Núp sau cái bóng Trung Hoa, một sự phát triển thần kỳ
khác đã âm thầm xuất hiện ở Á Châu[1].
Với gần 100 triệu
dân, đạt ngưỡng phát triển của Ai-cập và Philippines[2],
sau hơn 30 năm đổi
mới, Việt Nam là một quốc gia cải cách thành công. Bớt dần đói nghèo, cuộc sống của hàng
triệu người được cải thiện, một giai cấp trung lưu đang lớn dần. Đến năm
2035 dự báo một nửa
dân số nước ta sẽ đạt ngưỡng thu nhập được gọi là của giới trung lưu theo mọi
tiêu chuẩn thế giới, với mức chi tiêu trên 15 USD một ngày[3]. Với kim ngạch ngoại thương gấp đôi
GDP, nền kinh tế Việt Nam đã đứng thứ 5 trên thế giới về mức độ mở cửa thị trường,
chỉ đứng sau Luxembourg, Hongkong, Singapore, và Ireland[4]. Cùng
với tiến bộ kinh tế, xã hội đã trở nên tự do và cởi mở hơn.
Đó là những mặt lấp
lánh của tấm huy chương.
Góp phần đạt được những thành tựu đó, các làn sóng cải
cách pháp luật từ 1986 đã liên tục tiếp diễn, giúp hệ thống pháp luật ngày càng
hoàn chỉnh, đầy đủ, ổn định, minh bạch, đáng tin cậy, được thực thi hiệu quả và
công bằng hơn. Tùy góc nhìn và tiêu chí, người ta có thể đánh giá khác nhau về
mức độ thành công của cải cách pháp luật và dự báo các thách thức sắp tới. Song
thành tựu của cải cách pháp luật dù ở mức độ nào cũng chỉ bền vững nếu chúng trở
thành các giá trị hiển nhiên, được cảm nhận và chia sẻ rộng rãi, và vì thế bám
rễ sâu hơn vào hành vi ứng xử của người Việt Nam. Mức độ bền vững, tính bao
dung-lan tỏa, pháp luật trở thành những chuẩn mực được người dân tự nguyện, hiển
nhiên chấp hành là các mục tiêu cần đạt tới. Nếu không làm được điều đó, luật
trên giấy và hành vi hành xử ngoài đời khác xa nhau, một nhóm những người có thế
lực khai thác pháp luật vì lợi ích của mình, loại trừ, tước đi cơ hội của đại
đa số những người còn lại.
Bài viết dưới đây góp phần nhận diện và phân tích các
nhân tố đã thúc đẩy cải cách pháp luật ở Việt Nam hướng tới một chế độ thượng
tôn pháp luật, hay còn được gọi là nhà nước pháp quyền. Bài viết gồm 3 phần. Phần
đầu trình bày các góc nhìn về cải cách pháp luật và ảnh hưởng của chúng. Phần
thứ hai giới thiệu các nhân tố thúc đẩy (hoặc kìm hãm) cải cách. Phần cuối cùng
dự báo các thách thức đối với cải cách pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới
đây.
I. Góp phần nhìn nhận ảnh
hưởng của 30 năm cải cách pháp luật tại Việt Nam
Tùy góc nhìn, người ta có thể phân tích hệ thống pháp luật
theo các tiêu chí và mục đích khác nhau. Cũng vì thế, nếu nhìn nhận lại ảnh
hưởng của cuộc cải cách pháp luật từ 1986 cho đến nay, chắc sẽ có những đánh
giá đôi khi khác xa nhau.
Hệ thống pháp luật Việt Nam có thể được nhìn nhận dưới nhiều
lớp cắt, pha trộn, chồng lấn, bồi đắp cho nhau. Lớp biến động mạnh mẽ nhất là
pháp luật được du nhập thời hội nhập. Sâu hơn là tầng các khuôn khổ tư duy,
khuôn mẫu, thể chế có từ thời pháp chế XHCN, pháp luật thời thực dân, thậm chí là
di sản của các triều đại phong kiến. Cuối cùng, qua thời gian, luật trở
thành lệ, lệ lâu ngày thành thói quen hiển nhiên, một phần văn hóa ứng xử của
người dân nước ta.
