Skip to main content

Bao ve nguoi tieu dung VN

Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (đề tài của Bộ Tư pháp 6/2008)

Báo cáo phúc trình (gồm gần 200 trang) và Phụ lục với 15 chuyên đề (gần 280 trang tư liệu). Sau khi đọc tài liệu, tôi xin được đóng góp cùng Ban chủ nhiệm đề tài một số ý kiến như sau:

[1] Tổng quan: Đề tài đặt trọng tâm nghiên cứu vào cơ chế pháp lý, hiểu ít nhất theo hai bình diện gồm quy định pháp luật và các thiết chế thực thi pháp luật, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Dựa trên 15 chuyên đề của các cộng tác viên, Báo cáo phúc trình có cấu trúc gồm 4 chương lớn: (i) những vấn đề lý luận, (ii) đánh giá thực trạng, (iii) kinh nghiệm nước ngoài và quốc tế, (iv) những đề xuất cụ thể xây dựng và vận hành cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. Đánh giá chung, theo cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng đề tài nghiên cứu có mục đích rất xác định, khá hẹp, các mục tiêu nghiên cứu có tính khả thi, thành phần cộng tác viên tham gia nghiên cứu đều là những chuyên gia có uy tín và có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu nhiều năm liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng; bố cục của Báo cáo phúc trình lô-gích, các nhận định và nhất là các đề xuất về chính sách lập pháp ở chương IV có giá trị tham khảo cao. Bản báo cáo đã tổng kết nhiều lĩnh vực pháp luật có liên quan, tham khảo nhiều tư liệu có giá trị trong và ngoài nước, tham khảo nhiều báo cáo ngành. Việc trích dẫn được thực hiện tốt, các nguồn tư liệu dễ truy cập và có thể thẩm định được.

[2] Phương pháp nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu chính là nghiên cứu tư liệu (desk study), tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, mời chuyên gia từ thực tiễn (toà án, cục cạnh tranh, hiệp hội), nghiên cứu so sánh, đánh giá thực tiễn từ các báo cáo, nhất là báo cáo của ngành quản lý thị trường và khảo sát thông từ từ phản ánh của báo chí, cập nhật tới tháng 6 năm 2008. Để lập luận cho các chính sách xây dựng pháp luật, ví dụ xây dựng Luật bảo vệ người tiêu dùng, các phương pháp nghiên cứu ấy là đủ và phù hợp. Tuy nhiên, nếu muốn đánh giá thói quen ứng xử của người tiêu dùng Việt Nam khi quyền cơ bản của họ bị phạm, từ đó đề xuất ra những chính sách thực thi pháp luật cụ thể hơn (ví dụ thay đổi, đơn giản hoá thủ tục tố tụng dân sự thuận lợi cho người tiêu dùng, thay đổi nghĩa vụ chứng minh, tăng nghĩa vụ của nhà sản xuất, đơn giản hoá thủ tục lập hội tiêu dùng, tăng tính răn đe của phạt hành chính và chế tài hình sự), cần có điều tra xã hội với từng nhóm người tiêu dùng, có thể phân loại theo khu vực dân cư, mức thu nhập hay các tiêu chí khác. Kết quả điều tra có thể củng cố thêm lập luận vì sao người tiêu dùng Việt Nam thường cam chịu, ít khả năng liên kết, ít có cơ hội thách thức các nhà sản xuất. Kết quả điều tra có thể cũng hé mở những nhận định về thái độ của cơ quan nhà nước Việt Nam hiện nay cũng chưa hẳn đã sẵn lòng vì người tiêu dùng, dưới sức ép của tăng trưởng, tạo việc làm và tăng thu ngân sách, đôi khi người ta phải chiều theo sức ép của khu vực doanh nghiệp hơn là từ cộng đồng dân cư. Chắc rằng đề tài sắp được nghiệm thu, song để các nhận định tại mục 3.2 (tr. 101-106) có thêm cơ sở, cần có một cách tiếp cận thực tiễn, ít nhất từ giác độ của những người tiêu dùng nhỏ lẻ. Có vẻ như các công cụ pháp lý theo pháp luật hiện hành không hẳn đã thiếu, có chăng là các điều kiện để giúp người tiêu dùng thực thi các công cụ ấy.

