Phần 2: Quản trị tòa án- Công việc nhìn từ bên trong
26.
Tòa án Yorktown: Tòa án Yorktown Circuit
Court tọa lạc trong một ngôi nhà xinh xắn, lùi sau cái sân cỏ rất rộng, không
có cổng, và cũng không có tường bao. Bang Virginia, với khoảng 9 triệu dân, có hơn
30 cái tòa ở cấp này, mỗi tòa có từ 2-15 thẩm phán, tùy theo nhu cầu công việc.
Thẩm quyền của cấp tòa này được giới hạn, xử các án hình sự có mức hình phạt
không quá 12 tháng tù và các án dân sự có giá ngạch không quá 50.000 đô la. Dưới
cấp tòa án này còn có tòa án quận, dưới tòa án quận còn có nhân viên pháp lý (gọi
là magistrates) tiếp nhận các yêu cầu pháp lý của người dân và giải quyết các
vụ việc theo ủy quyền mà không cần tranh tụng, chắc có thể so sánh được với bộ
phận pháp chế ở cấp phường ở nước ta. Bên trên tòa án Yorktown Circuit Court
còn có tòa phúc thẩm, và cuối cùng là Tòa tối cao của bang Virginia với 6 thẩm
phán. Đại thể 95-96% các vụ án ở Mỹ sẽ được giải quyết trong hệ thống tòa án
của từng bang, với luật pháp của bang, cấu trúc có thể khác nhau, song na ná
như mô tả ở trên. Người dân, nếu gặp tranh chấp pháp lý, những việc nhỏ không
tranh tụng sẽ bắt đầu với nhân viên pháp chế, phức tạp hơn thì chuyển đến tòa
cấp quận, nếu có tranh tụng thì sẽ tới cấp tòa Yorktown Circuit Court mà chúng
ta sẽ tới thăm.
27.
Chân dung một thẩm phán: Ông thẩm phán niềm
nở, tận tình, ra tận đường để đón các đồng nghiệp tới thăm. Sau khi học một bằng
đại học bậc cử nhân, ông này học bằng luật, trong khoảng 4 năm, như ở ta gọi là
sau đại học, được cấp một cái bằng gọi là Juris Doctor, sau đó thi và đỗ vào
đoàn luật sư của bang Virginia. Ông này đã làm luật sư khoảng 12 năm, sau đó
chuyển sang làm công tố 7 năm, sau đó ghi danh và được lưỡng viện của Nghị viện
bang Virginia bầu làm Thẩm phán, mỗi nhiệm kỳ là 8 năm. Muốn làm thẩm phán, ứng viên phải hành
nghề luật sư hoặc công tố ít nhất 5 năm, chắc là phải có được uy tín của đồng
nghiệp trong đoàn luật sư, được giới thiệu, và được lưỡng viện của Nghị viện
bầu. Nhảy qua nhảy lại, hết nhiệm kỳ thẩm phán lại có thể quay về làm luật sư,
công tố, thẩm phán cũng có thể được bầu lại. Như vậy, khác với người Đức, người
Nhật, và khác với ở ta, thẩm phán, luật sư, công tố không phải là những con
đường sự nghiệp tách rời của người đã học luật. Để tập làm quen với công việc
thẩm phán sau này, các luật sư khi hành nghề có thể xoay sở để nhận những việc
trong vai trò là substitute judge, tựa như thẩm phán thay thế, trực các việc cần
có chữ ký xác nhận của thẩm phán vào các cuối tuần, ví dụ khi cảnh sát tạm giữ
người xay xỉn lái xe.
28.
Chánh tòa: Tòa Yorktown Circuit Court có
15 thẩm phán, họ tự bầu ra một ông gọi là chánh án, song ông này không phải là sếp
của tòa án, không thể chỉ đạo được các thẩm phán còn lại như là nhân viên của
mình. Để quản lý về hành chính, vận hành các tòa án, ở Tòa tối cao bang
Virginia có một chức danh Tổng thư ký (executive secretary), tựa như Giám đốc
điều hành các vấn đề hành chính của hệ thống tòa trong bang Virginia, ông này
sẽ lo ngân sách, nhân sự, chi phí vận hành các tòa án trong toàn bang Virginia.
29.
