Hiến pháp Việt Nam đều ghi quyền tự do lập hội. Tuy nhiên, những cuộc đình công của công nhân Việt Nam vừa qua đều xuất phát từ những vấn đề rất căn bản như bị quỵt tiền lương, lao động phải làm việc quá sức, bị giới chủ hành hung… Quyền của giới thợ bắt đầu từ quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của mình. Nếu bị khinh bỉ, ngược đãi, đánh đập, công nhân phải có quyền chống lại các hành vi đó để bảo vệ nhân phẩm của mình. Nếu bị kiện vì pháp luật quốc nội không bảo vệ quyền của giới thợ, sau khi được tài phán bởi một thiết chế tựa như trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với các quốc gia nội khối TPP, các quốc gia khác sẽ giành quyền rút lại những ưu đãi thuế quan trước đó. Đừng vội mơ dễ dãi hưởng thuế suất 0% như một bữa tiệc mà không phải trả tiền, qua một đêm thuế suất có thể vọt trở lại 30% như cũ bởi vô số các biện pháp bảo hộ mậu dịch tiềm ẩn được che đậy khéo léo dưới các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động hay môi trường.
Vấn đề thứ hai là các tổ chức công đoàn của Việt Nam chưa đủ mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích công nhân. Miếng cơm manh áo của cán bộ công đoàn có khi còn lệ thuộc vào giới chủ, nên rất khó khăn khi chống lại sức ép của giới chủ. 
SGTT, Kim Yến thực hiện

Mở cửa thị trường, thay đổi chính sách theo…TPP

Những nghĩa vụ mở cửa thị trường và thay đổi chính sách nào mà Việt Nam sẽ cam kết thực hiện khi gia nhập hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương –TPP? Báo Người Đô Thị có cuộc trao đổi với Chủ  biên cuốn sách vừa được xuất bản: “TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam” 
  

1. Thưa ông, việc gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương- TPP khác với Tổ chức thương mại WTO như thế nào?

WTO là định chế thương mại toàn cầu đang bị bế tắc từ vòng đàm phán Doha do có đối trọng giữa các nước nghèo và nước giàu. Vì thế hình thành trào lưu đa biên khu vực và song phương để thức đẩy tự do thương mại vượt qua khuôn khổ của WTO. Ba mảng hợp tác toàn cầu quy mô rất lớn-ba hiệp định khu vực đang được đàm phán hiện nay là TPP, RCEP và TTIP. TTIP là hiệp định
Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu. RCEP là hiệp định
Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Trung Quốc khởi xướng với ý định tập hợp 16 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, so với hai dự định khu vực còn lại, có vẻ chỉ TPP với sự tham gia của 12 quốc gia là tiến triển, như các nhà đàm phán mong muốn, dự kiến bản hiệp định có thể sẽ được thông qua vào cuối năm nay

2. Vì sao Trung Quốc không tham gia TPP, nếu họ tham gia thì tình hình sẽ như thế nào?

Có lẽ vì họ dẫn đầu nhóm đàm phán RCEP tương tự như TPP (mà theo giới nghiên cứu là nhằm cạnh tranh với TPP được Mỹ hậu thuẫn-PV). Nhưng có thể nói TPP cũng không loại trừ Trung Quốc. Mới đầu TPP chỉ gồm bốn nước, sau đó chín nước, sau đó 12 nước. Nhật Bản tham gia là 12. Sau Nhật rất có thể Hàn Quốc, Thái Lan. Trong lời văn của các bản thảo hiệp định mà chúng tôi đọc được không nhấn mạnh tính loại trừ. Đây là khối kinh tế mở. Người ta muốn đến 2025 TPP trở thành APFTA bao gồm 20 nước nằm trong khối APEC. Khi đó, một số lợi thế “phi Trung Quốc, phi Thái Lan”  của Việt Nam sẽ không còn trong cuộc cạnh tranh xâm nhập thị trường nội khối và bảo vệ sân nhà-thị trường nội địa.

3. Thưa ông, có nhận định “khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD”…

Đây là nhận định được đưa ra từ nghiên cứu dự báo của giáo sư Peter Petri của Đại học Brandeis (Hoa Kỳ). Nghiên cứu này được thực hiện nhiều năm nay. Một ý khác của nghiên cứu mà báo chí trong nước không dẫn, là nếu “đi” với RCEP (Trung Quốc và 15 quốc gia khác) thì GDP của Việt Nam chỉ tăng thêm 17 tỉ USD. Tức là nhóm ông ấy đại ý cho rằng hợp tác với Mỹ (trong TPP-PV) thì kinh tế Việt Nam sẽ tăng cao hơn. Có thể tham khảo diễn giải chi tiết dự báo tại asiapacifictrade.org. Chủ yếu là do khi đó thuế xuất được giảm so với hiện nay, hàng hóa của mình, giày dép, dệt may và sản phẩm lắp ráp vào 12 nước tham gia sẽ bán được.

