TRANH LUẬN CŨNG CẦN CÓ VĂN HÓA
Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ 08/08/2007
Thế là vụ án “con bạc triệu đô” rồi cũng đã được đưa ra xét xử. Có nhiều lý do để luật sư hành nghề muốn nhận bào chữa cho những bị cáo nổi tiếng này. Họ ráng sức tranh luận tại phiên tòa, những mong công lý được xác lập kể cả với những người đã bị sóng gió dư luận tung lên hạ xuống hơn một năm qua.
Cuộc tranh luận bắt đầu bằng chiếc còng trên tay các bị cáo. Chừng nào chưa bị tòa tuyên phạm pháp thì người ta vẫn được xem là vô tội, vì lẽ ấy vài năm nay bị cáo không còn phải xuất hiện trước các phiên xử công khai với đồng phục tạm giam. Đã bớt nhìn xuống bị cáo với miệt từ đại loại như “y, thị, hắn, nó”.. song thẩm phán và công tố viên nước ta còn cần thêm thời gian để quen với “ông, bà bị can”. “Con bạc triệu đô” vẫn xuất hiện trước ống kính của báo giới với chiếc còng trên tay. Quyền tháo chiếc còng ấy để bị cáo đỡ lom khom trước vành móng ngựa, theo tòa án, thuộc quyền của cảnh sát.
Thường thì văn hóa trong phòng xử án được xác lập trước hết bởi sự tôn kính của công chúng dành cho các vị thẩm phán. Cầm cương cho cuộc tranh luận giữa công tố buộc tội và luật sư bào chữa diễn ra, các thẩm phán nhân danh công lý mà tuyên ra luật lệ. Cuộc tranh luận ấy trước hết phải dựa trên chứng cớ, chứ không thể kéo dài mãi với những biện luận về quan điểm và giá trị chung chung. Nếu nhìn nhận như vậy, quả thực luật sư bào chữa còn cần thêm nhiều quyền nữa mới có thể phản bác được những hồ sơ vụ án được chuẩn bị rất chuyên nghiệp hàng năm trời bởi cơ quan điều tra.
Thêm nữa, tranh luận không nhất thiết là đối lập và bài bác lẫn nhau. Thẩm phán, công tố hay luật sư, dù ở những cương vị khác nhau, họ có thể một thời đều là bạn học, đồng nghiệp, đồng môn. Nghề của họ đều hướng về một đích, đó là kiến tạo công lý một cách vững vàng trước mọi sức ép và cám dỗ. Sự xuất hiện của luật sư giúp thẩm phán cẩn trọng hơn với từng bước tố tụng, giúp công tố nhìn lại từng chi tiết buộc tội. Tranh luận tại tòa, vì lẽ ấy thường làm cho các bản án ngày càng được thuyết phục hơn. Hình như cuộc tranh luận tại vụ án “con bạc triệu đô” có phần trắc trở nên vài luật sư bào chữa đã thu gom đồ nghề bỏ về. Muốn tranh luận phải có người nghe và người biết lắng nghe. Những hành vi ứng xử ấy dường không tự nhiên mà có, chúng cũng cần được huấn luyện bởi nền tư pháp nước nhà./.
Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ 08/08/2007
Thế là vụ án “con bạc triệu đô” rồi cũng đã được đưa ra xét xử. Có nhiều lý do để luật sư hành nghề muốn nhận bào chữa cho những bị cáo nổi tiếng này. Họ ráng sức tranh luận tại phiên tòa, những mong công lý được xác lập kể cả với những người đã bị sóng gió dư luận tung lên hạ xuống hơn một năm qua.
Cuộc tranh luận bắt đầu bằng chiếc còng trên tay các bị cáo. Chừng nào chưa bị tòa tuyên phạm pháp thì người ta vẫn được xem là vô tội, vì lẽ ấy vài năm nay bị cáo không còn phải xuất hiện trước các phiên xử công khai với đồng phục tạm giam. Đã bớt nhìn xuống bị cáo với miệt từ đại loại như “y, thị, hắn, nó”.. song thẩm phán và công tố viên nước ta còn cần thêm thời gian để quen với “ông, bà bị can”. “Con bạc triệu đô” vẫn xuất hiện trước ống kính của báo giới với chiếc còng trên tay. Quyền tháo chiếc còng ấy để bị cáo đỡ lom khom trước vành móng ngựa, theo tòa án, thuộc quyền của cảnh sát.
Thường thì văn hóa trong phòng xử án được xác lập trước hết bởi sự tôn kính của công chúng dành cho các vị thẩm phán. Cầm cương cho cuộc tranh luận giữa công tố buộc tội và luật sư bào chữa diễn ra, các thẩm phán nhân danh công lý mà tuyên ra luật lệ. Cuộc tranh luận ấy trước hết phải dựa trên chứng cớ, chứ không thể kéo dài mãi với những biện luận về quan điểm và giá trị chung chung. Nếu nhìn nhận như vậy, quả thực luật sư bào chữa còn cần thêm nhiều quyền nữa mới có thể phản bác được những hồ sơ vụ án được chuẩn bị rất chuyên nghiệp hàng năm trời bởi cơ quan điều tra.
Thêm nữa, tranh luận không nhất thiết là đối lập và bài bác lẫn nhau. Thẩm phán, công tố hay luật sư, dù ở những cương vị khác nhau, họ có thể một thời đều là bạn học, đồng nghiệp, đồng môn. Nghề của họ đều hướng về một đích, đó là kiến tạo công lý một cách vững vàng trước mọi sức ép và cám dỗ. Sự xuất hiện của luật sư giúp thẩm phán cẩn trọng hơn với từng bước tố tụng, giúp công tố nhìn lại từng chi tiết buộc tội. Tranh luận tại tòa, vì lẽ ấy thường làm cho các bản án ngày càng được thuyết phục hơn. Hình như cuộc tranh luận tại vụ án “con bạc triệu đô” có phần trắc trở nên vài luật sư bào chữa đã thu gom đồ nghề bỏ về. Muốn tranh luận phải có người nghe và người biết lắng nghe. Những hành vi ứng xử ấy dường không tự nhiên mà có, chúng cũng cần được huấn luyện bởi nền tư pháp nước nhà./.
Comments