Skip to main content

Posts

Showing posts from 2018

Học lại tự trị làng xã để thúc đẩy tự quản cộng đồng

Đã có nhiều nhà nghiên cứu thảo luận rất chi tiết về vốn cổ tự trị làng xã ở Việt Nam. Không muốn nhắc lại các đặc trưng của tự trị làng xã, chúng tôi chỉ lưu ý rằng trong nền quan chế cổ truyền ở Việt Nam, làng xã được tự trị, chức dịch phục vụ ở làng xã được chi trả từ các nguồn thu của cộng đồng, và hầu như không được trả lương từ ngân sách Trung ương. Vì lẽ đó, tự trị làng xã giúp cho bộ máy chính quyền Trung ương được gọn nhẹ, giúp cho Nhà nước chỉ tập trung tuyển dụng và chi trả lương bổng cho số lượng công chức hạn chế. Mặt khác, tự trị làng xã cũng như duy trì bản sắc văn hóa, gắn kết xã hội, duy trì sự bền vững của các cộng đồng, góp phần chống trả một cách thành công các nỗ lực Hán hóa lâu dài hàng nghìn năm. Nói thế đủ hiểu rằng, cấu trúc xã hội làng xã đã là một nhân tố quyết định tạo nên tính cách Việt, con người Việt. Để đánh giá về tự trị làng xã và sự hữu dụng của nó trong thời buổi chuyển sang nền cai trị ngày nay, chắc nên trích nhận xét của Toàn quyền Đông Dương...

Nhìn lại 3 năm phát triển án lệ ở Việt Nam

Trong thời gian 3 năm qua vẫn có nhiều ý kiến khác, chưa hoàn toàn đồng ý với cách chọn án, nguồn án lựa chọn, cách biên tập, cách công bố và quy định về hiệu lực của các án lệ. Nhiều giải pháp pháp lý mà các án lệ đưa ra có thể vẫn còn gây tranh cãi và chưa hoàn toàn thuyết phục. Đ iều này hoàn toàn xác đáng, và có thể dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Phát triển án lệ không chỉ đơn thuần là một hoạt động mới của ngành Tòa án, mà là du nhập một thể chế mới, theo đó Tòa án Nhân dân Tối cao từng bước thực hiện quyền giải thích, phát triển, sáng tạo pháp luật. Các án lệ, về bản chất, tương tự như các tuyên bố chính sách, suy cho cùng là cách lựa chọn giải pháp cho những xung đột lợi ích theo định hướng mà Tòa án cho rằng thỏa đáng, hợp lý, công bằng, đảm bảo công lý. Trong quá trình phức tạp đó tranh luận đa chiều là hiển nhiên. Việc phát triển án lệ có thể tiến, hoặc lùi, thành công, hoặc thất bại, tùy theo các tương quan lực lượng đang thay đổi ở nước ta. Từ góc nhìn du nhậ...

Chế độ khoa cử: Gợi ý gì cho tuyển dụng công chức

Các quốc gia Đông Bắc Á (Nhật, Hàn, Trung Hoa) đều thừa hưởng một nền hành chính tập quyền hiệu quả, với một hệ thống công vụ có quy trình chặt chẽ (quan liêu, theo nghĩa tích cực của chữ này nghĩa là không tùy tiện, mà phải bám sát những gì đã được chỉ định từ trên xuống và một nề nếp làm việc hà khắc, tuân theo kỷ cương), các công chức thực tài, mẫn cán, được tuyển lựa dựa trên các kỳ thi quốc gia (quốc khảo) có tính cạnh tranh cực kỳ cao, mở ra cơ hội bình đẳng với nhiều tầng lớp dân cư, quan chức được rèn luyện để làm quan cai trị qua nhiều thủ tục từ tập sự, tới luân chuyển, được giám sát và đánh giá nghiêm khắc [i] . Chế độ khoa cử, chí ít liên quan đến ba lĩnh vực: (i) một nền giáo dục dựa trên các tinh thần Nho giáo, được nhà nước khuyến khích, đốc thúc (đặt quan đốc học ở cấp phủ, ưu đãi Nho sinh), được toàn xã hội đầu tư và tôn trọng, (ii) một hệ thống thi tuyển cạnh tranh bình đẳng, song nghiêm ngặt, từ khảo khóa hàng năm ở các tỉnh, thi hương (thời Gia Long tổ chức toà...

