1. Dẫn nhập: Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “Die Philosophen haben die Welt nur verschieden interpretirt, es kömmt drauf an sie zu verändern-các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế ngày càng mang tính dung hợp, bao trùm. Những điều tốt đẹp ấy đã diễn ra theo những cách như thế nào?
2. Khung phân tích: Để góp phần trả lời câu hỏi trên tôi dựa vào một cái khung phân tích từ những năm 2008 do Pistor đề xuất. Đại loại như thế này: Ở đời luôn xuất hiện những cái mới, cái mới ấy thúc đẩy cả xã hội nhốn nháo phản ứng theo. Quốc gia được hưởng nền thịnh trị, nếu sáng tạo được ban thưởng, thịnh vượng được phân chia, tranh chấp được dàn xếp và các giá trị công được quan tâm, bảo vệ. Đó là góc nhìn về chức năng của những luật chơi, giản đơn từ ghi nhận/bảo vệ quyền, cho tới chia sẻ lợi ích, giải quyết tranh chấp, và cuối cùng là điều phối phúc lợi. Mặt khác, từ góc nhìn về các bên tạo ra thể chế, sẽ có nhiều bên liên quan, từ những tác nhân mờ nhạt yếu ớt cho tới giới thực quyền, có sức mạnh/quyền lực thao túng quá trình làm ra và thi hành luật chơi. Mấy năm nay tôi đều dùng cái khung lý thuyết ấy để tìm hiểu Luật & Chính sách công, nhất là (i) Quy trình làm luật và (ii) Đánh giá thực thi pháp luật. Thấy có vẻ hữu ích để làm cái sườn tìm hiểu về luật chơi, về thể chế. Dưới đây là 3 ví dụ minh họa.
3. Ví dụ1- ChatGPT và thể chế giáo dục: ChatGPT là một thứ tân kỳ. Dân nước ta hiếu kỳ, nhốn nháo xem nó là cái gì. Các ông già thì nhờ nó làm thơ, các cô cậu bé thì nhờ nó vẽ, nhà nghiên cứu nhờ nó tra cứu tài liệu, còn học viên thì nhờ nó trả bài. Nó luôn ngoan ngoãn làm theo và trả lời ngay tắp lự. Nhà giáo, Nhà trường, Nhà nước cần phản ứng như thế nào với cái trí khôn nhân tạo ấy, nhất là khi nó cần mẫn học thêm từng chớp mắt, càng bắt nó làm nhiều nó càng giỏi. Nền giáo dục của chúng ta sẽ là thể chế giáo dục tốt nếu ban thưởng cho người sáng tạo, biết học và biết dạy cùng với ChatGPT, nhận diện lợi ích và điều phối xung đột với ChatGPT. Ngược lại, nếu bất lực trước cái mới, tìm mọi cách che chắn né cái mới, để rồi cuối cùng ChatGPT vẫn thống trị cõi riêng, bên cạnh cái thế giới cũ mà người ta cố gắng be bờ đắp đập. Một thể chế giáo dục như thế chắc là lỗi thời, tự suy tàn. Thời của ChatGPT, biết cách đặt câu hỏi quan trọng hơn nhiều so với đưa ra câu trả lời. Vậy thì nền giáo dục phải giúp người ta suy nghĩ và đưa ra những câu hỏi tốt. Tựa như đứa trẻ lên ba, càng tò mò, hỏi nhiều, thì trí não của nó càng phát triển với tốc độ bùng nổ. Trò đó mới là trò giỏi, trò ngoan. Thầy giỏi là người tạo và nuôi cảm hứng cho đứa trẻ ham học mỗi ngày.
