NHỮNG CHUYẾN VI HÀNH
Phạm Duy Nghĩa
Trước khi ra quyết định cưỡng chế dỡ bỏ những công trình trái phép xâm lấn một đoạn đê Yên Phụ vào năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đứng đầu Chính phủ thời đó đã vi hành (xem ảnh). Trăm nghe không bằng một thấy, cày xới đê vì lợi tư của số ít hộ kinh doanh mà đe doạ cư dân toàn thành phố, chuyến vi hành giúp mệnh lệnh được ban ra chính xác, hợp lòng dân.
Bí mật cải trang để hoà đồng cùng cuộc đời dân dã, các bậc đế vương xưa cũng như lãnh đạo thời nay vẫn làm xôn xao dư luận bởi những chuyến vi hành. Quen với nhung lụa, cũng có thể các ngài nhớ một thoáng hơi ấm ổ rơm; tề chỉnh bởi đủ loại cung kính của thuộc cấp, cũng có thể các ngài ước ao chút sẻ chia mộc mạc của thường dân. Song, rát nóng bởi cuộc đời trần thật, những chuyến vi hành giúp lãnh đạo gần dân và đưa ra các chính sách hợp lòng người.
Lội cùng với dân, lãnh đạo sẽ thấy người dân thèm lắm một nơi ở khô ráo. Len chân cùng những dòng xe gắn máy cuộn chảy mỗi buổi đưa đón con đi học, lãnh đạo mới thấy khí thải cay nơi mũi và người dân lo lắm cho con cháu mai sau. Trước những quyết sách có thể tổn hại đến lợi ích của người dân, mong quá một thoáng vi hành. Luật lệ và chính sách, nếu chỉ được trình ký trong thơm tho những căn phòng điều hoà nhiệt độ, e rằng sẽ mau khô héo trước oi nồng xứ nhiệt đới ngoài đời.
Không thể mãi mong chờ vua Nghiêu, vua Thuấn mấy khi trở lại trần gian, người ta đã nghĩ ra các tục lệ buộc người làm quan phải thường xuyên “vi hành” trước khi soạn chính sách. Kèm theo mỗi tờ trình phải có đủ đánh giá tác động quy phạm, phải có điều tra thực tế, phải có phản biện của dân chúng chịu ảnh hưởng… Nếu sai quy trình ấy, dân chúng sẽ có tố quyền yêu cầu toà án xem xét và huỷ các chính sách bất cẩn, có hại tới dân. Một quy trình hành chính như vậy ép quan chức tuân thủ kỷ luật và mở cửa đón người dân giám sát ở cả những nơi tôn nghiêm của quyền lực; quy trình ấy giúp các lãnh đạo thời nay vô vàn phương cách vi hành để tìm đến với lòng dân./.
Phạm Duy Nghĩa
Trước khi ra quyết định cưỡng chế dỡ bỏ những công trình trái phép xâm lấn một đoạn đê Yên Phụ vào năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đứng đầu Chính phủ thời đó đã vi hành (xem ảnh). Trăm nghe không bằng một thấy, cày xới đê vì lợi tư của số ít hộ kinh doanh mà đe doạ cư dân toàn thành phố, chuyến vi hành giúp mệnh lệnh được ban ra chính xác, hợp lòng dân.
Bí mật cải trang để hoà đồng cùng cuộc đời dân dã, các bậc đế vương xưa cũng như lãnh đạo thời nay vẫn làm xôn xao dư luận bởi những chuyến vi hành. Quen với nhung lụa, cũng có thể các ngài nhớ một thoáng hơi ấm ổ rơm; tề chỉnh bởi đủ loại cung kính của thuộc cấp, cũng có thể các ngài ước ao chút sẻ chia mộc mạc của thường dân. Song, rát nóng bởi cuộc đời trần thật, những chuyến vi hành giúp lãnh đạo gần dân và đưa ra các chính sách hợp lòng người.
Lội cùng với dân, lãnh đạo sẽ thấy người dân thèm lắm một nơi ở khô ráo. Len chân cùng những dòng xe gắn máy cuộn chảy mỗi buổi đưa đón con đi học, lãnh đạo mới thấy khí thải cay nơi mũi và người dân lo lắm cho con cháu mai sau. Trước những quyết sách có thể tổn hại đến lợi ích của người dân, mong quá một thoáng vi hành. Luật lệ và chính sách, nếu chỉ được trình ký trong thơm tho những căn phòng điều hoà nhiệt độ, e rằng sẽ mau khô héo trước oi nồng xứ nhiệt đới ngoài đời.
Không thể mãi mong chờ vua Nghiêu, vua Thuấn mấy khi trở lại trần gian, người ta đã nghĩ ra các tục lệ buộc người làm quan phải thường xuyên “vi hành” trước khi soạn chính sách. Kèm theo mỗi tờ trình phải có đủ đánh giá tác động quy phạm, phải có điều tra thực tế, phải có phản biện của dân chúng chịu ảnh hưởng… Nếu sai quy trình ấy, dân chúng sẽ có tố quyền yêu cầu toà án xem xét và huỷ các chính sách bất cẩn, có hại tới dân. Một quy trình hành chính như vậy ép quan chức tuân thủ kỷ luật và mở cửa đón người dân giám sát ở cả những nơi tôn nghiêm của quyền lực; quy trình ấy giúp các lãnh đạo thời nay vô vàn phương cách vi hành để tìm đến với lòng dân./.
Comments