Để minh họa có thể quan sát các lớp cắt khác nhau của chế độ
pháp quyền. Chế độ pháp quyền, hay Nhà nước pháp quyền, là một chủ thuyết mới được
du nhập vào nước ta từ gần 20 năm nay, bắt đầu từ lần sửa đổi Hiến pháp năm
2001. Đó là tầng pháp luật du nhập thời hội nhập. Để thúc đẩy phát triển kinh
tế, Việt Nam phải tuân thủ các cam kết quốc tế, tuân thủ chế độ pháp quyền, tựa
như một nguyên tắc để gia nhập WTO và các hiệp định FTAs. Trước đó, khái niệm
Hiến pháp cũng mới chỉ du nhập vào nước ta đầu thế kỷ XX dưới thời thực dân.
Khi ấy người ta thảo luận về các mô hình chính thể, học theo cách tổ chức của
các nhà nước Phương Tây. Song điều ấy không có nghĩa rằng ở Việt Nam trước đó không
có hiến pháp, không có tư duy của chủ nghĩa hiến pháp trong văn hóa pháp luật.
Luật pháp các triều đại phong kiến không thiếu quy định, án lệ, thể chế cổ
truyền để hạn chế sự tùy tiện của vua và người làm quan[5], duy trì một nền hành chính tuy nhỏ, song dựa trên
cạnh tranh thực tài, có chế độ thực tập, luân chuyển quan lại để giúp họ có
năng lực quản lý toàn diện hơn[6]. Hạn chế quyền lực và thúc đẩy trách nhiệm giải trình,
đó chính là tinh thần của chủ nghĩa hiến pháp, chúng có sẵn trong truyền thống
pháp luật nước ta. Xa hơn, tinh thần nhân bản, bao dung, nữ quyền, bình đẳng…
chắc không hề thiếu trong văn hóa ứng xử lâu đời của người Việt Nam. Đó là
những tầng sâu hơn khi nghiên cứu về pháp luật.
Hiển nhiên, nếu nhìn nhận như thế, du nhập pháp luật thời hội
nhập được lai ghép vào các thể chế chính trị xã hội có sẵn ở nước ta, tùy theo
lĩnh vực mà tác động tới các tầng pháp luật khác nhau. Có thể minh họa ảnh
hưởng của cải cách pháp luật kinh doanh, thương mại chắc sẽ lan truyền và bám
rễ chắc chắn hơn trong ứng xử của người Việt Nam, hơn là các cải cách về bầu
cử, tổ chức bộ máy hành chính hay hệ thống chính trị.
Một góc nhìn khác về pháp luật, phân tách: (i) pháp luật trên
giấy, (ii) pháp luật qua hành động được thực thi ngoài đời, và (iii) pháp luật
trong ý niệm, tư tưởng của con người. Không hẳn lúc nào các khuôn mẫu hành vi
ứng xử này cũng đồng nhất, chúng đôi khi rất khác xa, thậm chí đối nghịch, loại
trừ lẫn nhau. Hiển nhiên, chúng tương tác và thúc đẩy lẫn nhau.
Trong một nhà nước do một Đảng cộng sản lãnh đạo theo mô hình
tổ chức Xô-viết, có thể cần phải lưu ý thêm tính lai tạp-hay hỗn hợp
(hybridity) giữa pháp luật hình thức được ban hành bởi các cơ quan mang tính
nhà nước và các quy định mang tính định hướng chính sách của Đảng. Minh họa
dưới đây làm rõ ý này:
Có thể xem pháp luật là dạng thể hiện bằng hình thức (ví dụ
VBQPPL) các chính sách của cơ quan nhà nước, các chính sách đó bắt nguồn từ
định hướng, đường lối của Đảng. Các cuộc cải cách diễn ra trong cả ba khu vực
nêu trên, tương hỗ, bổ sung cho nhau. Sự cải thiện quy trình lập pháp (VBQPPL)
trong các năm qua đã thúc đẩy tính minh bạch trong thảo luận chính sách, và suy
cho cùng dần dần thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình của Đảng
Dù các góc nhìn có thể khác nhau, song các đợt sóng cải cách
pháp luật, mà thực chất là du nhập pháp luật thời mở cửa và hội nhập, đã loan
tỏa, phát huy ảnh hưởng sâu hơn rất nhiều pháp luật trên giấy. Cải cách pháp
luật thúc đẩy thay đổi phương pháp cai trị của Đảng. Cải cách pháp luật thúc
đẩy thay đổi và lan truyền nhận thức dân quyền, giúp người dân biết tập hợp sức
mạnh và tạo ra tiếng nói. Cải cách pháp luật tạo ra diện mạo và cung cách vận
hành mới của các thể chế tưởng là cũ dưới các vỏ bọc theo mô hình Xô Viết trước
đây. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chính quyền địa phương, khu vực doanh
nghiệp vận hành với những luật chơi mới, Việt Nam đã trở thành một trật tự xã
hội đổi mới, năng động, khác rất xa so với những gì tồn tại vào năm 1986.
