Skip to main content

PHÁP LUẬT VÀ SỰ ĐA DẠNG VĂN HOÁ - MỘT SỐ PHÁC THẢO TỪ THỰC TIỄN VIỆT NAM

Pham Duy Nghĩa: Tham luận tại Đại hội 17, Hội Luật gia dân chủ thế giới, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội 08/06/2009

1. Nhận diện vai trò của pháp luật và văn hoá
1.1. Ngoài đời sống kinh tế và chính trị, đời sống văn hoá các dân tộc cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình toàn cầu hoá. Các giá trị văn hoá Phương Tây tràn ngập ở Việt Nam, lối sống hưởng thụ, sự đòi hỏi giải phóng các quyền cá nhân, sự xuất hiện không thể dập tắt của chủ nghĩa tôn trọng nhân cách cá nhân đang là những chủ đề lớn ở Việt Nam. Giữ lấy quốc tính, quốc tuý, quốc hồn- mà người ta kêu gọi là giữ lấy bản sắc dân tộc- đang là một mơ ước không dễ thực hiện đối với các dân tộc yếu, thiếu cá tính và dân tộc tính.
1.2. Một quốc gia với gần 60 tộc người- đôi khi khá khác nhau về nhân chủng- có nhiều vấn đề riêng về chính sách văn hoá, song trên hết sẽ là những chính sách hoà hợp văn hoá dân tộc, tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích các cộng đồng người chung sống trong sự đa dạng về văn hoá. Ngoài ra, giữ gìn những gì thuần Việt trong sự hối thúc liên tục của văn hoá ngoại lai cũng sẽ là những chủ đề lớn. Khác với các quốc đảo như Nhật Bản hay Anh Quốc, người Việt Nam dường như quen với sự pha tạp văn hoá. Mặc dù có nhiều triều đại đã tìm cách giam dân tộc cách biệt với thế giới bên ngoài, song về cơ bản, cởi mở, quen với thế giới bên ngoài, dễ hoà đồng và cũng dễ có nguy cơ tan biến bản sắc- có vẻ như là một đặc trưng của người Việt.
1.3. Để thực hiện những đường lối ấy, chính sách của các nhà nước Việt Nam về cơ bản khuyến khích và bảo hộ sự chung sống hoà bình và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. So với các xứ giàu có, ở một xứ nghèo như Việt Nam hầu như không có chủ nghĩa bài ngoại hay phân biệt giống nòi, tôn giáo hay sự phân biệt đối xử do khác biệt văn hoá trong pháp luật Việt Nam. Hầu như người Việt Nam không gặp phải những vấn đề của chủ nghĩa cực đoan, bài ngoại, phân biệt chủng tộc, ở Việt Nam dường như chưa có xung đột nặng nề về sắc tộc hay tôn giáo. Bởi lẽ đó, pháp luật Việt Nam về những vấn đề này dường như khá mờ nhạt, ít được bàn luận trong giới luật học Việt Nam.

2. Sự đa dạng văn hoá bản địa ở Việt Nam
2.1. Trên thực tế nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình khuyến khích văn hoá bản địa-thường được gọi là văn hoá các dân tộc, đã có những kênh truyền hình, đài phát thanh, những chương trình dạy và học tiếng dân tộc, những chương trình khuyến khích duy trì ngôn ngữ, sắc phục, tập quán và dân tộc tính các tộc ít người.
2.2. Các dân tộc ít người có đại diện trong chính quyền các cấp, thậm chí lần đầu tiên, ông Nông Đức Mạnh, một đại diện của dân tộc thiểu số giữ cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam từ hai nhiệm kỳ nay. Dường như có tỷ lệ ấn định về chính sách cán bộ đối với các dân tộc ít người. Các chế độ đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn, tuyển dụng nhân sự đều có những chỉ tiêu khuyến khích sự tham gia của các tộc ít người trong bộ máy chính quyền và các đoàn thể xã hội làm vệ tinh cho nhà nước.
2.3. Trong âm nhạc, văn học, hội hoạ, ẩm thực.. sự hoà quyện chung sống giữa các tộc người ở Việt Nam dường như rất tự nhiên. Mặc dù vậy, nhà nước khuyến khích sự chung sống này bằng cách cấp kinh phí cho các sinh hoạt và giao lưu văn hoá.
2.4. Trong chính sách trấn áp tội phạm, chính sách hình sự của Việt Nam có đề cập tới những tội danh chống phá khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Mọi hành vi tuyên truyền và chống đối chính sách này, tuỳ mức độ nguy hại, đều có thể được xử lý bởi các chế tài theo luật vi cảnh hoặc luật hình sự.
2.5. Trong tương lai, khi các nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt, khi cơ sở kinh tế của các tộc người có thể bị ảnh hưởng khác nhau bởi những chính sách kinh tế, có thể những mâu thuẫn sắc tộc có nguy cơ ngấm ngầm xuất hiện. Tuy nhiên, điều này dường như chưa được nghiên cứu và dự báo đầy đủ ở Việt Nam.

