Thượng Hải, đại đô thị, 25 triệu dân, khoe với thế giới Phố Đông như một
minh chứng hùng hồn cho sự lột xác của Trung Hoa đại lục. Tết Tây 2015, một đám
đông chen lấn bên bến Thượng Hải, xô đẩy, chết hàng chục người, chính quyền bất
lực.
Thì cũng thế, TP HCM, kể cả nhập cư, chẳng dưới 10 triệu dân, xem bắn
pháo hoa, người chen với rác, kẹt xe vài ba tiếng, may mà không xảy ra thảm cảnh
tựa như bên Trung Hoa.
Song rủi ro từ cuộc sống đô thị thì vô khối. Hẻm nhỏ, mỗi nhà một bình
ga, kể cả ở những chung cư hiện đại, nguy cơ cháy nổ, kẹt xe, khói bụi, nơi tụ
họp cho các đám đông, chính quyền đô thị đứng trước những bài toán khác hẳn
chính quyền nông thôn.
Muốn giải chúng, khác với chính quyền nông thôn, các đô thị phải được tổ
chức phù hợp, với năng lực phù hợp. Đó chính là mô hình chính quyền đô thị tự
quản.
Đô thị thường phải có người đứng đầu, một thủ lãnh gọi là đô trưởng hay
thị trưởng. Người ấy phải được thị dân bầu ra, nếu không làm được việc, bằng lá
phiếu thị dân phế truất người ấy, bầu ra người khác.
Quyền đại diện cho dân chúng là Hội đồng thành phố, hay còn gọi là cơ
quan dân biểu. Các dân biểu nhận sự ủy trị của thị dân mà quyết định dùng ngân
sách, của cải của thành phố để ưu tiên xử lý những thách thức gì.
Các đô thị, đô thành ở Phương Tây, từ vài ngàn năm nay đã hình thành những
thói quen ấy. Kể cả trong thời trung cổ, các đô thành vẫn giữ được sự tự do.
Ở ta, thành Gia định là trụ sở hành chính, Chợ Lớn là của người buôn,
Long thành là trụ sở hành chính, Kẻ Chợ là nơi buôn. Chúng ta không có các đô
thành tự trị, không hình thành tầng lớp thị dân, không quen với đô trưởng và
tòa đô chính thực hiện chức năng chấp pháp, còn luật lệ, ngân sách và mọi khoản
thuế do cơ quan dân biểu quyết định. Ngược lại, bourg, bourgeois, bourgeoise, từ
đô thành, thị dân, và tầng lớp phong lưu đô thành, thì bourgeoise trong ý thức
hệ của chúng ta đã trở thành tiểu tư sản, tư sản bóc lột.
Giật đi ngôi nhà cũ thời thực dân thật dễ, dựng lên những cao ốc sáng
loáng như Phố Đông Thượng Hải cũng không quá khó, song từ thói quen quản lý
nông thôn, chúng ta chưa kịp có thời gian hơn để học cách quản lý các đô thành.
Năm tháng trôi qua, các đô thành tự phát mọc lên, hợp thành các đại đô
thành. TPHCM có dáng dấp của một đại đô thành, megacity, hơn chỉ là Đô thành
Sài Gòn hay Bến Nghé trước kia. Nhãn quan cũ, góc nhìn cũ, giá trị cũ, chúng ta
chỉ nghĩ rằng chính quyền thành phố chỉ được phép làm những điều Trung ương cho
phép. Khuôn mẫu cũ, cách quản trị cũ không còn đúng nữa với cư dân các đại đô
thành.
Chẳng hạn, mái đình xưa hay nhà văn hóa thôn ấp tân thời ngày nay, chắc
là đủ để hội họp, đình đám nơi thôn quê. Song, cư dân mới, giá trị mới, đám
đông ồn ào hàng triệu người cần tới những nơi để bày tỏ những thú vui mới, đam
mê mới. Những quảng trường rộng rãi đủ cho hàng vạn, chục vạn người, những vỉa
hè và lối thoát, những phòng hỏa và cấp cứu, tất cả cần được thiết kế khác với
nhà văn hóa thôn quê.
Thế mới biết, chúng ta cần một
tư duy quản trị quốc gia mới, mạnh mẽ phân quyền quản lý cho các đô thành. Của
cải, quyền lực của người dân đô thị phải do họ định đoạt, dân biểu và chính quyền
đô thị phải được tự quyết những công việc thuộc địa phương của mình. Từ đó mới
nảy ra những chính quyền đô thị tự quản, mới đủ sức gánh vác những thách thức mới
trong quản lý các đô thành./.