Skip to main content

Dòng sông Ninh Cơ

Sắp tới lễ Vu Lan, có một bài viết khá thú vị dưới đây của Nguyễn Đức Tuyên, xin gửi tặng những ai đã lớn lên bên dòng Ninh Cơ. Có thể vài thông tin từ bài viết cần được kiểm chứng lại, song ngoài “sự đa nghi” vốn có của kẻ học luật, với quê hương có ai nỡ nặng lời …

Dòng sông Ninh Cơ
[Bài của Nguyễn Đức Tuyên]

Phát nguyên từ đất mẹ Bách Việt, nay đã bị người Tàu chiếm ngự, Sông Hồng vừa là khởi nguyên vừa là hướng đạo cho cuộc đông nam tiến của tổ tiên ta trải rộng một vùng phù sa tam giác, tài bồi qua năm tháng lấn chiếm một vùng biển Đông. Sông Hồng đi tới vùng Xuân Trường ngày nay thì vì địa thế đất đai hay vì một cơ duyên huyền bí nào đó, mở ra một con sông nhánh là Sông Ninh Cơ, giống như cánh tay dài của người mẹ yêu thương vươn ra che chở, bao bọc và tưới mát một vùng đất phì nhiêu, khởi đầu là hướng bắc nam, rồi cũng như đời người chuân chuyên, phải rẽ sang hướng đông bắc-tây nam, ở vùng Trung Linh, mãi tới Ninh Cường lại thêm môt lần chuyển hướng bắc nam rồi xuôi dòng hòa nhập vào đại dương ở cửa Lạch Giang. Tổ tiên chúng ta cũng theo dòng sông xây dựng dòng đời, truyền lại gia tài đất dai cho con cháu.
Trong những ngày xa xưa, sông là phương tiện di chuyển cốt yếu đểû chuyên chở người, vật liệu và thổ sản từ vùng này sang vùng khác và trong những chuyến đồ xuôi ngược ấy đã tạo ra biết bao mối tình thơ mộng, mộc mạc và chất phác mà ngày nay ta không thể tìm thấy nơi xứ lạ quê người. Con đò dọc sông Ninh Cơ biết đâu cũng đã nên duyên vợ chồng cho nhiều đôi trai gái miền quê, nhưng cũng từ con đò trên sông đó hẳn đã gây nên bao mối tình câm, bao nỗi khóc thầm của những hoàn cảnh éo le, thương mà thương chẳng trọn.
Con sông chia ngả đôi bờ, một bên là Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và bờ bên kia là Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Cuộc sống ở đây thời xa xưa được coi là êm đềm, chất phác, nghèo nàn, ngoại trừ một vài làng khá giả hơn như Hành Thiện, Trung Lao. Đôi bờ hai ngả được nối kết với nhau bằng những con đò ngang nhỏ nhắn mộc mạc qua lại: đò Cựa Gà, đò Sồng, đò Lạc Quần, đò Ninh Cường, đò Ninh Mỹ và đò Giáo Lạc. Hai bên bến đò thường là một vùng đất đỏ thoai thoải như nửa cái lòng chảo vĩ đại chúi xuống mé sông. Đây đó một căn lều xơ xác với cô thôn nữ chít khăn mỏ qụa, ngồi sau chiếc bàn gỗ xiêu vẹo, trên để mấy cái chén và bình nước chè xanh hay nước vối mầu nâu xậm. Đò không có cái tấp nập như bắc Mỹ Thuận chẳng hạn. Đò ngang là “nhịp cầu” duy nhất đưa khách sang sông. Nhưng cô lái đò hoặc ông lái đò lại là người không biết giữ đúng giờ, khi sớm khi muộn, lúc nhặt lúc khoan; đò chở không phải theo giờ giấc nhất định mà tùy chuyến, nhiêu khi tùy theo có khách hay không. Không có khách ta chẳng sang sông, cho nên lỡ đò là chuyện sảy ra thường xuyên. Đợi mãi không thấy đò sang, ta chỉ còn cách bụm hai bàn tay làm loa “gọi đò” để gọi mãi sang bên kia sông. Ngang sông tuy không rộng lớn nhưng nhiều lúc nước chảy xiết, đánh bạt con đò trôi xuôi cả nửa cây số, khi vào gần bờ đò phải bơi ngược lại. Có lẽ những hoàn cảnh như vậy tạo cho con người Việt Nam biết kiên nhẫn, không màng tới thời gian, riết rồi thành thói quen đi trễ cả 2 giờ đồng hồ như ta thấy trong những tiệc cưới ngày nay chăng.