3. Sự du nhập văn hoá ngoại lai
3.1. Trong mối quan hệ văn hoá hết sức đặc biệt với Trung Hoa, nguy cơ bị Hán hoá trong tư duy, trong thưởng thức văn hoá, phim ảnh, trong lối sống và nhận chân các giá trị… là rất lớn ở Việt Nam. Điều này giải thích kể cả trong những năm tháng quan hệ không thân thiện giữa hai chính quyền Việt Nam và Trung Hoa, mô hình cải cách, thể chế nhà nước và xã hội Trung Hoa vẫn có sức hút đáng kinh ngạc ở Việt Nam. Sự lan truyền văn hoá Trung Hoá thể hiện rất rõ trong giao lưu văn hoá, kinh tế của các tộc ít người phía Bắc, song cũng hiện hiện rõ trong sinh hoạt của người Kinh, tộc đông người nhất ở Việt Nam và ở phía Nam.
3.2. Dường như nhà nước Việt Nam chưa có chính sách đáng tin cậy nào nhằm đối phó với sức cuốn hút Hán hoá và giữ gìn dân tộc tính. Điển hình là số lượng phim ảnh của truyền hình nhà nước chịu ảnh hưởng nặng lề của văn hoá Trung Hoa. Cũng như vậy, các sinh hoạt chính trị, thể chế nhà nước, các cuộc cải cách về cơ bản rất tương đồng với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Người ta bảo trẻ con đôi khi thuộc sử Trung Quốc hơn cả sử Việt, đây là những cảnh báo hết sức nghiêm trọng, không thể bỏ qua.
3.3. Giữ lấy quốc tính, tự tin khi định chân giá trị và du nhập văn hoá Trung Hoa là một đòi hỏi chính sách hết sức cấp thiết trước sự bành trướng về thế lực và văn hoá-quyền lực mềm của Trung Hoa. Cuộc diễn biến hoà bình này đôi khi nguy hại tới an ninh quốc gia, bởi xâm thực văn hoá bản chất cũng là những cuộc xâm lăng, áp đặt chân giá trị, lối sống và cách nghĩ đối với các dân tộc khác.
3.4. Ngoài nguy cơ Hán hoá, ảnh hưởng của văn hoá Hàn Quốc và Nhật Bản trong giới trẻ Việt Nam là không thể chối cãi. Điều này có lý do từ sự chủ động khuếch trương văn hoá của các nhà nước Nam Hàn và Nhật Bản. Về điều ngược lại, dường như chính sách văn hoá của Việt Nam mang nặng tính thụ động, chống đỡ, mà chưa vươn tới khuếch tán, hoan ngênh tinh thần Việt ở nước ngoài. Ví dụ nhà nước Việt Nam dường như chưa có cố gắng mở các nhà văn hoá Việt Nam ở hải ngoại, ít có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích xuất khẩu các chương trình văn hoá, phim ảnh và nghệ thuật đặc sắc của Việt tộc ở hải ngoại.
3.5. Cuộc gặp gỡ Đông-Tây đã diễn ra đẫm máu ở Việt Nam trong vài thế kỷ qua, song giao thoa văn hoá với Phương Tây, được hiểu trước hết là văn hoá Âu-Mỹ vẫn tiếp diễn mạnh mẽ không ngừng. Chủ nghĩa tiêu dùng, tôn thờ tiền bạc, tự do tình dục, tự do cá nhân là những con sóng lớn ngày đêm vỗ trực tiếp vào văn hoá nông dân của người Việt Nam. Dường như chính sách nhà nước chưa thật sự mạnh trong giới hạn tiêu dùng, khuếch trương tinh thần cộng đồng và thiện nguyện. Điển hình là sự thả lỏng quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình quốc doanh; khuếch trương tiêu dùng có thể nhìn thấy trong sự hỗn độn và lố nhố của rừng biển quảng cáo ở tất cả các đô thị Việt Nam. Đây là một chủ đề rất lớn có thể phải tranh luận thêm.