Chống cát cứ, xây dựng một chính quyền Trung ương tập quyền mạnh mẽ

Khi thảo luận về các thức thức xây dựng chính quyền trong Chiến lược phát triển nước ta cho tới năm 2035 (hoặc 2045, tròn 100 năm xây dựng chính thể cộng hòa), các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất rằng: một trong các thách thức đáng kể nhất đối với bộ máy chính quyền nước ta là tính manh mún, cát cứ, phân tán, làm suy yếu khả năng ban hành và thực thi các chính sách của chính quyền trung ương [i] . Thực ra, nếu đọc sử Việt và sử Trung Hoa, chế ngự phân tán, cát cứ là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ chính quyền trung ương nào, từ thượng cổ tới ngày nay. Thường khi chính quyền trung ương mạnh thì nguy cơ cát cứ tạm lắng xuống (minh chứng số tỉnh thành giảm xuống đáng kể thời vua Gia Long, vua Minh Mạng, hoặc vào thời thống nhất đất nước sau 1975 dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn có thể làm rõ nhận định trên). Khi chính quyền trung ương yếu dần thì cát cứ địa phương trỗi dậy. Xu thế phân ly hàng thế kỷ giữa Đàng Ngoài-Đàng Trong, phân ly Nam-Bắc trong thế kỷ XX là một phần đặ...

Một định hướng nghiên cứu mới

Từ hơn 30 năm nay, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách nước ta đã thảo luận rất nhiều về tự do, mở cửa thị trường, hội nhập. Nhiều tới mức, Nhà nước lùi dần, nhường sân cho thị trường. Tư duy ấy tràn lan (các tranh luận khôi hài mới đây về cái gọi là “học giá”, “trạm thu giá”, giá dịch vụ y tế… là vài thí dụ). Mặt khác, người dân nước ta cũng chào đón, thân thiện, ủng hộ kinh tế thị trường (thái độ và cảm nhận thị trường của người Việt Nam đã thuộc loại cao nhất thế giới, dân Việt yêu mến thị trường còn hơn cả dân Mỹ, theo điều tra quốc tế cứ 100 người được hỏi thì 95 người ủng hộ kinh tế thị trường, chỉ có 3 người phản đối) [i] . Nước ta cũng đã mở cửa thị trường nội địa một cách quá mức hăng hái. Nếu đo mức độ mở của nền kinh tế bằng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP, thật kinh ngạc, Việt Nam đã thuộc nhóm 7 quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc chấp nhận mở toang thị trường nội địa [ii] .             Cải cách thể chế...

Thấy gì qua câu chuyện bản quyền Asiad 2018

Nước ta có quá nhiều nhà đài, lại được viết tắt toàn bằng tiếng Anh, nào là VTV, VOV. Đó là những đơn vị sự nghiệp thực thi sứ mệnh Nhà nước giao. Vừa qua, VTV từ chối mua quyền phát sóng các cuộc tranh tài tại Asiad 2018, nhất là bóng đá, cho rằng phí bản quyền quá đắt. Lại hay tin VOV đã mua được quyền ấy và người dân có thể xem bóng đá ở những kênh do VOV chỉ định. Không chỉ là thể thao, bóng đá kết nối xã hội. Ẩn chứa nhiều khát khao, rất đông người Việt Nam tìm đến những sự kiện thể thao ấy để bày tỏ nỗi niềm của mình. Được xem các trận đua tài tại Asiad 2018 là quyền của họ, một nhu cầu đại chúng mà Nhà nước phải tìm cách thỏa mãn một cách thỏa đáng. Các nhà đài công lập phải phục vụ nhu cầu đại chúng ấy của người dân. Chuyện phí bản quyền đắt hay rẻ phụ thuộc vào quan hệ thị trường, vào tài năng đàm phán, chiến lược kinh doanh, và thái độ phục vụ nhu cầu đại chúng của các nhà đài. VTV từ chối mua quyền phát sóng Asiad 2018 chắc có lý do riêng của mình, vì lợi ích của ...