II. Các nhân tố thúc
đẩy hoặc kìm hãm cải cách pháp luật ở Việt Nam
Từ khía cạnh chính trị và phân bổ quyền lực, đằng sau
các thay đổi của pháp luật là các chính sách được thỏa hiệp giữa các nhóm có
thế lực, các khả năng tạo ảnh hưởng, lôi kéo, thúc đẩy, thuyết phục, vận động
các lựa chọn chính sách.
Nhìn lại hơn 30 năm qua, các nhóm nhân tố thúc đẩy cải
cách pháp luật ở Việt Nam chí ít bao gồm:
(i)
các địa phương, cụ thể là chính quyền cấp tỉnh, đằng sau đó
là các nhóm quyền thế lãnh đạo ở các tỉnh,
(ii)
các thiết chế quyền lực ở Trung ương, bao gồm các thiết chế
của Đảng (BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư, các ban của Đảng),
(iii)
các bộ quản lý ngành và doanh nghiệp hậu thuẫn, được lợi từ
các chính sách quản lý của từng ngành, ví dụ như các tập đoàn và DNNN quy mô
lớn, có tiếng nói trong thể chế Đảng và Nhà nước[7],
(iv)
khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và đại diện của họ[8],
(v)
tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là nhóm các doanh
nghiệp thân hữu, có năng lực thâu tóm nhanh chóng các nguồn lực kinh tế quan
trọng như đất đai, các dự án đầu tư công,
(vi)
báo chí, xã hội dân sự, dư luận xã hội, mạng xã hội, phản ánh
những lợi ích đa chiều, phân tán khi người dân ngày càng trở nên đòi hỏi hơn,
biết nhận thức và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người của mình[9].
Sáu tác nhân chủ chốt này tạo ra các liên minh quyền
lực, thúc đẩy các cuộc cải cách ở nước ta, theo 3 mô thức khái quát dưới đây:
Giới tinh hoa, có quyền thế liên minh với nhau, thỏa
hiệp và lựa chọn, thúc đẩy các chính sách cải cách.
|
Một phần trong giới tinh hoa, có quyền thế, liên minh
với sự hậu thuẫn của một giai tầng trong nhân dân, thúc đẩy các lựa chọn cải
cách nhất định.
|
Một phần trong giới tinh hoa, có quyền thế, liên minh
với sự hậu thuẫn của một giai tầng trong nhân dân, với sự hậu thuẫn của các
yếu tố bên ngoài.
|
Trong một thể chế chính trị theo hệ quy chiếu có từ
thời Liên Xô cũ, thể chế chính trị có quyền lực bao giùm là Đảng, mà cụ thể
giữa các kỳ đại hội là Ban chấp hành Trung ương. Đảng nắm chính quyền, song
thách thức lớn nhất mà Đảng phải đối mặt đó là phải bảo vệ được tính chính danh
để giữ được quyền lãnh đạo. Sự uyển chuyển, dẻo dai, đối mặt một cách sáng tạo
với các sức ép, thách thức từ bên trong và các mối đe dọa từ bên ngoài là một
hiện tượng hiếm hoi, chỉ có thể quan sát thấy ở một số đảng cộng sản còn tiếp
tục cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam, sau khi Liên Xô sụp đổ. Đằng sau phần
cứng được du nhập từ Liên Xô, các thiết chế thoạt nghe có vẻ cũ kỹ như Đại hội
Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã được vận hành với
các phần mềm và động cơ rất khác. Đây là lý do giải thích các động lực thúc đẩy
cải cách ở Việt Nam, và nếu muốn nhận diện các thách thức, cũng cần phân tích
các nhân tố này.