[3] Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Nhóm nghiên cứu đã quan niệm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng chí ít liên quan đến 8 hoặc 9 lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ định chuẩn, đo lường, cấp phép, nhãn sản phẩm, khế ước, bồi thường dân sự, phạt hành chính, hình sự, khởi kiện tập thể, tr. 16-20. Dựa theo quan niệm này, các đánh giá pháp luật thực định cũng trải rộng từ pháp luật hành chính, hình sự, dân sự cho tới tố tụng dân sự có liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là cách tiếp cận đúng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn, vì khoa học hành vi thường là những khoa học liên ngành. Ít nhất, trong chương 1, theo tôi nên bổ sung một số phân tích khái quát về tương tác ba bên: nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng nhằm điều tiết sự bất cân xứng về cơ hội như đã nêu trong báo cáo, ví dụ như:
- Người tiêu dùng sẽ được bảo hộ tốt hơn, nếu doanh nhân có một trách nhiệm xã hội rõ hơn, văn hoá kinh doanh, cạnh tranh và những hối thúc trách nhiệm đối với sản phẩm cao hơn.
- Người tiêu dùng cũng được bảo vệ tốt hơn, nếu cơ quan hành chính, toà án, nói chung là nhà nước bớt lệ thuộc vào sức mạnh của doanh nghiệp-những người có thế lực tài chính, mà chịu sức ép tăng thêm với cử tri.
- Cũng như vậy, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn, nếu báo chí tự do điều tra và đưa tin, nếu người tiêu dùng tự do lập hội, tự do quyên góp tài chính để khởi kiện với sự hậu thuẫn của công luận.
Có vẻ như, nếu có nhiều cơ hội để lựa chọn, để yêu cầu cung cấp thông tin, để tự do lập hội và truy đòi công lý, người tiêu dùng nước ta mới có thể sử dụng được các quyền của mình. Những nhận định từ nghiên cứu liên ngành này có lẽ nên có thêm trong phần dẫn luận ở chương 1.

[4] Đánh giá số liệu: Tham khảo số liệu từ nhiều ngành, nếu có thể, theo thiển nghĩ của tôi, Ban chủ nhiệm đề tài nên có những đánh giá, càng nghiêm khắc phê phán càng tăng thêm giá trị nghiên cứu. Ví dụ, các báo cáo của ngành quản lý thị trường tại trang 37 của Báo cáo phúc trình nên được đánh giá, đọc các thông số về vụ việc được ngành quản lý thị trường xử lý từ 2003-2007 người ta không khỏi có một vài thắc mắc, bởi trong khi thu nhập của người dân tăng nhanh, giao lưu thị trường tăng theo cấp số nhân, song hình như lượng công việc của ngành quản lý thị trường có vẻ tuần tự như tiến như đã được kế hoạch định lượng sẵn. Cũng như thế, nếu có điều kiện, nên bổ sung thống kê về số vụ án đã được khởi tố về các tội liên quan đến người tiêu dùng qua các năm (quảng cáo gian dối, lừa đối khách hàng, làm hàng giả, …).

[5] Hình thức đồ hoạ: Phần trình bày về các cơ quan nhà nước có liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng (ít nhất 7 bộ, các đài và UBND các tỉnh, tr. 41-44) có vẻ được lặp lại một cách không cần thiết ở các trang 57-60. Về điểm này, nếu nhóm nghiên cứu sử dụng đồ hoạ để khái quát các cơ quan chức năng thì báo cáo có thể sẽ cô đọng hơn. Cũng như vậy, đối với các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng, nên khái quát bằng đồ hoạ những hành vi phổ biến, có thể dẫn nhập ngay ở phần đầu mục 1.1. của chương 2 (tr. 33). Làm như vậy người đọc sẽ có thể nắm tình hình bao quát hơn, sau khi đó sẽ minh hoạ bằng 7 trang tiếp theo (tr. 33-40). Phần chế tài có thể cũng khái quát được bằng đồ hoạ, ví dụ chế tài dân sự, hành chính, hình sự. Thậm chí các khuyến nghị cũng có thể sắp xếp cô đọng dễ theo hõi hơn trước khi đi vào từng kiến nghị chính sách chi tiết.

