Skip to main content

Sửa Luật Giáo dục: Góp ý từ thực tiễn đào tạo luật

Dẫn nhập: Dựa trên Tờ trình của Chính phủ, và đề xuất từ chính các Ủy ban của Quốc hội, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đang được sửa. Nội dung của hai đạo luật này rất rộng. Để mỗi một lần sửa luật đạt hiệu quả, theo thiển nghĩ của tôi, nên thảo luận hết sức tập trung, việc gì cấp bách, đáng phải sửa, sửa xong sẽ khơi thông nguồn lực xã hội, thúc đẩy nền giáo dục quốc gia trở nên có chất lượng hơn, thì hãy sửa. Về đại thể, cần trả lời ba câu hỏi:

-      Trục trặc lớn nhất về giáo dục hiện nay là gì, trục trặc đó có nguyên nhân từ chính sách pháp luật của Nhà nước hay không?

-      Trong khả năng nguồn lực hạn hẹp, Chính phủ nên ưu tiên làm gì để giải quyết trục trặc đó?

-      Các giải pháp của Chính phủ đã thông minh, hiệu quả, công bằng hay chưa, có đối tượng nào bị bỏ rơi bởi những giải pháp đó hay không?

Thảo luận chính sách giáo dục:  Lựa chọn cách diễn đạt trong dự luật không phải là việc của dân chúng, các vấn đề chính sách và hậu quả của nó đối với các nhóm dân cư trong xã hội mới là điều đáng quan tâm hơn. Với góc nhìn đó, theo thiển ý của tôi, các hội thảo góp ý xây dựng luật và tranh luận tại nghị trường nên tập trung vào các vấn đề chính sách, giảm dần thói quen góp ý sửa chữa câu chữ của dự luật. Từ góc nhìn của một thành viên của Hội Luật gia Việt Nam, tôi cho rằng đây là một dịp rất phù hợp để nhìn lại thực trạng đào tạo luật (như là một ví dụ của ngành giáo dục), từ đó khái quát lên những bất cập chính sách chung, và hy vọng đưa ra các khuyến nghị có căn cứ, giúp cho Chính phủ và Quốc hội suy tính đã cần thiết phải sửa hai đạo luật này hay chưa, và nếu có, nên ưu tiên sửa đổi những chính sách cụ thể gì.

Xã hội hóa giáo dục và định nghĩa lại vai trò của Nhà nước: Ba mươi năm trước, duy trì hệ thống nhà trường và nền giáo dục về cơ bản là công việc của Nhà nước. Ngày nay, nền giáo dục đã được xã hội hóa nhanh chóng, các cơ sở giáo dục tư nhân (với vốn đầu tư trong và ngoài nước), các cơ sở giáo dục thiện nguyện của các tổ chức tôn giáo, đóng góp, bổ sung, và cạnh tranh với các cơ sở công lập. Minh họa trong đào tạo luật, từ một trường Đại học Pháp lý Hà Nội duy nhất trước kia, ngày nay đã xuất hiện ít nhất 53 cơ sở đào tạo luật trên toàn quốc, sở hữu công lập và tư nhân, rất đa dạng. Việc mở một khoa luật mới, mở hệ đào tạo cử nhân luật, thậm chí cao học luật, không hề quá khắt khe. Trong xu thế không thể đảo ngược đó, do hạn chế về nguồn lực, để đáp ứng nhu cầu giáo dục của xã hội, Nhà nước đã lùi dần. Tuy vậy, rất cần phải thảo luận liệu những  ngành đào tạo như y khoa, dược học hay luật học có nên đẩy mạnh xã hội hóa, hay vẫn nên được Nhà nước kiểm soát một cách gắt gao? Trường tư nhân có nên có thẩm quyền đào tạo luật hay không, nếu có, điều kiện phải là gì? Thực tế tư nhân đã tham gia đào tạo luật, kể cả hệ sau đại học. Người tốt nghiệp luật ở từ các trường này có thể tham gia hành nghề luật hay không (thẩm phán, luật sư, công tố,…)? Kinh nghiệm quốc tế có cho thấy xã hội hóa đào tạo luật hay y dược là xu thế hiển nhiên, được thừa nhận rộng rãi hay không? Tóm lại, trong bối cảnh giáo dục được xã hội hóa, rất cần thảo luận về vai trò định chuẩn, điều tiết và quản lý của Nhà nước. Nhà nước đã làm tốt các chức năng này hay chưa, hiện có những bất cập gì? Hai đạo luật sắp được đem ra sửa có những điều chỉnh chính sách đáng kể gì nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục? Đây là điều cần được làm rõ.