4. Ví dụ2- Luật Dữ liệu & Quy trình hình thành thể chế: Tôi có những trải nghiệm thú vị trong đời làm nghề lái đò, nhất là từ vài năm gần đây. Dù kéo dài trong 4 tháng, hay chỉ vọn vẹn trong 7 ngày, vẫn có thể làm cho việc dạy và học trở nên tò mò, thú vị, đối với cả thầy và trò, dù tóc đã điểm bạc song vẫn hồn nhiên như những đứa trẻ lên ba vừa nhắc tới ở trên. Chìa khóa vẫn chỉ là tạo không gian để người học đưa ra những câu hỏi và chỉ cho họ lựa chọn cách trả lời. Năm nay chúng tôi học về dự án Luật Dữ liệu, chúng tôi cùng cử tri cả nước tìm hiểu xem Luật Dữ liệu, nếu được ban hành, sẽ giúp gì cho nền kinh tế nước ta. Nếu đạo luât ấy được thông qua vào Mùa xuân năm tới, nó sẽ là tác phẩm của nhiều tác giả, người co kẻ kéo, cùng nhau nhận diện lợi ích và cách điều phối các ưu tiên của mình. Luật này tốt nếu trao quyền và ban thưởng cho người sáng tạo, biết thâu gom và xử lý những vết chân li ti trên cõi mạng. Đó chính là nguồn tư bản của thời đại mới. Luật này tốt nếu điều tiết ổn thỏa lợi ích các bên liên quan, các giải pháp của nó làm cho dòng chảy dữ liệu sinh sôi nảy nở, mang lại phúc lợi cho tất cả những ai hòa chung vào dòng chảy ấy. Quy trình đánh thức, làm cho mọi người nhận ra lợi ích của mình và tạo liên minh, tạo tiếng nói, sức mạnh để hình thành luật chơi được chấp nhận rộng rãi, đó chính là quy trình làm ra luật. Chúng tôi đã chơi như thế, và cũng là học như thế. Chơi mà học.
5. Ví dụ3- Luật Đất đai & Quy trình vận hành thể chế: Ở nước ta tôi nghĩ ai cũng nên tự học thêm về luật đất đai. Đại gia và hoa hậu, có vẻ nhiều thứ ở đời đều gắn với luật đất đai. Đằng sau các đại án như Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hiệp Phát.. hết thảy đều lấp ló các dự án kinh doanh BĐS. Năm nay, Luật Đất đai 2024, đã được thi hành sớm hơn dự kiến khoảng 4 tháng. Trục trặc, bế tắc xuất hiện khắp nơi. Học và dạy Luật đất đai, chúng tôi nhìn lại ký ức khoán, khoán chui, vượt rào, giao đất, cho thuê đất, từ cuộc đời ông Bí thư Kim Ngọc, anh nông dân Đoàn Văn Vươn, Hoa Tháng Năm và Dự án Vương miện hoa Oải hương, Alibaba và Nguyễn Thái Luyện. Sự cố, phản ứng của giới quyền thế, công thức phân chia lợi ích và điều phối đổ vỡ, đó chính là sự chòi đạp vươn ra của các thể chế thị trường giữa muôn vàn vướng víu của nếp tư duy cũ. Học theo Acemoglu khó mà đoán được thể chế sẽ theo vòng xoáy đi xuống hay đi lên sau mỗi điểm giao thời. Ở nước ta vòng xoáy cải cách thể chế trồi sụt lúc lên lúc xuống và điểm giao thời (critical junture) nhiều như mỗi lần giật mình khi bóng ma của thế lực thù địch bỗng đột nhiên trỗi dậy.
6. Tiểu kết: Đọc Acemoglu, hy vọng bạn có thêm được một góc nhìn. Thay vị trí, đổi góc nhìn, thế giới lại có thể được giải thích khác, rất khác. Lang thang phơi mình trên cõi mạng, tò mò, trôi dạt theo từng cơn sóng nhấp nhô dưới cây gậy chỉ huy của những thuật toán bí ẩn, nếu đó là bạn, thì nên dừng lại một giây. Đã đến lúc tỉnh thức, kháng cự, không dâng hiến tự do của mình cho những độc tài số. Quả là es kommt drauf an sie zu verändern, giải thích thế giới chỉ là một chuyện, thậm chí vặt vãnh, hành động để thay đổi thế giới mới là điều đáng hãnh diện, đáng tôn vinh.
Comments