Lịch làm việc: Tòa tối cao bang Virginia từ
hàng chục năm nay đã thiết lập một nền tảng trực tuyến, áp dụng cho tất cả các
tòa trong địa phương. Lịch xét xử, Hồ sơ vụ án, có thể dễ dàng truy cập, ông
thẩm phán tiếp chúng tôi có một cái mã số, mỗi án có vài ba chục hồ sơ, từ các
giấy tờ, ảnh vật chứng, lời chứng, lời lấy cung của cảnh sát, của công tố, các
vật chứng và ý kiến chuyên gia, hết thảy đã được chuyển thành dữ liệu điện tử, ông
thẩm phán có thể truy cập hồ sơ ấy ở bất kỳ đâu, nhất là tiện cho làm việc ở
nhà. Lịch các phiên xử của ông ấy bắt đầu từ 9 giờ sáng cho tới khoảng 4 giờ
chiều. Sáng hôm chúng tôi đến dự, ông ấy xử 6 án hình sự từ 9 đến 11 giờ trưa. Ngoài
hình sự, ông ấy cũng xử dân sự, tranh chấp hôn nhân, thừa kế, hợp đồng, kinh
doanh, tranh chấp về danh sách cử tri, tóm lại là đủ các loại việc, không có
quy định thẩm phán chỉ xử chuyên biệt dân sự, kinh tế, hành chính, hay lao động
như ở ta. Sau này, nếu vụ việc được yêu cầu xét phúc thẩm, hình như trong thời
hạn 21 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa phúc thẩm cũng đã có sẵn hồ sơ của cấp sơ
thẩm trên cùng một nền tảng, không cần chuyển hồ sơ. Tòa án của họ đã là tòa
điện tử.
30.
Phòng xử: Có những nhân viên hành chính gọi là
bailiff, có một phần nhiệm vụ như xưa kia gọi là mõ tòa hay cảnh sát tư pháp
trông coi trật tự và giúp việc lặt vặt cho tòa. Trong phiên xử buổi sáng mà
chúng tôi quan sát, có hai anh như thế. Ngoài ra có hai cô lục sự, gọi là
clerk, có một phần chức năng chắc tựa như thư ký ở ta, một cô chuẩn bị hồ sơ,
và một cô ghi chép. Lục sự không nhất thiết phải là người đã học luật. Bên phải,
từ chỗ ngồi của thẩm phán nhìn xuống, có 3 hàng ghế, mỗi hàng 5 chiếc dành cho
bồi thẩm đoàn. Một vài cái bàn cho công
tố, một vài cái bàn cho bị cáo và luật sư bào chữa, hai bên ngồi cùng một hàng,
nhìn lên phía thẩm phán xét xử. Công tố viên có hai ba người, còn khá trẻ, loay
hoay với đống giấy tờ đã chuẩn bị, thay phiên nhau đứng lên trình bày. Hội đồng
xét xử hôm đó chỉ gồm có một thẩm phán.
31.
Phiên tòa: Sáu bị cáo gồm 3
người da đen, một người da trắng, hai người còn lại dường như là gốc Mỹ La tinh.
Ba bị cáo da đen được cảnh sát dẫn tới, một già, hai trẻ, đều mặc áo tù màu vàng
cam đậm, chân bị xích bằng một đoạn xích ngắn, tự đi được. Ba người còn lại là
phụ nữ, dường như được tại ngoại. Tất cả đều có luật sư đại diện nói thay cho họ.
Họ đều bị cáo buộc những vi phạm hình sự lặt vặt như trộm cắp, rượu bia khi lái
xe, nghiện hút. Nếu bị cáo nhận tội thì không có sự xuất hiện của đoàn bồi thẩm.
Mỗi phiên xử diễn ra khá nhanh, thẩm phán hỏi một vài câu, bị cáo phân trần, phần
lớn đều xin được đi làm, xin tại ngoại. Công tố giải thích rõ thêm về lời buộc
tội, các yêu cầu đền bù thiệt hại, về nhân thân của mỗi bị can, cũng ngắn gọn,
nhanh chóng. Bị cáo da trắng nghiện ngập, song tiếp tục xin được tại ngoại, được
đi làm để nuôi con. Vừa xin vừa khóc. Luật sư vẫy tay xin người bailiff mang tới
khăn giấy cho cô ta. Thẩm phán tỏ ra quan tâm, hỏi tuổi từng đứa con, xem kỹ nhận
xét của nơi làm việc, giải thích cặn kẽ nếu tái phạm sẽ hủy lệnh tại ngoại và buộc
phải vào trại giam. Một bị cáo da đen đã già cũng xin tại ngoại, xin được đi
làm để nuôi cháu, vì con của bị cáo cũng thất nghiệp và nghiện hút. Thẩm phán từ
chối, giải thích lý do, nêu rõ sự lo ngại của cộng đồng nếu thả ông ta ra khỏi
trại giam. Hình như đã chuẩn bị kỹ trước khi thượng tòa, ông thẩm phán có vẻ nắm
rõ gia cảnh từng bị cáo, cuộc đối thoại của họ cặn kẽ, có tính giải thích vì
sao tùy người mà ông ra tuyên các lệnh tòa khác nhau. Ông thẩm phán gọi các bị
cáo bằng ông, bà, mời đứng lên, ngồi xuống khá lịch sự, không có gì là quát nạt.
Đôi khi bị cáo phải tuyên thệ, giơ một tay lên, nghe thẩm phán đọc lời tuyên thệ,
sau đó chỉ nói một câu ngắn: vâng, tôi đồng ý. Lệnh tòa hay bản án hình sự được
tuyên ngay tại phiên xử. Tôi quan sát thêm, chỉ riêng thẩm phán mặc áo thụng,
không thấy dùng búa, cử chỉ lời lẽ của thẩm phán ôn tồn, các lục sự dường như
không nói gì, các công tố và luật sư mặc thường phục, họ không mặc áo thụng đen
như thường thấy ở Đức hay Nhật Bản.
32.
Tiền phạt và đền bù: Thẩm phán thường
nhìn xuống bên công tố, hỏi kỹ về tiền phạt và đền bù. Một tên trộm có thể bị
phạt, tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước. Ngoài tiền phạt, tên trộm cũng có
thể còn phải đền bù những thiệt hại cho người bị hại. Người bị hại, nếu muốn, nộp
cho công tố những yêu cầu và minh chứng mức đòi thiệt hại (gọi là restitution).
Công tố nêu căn cứ để xác định mức đền bù, theo một lệnh tòa, tiền ấy được nộp
cho tòa, sau đó tòa chuyển tiếp cho người bị hại. Như vậy, trong một phiên hình
sự, họ giải quyết luôn yêu cầu có tính dân sự này (nếu có). Vừa nhanh, vừa tiện.
Mặc nhiên, người bị hại cũng có thể khởi kiện một vụ kiện dân sự tách biệt để
đòi những thiệt hại dân sự của mình, nếu hy vọng có cơ may thi hành án sau này.
Khi đó việc dân sự sẽ được tách khỏi hình sự.
33.
Việc bếp núc: Hai giờ, xử 6 án
hình sự, chúng tôi quan tâm xem ông thẩm phán chuẩn bị các bản án của mình ra
sao. Ông thẩm phán không ngần ngại chia sẻ, nếu phải tự chuẩn bị các lệnh tòa
và bản án, thì năng suất làm việc của ông ấy giảm nhanh chóng, có thể chỉ đạt
20% mức hiện nay. Chính những người lục sự của tòa án, dựa trên những mẫu đã có
sẵn, đã chuẩn bị trước các bản thảo cho thẩm phán, ông ấy là người rà soát, duyệt
lần cuối, và ký vào lệnh tòa hay bản án. Do hồ sơ điện tử được sắp sẵn theo
trình tự của tệp tin, người lục sự đã chuẩn bị sẵn sự kiện, căn cứ pháp lý, các
chứng cứ và nhận định, cho nên phiên xử không dài dòng lặp lại trình tự xác định
diễn tiến hành vi phạm tội, mà đi thẳng vào những điều thẩm phán cần quan tâm
trước khi ông ấy nghị án. Thú vị là, khi xác định hình phạt, ông ấy không ngần
ngại giải thích những băn khoăn vì sao ông ấy không chấp nhận các yêu cầu của bị
cáo. Phiên xử diễn ra như một cuộc đối thoại, giải thích, thuyết phục, vì sao
thẩm phán đã đưa ra quyết định như vậy. Cả 6 bị cáo đều tỏ vẻ thoải mái khi được
giải thích.
34.
Bồi thẩm đoàn: Nếu bị cáo không
nhận tội, hoặc bị cáo buộc phạm những tội nghiêm trọng, tùy theo luật của từng
bang, hoặc liên bang, sẽ xuất hiện vai trò của bồi thẩm đoàn. Từ danh sách cử
tri, được lựa chọn ngẫu nhiên, cô bán rau, anh lái xe, công dân Mỹ khi được gọi,
phải tham gia bồi thẩm đoàn như một nghĩa vụ công dân. Chắc rằng phải có những
buổi tập huấn cho những người không chuyên ấy. Ở bang Virginia, hàng năm họ lập
một danh sách hàng trăm người như thế, tùy vụ án, mỗi đoàn bồi thẩm sẽ có khoảng
5 người. Họ được hướng dẫn, họ lắng nghe công tố và luật sư bào chữa biện lý, họ
thảo luận và đưa ra quyết định bị cáo có tội hay là không. Có vẻ như những thẩm
phán nghiệp dư này tiếp nối truyền thống các thẩm phán không chuyên thời thuộc
địa của Anh. Nếu bị đoàn bồi thẩm quyết định là có tội, công việc kế tiếp, lượng
hình, tức là xác định mức và loại hình phạt, sẽ thuộc về thẩm phán chuyên nghiệp.
