SAU CƠN MƯA...
Phạm Duy Nghĩa
Chưa động đất, không hoả hoạn, mới chỉ một cơn mưa, thủ đô cũ và mới đã chìm nghỉm trong nước. Lụt rồi cũng sẽ qua đi, song cảm giác lo âu sẽ còn ở lại với hàng triệu người dân Hà Nội. Chính quyền sinh ra để làm gì, nếu không vì sự bình an của người dân.
Sau cơn mưa lụt, dẹp yên tàn tích, sẽ tới một lúc người ta phải truy xét tới trách nhiệm của chính quyền, của giới truyền thông và của cả tất cả những người có trách nhiệm xây dựng, phản biện mọi chính sách ở địa phương. Người dân đóng thuế nuôi chính quyền những mong con em đến lớp được an toàn, đêm tối có ngọn đèn để thắp, lúc mưa gió có chỗ khô ráo để trú ngụ. Không bảo đảm được những điều ấy, dù tưng bừng tượng đài văn miếu, chính quyền còn nặng nợ với nhân dân.
Tưởng rằng thời buổi văn minh, bất đắc dĩ phải ngoi ngóp trong mưa lũ, người ta mong quá những lời chỉ dẫn, cứu giúp tìm đường. Cả giới truyền thông chậm chạp phản ứng, chúng ta nợ nhân dân thói quen phục vụ những thông tin bình dị. Lụt ở phố nào, tránh từ đâu, nơi nào người cơ nhỡ có thể tá túc, ai cứu giúp khi xe cộ chết máy giữa đường; đã quen với chuyện cao sang trên trời dưới biển, giới truyền thông ngờ ngệch với những dịch vụ đưa tin thô sơ nhất vì lẽ sống hàng giờ của người dân. Ráo riết săn tin hoa hậu, loạn trí người xem với đủ loại game show, đó có phải những thứ chính yếu nhất mà người dân mong đợi?
Khi nhiều khu phố cũ đã khô ráo khá nhanh sau cơn mưa, cư dân nhiều khu đô thị mới vẫn huyên náo bắt cá trên đường cao tốc. To đẹp mà không hiện đại, hoành tráng mà không văn minh, lỗi ấy thuộc về người có quyền quy hoạch thành phố, lỗi ấy cũng thuộc về giới trí thức và những người có sứ mệnh phản biện chính sách. Quá lệ thuộc vào người có quyền, chúng ta ít khi dám nghĩ khác, có nghĩ khác đôi khi cũng không dám nói, có dám nói đôi khi cũng không nói hết. Vì lẽ ấy những đô thị mới cứ phăm phăm mọc lên, thiếu những cảnh tỉnh xã hội, thiếu cả sự phản biện và giám sát của người dân.
Những ai đã nhìn những tập quy hoạch Hà Nội mà người Pháp đã để lại sau năm 1954, những ai đã sống những ngày Hà Nội thanh bình sau thống nhất đất nước, mới thấy những gì chúng ta đang chứng kiến thật ngột ngạt, dở dang. Hà Nội đã ít dần mau xanh, đã hiếm dần khí sạch, sau cơn mưa lũ, có lẽ phải làm thật nhiều việc Hà Nội mới đẹp trở lại trong ánh mắt người dân.
Phạm Duy Nghĩa
Chưa động đất, không hoả hoạn, mới chỉ một cơn mưa, thủ đô cũ và mới đã chìm nghỉm trong nước. Lụt rồi cũng sẽ qua đi, song cảm giác lo âu sẽ còn ở lại với hàng triệu người dân Hà Nội. Chính quyền sinh ra để làm gì, nếu không vì sự bình an của người dân.
Sau cơn mưa lụt, dẹp yên tàn tích, sẽ tới một lúc người ta phải truy xét tới trách nhiệm của chính quyền, của giới truyền thông và của cả tất cả những người có trách nhiệm xây dựng, phản biện mọi chính sách ở địa phương. Người dân đóng thuế nuôi chính quyền những mong con em đến lớp được an toàn, đêm tối có ngọn đèn để thắp, lúc mưa gió có chỗ khô ráo để trú ngụ. Không bảo đảm được những điều ấy, dù tưng bừng tượng đài văn miếu, chính quyền còn nặng nợ với nhân dân.
Tưởng rằng thời buổi văn minh, bất đắc dĩ phải ngoi ngóp trong mưa lũ, người ta mong quá những lời chỉ dẫn, cứu giúp tìm đường. Cả giới truyền thông chậm chạp phản ứng, chúng ta nợ nhân dân thói quen phục vụ những thông tin bình dị. Lụt ở phố nào, tránh từ đâu, nơi nào người cơ nhỡ có thể tá túc, ai cứu giúp khi xe cộ chết máy giữa đường; đã quen với chuyện cao sang trên trời dưới biển, giới truyền thông ngờ ngệch với những dịch vụ đưa tin thô sơ nhất vì lẽ sống hàng giờ của người dân. Ráo riết săn tin hoa hậu, loạn trí người xem với đủ loại game show, đó có phải những thứ chính yếu nhất mà người dân mong đợi?
Khi nhiều khu phố cũ đã khô ráo khá nhanh sau cơn mưa, cư dân nhiều khu đô thị mới vẫn huyên náo bắt cá trên đường cao tốc. To đẹp mà không hiện đại, hoành tráng mà không văn minh, lỗi ấy thuộc về người có quyền quy hoạch thành phố, lỗi ấy cũng thuộc về giới trí thức và những người có sứ mệnh phản biện chính sách. Quá lệ thuộc vào người có quyền, chúng ta ít khi dám nghĩ khác, có nghĩ khác đôi khi cũng không dám nói, có dám nói đôi khi cũng không nói hết. Vì lẽ ấy những đô thị mới cứ phăm phăm mọc lên, thiếu những cảnh tỉnh xã hội, thiếu cả sự phản biện và giám sát của người dân.
Những ai đã nhìn những tập quy hoạch Hà Nội mà người Pháp đã để lại sau năm 1954, những ai đã sống những ngày Hà Nội thanh bình sau thống nhất đất nước, mới thấy những gì chúng ta đang chứng kiến thật ngột ngạt, dở dang. Hà Nội đã ít dần mau xanh, đã hiếm dần khí sạch, sau cơn mưa lũ, có lẽ phải làm thật nhiều việc Hà Nội mới đẹp trở lại trong ánh mắt người dân.
Comments