Nước ta có quá nhiều nhà đài, lại được viết tắt
toàn bằng tiếng Anh, nào là VTV, VOV. Đó là những đơn vị sự nghiệp thực thi sứ
mệnh Nhà nước giao. Vừa qua, VTV từ chối mua quyền phát sóng các cuộc tranh tài
tại Asiad 2018, nhất là bóng đá, cho rằng phí bản quyền quá đắt. Lại hay tin VOV
đã mua được quyền ấy và người dân có thể xem bóng đá ở những kênh do VOV chỉ định.
Không chỉ là thể thao, bóng đá kết nối xã hội. Ẩn
chứa nhiều khát khao, rất đông người Việt Nam tìm đến những sự kiện thể thao ấy
để bày tỏ nỗi niềm của mình. Được xem các trận đua tài tại Asiad 2018 là quyền
của họ, một nhu cầu đại chúng mà Nhà nước phải tìm cách thỏa mãn một cách thỏa đáng.
Các nhà đài công lập phải phục vụ nhu cầu đại chúng ấy của người dân.
Chuyện phí bản quyền đắt hay rẻ phụ thuộc vào
quan hệ thị trường, vào tài năng đàm phán, chiến lược kinh doanh, và thái độ phục
vụ nhu cầu đại chúng của các nhà đài. VTV từ chối mua quyền phát sóng Asiad
2018 chắc có lý do riêng của mình, vì lợi ích của một tổ chức, hàng triệu người hâm mộ suýt nữa chịu
thiệt. May thay, sự rút lui của VTV lại mở ra cơ hội cho VOV. Gà cùng một mẹ, ấy
thế mà cũng cạnh tranh quyết liệt để gia tăng ảnh hưởng, tìm nguồn kinh phí, nhất
là kinh phí quảng cáo.
Nhân chuyện bản quyền Asiad 2018 và ứng xử của
các nhà đài, thêm một minh chứng thấy nguồn lực của đất nước chúng ta đã nghèo
mà lại quá phân tán. Từ Trung ương tới địa phương, nước ta có hàng trăm nhà đài
được chu cấp từ Ngân sách. Tiền ít, rải mành mành, các nhà đài không có kinh phí
đủ lớn để làm các chương trình có chất lượng cao, cạnh tranh kém trên thị trường
truyền thông thế giới. Họ đua nhau tìm quảng cáo, mua và phát các sản phẩm rẻ, cuối
cùng người phải chịu thiệt là khán giả và bạn nghe đài. Người dân phải chịu trận
vô số quảng cáo, triền miên từ các nhà đài công lập.
Muốn có một Nhà nước mạnh, chúng ta buộc phải tập
trung nguồn lực, chống lại xu thế phân tán, cát cứ này. Ước gì chỉ có một nhà đài
trung ương và mươi nhà đài theo khu vực, song được chu cấp đầy đủ kinh phí để làm
các chương trình sạch, mua bản quyền phục vụ cho các chương trình phục vụ nhu cầu
đại chúng, ví dụ bản quyền phát sóng Asiad 2018.
Cuối cùng, phải chống lại tư duy thương mại hóa
tràn lan. Nếu là một nhu cầu đại chúng chính đáng, Nhà nước phải phục vụ. Không
thể từ chối phục vụ người dân chỉ vì dựa trên cân đo lời lãi. Đơn vị sự nghiệp
công lập như VTV trước hết phải phụng sự vì lợi ích công, chứ không thể ưu tiên
tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình.