Bài viết ngắn dưới đây góp phần
tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau đây: (i) Đoán định tư pháp là gì, ra đời
trong bối cảnh nào, có ảnh hưởng gì trong ngành tư pháp trên thế giới, (ii)
Ngành tư pháp Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào để chủ động ứng xử với xu thế
Đoán định tư pháp[1].
Đoán định tư pháp (Predictive Justice) là gì?
1.
Đoán định tư pháp là một xu thế thay đổi cung
cách cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động xét xử của tòa án, dưới sức
ép của thời đại dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), với sự xuất hiện
của các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý (Legal Tech start-up), cung cấp
những giải pháp tư vấn, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng của các công nghệ thông
minh.
2.
Xu thế này bắt nguồn từ những nỗ lực cung cấp
nguồn luật mở (open data) từ 50 năm nay. Do công nghệ thay đổi rất nhanh (máy
tính, vật liệu bán dẫn, chip điện tử, mạng Internet, các thuật toán dẫn tới trí
tuệ nhân tạo), 50 năm qua máy tính đã thông minh hơn 1,5 triệu lần so với phiên
bản đầu tiên, thông tin được lưu trữ và chia sẻ ngày càng tiện lợi, nhanh, quy
mô lớn, với giá thành ngày càng thấp. Trong ngành luật, những cuộc cách mạng
công nghệ này giúp tạo ra nguồn dữ liệu mở (open data) vô cùng đa dạng về các
nguồn luật (luật thành văn, quy định hành chính, các bản án, bình luận, diễn giải).
3.
Đồng thời với nguồn dữ liệu luật mở rộng nhanh
chóng, xuất hiện nhu cầu dẫn chiếu, diễn dịch, tra cứu chéo, cập nhật, thống kê
và phân tích nguồn luật. Nhu cầu này xuất phát từ bản chất nghề luật là tra cứu
diễn giải khái niệm. Người dân, doanh nghiệp, các luật sư, điều tra viên, công
tố, thẩm phán đều tham gia tạo nên nhu cầu lớn thúc đẩy sự ra đời của công nghệ
phân tích/giải tích pháp luật (legal analytics), thu thập mọi dữ liệu ngành luật
(quy định, cách giải thích, các ứng dụng trên thực tế, mức độ và tần suất áp dụng,
cách ứng xử của từng tòa, từng thẩm phán...), thiết kế các phần mềm tự học, tự
đưa ra lời giải cho các vấn đề pháp lý. Nhiều đại học, ví dụ Stanford, giúp
phát triển các phần mềm với trí tuệ nhân tạo hỗ trợ xử án[2].
4.
Vào cuối năm 2018, theo thống kê của Tạp chí
kinh doanh Forbes, có khoảng 600 công ty khởi nghiệp kinh doanh công nghệ pháp
lý (Legal Tech start up), cung cấp các phần mềm ứng dụng, phục vụ các dịch vụ
pháp lý, với vốn đầu tư tăng tốc gấp hơn 7 lần so với năm 2017. Phần lớn các
công ty đó có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và Anh, chỉ có một số ít công ty từ Châu Âu
và Nhật Bản[3]. Các công ty có
ảnh hưởng lớn đến dịch vụ pháp lý toàn cầu có thể kể đến như Lex Machina, Legal
Robot, Case Text, Ravel Law, IBM Watson, Luminance[4].
Với chi phí truy cập không quá cao (trên dưới 50 USD/tháng), bất kỳ ai cũng có
thể truy cập và sử dụng tiện ích thông minh của các công ty khởi nghiệp này, để:
-
Tìm kiếm thông tin pháp lý về vụ việc, tình huống
mà mình quan tâm;
-
Tra cứu các án lệ, quyết định, quy định hành
chính về việc mình quan tâm;
-
Tra cứu so sánh các tình tiết tương tự (facts),
các sự kiện và vấn đề pháp lý tương tự (issues), các lập luận tương tự
(reasonings);
-
Tìm hiểu với một tình huống như thế, các tòa án,
thậm chí từng thẩm phán có xu hướng sẽ quyết định như thế nào, với mức độ sác
xuất ra sao;
-
Thậm chí nhiều phần mềm còn cho lời tư vấn tự động,
trực tuyến, thay tư vấn của luật sư bằng tư vấn của trí tuệ thông minh (ví dụ
IBM Watson hoặc phần mềm Claudette).
-
Đoán định với một sự kiện và tình huống nhất định,
các giải pháp pháp lý có thể là gì, và giúp lựa chọn giải pháp tối ưu trong thời
gian ngắn, với chi phí thấp hơn, và độ chính xác có thể cao hơn.
5.
Bối cảnh trên đã thay đổi nhanh nhu cầu của
khách hàng, nhất là khu vực doanh nghiệp, thúc ép các hãng luật phải thay đổi
cung cách phục vụ, từ đó lan tỏa sức ép cải cách đến tòa án. Từ đó xuất hiện
khái niệm Predictive Justice[5],
dịch ra tiếng Việt là Đoán định tư pháp. Khái niệm này lan rộng ở Hoa Kỳ và
Anh, cũng bắt đầu lan sang Châu Âu từ vài năm nay[6].
Nói cách khác, đây là một xu thế cung cấp dịch vụ pháp lý thay đổi do thông tin
ngày càng mở, chia sẻ lan nhanh, các ứng dụng máy tính và thuật toán giúp thiết
bị máy móc ngày càng thông minh, biết tự tập hợp thông tin, phân tích, và đưa
ra các lựa chọn, thay thế rất nhanh lao động thủ công của con người trước kia.
6.
Phạm vi ứng dụng phổ biến của các phần mềm và dịch
vụ này hiển nhiên là các lĩnh vực dân sự, kinh doanh, hành chính, bảo hiểm, bồi
thường thiệt hại, hợp đồng, sáng chế, thương hiệu, song cũng lan nhanh sang
hình sự và các lĩnh vực khác như nhân quyền, bảo vệ người tiêu dùng. PredPol là
một phần mềm được cảnh sát nhiều đô thị, bang ở Hoa Kỳ và Anh sử dụng để đoán định
tội phạm (Predictive Policing)[7].
Việc sử dụng thậm chí là phổ biến hơn là được công bố, bởi lẽ cảnh sát các quốc
gia này buộc phải tránh đối mặt với các cáo buộc vi phạm bí mật đời tư và quyền
con người. Thu thập thông tin, phân loại, dự báo, đoán định đối tượng, khu vực,
thời gian có thể xảy ra tội phạm... giúp cảnh sát các quốc gia này can thiệp sớm
và hiệu quả hơn.
7.
Bị cuốn theo trào lưu thay đổi ở Hoa Kỳ và Anh,
các quốc gia Châu Âu cũng bắt đầu thảo luận về ảnh hưởng của Trí tuệ nhân tạo,
Đoán định tư pháp đối với Tòa án và hoạt động nghề nghiệp của các thẩm phán. Cuối
năm 2018, Châu Âu đã ban hành bản Quy tắc đầu tiên dài 79 trang quy định về ứng
dụng Trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của các tòa án Châu Âu[8].
8.
Trung Quốc cũng ráo riết cải cách tòa án và thúc
đẩy ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để cải thiện chất lượng của hoạt động xét xử.
Trong giai đoạn 2014-2017, Trung Quốc đã xây dựng dữ liệu và cập nhật các bản
án toàn quốc bằng các files điện tử, thúc đẩy chủ trương “tình huống tương tự
thì phán xử tương tự”[9].
Cơ sở dữ liệu điện tử Bản án Trung Hoa có khoảng 60 triệu bản án đã được lưu trữ. Tiếp theo, từ Tháng
3/2019, ngành Tòa án
Trung Quốc chủ trương xây dựng “tòa án thông minh”, sử dụng trí tuệ nhân
tạo trong xử lý hồ sơ khởi kiện, sử dụng các thiết bị lưu trữ thông tin thông
minh hơn thúc đẩy cải thiện chất lượng xét xử[10].
9.
Nói tóm lại, Đoán định tư pháp (Predictive
Justice) là một trào lưu xuất hiện trong bối cảnh dữ liệu mở từ các nguồn luật,
các bản án, các học lý được chia sẻ, đóng góp, phân tích, làm tăng giá trị khi
thông tin được chia sẻ, chúng trở thành các dữ liệu lớn. Góp phần vào nguồn tài
nguyên đó là hành vi hàng ngày của Chính phủ, cơ quan lập pháp, các tòa án, các
luật sư, doanh nghiệp và người dân. Trí tuệ nhân tạo giúp tập hợp, phân tích,
đưa ra các lựa chọn và giải pháp pháp lý, từng phần thay thế công việc mà con
người trước kia phải làm một cách thủ công. Các phần mềm ấy ngày đêm lặng lẽ
gom nhặt, phân tích, và tự học thêm từ hành vi của tòa án và từng thẩm phán,
giúp cho giới hành nghề đưa ra các lựa chọn nhanh, rẻ hơn, và có thể chính xác
hơn. Những sức ép này thúc đẩy Tòa án, dù là nơi cần bảo thủ, nghiêm cần nhất
trong ngôi nhà pháp luật, cũng phải thay đổi, trở thành tòa án thông minh
(smart court). Từ việc thụ lý, nghiên cứu hồ sơ, tìm án lệ đã tuyên, nhận diện
vấn đề pháp lý, cho tới cân nhắc các đường lỗi xét xử, cho tới soạn thảo bản
án, tất cả các hoạt động này đều có thể được hỗ trợ bởi Trí tuệ nhân tạo.
Ngành Tòa án nước ta có thể chuẩn bị cho xu
thế Đoán định tư pháp như thế nào?
10. Thảo
luận và chuẩn bị ứng xử với xu thế Đoán định tư pháp ở Việt Nam không còn là
quá sớm, vì mấy lẽ:
-
cơ sở dữ liệu mở về luật tăng rất nhanh, một phần
là thành tựu của những nỗ lực thực hiện Chính phủ điện tử và Minh bạch hóa,
song một phần khác cũng do thị trường, với sự đóng góp của tư nhân,
-
việc khai thác, phân loại, phân tích, sử dụng
các cơ sở này tăng lên và đa dạng rất nhanh, đã xuất hiện nhu cầu phân tích các
thông tin này,
-
các bản án đã được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện
tử, được công khai trên mạng, chúng sẽ được các luật sư, thẩm phán khai thác, sử
dụng nhiều hơn,
-
người dân Việt Nam có năng lực và điều kiện tiếp
cận nhanh chóng với các công nghệ mới, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng các tiện
ích thông minh, sử dụng mạng xã hội... rất cao so với mức thu nhập còn tương đối
thấp của nước ta,
-
khi tòa án thúc đẩy tranh tụng và cải thiện dần
chất lượng các bản án, các công ty khởi nghiệp công nghệ pháp luật có thể sẽ xuất
hiện và nhanh chóng cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý qua các phần mềm của họ. Các
dịch vụ này sẽ dần thay đổi nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân, doanh nghiệp
và cách thức cung cấp dịch vụ của luật sư hay thẩm phán.
