Nhỏ
như từng hạt cát, thuyền chất thành đống, đống chất thành tiền, thành rất nhiều
tiền. Vì thế, cát ở đáy sông trở thành mồi ngon cho cát tặc. Ráo riết qua từng
ngày, ruộng vườn sụt lở, chui dần vào ống hút. Sông Đồng Nai, cùng nhiều dòng
sông quê hương khác, đang chảy máu, hại đến tài sản của người dân hai bên bờ.
Ngoài kêu cứu, người dân mất ruộng vườn còn có thể làm gì?
Đã
nói quá nhiều, giờ là lúc chính quyền hành động. Tính mạng và tài sản của người
dân là quan trọng, có khó quá không để ngăn chặn những đường dây buôn bán, khai
thác cát trái phép. Tuy gọi là trộm, song từng đoàn thuyền hút cát ầm ỹ và công
khai suốt ngày đêm, phải gọi chúng là loại trộm lộ liễu được làm ngơ. Sự lộng
hành của cát tặc có lẽ đã diễn ra bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ
nhất, đất của dân thì dân xót, chứ chính quyền cơ sở có thể chưa thật sự đau nỗi
đau mất đất của họ. Hơn 40 héc-ta đất của dân Long Phước, Quận 9, TP HCM là tài
sản của người dân, chính quyền cấp sổ đỏ, công nhận chủ quyền của họ. Điều ấy
đúng, song chưa đủ. Chính quyền còn phải bảo vệ tài sản của họ trước mọi sự xâm
phạm, trong đó có nguy cơ sụt lở xuống sông bởi cát tặc.
Cho
đến nay, khai thác cát trái phép chỉ được xem là vi phạm luật hành chính, nếu bị
xử phạt vi cảnh, mức phạt cũng khá nhẹ. Để bảo vệ tài sản của người dân hiệu quả
hơn, hành vi ấy, tùy hoàn cảnh, phải được xem là hủy hoại tài sản công dân, vi
phạm pháp luật tài nguyên, chúng phải được trấn áp và trừng trị bởi những chế
tài mạnh mẽ hơn. Tiền phạt phải đủ đau đớn, đủ sức răn đe, làm khiếp sợ mọi
toan tính tái phạm. Mạnh hơn, cần hình sự hóa loại tội phạm này, bởi có gì thân
thương đáng được bảo vệ hơn là tài sản, ruộng vườn, quê hương của những người
dân.
Thứ
hai, hạt cát tuy nhỏ, nhưng nhiều thuyền cát tạo nên những đống tài sản kếch
sù, chỉ tận khai thác từ thiên nhiên, có thể dễ dàng tiêu thụ mà không phải tốn
phí nhiều. Tiền bạc tạo nên thế lực, quan hệ tạo ra sự bảo vệ. Nếu chính quyền
là quyền lực công khai, thì vô tận các thế lực khác là những quyền lực phi
chính thức, chúng phản ứng cũng linh hoạt và mau lẹ chẳng kém chính quyền. Điều
này làm cho hành vi trấn áp của chính quyền kém dần hiệu quả. Nếu điều ấy tiếp
tục diễn ra, thì pháp luật của nước ta đã thiếu lại còn bị nhờn.
Ngoài
ra, như đã được thảo luận rất nhiều, cha chung không ai khóc, dòng sông là của
chung, tức là chẳng của riêng ai. Khi sở hữu về các loại tài nguyên như những
dòng sông không được rạch ròi, chưa phân định rõ trách nhiệm của chính quyền quốc
gia và địa phương, sự mập mờ đó làm mồi cho các cuộc xâu xé.
Để
ngăn cát tặc phải chấm dứt mọi sự dung túng. Muốn làm được điều đó, cần xem trọng
tài sản của nhân dân, xem bất an của nhân dân tựa như nỗi lo lắng mất an ninh của
bản thân chính quyền. Khi đó, nhỏ như hạt cát, song chính quyền phải hành động
để giảm bớt những nỗi bất an cho nhân dân.