Thực vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới, cũng sẽ
như các đại hội trước đây, sẽ là một diễn đàn thể hiện sự cạnh tranh thuyết
phục tầm nhìn và quyền lực giữa các lực lượng trong nội bộ Đảng. Xét về thể
chế, Đại hội là một thể chế dân chủ, với phiếu bầu phân tán, và luật chơi được
thỏa hiệp bởi nhiều tác nhân khác nhau, cuộc cạnh tranh để tạo ảnh hưởng giữa
các tác nhân trong đời sống chính trị Việt Nam hiển nhiên được diễn ra mạnh mẽ,
tập trung vào các kỳ đại hội này. So Trung Quốc, tỷ lệ giới tinh hoa chính trị
ở Việt Nam trên dân số có mức độ phân tán hơn, gồm 180 ủy viên Ban chấp hành
Trung ương Đảng, những người sẽ được phân công các vị trí lãnh đạo trong Quốc
hội, Chính phủ, Tòa án, Tổ chức xã hội, Lãnh đạo một số các tập đoàn kinh tế
nhà nước chủ chốt. Để minh họa, nếu cộng thêm gần 500 đại biểu Quốc hội, 680 cá
nhân đại diện cho gần 100 triệu người dân Việt Nam. Nếu so sánh như vậy, cứ một cá nhân của giới tinh hoa
trong nền chính trị Trung Quốc đại diện cho 435.000 người dân, ngược lại tỷ lệ
đó ở Việt Nam là 136.000 người[10].
Điều thú vị là, nếu như trước đây, các hoạt động thuyết
phục tầm nhìn và quyền lực trong nội bộ Đảng hiếm khi công khai, vì thế tạo cớ
cho vô số tin đồn, thì ngày nay, do pháp luật về hình thức được cải cách, dẫn
tới các quy định trong nội bộ của Đảng cũng dần được minh bạch, rõ ràng hơn. Ví
dụ, quy chế lựa chọn ứng viên cho các chức vụ lãnh đạo, quy chế quản lý cán bộ
của Đảng đã minh bạch và công chúng có thể truy cập được [11]. Người ta bắt đầu phải trả lời cho
từng lựa chọn.
Chí ít trong các thiết chế như Đại hội và Ban chấp hành
Trung ương, các địa phương, cụ thể là giới thế lực chính quyền các tỉnh, có một
vai trò rất lớn, có ảnh hưởng này càng tăng. Các đoàn đại biểu địa phương chiếm
63/68 đoàn tham gia Đại hội XII năm 2016, và cũng sẽ chiếm đa số thành viên
trong Đại hội XIII vào năm 2021 tới đây[12]. Các địa phương tiếp tục sẽ duy trì
ảnh hưởng rất lớn đối với các cải cách, trong đó có cải cách pháp luật ở nước
ta, vì một số lẽ sau đây:
-
Thứ nhất, từ khi khởi nguồn bởi các chính sách “vượt rào” sự
phân cấp quản lý (hay phi tập trung hóa) đã trao ngày càng nhiều quyền cho
chính quyền các tỉnh. Ngoài chiếm đa số phiếu tại Đại hội, các Bí thư tỉnh ủy
đều là thành viên BCT Trung ương, họ thường cũng dẫn đầu các Đoàn đại biểu Quốc
hội, thiếu sự thỏa thuận của họ các chính sách lớn rất khó có thể thông qua.
-
Thứ hai, khác với Trung Quốc, mối quan hệ quyền lực giữa Bộ
Chính trị và BCH Trung ương Đảng ở Việt Nam phản ánh quyền lực phân tán hơn,
BCH Trung ương có thể không thông qua, thậm chí đảo ngược không ít đề xuất của
Bộ Chính trị, như đã từng diễn ra trước Đại hội XII[13]. Sự thương lượng, thuyết phục, thỏa
hiệp về chính sách chắc thường phải diễn ra trong các Hội nghị của BCH Trung
ương, chí ít cần sự thỏa hiệp giữa quyền lực của các tỉnh, và quyền lực của các
cơ quan quản lý ngành ở Trung ương.
-
Thứ ba, mặc dù có thể quan sát thấy các nỗ lực tập trung
quyền lực trong thời gian gần đây, ví dụ các gợi ý nhất thể hay kiêm nhiệm một
số chức vụ giữa lãnh đạo cơ quan Đảng và Nhà nước[14], song không có đủ bằng chứng rằng xu
thế này sẽ tiếp diễn và giúp nước ta tiến đến một quốc gia tập quyền mạnh mẽ
hơn.