4. Theo đó thì tương lai TPP với Việt Nam một màu hồng?

Dự báo này dựa trên những điều kiện rất lạc quan! Chẳng có nước nào mở toang thị trường của họ cho mình bán hàng thoải mái, như người phuong Tây thường bảo “chẳng có bữa trưa nào miễn phí”. Giáo sư Petri giả định rằng khi thuế suất nhập khẩu sẽ giảm ngay về 0%, Việt Nam sẽ tăng vọt về xuất khẩu may mặc, gia dày, thủy hải sản, hàng gia công và lắp ráp. Đó là một giả định mang tính viễn tưởng mà tôi không tin. Bộ mặt của toàn cầu hóa luôn là một đồng xu hai mặt, có những phần lấp lánh mời chào tự do thương mại nhưng mặt còn lại sần sùi khó chịu biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa bảo hộ.

Các chính trị gia Việt Nam thực tế đã mở toang thị trường quốc nội cho củ hành, củ tỏi Trung Quốc tràn vào, trong khi thiếu chuẩn bị các tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe cộng đồng của 90 triệu đồng bào, mở cửa dễ dãi đã thả cửa thị trường cho những hành vi kinh doanh không có tiêu chuẩn. Đó là một điều đáng trách. Các quốc gia khác đều ngay lập tức xiết chặt các hàng rào tiêu chuẩn- kỹ thuật nhằm bảo vệ y tế công cộng và tiêu chuẩn của nước họ.

5. Xét ở khía cạnh này, trong toàn cầu hóa, chủ quyền kinh tế không hẳn mất đi?

Trong các buổi giới thiệu về WTO tôi thường mang theo một cái ổ cắm điện. Ổ cắm thể hiện bộ mặt của thế giới tư bản. Người nước mình đã làm ra cái ổ cắm điện mà hàng điện với chấu cắm của nước nào (ba chấu vuông, chấu tròn, chấu dẹt lớn bé) đều vừa cả. Song các vị thử mang đồ điện với chấu cắm của Việt Nam sang Mỹ mà xem, có cắm được đâu. Những hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên ngay lập tức làm khó dễ cho hàng xuất khẩu của các quốc gia khác. Cái ổ cắm sáng tạo của Việt Nam ai cắm vào cũng được hóa ra là hành vi kém trách nhiệm của Chính phủ- đã không đặt ra chuẩn khắt khe quốc nội. Tệ hơn, các vị cứ vào những khu nghỉ dưỡng do nước ngoài thiết kế, ví dụ nhiều resort ở Đà Nẵng mà xem, ở ngay nước ta, cái chấu cắm của hàng điện nước mình còn không vừa, vì họ đã dùng tiêu chuẩn ngoại quốc (ổ cắm vuông, ba chấu theo kiểu Anh, Singapore) ngay tại nước mình. Ai lại cho phép một nhà đầu tư nước ngoài làm ổ cắm vuông ba chấu ở một quốc gia sử dụng chấu cắm tròn? Chẳng lẽ một nhà đầu tư muốn vào đây xài điện 110 ta cũng phải chiều cho làm điện 110 cho họ chăng? Luật quốc gia chúng ta có, hoàn toàn có chủ quyền và chủ quyền lớn nhất là tạo ra những hàng rào tiêu chuẩn để bảo vệ những giá trị quốc nội thì đáng tiếc đôi khi còn bị buông lỏng dễ dãi, không thực thi ráo riết

6. Ngoài lĩnh vực thương mại, TPP còn có tác động tích cực nào nữa với Việt Nam?

Đầu tư nước ngoài sẽ tăng, nhất là từ Mỹ. Rút kinh nghiệm, hãy sử dụng đầu tư nước ngoài như những cái cọc, quấn theo nó những công nghiệp phụ trợ và làm cho đầu tư nước ngoài không dễ rút ra khỏi Việt Nam. 

7. Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP là gì?

Là xuất xứ hàng hóa! Ví dụ, theo lời văn lấy lại từ bản TPP của bốn nước tham gia ban đầu trong năm 2005 cũng như từ các thông tin do phía Hoa Kỳ tiết lộ, đối với mặc hàng may mặc, người ta đang cố gắng thúc ép áp dụng nguyên tắc ‘từ sợi trở đi”. Theo đó, một cái áo được tính là nội khối (để hưởng thuế suất 0%) nếu từ khâu kéo sợi trở đi nó được sản xuất trong nội khối TPP12. Nếu Việt Nam vẫn nhập sợi từ Trung Quốc và Hàn Quốc như bấy lâu nay thì không rơi vào trường hợp được giảm thuế kể trên.

Cái khó nhất của Việt Nam trong đàm phán hiện nay là liệu Mỹ có linh hoạt lùi bước trong nguyên tắc chỉ chấp nhận ‘từ sợi trở đi” hay không. Việt Nam đương nhiên cần đòi hỏi đàm phán xuất xứ được tính từ giai đọan cắt may trở đi, mua vải ở đâu cũng được miễn là cắt ở Việt Nam thì tính sản phẩm từ Việt Nam. Hiện nay nguyên tắc, ngôn ngữ đàm phán là định khoản để tạo ra co kéo, thương lượng. Hy vọng các nhà đàm phán sẽ linh hoạt và đầy trí tuệ, thương lượng được một công thức linh hoạt. Nếu người Mỹ Việt Nam nhất trí được về quy tắc xuất xứ nội khối, thì lợi ích của dệt may sẽ rất lớn. Việt Nam hiện xuất khẩu đứng thứ 2 vào thị trường Mỹ sau Trung Quốc. Có điều, mình có được giá trị gia tang đáng kể gì từ doanh thu lớn đó không hay là mình chỉ là giúp tiêu thụ vải cho người thứ ba.