[6] Bảng liệt kê: Vì bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến 8-9 lĩnh vực pháp luật khác nhau, nhiều trang trong báo cáo phúc trình đã liệt kê thành tựu lập pháp trong nhiều lĩnh vực từ nhãn mác, quản lý thị trường, thanh tra y tế, an toàn thực phẩm.., xem các trang 61-70. Có thể dùng các bảng liệt kê các văn bản này, tốt nhất đưa vào các phụ lục, trong phần đánh giá chỉ nên nêu tóm tắt chủ đích và các quy định đặc trưng của các văn bản đó. Cũng như vậy, đối với các thiết chế thực thi, các tác giả nên lập một bảng kê tóm tắt, ví dụ tên cơ quan, quyết định thành lập, chức năng chính, nhân lực hay năng lực bộ máy, thẩm quyền, thực tế thi hành pháp luật, các đánh giá khác. Từ bảng này, có thể mới hé mở nhu cầu sáp nhập hay tăng cường năng lực cụ thể cần được đề xuất trong chương IV, xem nhận xét số 9 dưới đây.

[7] Đánh giá pháp luật: Một phần giá trị gia tăng đáng kể của nghiên cứu này được thể hiện ở mục III của chương III (tr. 89-109), tại đây nhóm nghiên cứu đưa ra các đánh giá về hệ thống văn bản pháp quy và thiết chế thực thi pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Đôi khi phần này được viết như là rà soát, đối chiếu văn bản pháp quy làm cơ sở cho việc pháp điển hoá vào Dự luật bảo vệ người tiêu dùng sau này. Các nhận xét về cơ bản đều rất xác đáng. Tôi chỉ góp thêm một vài quan sát như sau:
- Thứ nhất, đối với doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội phải được đề cao, nếu vi phạm thì mức phạt hành chính phải đủ đau đớn để có sức răn đe, mức phạt 15-300 triệu đồng có vẻ như là quá yếu ớt, nhóm nghiên cứu nên bàn thêm về các chế tài khác như phạt theo mức độ vi phạm (Luật SHTT đã đưa ra mức phạt gấp 5 lần mức vi phạm) cấm kinh doanh, rút giấy phép, giải thể cưỡng bức, truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân với các vấn đề như sức khoẻ cộng đồng, an toàn thực phẩm, ô nhiễm. Tức là phải tăng đáng kể sức răn đe của chế tài, đánh trúng vào túi tiền của doanh nghiệp. (Ví dụ: nếu ô-tô có lỗi bị bốc cháy không rõ nguyên nhân, nguy hại cho người tiêu dùng và cộng đồng, thì chủ hãng phải thu hồi toàn bộ dòng xe và trả lại tiền cho tất cả người mua, chứ không đền bù cá nhân như hiện nay).
- Thứ hai, nên khai thác thêm các quy định đặc thù bảo vệ người tiêu dùng trong tố tụng, ví dụ tự do hơn khi lập hội tiêu dùng, sự hỗ trợ của nhà nước đối với hội tiêu dùng (kinh phí, mặt bằng, hỗ trợ pháp lý, tăng nguồn thu…), sự hỗ trợ của xã hội đối với các hội tiêu dùng (tư vấn miễn phí, hỗ trợ pháp lý), đảo ngược nghĩa vụ chứng minh, thay đổi quy định về tạm ứng án phí dân sự, class action và những nhân nhượng khác giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi khiếu nại hoặc khởi kiện.
- Thứ ba, ở đâu đó trong hệ thống các thiết chế nên bàn thêm về vai trò của báo chí và công luận, vừa phản ánh, vừa dung dưỡng, nuôi thêm vị thế thượng đế của người tiêu dùng, vừa đấu tranh không khoan nhượng hối thúc cơ quan nhà nước phải thực thi chức trách bảo vệ nhân dân trước những sai phạm rõ rệt của khu vực doanh nghiệp.

