UNG DUNG PHÁT RA MONG ƯỚC CỦA CỬ TRI
Phạm Duy Nghĩa
Có một thời, bên quán nước râm ran dư âm những phiên chất vấn. Dân mến thì dân tin, chuyện chính trị cao sang tưởng như đồng điệu với những ước mơ dân dã. Làm ăn khó khăn, lụt lội, nhức nhối môi sinh, liệu những hỏi và đáp trước Quốc hội năm nay có còn thu hút cử tri mỗi bữa cơm chiều.
Ở nước ta, làm cho Quốc hội thân dân có vẻ đơn giản nhưng cũng chẳng thể dễ dàng. Chỉ cần ham đọc báo, nghe đài, cần mẫn theo dõi đơn thư và một chút lắng nghe, đại biểu nào cũng có thể thấu hiểu nỗi niềm của cử tri. Dám nói lên những tâm tư ấy, chuyển hoá chúng thành những tiêu chí đánh giá chính sách, phiên chất vấn giúp xác định trách nhiệm chính trị của quan chức hành pháp và bày tỏ tín nhiệm của đại biểu đối với những công bộc của dân.
Song đa phần đại biểu lại cũng là quan chức, có đời nào thuộc cấp dám công khai vạch lỗi và chấm điểm thủ trưởng của mình. Dù là chuyên trách, lại cũng gắn với đoàn đại biểu các tỉnh, mấy ai dám vô tình khảo xét cơ quan trung ương để luỵ tới địa phương đã bầu ra mình. Vì nhằng nhịt những quan hệ ấy, Quốc hội nước ta dù chẳng thiếu người tài, song chưa thể có nhiều những đại biểu ung dung phát ra những mong ước giản dị của người dân.
Hỏi không phải để biết, chất vấn không phải để bới lá tìm sâu, người đại biểu phải có năng lực chuyển hoá tâm tư của cử tri thành các tiêu chí đánh giá chính sách và đánh giá trách nhiệm của người có quyền. Phiên chất vấn cũng là dịp để quan chức đứng đầu các ngành thể hiện mình là những công bộc thạo việc và canh cánh nghĩ tới lợi ích của ông chủ nhân dân.
Các phiên chất vấn của Quốc hội những khoá trước đây đã chứng kiến không ít những đổi thay, từ việc truyền hình trực tiếp phiên họp cho tới sự xuất hiện của người đứng đầu Chính phủ trước cử tri toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cử tri vẫn mong ngóng Quốc hội gần dân hơn. Điều ấy cần tới những cuộc cải cách thể chế toàn diện giúp chính quyền ngày càng mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân./.
Phạm Duy Nghĩa
Có một thời, bên quán nước râm ran dư âm những phiên chất vấn. Dân mến thì dân tin, chuyện chính trị cao sang tưởng như đồng điệu với những ước mơ dân dã. Làm ăn khó khăn, lụt lội, nhức nhối môi sinh, liệu những hỏi và đáp trước Quốc hội năm nay có còn thu hút cử tri mỗi bữa cơm chiều.
Ở nước ta, làm cho Quốc hội thân dân có vẻ đơn giản nhưng cũng chẳng thể dễ dàng. Chỉ cần ham đọc báo, nghe đài, cần mẫn theo dõi đơn thư và một chút lắng nghe, đại biểu nào cũng có thể thấu hiểu nỗi niềm của cử tri. Dám nói lên những tâm tư ấy, chuyển hoá chúng thành những tiêu chí đánh giá chính sách, phiên chất vấn giúp xác định trách nhiệm chính trị của quan chức hành pháp và bày tỏ tín nhiệm của đại biểu đối với những công bộc của dân.
Song đa phần đại biểu lại cũng là quan chức, có đời nào thuộc cấp dám công khai vạch lỗi và chấm điểm thủ trưởng của mình. Dù là chuyên trách, lại cũng gắn với đoàn đại biểu các tỉnh, mấy ai dám vô tình khảo xét cơ quan trung ương để luỵ tới địa phương đã bầu ra mình. Vì nhằng nhịt những quan hệ ấy, Quốc hội nước ta dù chẳng thiếu người tài, song chưa thể có nhiều những đại biểu ung dung phát ra những mong ước giản dị của người dân.
Hỏi không phải để biết, chất vấn không phải để bới lá tìm sâu, người đại biểu phải có năng lực chuyển hoá tâm tư của cử tri thành các tiêu chí đánh giá chính sách và đánh giá trách nhiệm của người có quyền. Phiên chất vấn cũng là dịp để quan chức đứng đầu các ngành thể hiện mình là những công bộc thạo việc và canh cánh nghĩ tới lợi ích của ông chủ nhân dân.
Các phiên chất vấn của Quốc hội những khoá trước đây đã chứng kiến không ít những đổi thay, từ việc truyền hình trực tiếp phiên họp cho tới sự xuất hiện của người đứng đầu Chính phủ trước cử tri toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cử tri vẫn mong ngóng Quốc hội gần dân hơn. Điều ấy cần tới những cuộc cải cách thể chế toàn diện giúp chính quyền ngày càng mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân./.
Comments