Đồng nghiệp từ Hàng Châu kể chuyện

Chị đồng nghiệp người Trung Quốc kể rằng từ năm ngoái 2017 các bài nghiên cứu và báo chí Trung Quốc phải thay chữ Chiến lược bằng chữ Sáng kiến Một vành đai Một con đường. Ngoài ra, đảng phí tăng đáng kể (mức lương của giáo sư các trường hàng đầu Trung Quốc cũng tăng nhanh và cạnh tranh được với mức lương tại các đại học Phương Tây). Vài nhận xét: Thứ nhất “Một vành đai-Một con đường” là một tầm nhìn quá lớn của Trung Quốc, các học giả và chính trị gia Việt Nam chẳng hiểu đáng kể gì cả về tầm nhìn của họ. Thứ hai, vấp phải khá nhiều chống đối từ các cộng đồng bản địa Trung Á và Châu Phi, người Trung Quốc tìm cách che dấu tầm nhìn của họ, mời gọi sự tham gia, từ đó mà đổi chữ Chiến lược thành ra Sáng kiến . Thứ ba, báo chí, đại học, nghiên cứu… hết thảy các tổ chức ở Trung Quốc như một dàn nhạc nhảy múa theo Nhạc trưởng là Đảng, tất nhiên Đảng của họ đại diện cho giới tinh hoa của nước Trung Quốc hiện đại. Họ chỉ dùng cái vỏ Cộng sản cũ rỗng tuếch mà thôi.  

Grüß Gott: Tiểu bang Bavaria giữ gìn bản sắc

Từ 01/06/2018 tới đây, tất cả công sở thuộc Tiểu bang Bavaria của nước Đức phải treo Thánh giá , như một nỗ lực giữ gìn bản sắc Thiên chúa của văn hóa vùng này.  Với nền công vụ nước ta, có nên nghiên cứu & giảng dạy chuyên đề Nền móng Nho giáo của nền hành chính Việt Nam ?

Những điều không chỉ có ở Đồng Nai

Lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, vun vén cá nhân là gì, xin hãy hỏi công ty Cường Hưng ở tỉnh Đồng Nai. Kết luận thanh tra về sai phạm của bà Mỹ Thanh không thật mới, nó chỉ xác tín điều đã xảy ra từ hàng chục năm nay. Khi quyền lực chính trị bị lạm dụng, dan díu với kinh doanh của thân hữu, tạo ra những cuộc chia chác lớn, của cải và cơ hội phát triển quốc gia bị tước dần làm của riêng. Cũng như ở nhiều nơi khác, bà Mỹ Thanh là con của nguyên Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai. Tài nguyên mà bà vun vén cho công ty của người thân là đất đai và các dự án hạ tầng. Bà chỉ chưa khéo vì bẻ cong quy hoạch mà không lấy ý kiến hội đồng nhân dân, lại cũng lộ liễu ký cho Cường Hưng các dự án vượt ra cả lĩnh vực thẩm quyền được phân công. Những việc ấy diễn ra đã từ lâu, cũng như ở nhiều nơi khác, chính quyền và hệ thống chính trị ở Đồng Nai không thể không biết, chỉ có phần lớn mọi người chọn cách làm thinh. Hình như nội tình công ty Cường Hưng lục đục, ganh đua lợi ích mới làm rò rỉ dần ra các sai...

Sửa Luật Giáo dục: Góp ý từ thực tiễn đào tạo luật

Dẫn nhập : Dựa trên Tờ trình của Chính phủ, và đề xuất từ chính các Ủy ban của Quốc hội, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đang được sửa. Nội dung của hai đạo luật này rất rộng. Để mỗi một lần sửa luật đạt hiệu quả, theo thiển nghĩ của tôi, nên thảo luận hết sức tập trung, việc gì cấp bách, đáng phải sửa, sửa xong sẽ khơi thông nguồn lực xã hội, thúc đẩy nền giáo dục quốc gia trở nên có chất lượng hơn, thì hãy sửa. Về đại thể, cần trả lời ba câu hỏi: -       Trục trặc lớn nhất về giáo dục hiện nay là gì, trục trặc đó có nguyên nhân từ chính sách pháp luật của Nhà nước hay không? -       Trong khả năng nguồn lực hạn hẹp, Chính phủ nên ưu tiên làm gì để giải quyết trục trặc đó? -       Các giải pháp của Chính phủ đã thông minh, hiệu quả, công bằng hay chưa, có đối tượng nào bị bỏ rơi bởi những giải pháp đó hay không? Thảo luận chính sách giáo dục :   Lựa chọn cách diễn đạt trong dự luật không ...