11. Như
vậy, đối với ngành Tòa án, để xây dựng chiến lược chuẩn bị ứng xử với xu thể
Đoán định tư pháp, các hoạt động dưới đây cần phải tiếp tục được đẩy mạnh:
-
Lưu trữ dưới dạng điện tử, công khai bản án của
tất cả các tòa án;
-
Chuẩn mực hóa các bản án, theo một thể thức nhất
định đêt thông tin được sử dụng nhất quán, dễ dàng hơn, dễ tìm ra các bản án có
tình tiết và vấn đề pháp lý mấu chốt tương đối giống nhau;
-
Khuyến khích các luật sư sưu tầm lập luận của
các bản án đã công bố để tranh luận, thúc đẩy các thẩm phán phải thảo luận, lập
luận, nhất là vì sao lại tuyên án khác so với những án đã công bố (nếu tình tiết
có thể so sánh được với nhau),
-
Khuyến khích thẩm phán sử dụng các thiết bị hỗ
trợ bởi Trí tuệ nhân tạo để tìm các bản án tương tự, các lập luận tương tự, để
đánh giá lại mình có xét xử nhất quán hay không;
-
Tiến hành các cải cách tạo hạ tầng cho áp dụng
Trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của tòa, ví dụ: nhận đơn khởi kiện online, thụ
lý online, lưu trữ các hoạt động thụ lý và nghiên cứu chuẩn bị xét xử bằng các
hồ sơ điện tử, lưu trữ diễn tiến tòa án bằng hồ sơ điện tử, thường chỉ khi có dữ
liệu lớn đáng tin cậy dần thì các phần mềm mới phát huy được giá trị.
Đối với từng thẩm phán, dựa vào lý thuyết trò chơi, khi
một bên nhờ đến dịch vụ của Tòa án, thường người ta có một trục trặc với một hoặc
nhiều bên khác, song chưa tự giải quyết được, mà cần tới sự hỗ trợ của tòa án.
Tùy theo mức đoán định trước của bản án, tùy theo ứng xử của đối tác, theo lý
thuyết trò chơi, có thể phân ra 4 khu vực tương ứng với định hướng giải quyết của
tòa án. Các chiến lược tương ứng sẽ là: (1) Xác lập rõ quyền, (2) Chứng nhận,
xác thực quyền, (3) Thúc đẩy Thương lượng, tự dàn xếp hoặc, (4) đưa ra Phán quyết.
Trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể hỗ trợ người thẩm phán trong các chiến lược
này.
[1]
Trong tiếng Việt, khái niệm đoán định tư pháp xuất hiện khi được Chánh án
TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu tại Hội nghị trực tuyến ngày 10/04/2019 về “Cải cách
tư pháp ở nước ta trong tình hình mới” https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-cai-cach-tu-phap-o-nuoc-ta-trong-tinh-hinh-moi.
Sau đó, Tạp chí Tòa án có bài công bố thứ hai của cùng tác giả trong số Tháng
7/2019 https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quyet-dinh-tu-phap-va-doan-dinh-tu-phap-cua-nguoi-dan-pham-tru-phap-ly-moi-can-quan-tam-trong-thuc-tien-phap-ly-nuoc-ta
[2]
https://engineering.stanford.edu/magazine/article/stanford-algorithm-analyzes-sentence-sentiment-advances-machine-learning
[3]
Valentin Pivovarov, 713%
Growth: Legal Tech Set An Investment Record In 2018, Forbes 15/01/2019
https://www.forbes.com/sites/valentinpivovarov/2019/01/15/legaltechinvestment2018/#5704f27c7c2b
[4]
Lex Machina: https://lexmachina.com/company/
Legal
Robot: https://www.legalrobot.com/ Phân
tích số liệu hợp đồng, Giải nghĩa thuật ngữ luật
Ravel
Law: https://home.ravellaw.com/
Case
Text: https://casetext.com/
IBM
Watson: https://rossintelligence.com/
Luminance: https://www.luminance.com/
[5]
Giovanni Sartor, AI : which uses
for judges and legal professionals ? A historical overview, LUISS
University, Department of Law CIRSFID - University of Bologna European
University Institute of Florence, https://rm.coe.int/artificial-intelligence-which-uses-for-judges-and-legal-professionals-/16808e4cff
[6] AI and predictive
justice in Europe
[7] Predictive Policing: https://ideas.ted.com/justice-in-the-age-of-big-data/ Xem thêm: AI-based predictive policing
systems widely used in US and UK, despite concerns about privacy, and flaws in
the approach