Tóm lại, khác với Trung Quốc, tính cát cứ, phân tán là
một đặc trưng nổi bật trong cấu trúc quyền lực trong Đảng cũng như nhà nước ở
Việt Nam, điều này ảnh hưởng đến chính sách và các cuộc cải cách ở nước ta[15]. Lưu ý, tính cát cứ này là một thuộc
tính đặc trưng có tính lịch sử, có từ lâu đời ở nước ta, không hề là hiện tượng
nhất thời[16]. Từ 1986 cho đến nay, xu thế này trỗi dậy, từ 38 phân tán thành 63 tỉnh, từ 522 thành 713 huyện, từ 9,901 thành 11,142 xã[17]. Các cấp này đều được phân quyền, đều
tham gia xây dựng và ban hành VBQPPL, điều này làm cho hệ thống pháp luật nước
ta phân tán.
Từ một góc nhìn khác, từ đường lối của Đảng, vốn đã là
sự thỏa hiệp của nhiều thế lực, tới chính sách của Nhà nước-mà phần lớn được đề
xuất bởi Chính phủ, cũng tiếp tục là những sự thỏa hiệp. Sau sự ra đi của thế
hệ các lãnh đạo khai quốc công thần, có uy tính và ảnh hưởng cá nhân, dẫn tới
quyền lực thuyết phục khó có thể được tranh cãi, hơn 30 năm qua, Chính phủ dù
đã được tinh gọn đáng kể, lúc ban đầu gồm Chủ tịch và 17 phó chủ
tịch HĐBT, với 44 thành viên, tổng cộng một Nội các với hơn 60 người,
nay tuy đã gọn hơn, song chí ít vẫn còn 28 người có quyền bỏ phiếu (6 Ủy viên BCT, số còn lại hầu hết là Ủy viên BCT TW)[18]. Sự phân mảng giữa các ngành quản lý
khác nhau, mỗi ngành đều có quyền lực, tiếng nói riêng. Cộng thêm với sự thiếu
minh bạch, thiếu khung khổ rõ ràng cho vận động chính sách, vận động hành lang,
không hiếm khi các chính sách ở nước ta phản ánh nhu cầu quản lý và lợi ích cục
bộ của ngành, hơn là lợi ích toàn quốc gia[19].
Luật pháp phản ánh những sự thỏa hiệp nêu trên, hiển
nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi tính cát cứ trong cấu trúc quyền lực chính trị ở nước
ta. Luật hợp đồng là một ví dụ. Nguyên tắc thống nhất của luật hợp đồng (BLDS,
LTM) có nguy cơ sẽ lấn át bởi quy định chuyên ngành (nhân hàng, tài chính, bảo
hiểm, nhà đất, hàng hải, điện lực, hàng không), đằng sau đó thường là các lợi
ích phân tán.
V. Một số nhận xét và góp
phần thảo luận
Theo chủ nghĩa Weber, luật tốt +
thực thi tốt = thúc đẩy phát triển tốt, song bí ẩn của các quốc gia Phương
Đông thường là không thể có sẵn luật tốt và thực thi pháp luật tốt. Cũng như
thế, đối với nước ta, cải cách, du nhập pháp luật, tức là góp phần tạo ra luật
tốt, chỉ là một cố gắng ban đầu. Các thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa bản
địa có dung dưỡng và thúc đẩy pháp luật phát triển hay không, sẽ còn khá nhiều
ẩn số, cần hiểu và giải thích.
Ba thập kỷ vừa qua đã tạo ra một xã
hội đa lợi ích, ganh đua, và duy trì một trật tự thỏa hiệp phức tạp giữa các
tác nhân thúc đẩy và cùng hưởng lợi từ cải cách. Dưới chế độ một Đảng, song
không thực sự có một lực lượng độc tài nào có đủ sức mạnh loại trừ các thế lực
khác tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội, một luật chơi cho những cân bằng
biến đổi đã hình thành. Theo thiển nghĩ của tôi, môi trường này là cần thiết và
tạo điều kiện cho sự hình thành lâu bền chủ nghĩa bảo hiến, tuân thủ, thượng
tôn pháp luật, hay gọi đó là chế độ pháp quyền, một thứ pháp trị kiểu Việt Nam.