[8] Đánh giá kinh nghiệm nước ngoài: Báo cáo phúc trình dành một chương khá lớn (tr. 110-160) nhằm điểm suốt kinh nghiệm nhiều nước và quốc tế (OECD) cũng như các cố gắng đa phương khác nhằm năng cao vị thế của người tiêu dùng trước sức ép ngày càng trội hơn của các nhà sản xuất, cung ứng hàng hoá. Có vẻ như bảo vệ người tiêu dùng đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Có thể trong phần kết luận (tr. 157-160) các tác giả nên bàn thêm vì sao chính sách bảo vệ người tiêu dùng trở nên quan trọng, quan trọng cho ai (chỉ đối với người tiêu dùng, hay quan trọng cả với tính cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân), chính sách này chỉ thành công khi nào, và với các nước rất nghèo, như Việt Nam, thì chính sách này thường hay đổ vỡ ở những khâu nào.

[9] Chính sách ưu tiên và các kiến nghị: Nhóm nghiên cứu đưa ra những đề xuất chính sách rất cụ thể và có giá trị, có vẻ như gồm 3 phần, phần 1 là các yêu cầu đặt hàng đối với một dự luật thống nhất về bảo vệ người tiêu dùng (các yêu cầu và giải pháp đã rất cụ thể, rất hữu ích đối với nhóm biên tập và ban soạn thảo dự luật). Phần kiến nghị thứ 2 bàn về các thiết chế thực thi và phần thứ ban gồm các kiến nghị liên quan đến điều kiện nhân lực, ngân sách, dư luận và các yêu cầu xã hội khác giúp cho việc bảo vệ người tiêu dùng được thực tế hơn. Có vẻ như các kiến nghị tại phần 2 và 3 (các trang 185-191) cần được gia cố thêm, ví dụ nên nhấn mạnh về phối hợp hành động, hợp tác chiến lược và chia sẻ thông tin giữa 8-9 cơ quan nhà nước cùng có thẩm quyền liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, nên có ưu tiên chính sách (ví dụ an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ cộng đồng), nên dựa vào các đánh giá về năng lực thể chế cụ thể ở chương 2 để bàn luận thêm (thẩm quyền, nhân lực, quyền ban hành chế tài, quyền điều tra..). Nên suy tính để tăng tính độc lập điều hành (regulatory independence) của các cục này đối với các bộ chuyên ngành. Có thể mạnh dạn đề xuất sát nhập một số cục liên ngành, xây dựng hệ thống chi cục theo khu vực, không theo địa giới hành chính, và như đã bàn luận ở trên, nên quan tâm hơn đến quyền tự do lập hội, quyền tiệm cận công lý của người tiêu dùng, quyền tự do điều tra và đưa tin của báo chí liên quan đến các vụ việc bảo vệ người tiêu dùng.
Tôi đã đọc 15 chuyên đề, nội dung các chuyên đề đều đã được tổng hợp vào báo cáo phúc trình, vì vậy xin không được nhận xét thêm về các chuyên đề này.

Comments

Popular posts from this blog

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due

Đoán định tư pháp là gì?

Bài viết ngắn dưới đây góp phần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau đây: (i) Đoán định tư pháp là gì, ra đời trong bối cảnh nào, có ảnh hưởng gì trong ngành tư pháp trên thế giới, (ii) Ngành tư pháp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để chủ động ứng xử với xu thế Đoán định tư pháp [1] . Đoán định tư pháp (Predictive Justice) là gì? 1.       Đoán định tư pháp là một xu thế thay đổi cung cách cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động xét xử của tòa án, dưới sức ép của thời đại dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý (Legal Tech start-up), cung cấp những giải pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng của các công nghệ thông minh. 2.       Xu thế này bắt nguồn từ những nỗ lực cung cấp nguồn luật mở (open data) từ 50 năm nay. Do công nghệ thay đổi rất nhanh (máy tính, vật liệu bán dẫn, chip điện tử, mạng Internet, các thuật toán dẫn tới trí tuệ nhân tạo), 50 năm qua máy tính đã thông minh hơn 1,

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v