Nhà tôi không ở bên sông Ninh Cơ, nhưng khi lên mười, tôi đã mất cha, và đi trọ học bên dòng Ninh Cơ. Lúc đó tôi không thấy buồn nhưng rất nhẫn nhục, lủi thủi theo thời khắc biểu, theo kỷ luật khắt khe của nhà trường, tôi cũng không có vẻ gì bất mãn hay nổi loạn. Ít nhất một tuần một lần, chúng tôi có dịp dạo mát trên con đê tả ngạn Ninh Cơ. Kỷ niệm còn trong tôi là một dòng sông hiền hòa, phẳng lặng, hai bên bờ cỏ và tre mọc chen nhau, tạo nên một màu xanh úa vàng lồi lõm, cao thấp. Cho tới năm 1945, đất trời nổi sóng. Tôi đã chứng kiến cảnh đói Ất Dậu với những thân người tiều tụy, xác xơ. Tôi nhớ mỗi tuần chúng tôi có đem theo mỗi người mấy nắm cơm để gọi là cứu trợ nhưng có thấm tháp vào đâu.
Lần thứ hai, trở lại đi học trung học sau một thời gian đi làm, tôi lại có dịp ngày ngày qua một đoạn đường ngắn trên sông Ninh Cơ và nhiều lần qua lai đò Cựa Gà hoặc đi đò dọc đến Nam Đinh qua sông Ninh Cơ và sông Hồng nhưng kỷ niệm lúc đó là những lo âu. Sông Ninh Cơ lúc này như người mẹ hiền chứng kiến cảnh ngoại xâm mưu toan thôn tính nước ta một lần nữa, cảnh lũ con ngỗ nghịch phá nhà phá xóm, tạo cảnh đồng không nhà trống mà dòng sông trong xanh thuở nào đã chất chứa thây con mẹ, bồng bềnh không người thừa nhận.
Mới đây tôi mới nghe về một câu chuyện rất thương tâm trên dòng sông Ninh Cơ thời trước 1945. Theo phong tục nhiều làng thời đó, hễ con gái chửa hoang, tức là không có chồng chính thức mà có bầu, dân làng sẽ họp lại, tra vấn, nhiếc mắng trăm điều xỉ nhục rồi cuối cùng là nghị án thả bè trôi sông. Dân làng sẽ kết một chiếc bè bằng cây chuối, cột chân tay người con gái bất hạnh lại, lấy nhựa đường trét kín miệng, rồi thả xuống sông, cho đến chết. Những chuyện này, thời đó tôi chỉ nghe kể lại. Mãi tới tháng tư năm nay, khi sang Úc, nhân nói về những tục lệ xa xưa, ông NVK ở Melbourne có nói với tôi là khi còn ở miền GL chính mắt ông đã thấy xác một người con gái bất hạnh trôi vào vùng sông Ninh Cơ nơi ông cư ngụ. Ông còn nhớ câu chuyện thương tâm ấy xẩy ra ở một làng X, và bất hạnh thay, người con gái ấy đã mang bầu với một viên chức trong làng, và chính những viên chức trong làng X, dầu biết rõ người gây ra cái bầu, vẫn nhẫn tâm thi hành bản án vô nhân đạo đó dựa theo phong tục phép vua thua lệ làng. Tôi cứ bị ám ảnh về những người con gái xấu số như vậy. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh một người con gái bị cột dây, phơi nắng, trôi sông, cho tới chết với nỗi niềm oan trái của họ. Câu chuyện xẩy ra trên Sông Ninh Cơ, nhưng con sông hoàn toàn vô tội. Con sông chỉ đem đến sức sống và nguồn nước cho con người, cho cỏ cây, cho đồng lúa. Tội chính là ở con người.
...

