Skip to main content

Những điều không chỉ có ở Đồng Nai

Lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, vun vén cá nhân là gì, xin hãy hỏi công ty Cường Hưng ở tỉnh Đồng Nai. Kết luận thanh tra về sai phạm của bà Mỹ Thanh không thật mới, nó chỉ xác tín điều đã xảy ra từ hàng chục năm nay. Khi quyền lực chính trị bị lạm dụng, dan díu với kinh doanh của thân hữu, tạo ra những cuộc chia chác lớn, của cải và cơ hội phát triển quốc gia bị tước dần làm của riêng.

Cũng như ở nhiều nơi khác, bà Mỹ Thanh là con của nguyên Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai. Tài nguyên mà bà vun vén cho công ty của người thân là đất đai và các dự án hạ tầng. Bà chỉ chưa khéo vì bẻ cong quy hoạch mà không lấy ý kiến hội đồng nhân dân, lại cũng lộ liễu ký cho Cường Hưng các dự án vượt ra cả lĩnh vực thẩm quyền được phân công. Những việc ấy diễn ra đã từ lâu, cũng như ở nhiều nơi khác, chính quyền và hệ thống chính trị ở Đồng Nai không thể không biết, chỉ có phần lớn mọi người chọn cách làm thinh. Hình như nội tình công ty Cường Hưng lục đục, ganh đua lợi ích mới làm rò rỉ dần ra các sai phạm. Thế là bà Mỹ Thanh bị lộ.

Thế mới biết truyền thống con ông cháu cha chắc chắn là hồng phúc của riêng, song nếu thiếu cạnh tranh và trách nhiệm giải trình thì điều ấy chưa chắc đã là điều may mắn cho một quốc gia. Để quyền lực của chính quyền không thể là bổng bộc riêng, nước ta đã có Hiến pháp, pháp luật, dù chưa thể gọi là tinh xảo, song chẳng thiếu thứ gì. Hành vi của bà Mỹ Thanh chắc chắn vi phạm nhiều quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức, vi phạm Quy chế làm việc của UBND tỉnh Đồng Nai.

Quốc hội thời gian tới đây lại bước vào một kỳ họp mới, lại làm ra nhiều luật mới. Điều ấy chắc là cũng cần. Song, làm ra nhiều luật mà cả quan chức và người dân đều không tuân thủ, thói quen khinh nhờn pháp luật đó thật tai hại. Bởi vậy, tựa như từng cá nhân đôi khi cần nhịn ăn, nhịn nói, nhịn nghĩ để tĩnh tâm suy tưởng về mục đích sống của đời mình, chính quyền và hệ thống chính trị của nước ta cũng nên bớt hứa hẹn, ham làm, ham hành động, tìm mọi cách trở về chịu trách nhiệm rõ rệt hơn trước nhân dân.
Mượn lời người xưa “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, lãnh đạo, tổ chức đoàn thể… nếu kém đều có thể thay được hết, chỉ duy nhất giữ được niềm tin của nhân dân là giữ được chính quyền.

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Học và Dạy Luật Đất đai trong các trường luật ở Việt Nam

Tặng các bạn học và dạy Luật Đất đai 1.       Dẫn đề : Nước ta đã có gần 100 cơ sở đào tạo luật (để thuận tiện, sau đây gọi chung là các trường luật). Ở bậc cử nhân, các trường luật thường giảng dạy Môn học Luật Đất đai. Nội dung giảng dạy môn học này ở các trường khá giống nhau, bám sát cấu trúc của Luật Đất đai, thường bắt đầu từ Chế độ sở hữu, Các loại đất, Quyền & Nghĩa vụ của Người sử dụng đất, cho tới Hành chính đất đai và Giải quyết tranh chấp đất đai. Trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nội dung đồ sộ của đạo luật này cần được nghiên cứu & giảng dạy như thế nào cho hiệu quả. Trong khuôn khổ Hội thảo tại một trường luật như Khoa Luật ĐH Mở TPHCM, sẽ là hữu ích, nếu có thể góp phần tìm hiểu đạo luật mới này, song đồng thời cũng tìm cách đổi mới cách nghiên cứu, giảng dạy pháp luật đất đai, giúp cho môn học này hấp dẫn, thiết thực hơn với người học. Phần thảo luận dưới đây góp phần vào 2 nội dung nêu trên. 2.    ...