 Thương mại hóa giáo dục và hệ quả của nó: Sau khi các cơ sở giáo dục công lập, tư thục xuất hiện, chúng phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại trong thị trường. Các cơ sở công lập hiển nhiên cũng bị cuốn vào guồng ganh đua đó. Giá cả cho dịch vụ đào tạo tự nhiên xuất hiện trước sức ép của cung và cầu (việc Nhà nước ấn định trần học phí cũng rất ít ý nghĩa, tự thân thị trường sẽ điều tiết giá cho dịch vụ này). Trong lĩnh vực luật học, có thể quan sát thấy các trường quân sự và an ninh cũng mở ra các hệ dân sự có thu phí, các đại học mở ra hệ chất lượng cao, một phần cũng để lách qua ngưỡng học phí đại trà mà nhà nước quy định. Ngoài ra, hai Đại học luật Hà Nội và TPHCM cũng đang manh nha thoát dần mô hình đại học đơn ngành theo kiểu Liên Xô cũ, ví dụ mở thêm các lĩnh vực ngoài ngành luật như Tiếng Anh pháp lý, Quản trị - Luật. Một khi nhà nước lùi bước thì thị trường lấn tới. Để tồn tại, các đại học bắt buộc phải chiều lòng người học để tuyển được sinh viên, giữ được sinh viên, và thu được học phí. Để minh họa: 100% các chương trình sau đại học ở nước ta đều là bán thời gian, tức là học tại chức, phần lớn vào buổi tối, để chiều lòng và giữ chân người học. Rất hiếm học viên từ bỏ việc làm cho 1-2 năm học toàn thời gian để lấy bằng thạc sĩ trong nước, bởi lẽ chi phí cơ hội sẽ trở nên quá cao. Các cơ sở dạy luật đều ráng sức mở hệ Tại chức, Văn bằng hai, với yêu cầu trở nên dễ dãi rất nhiều so với hệ chính quy, nhiều trường cung cấp cử nhân luật qua hệ trực tuyến và giảng dạy từ xa, với cách giảng dạy và đánh giá lỏng lẻo hơn so với hệ Chính quy. Tóm lại, sức ép tài chính đã đe dọa các tiêu chí chất lượng, cứ theo đà này nền giáo dục nước ta sẽ trở nên phổ cập, song chất lượng không thể được cải thiện. Vậy, hai đạo luật sắp được đem ra sửa có những chính sách gì để hóa giải nghịch lý hết sức rắc rối này? Làm thế nào để tài chính các nhà trường trở nên đa dạng hơn, tránh tình trạng 99% nguồn thu của các nhà trường chỉ trông chờ vào nguồn học phí? Nếu thúc đẩy tự chủ tài chính, các đại học cần đa dạng tài chính, tránh lệ thuộc vào học phí.