Dòng sông đã chứng kiến bao cảnh tang thương vật đổi sao rời. Những huy hoàng của một giáo phận công giáo thời trước ... dòng sông đón nhận tin mừng thống nhất đất nước năm 1975 trong cảnh chia lìa tưởng chừng như vĩnh biệt của nhiều người thân ở trong Nam khi họ rời xa đất nước tới một nơi vô định; rồi dòng sông hân hoan vui mừng gặp lại những người thân xa cách nhau một nửa thế kỷ ở xa nhau nửa qủa địa cầu về làng gặp gỡ, thăm hỏi ân cần và sự trợ giúp tương như trong giấc mơ...
Tôi giã biệt dòng Ninh Cơ vào một ngày hè ảm đạm 50 năm về trước. Rồi vì cuộc sống ở miền Nam và nhiều năm sống ở Hoa kỳ, có thể nói là tôi đã quên bằng dòng sông thân yêu đó. Cho đến đầu năm 1999 khi có dịp trở lại dòng sông qua cây cầu nổi bắc ngang sông ở Lạc Quần, rồi đi dọc lên miệt Trung Linh, Bùi Chu, Ngọc Cục, dòng sông trở lại với tôi giống y như hình ảnh người chị tôi, sau 50 năm gặp lại. Già nua, cằn cỗi nhưng hân hoan vui mừng và đầy sức chịu đựng phi thường. Tôi trở về miền đất hứa trong tâm tư vui mừng, hồi hộp, ngỡ ngàng. Dòng sông Ninh Cơ như người mẹ gìa nua còn đó, cô quạnh với nụ cười héo hắt ngó nhìn tôi, lòng rộn rã nhưng không nói lên lời, bởi vì trong thâm tâm còn muôn điều muốn nói nhưng nghẹn ngào.
Đồng bằng sông Ninh Cơ trong những năm 1945, chỉ cưu mang những gia đình gồm có 2 vợ chồng, ngày nay, những gia đình ấy, như gia đình chị tôi, đã tăng lên 94 người gồm con cái cháu chắt, mà số ruộng không gia tăng. Đi trên vùng Tam Cốc, Ninh Bình, tôi đưọc vợ chồng anh chị lái đò chỉ cho những mảnh ruộng được chia phần cho mỗi gia đình thật tội nghiệp, có lễ chỉ lớn hơn mảnh đất gia cư bình thương ở đây, để nuôi sống một gia đình khoảng 4 người ...
Diện tích toàn vùng Ninh Cơ khoảng 1,350 cây số vuông với dân số khoảng 1,200,000 người, mật độ 888/km2, so với diện tích toàn quốc là 330,991 cây số vuông và dân số 77,000,000, mật độ 233/km2. Nói một cách khác, mật độ vùng Ninh Cơ gấp 3.8 lần toàn quốc và ngoài nông sản ra không có một khu công kỹ nghệ nào.
...

Sông Ninh Cơ mong có một ngày nào cuốn trôi đi những rác rưởi của hận thù, đàn áp, khống chế của con người .. Hãy rửa sạch dòng sông cho nước sông trong sáng, sạch sẽ, cho thế hệ trẻ thơ biết vui đùa vô tư bên dòng sông, cho thế hệ thanh niên dám ngẩng mặt nhìn trời, không sợ sệt, không dối trá. Dòng Ninh Cơ mong có một ngày nhà nhà yên vui, con cái được cắp sách đến trường, có bát cơm ngon, có bộ quần áo lành lặn. Dòng Ninh Cơ ước mong hạnh phúc đến sớm cho mọi người.

Comments

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Học và Dạy Luật Đất đai trong các trường luật ở Việt Nam

Tặng các bạn học và dạy Luật Đất đai 1.       Dẫn đề : Nước ta đã có gần 100 cơ sở đào tạo luật (để thuận tiện, sau đây gọi chung là các trường luật). Ở bậc cử nhân, các trường luật thường giảng dạy Môn học Luật Đất đai. Nội dung giảng dạy môn học này ở các trường khá giống nhau, bám sát cấu trúc của Luật Đất đai, thường bắt đầu từ Chế độ sở hữu, Các loại đất, Quyền & Nghĩa vụ của Người sử dụng đất, cho tới Hành chính đất đai và Giải quyết tranh chấp đất đai. Trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nội dung đồ sộ của đạo luật này cần được nghiên cứu & giảng dạy như thế nào cho hiệu quả. Trong khuôn khổ Hội thảo tại một trường luật như Khoa Luật ĐH Mở TPHCM, sẽ là hữu ích, nếu có thể góp phần tìm hiểu đạo luật mới này, song đồng thời cũng tìm cách đổi mới cách nghiên cứu, giảng dạy pháp luật đất đai, giúp cho môn học này hấp dẫn, thiết thực hơn với người học. Phần thảo luận dưới đây góp phần vào 2 nội dung nêu trên. 2.    ...