Hôm ở Virginia, chúng tôi không thấy xuất hiện đoàn bồi thẩm, chắc do tính chất
phiên xử chỉ xác định yêu cầu tại ngoại của các bị can đã nhận tội. Song nhiều
năm trước khi dự phiên xử một bị cáo đến từ Trung Á, anh này đã chế bom từ một
cái nồi cơm điện, bom phát nổ, sát thương đoàn người chạy marathon tại một tòa
án cấp liên bang ở Boston, tôi đã chứng kiến một đoàn bồi thẩm gồm mười mấy người.
Trong phiên xử ấy, bà thẩm phán cũng ngồi xử một mình, hầu như thụ động, thi
thoảng mới nói một câu để điều hành phiên xử. Đoàn bồi thẩm chỉ im lặng lắng
nghe tranh luận giữa công tố và luật sư biện hộ. Dường như đó là đặc trưng của
tranh tụng đối kháng, có vẻ khác với truyền thống xét hỏi ở các nước theo dân
luật như nước ta.
35.
Tiếng rè và quyền thương lượng: Trong phiên hình
sự ở Boston, thi thoảng công tố và luật sư lại xin phép thẩm phán để chụm đầu hội
ý. Lúc ấy phòng xử phát ra tiếng rè liên hồi, không ai trong phòng xử nghe thấy
công tố và luật sư đang thì thầm những gì. Ở Mỹ, bị cáo có thể thương lượng với
công tố, trừ những loại tội danh nhất định. Nếu bị cáo buộc nhiều tội danh, bị
cáo có thể thương lượng nhận tội ở một số tội danh, để được miễn ở những cáo buộc
còn lại. Bị cáo cũng có thể đề xuất khai ra những vụ án khác anh ta biết rõ,
lúc đó với tư cách là người làm chứng, hy vọng giúp cơ quan điều tra phá án hiệu
quả hơn, để đổi lấy việc khoan hồng trong lượng hình hoặc giảm cáo buộc cho
mình. Người ta cho rằng quyền thương lượng này giúp điều tra, công tố, và tòa
án tiết kiệm được chi phí.
36.
Quản trị tòa án: Suyên xuốt các
cuộc thảo luận ở Mỹ, người ta đều nhấn mạnh cả tố tụng lẫn vận hành các tòa án
phải hiệu quả, làm được nhiều việc với chi phí ít hơn. Trước hết, trong các việc
dân sự có tranh chấp đơn giản, giá trị nhỏ, bị đơn có 21 ngày để tự bảo vệ, nếu
không thực hiện quyền tự bảo vệ ấy, tòa án sẽ xem xét và có thể chấp nhận yêu cầu
của nguyên đơn. Trong 100 vụ án cả hình sự lẫn dân sự được khởi kiện ra tòa, chỉ
có 2-3% các vụ án cuối cùng mới được đưa ra xử, 97-98% còn lại sẽ được giải quyết
dần qua các cuộc thương lượng, hòa giải và các cơ chế giải quyết thay thế khác
(ADR). Trong tòa, thẩm phán chỉ quan tâm tới công việc xét xử, các công việc có
tính chất hành chính do các lục sự vận hành theo các tiêu chí của quản lý công
hiệu quả.
37.
Phòng xử hybrid, lai giữa trực tiếp và
online: Trong Trường Luật William and Mary, ngay bên cạnh Trung tâm bồi dưỡng
tòa án bang (National Center for State Courts, NCSC), có một phòng xử hybrid,
lai giữa trực tiếp và online. Thẩm phán, đoàn bồi thẩm, công tố, các luật sư,
người làm chứng có thể xuất hiện online, bớt dần chi phí đi lại. Các thiết bị
giúp người tham dự xem xét mọi vật chứng theo không gian ba chiều, tiện ích
giúp người khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị) có thể khai và trả lời chất vấn
dễ dàng hơn, đã xuất hiện. Cùng với hồ sơ vụ án đã được số hóa, các tiện ích tốc
ký, nhận diện và ghi âm lời nói đang thay thế dần các dịch vụ thủ công trước
kia của lục sự. Tòa án số đang hiện dần ra ở Mỹ, tuy với tốc độ dường như không
ráo riết bằng ở Trung Quốc. Tất cả những điều này đang thay đổi diện mạo tòa án
ở các bang.
Phần 3: Đạo đức Thẩm phán- Làm sao giữ được
đạo nghề?
Comments