Bất cân xứng thông tin & Vai trò của Nhà nước: Dịch vụ giáo dục là một lĩnh vực bất cân xứng thông tin kinh điển, người học dựa vào đâu để đánh giá và lựa chọn các cơ sở giáo dục, ví dụ trong lĩnh vực luật học là để so sánh và đánh giá giữa 53 cơ sở đào tạo luật? Giáo viên trình độ cao (giáo sư, tiến sĩ), Chương trình tiên tiến, Giáo trình chuẩn, Hệ tín chỉ hiện đại… về cơ bản là những khái niệm khó đo lường. Ngay cả sự phân biệt giữa Chương trình tiên tiến (học phí cao, khoảng 20-35 triệu đồng một học kỳ) so với Chương trình đại trà (giá bình dân, khoảng 8-10 triệu đồng một học kỳ) cũng không thật rõ ràng. Tôi có minh họa vô số bất cân xứng thông tin trong đào tạo luật học ở phần viết chi tiết dưới đây. Từ đây đặt ra một câu hỏi về trách nhiệm của Nhà nước nhằm bảo vệ người thụ hưởng dịch vụ, tức là người đi học và người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động dựa vào đâu để đánh giá chất lượng các tấm bằng, trong khi bằng Cử nhân luật là điều kiện để hành nghề đối với rất nhiều nghề trong xã hội. Trong hai dự luật được đem ra sửa, Nhà nước có chính sách cụ thể gì nhằm minh bạch, thúc đẩy cung cấp thông tin một cách công khai và dễ tiệm cận cho người học và giải quyết nghịch lý bất cân xứng thông tin này?

Phân tán, cát cứ nguồn lực trong một nước nghèo: So với thương mại hay quản trị kinh doanh, chắc rằng trong đào tạo luật học, Nhà nước nên giữ một tỷ lệ đáng kể các cơ sở dạy luật công lập. Bài nghiên cứu dưới đây của tôi chỉ rõ, nguồn lực Nhà nước ta rất có hạn, song lại phân tán, các ngành liên quan đến tư pháp cát cứ các cơ sở đào tạo manh mún của mình. Cũng là công lập, song có quá nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, các tổng công ty và UBND các tỉnh làm chủ quản các cơ sở dạy luật. Không thể có chất lượng đỉnh cao, nếu nguồn lực trong một nước nghèo tiếp tục bị phân tán như vậy. Trong hai dự luật được đem ra sửa, Nhà nước có chính sách cụ thể gì nhằm tập trung nguồn lực, phát triển những cơ sở đào tạo công lập có chất lượng cạnh tranh quốc tế về luật học, y học, hay những lĩnh vực tương tự mà Nhà nước cho rằng cần ưu tiên phát triển.

 Phân cấp quản lý đại học cho cấp tỉnh có đúng không?: Khác với giáo dục mầm non, tiểu học và phổ thông, việc phân cấp một số chức năng quản lý Nhà nước đối các trường đại học cho UBND cấp tỉnh, cụ thể là cho Sở GD&ĐT, tôi e là một chủ trương chưa hoàn toàn có cơ sở. Một khi UBND cấp tỉnh không có chuyên môn và năng lực phù hợp, song lại có thẩm quyền trong việc thẩm tra mở ngành và giám sát đào tạo đại học trên địa bàn, điều này chưa chắc đã làm cho chất lượng quản lý Nhà nước về giáo dục đại học hiệu quả hơn. Khi sửa hai đạo luật liên quan, có thể nên lưu ý điểm này.

 Hiệp hội định chuẩn và vai trò của Hội luật gia Việt Nam: Cuối cùng, định chuẩn, cấp phép, đánh giá chất lượng văn bằng chắc phải là một nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Nhà nước cũng có thể chuyển giao dần các chức năng này cho các Hiệp hội đào tạo nghề.  Nhân dịp sửa hai đạo luật này, 53 cơ sở dạy luật ở Việt Nam có lẽ nên nghiên cứu thảo luận để hình thành một Hiệp hội các cơ sở đạo tạo luật, có chức năng định chuẩn và chấp nhận những cơ sở nào đạt chuẩn để hành nghề luật ở nước ta. Có thể Hội Luật gia Việt Nam cần đóng một vai trò cầu nối hoặc bà đỡ khi hình thành nên Hiệp hội đặc thù này.

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v...