Trong một trật tự xã hội được tổ chức
theo khuôn mẫu Đảng và Nhà nước, pháp luật chỉ là một phần khó tách rời trong
sự lai tạp giữa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, và pháp luật. Cải
cách pháp luật, qua thời gian, thúc đẩy cải cách chính sách, và minh bạch hóa
quá trình hình thành, thảo luận, phản biện đường lối, thúc đẩy Đảng minh bạch
và chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn. Đây là một cơ hội, một khuôn mẫu
cải cách riêng biệt, rất cá biệt, không giống bất kỳ quốc gia nào.
Nguy cơ lớn nhất, đáng cảnh báo nhất
là tính cát cứ dẫn tới suy yếu dần các thể chế đại diện lợi ích quốc gia. Nếu
quyền lực kinh tế bị thâu tóm bởi giới đại gia thân hữu và tư bản nước ngoài,
liên minh ấy thỏa hiệp, khai thác, hưởng lợi từ sự phân tán của quyền lực chính
trị, khi ấy các thành tựu của cải cách pháp luật có nguy cơ bị thách thức. Bẫy
thu nhập trung bình, xét về góc độ thể chế, là sự đẩy lùi, thậm chí vô hiệu
hóa, các nguyên tắc của chế độ pháp quyền. Nếu không thoát khỏi kịch bản ấy,
các thể chế pháp luật có nguy cơ sẽ mất dần tính bao trùm, chúng có nguy cơ trở
thành công cụ để nhóm quyền thế khai thác, bóc lột các tài nguyên và cơ hội
phát triển của quốc gia, giành lấy phần lớn sự thịnh vượng cho riêng
mình./.
[2] http://www.un.org/en/development/desa/policy/wesp/wesp_current/2014wesp_country_classification.pdf
[3] WB Vietnam
2035 Report, p 12, at https://auschamvn.org/wp-content/uploads/2017/06/World-Bank-Vietnam-report-2035.pdf
[5] See: Kim
Kyong Dong, 2017, Confucianism &
Modernization in East Asia: Critical Reflexions, Palgave McMillan, also
BUI NGOC SON, Confucian Constitutionalism in East
Asia, Routledge, 2016
[6] Paul
Doumer, Xứ Đông Dương, NXB Thế Giới,
2015, tr. 271
[7]
Đảng ủy khối doanh nghiệp
trung ương, http://doanhnghieptrunguong.vn/
[8]
For an overview, see http://www.incham.vn/en/information/userful-links/foreign-business-groups-in-vietnam/
[9]
http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2018/11/benchmark-assessment-of-civil-society-space-in-vietnam..pdf
[10]
Fu Hualing, Jason Buhi (2017).
Tính toán này có tính minh họa, bởi nhiều Ủy viên BCHTW đồng thời kiêm nhiệm Đại
biểu Quốc hội.
[11]
See for eample: Regulation
105/QD-TW dated 19/12/2017 on human resource management (cadres management)
issued by CPV Central Committee.
[12]
http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-cong-san-viet-nam-3
[14]
http://en.nhandan.com.vn/politics/domestic/item/6753902-general-secretary-as-president-is-an-objective-requirement.html
[15] Thaveeporn Vasavakul, VIETNAM: A Pathway from State Socialism, Cambridge University
Press, 2019
[16]
Vietnam central state was under permanent threat of
splitting among local rulers and lords. After long period of civil wars between
Trinh and Nguyen lords (from XV to XVII centuries), the Nguyen dynasty emerged
in 1802, unifying conflicting Dai-Viet lords under the country present name.
However, the central state under Nguyen dynasty was also quickly deteriorated,
following by colonial policy divide and rule, and the wars.
[17]
Vietnam Government Statistics
Office: https://www.gso.gov.vn/dmhc2015/
[19] The governance of land use is an
example for the overlapping power and splitting of regulation among government
ministries: for zonning and planning is Ministry of Planning & Investment,
for granting land use right and land lease is Ministry of Natural Resource and
Environment, for land evaluation is Ministry of Finance, for construction
permit is Ministry of Construction, for registration of land use as collateral
(mortgage) is Ministry of Justice. As result of specific sector oriented
regulation, the legal regime governing land use in Vietnam is extremely
complicated, uncertain, self-contradictory.