8. Còn hậu TPP, đâu là điểm có thể gây rắc rối?

Lao động và  các tiêu chuẩn kỹ thuật! TPP dẫn Tuyên bố ILO 2008 về quyền của người lao động, trong đó có quyền tự do thành lập nghiệp đoàn. Điều này cần kiểm tra có tương thích với thực tiễn thực thi pháp luật lao động Việt Nam. Đoàn đàm phán Việt Nam khi đàm phán cho là không vấn đề gì về điều này, công đoàn ở Việt Nam được cho là về cơ bản là đại diện tốt cho người lao động. Thực tế cần xem xét thêm. Nhiều tổ chức công đoàn Việt Nam đôi khi có khó khan trong việc độc lập với giới chủ để dũng cảm bảo vệ người lao động. Nhìn lại những năm qua, 100% các cuộc đình công Việt Nam là bất hợp pháp, chúng được dẫn dắt và tổ chức bởi các lực lượng không phải là công đoàn. Đó là dấu hiệu cho thấy việc thực thi pháp luật pháp còn nhiều bất cập.

Bất kỳ một sự chênh lệch nào giữa điềunước ta đã cam kết trong TPP với những quy định trong nước, sau này nếu nhà đầu tư phát hiện được, họ sẽ không tố ra tòa án quốc nộisẽ tố ra một thứ trung tâm có tính chất trọng tài ở nước ngoài (một trong những nội dung của TPP là cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trung tâm trọng tài như vậy, điều Việt Nam cần phải rất cân nhắc khi đàm phán-PV). Phán quyết của trọng tài là bắt buộc, nó ảnh hưởng ngay lập tức đến chính sách điều tiết về thuế. Nếu trung tâm đó phán quyết chính sách nước ta đã không tuân thủ đúng với cam kết thì ngay lập tức các nước sẽ rút lại  chính sách thuế quan 0% .

9. Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động chính của TPP. Liệu họ có thể chủ động đến mức nào trong việc chuẩn bị cho cuộc chơi này?

TPP là cuộc thương lượng, mặc cả, nhân nhượng lẫn nhau, toàn bộ chi tiết vẫn được bảo mật. Nhưng đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam đã tạo kênh tham vấn doanh nghiệp trong quá trình đàm phán và mở cửa cho doanh nghiệp tham gia. Có một cơ hội để tham gia, ví dụ Trung tâm Hội nhập quốc tế WTO của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Các vòng đàm phán, Trung tâm này đều thông tin đến doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiếng nói. Vì thế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội được thông tin, được tham gia và thảo  luận, được lắng nghe…  Quan tâm của các vị là gì, nội dung đàm phán có thể gây sức ép gì đến việc kinh doanh của các vị, mong quý vị doanh nghiệp hãy bày tỏ với Chính phủ. 

Popular posts from this blog

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due
  Pham Duy Nghia graduated at Leipzig University in Germany (LLB 1988, PhD 1991). He was a Fulbright visiting scholar at Harvard Law School (2001-2002). At Fulbright University Vietnam he teaches Law and Public Policy, Public Governance, Research Methods of Public Policy. As arbitrator Prof Pham Duy Nghia has served in more than 100 cases hearing transnational business disputes, including commercial, investment, construction, insurance, corporate disputes, M & A and intellectual property disputes. Besides teaching, research, and practicing law, Pham Duy Nghia is a frequent commentator in leading newspapers and media in Vietnam. The areas concerned include protection of basic citizen’s right, voice and accountability in public governance, regulatory quality, rule of law and access to justice.

Đoán định tư pháp là gì?

Bài viết ngắn dưới đây góp phần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau đây: (i) Đoán định tư pháp là gì, ra đời trong bối cảnh nào, có ảnh hưởng gì trong ngành tư pháp trên thế giới, (ii) Ngành tư pháp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để chủ động ứng xử với xu thế Đoán định tư pháp [1] . Đoán định tư pháp (Predictive Justice) là gì? 1.       Đoán định tư pháp là một xu thế thay đổi cung cách cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động xét xử của tòa án, dưới sức ép của thời đại dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý (Legal Tech start-up), cung cấp những giải pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng của các công nghệ thông minh. 2.       Xu thế này bắt nguồn từ những nỗ lực cung cấp nguồn luật mở (open data) từ 50 năm nay. Do công nghệ thay đổi rất nhanh (máy tính, vật liệu bán dẫn, chip điện tử, mạng Internet, các thuật toán dẫn tới trí tuệ nhân tạo), 50 năm qua máy tính đã thông minh hơn 1,