4. Môi trường sống đa văn hoá và giáo dục ý thức khoan dung
4.1. Trong một bài báo Xuân 2009, tôi đã nhấn mạnh nhu cầu giáo dục sự khoan dung trong xã hội Việt Nam. Tâm lý của người chiến thắng sau năm 1975, tâm lý tự hào về tính ưu việt của chế độ XHCN đối với các chế độ tư hữu khác, tâm lý nhận định rằng đảng viên là những đại diện ưu tú của dân tộc, chế độ xét duyệt con người dựa trên lí lịch và nhiều điều khác đã làm cho khoan dung trở thành một chủ đề ít được nghiên cứu ở Việt Nam. Có vẻ như sự đa dạng trong cách suy nghĩ, cách nói, sự đa dạng trong cách hành xử, ăn mặc vẫn còn gây ra nhiều sự khó chịu trong tư duy của người quản lý văn hoá.
4.2. Trong một xã hội ngày càng đa dạng về văn hoá và sắc tộc, năng lực sống khoan dung trở nên hết sức quan trọng. Khoan dung giúp giữ lấy cái riêng có của dân tộc mình và không dị ứng gay gắt với cái khác lạ của các tộc người hoặc nhóm văn hoá khác.
4.3. Đồng thời với khoan dung, nhận định lại về chủ nghĩa cá nhân và động lực phát triển cho toàn xã hội từ khuếch trương tự do cá nhân cũng cần được bàn luận thêm. Nếu tiếp tục chống chủ nghĩa cá nhân, vô thức người Việt Nam bị tụt lại bởi chủ nghĩa bình quân, cào bằng và cản trở sáng tạo.


5. Văn hoá, vốn xã hội và pháp luật
5.1. Văn hoá là một phần to lớn tạo nên sức mạnh mềm, đủ sức chống chọi lại các cuộc xâm lăng, giúp một dân tộc tự tin và lấy lại nghị lực.
5.2. Chính sách về văn hoá vì lẽ ấy phải khuếch trương sức mạnh văn hoá của người Việt Nam, tạo dựng niềm tin và các giá trị khác tạo nên vốn xã hội. Các chính sách của nhà nước phải góp phần tạo dựng niềm tin giữa người dân với chính quyền, từ cấp xã cho tới trung ương, tạo dựng niềm tin trong gia đình, đồng nghiệp, niềm tin giữa chủ và thợ. Thiếu niềm tin, Việt Nam có thể có công nghiệp hoá, song không có chất lượng Việt, không có hàng Việt và sức mạnh Việt.
5.3. Trong xây dựng những chính sách ấy, pháp luật có một vai trò đáng kể, giúp thể chế hoá các chính sách thành quy phạm và thiết chế thực thi các quy phạm đó. Pháp luật là một phần của văn hoá, là một phần của thượng tầng kiến trúc theo cách nói của người Đức, song ngược lại, pháp luật cũng là những nền móng hạ tầng giúp xây dựng niềm tin, sự tự tin và ứng xử khoan dung giữa con người trong xã hội đa văn hoá./.

Comments

Popular posts from this blog

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due

Đoán định tư pháp là gì?

Bài viết ngắn dưới đây góp phần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau đây: (i) Đoán định tư pháp là gì, ra đời trong bối cảnh nào, có ảnh hưởng gì trong ngành tư pháp trên thế giới, (ii) Ngành tư pháp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để chủ động ứng xử với xu thế Đoán định tư pháp [1] . Đoán định tư pháp (Predictive Justice) là gì? 1.       Đoán định tư pháp là một xu thế thay đổi cung cách cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động xét xử của tòa án, dưới sức ép của thời đại dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý (Legal Tech start-up), cung cấp những giải pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng của các công nghệ thông minh. 2.       Xu thế này bắt nguồn từ những nỗ lực cung cấp nguồn luật mở (open data) từ 50 năm nay. Do công nghệ thay đổi rất nhanh (máy tính, vật liệu bán dẫn, chip điện tử, mạng Internet, các thuật toán dẫn tới trí tuệ nhân tạo), 50 năm qua máy tính đã thông minh hơn 1,

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v