Từ hơn 30 năm
nay, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách nước ta đã thảo luận rất nhiều về
tự do, mở cửa thị trường, hội nhập. Nhiều tới mức, Nhà nước lùi dần, nhường sân
cho thị trường. Tư duy ấy tràn lan (các tranh luận khôi hài mới đây về cái gọi
là “học giá”, “trạm thu giá”, giá dịch vụ y tế… là vài thí dụ). Mặt khác, người
dân nước ta cũng chào đón, thân thiện, ủng hộ kinh tế thị trường (thái độ và cảm
nhận thị trường của người Việt Nam đã thuộc loại cao nhất thế giới, dân Việt
yêu mến thị trường còn hơn cả dân Mỹ, theo điều tra quốc tế cứ 100 người được hỏi
thì 95 người ủng hộ kinh tế thị trường, chỉ có 3 người phản đối)[i].
Nước ta cũng đã mở cửa thị trường nội địa một cách quá mức hăng hái. Nếu đo mức
độ mở của nền kinh tế bằng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP, thật kinh
ngạc, Việt Nam đã thuộc nhóm 7 quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc chấp nhận mở
toang thị trường nội địa[ii].
Cải
cách thể chế được khởi đầu bằng việc xây dựng luật lệ cần cho đổi mới kinh tế.
Hiển nhiên, các quyền tự do dân chủ, các nỗ lực đổi mới chính quyền và cải cách
hệ thống chính trị, cũng theo đó mà xuất hiện. Con đường du nạp các thể chế thị
trường, dù đối mặt không ít lực cản, song về đại thể vẫn có thể tiên liệu, dự
đoán trước được, bởi lẽ các nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường là các
giá trị phổ quát, được chấp nhận rộng rãi toàn cầu, chúng dựa trên nền tảng của
tự do sở hữu, tự do tổ chức kinh doanh, khế ước và tài phán, cạnh tranh và điều
tiết. Cũng không thiếu hình mẫu cho các thiết chế thực thi tương ứng.
Tất cả những điều
đó đã góp phần tạo ra đổi mới, tăng trưởng, tạo ra phúc lợi và giải thích thành
công trong cải cách kinh tế. Việt Nam thuộc số quốc gia ít ỏi trên thế giới này
duy trì được mức độ tăng trưởng tương đối cao, trong một thời gian dài, và khá
liên tục. Đó là những sự thật, những mặt lấp lánh dễ nhìn thấy, đã được ca ngợi
nhiều, của tấm huy chương.
Ngược lại, cải
cách hệ thống chính trị, đổi mới chính quyền diễn ra ngập ngừng và dường như
khó khăn hơn nhiều. Chậm trễ, lỗi nhịp giữa tự do hóa kinh tế, mở cửa thị trường
và các cuộc cải cách chính trị, đổi mới chính quyền một cách cần thiết có thể dẫn
tới những trục trặc, đe dọa thành tựu kinh tế. Thâu tóm tài nguyên quốc gia một
cách nhanh chóng vào tay giới quyền thế (elite), vào tay tư bản thân hữu trong và
ngoài nước, bóc lột nhân công giá rẻ, ô nhiễm môi trường, bất công, tham nhũng,
một bộ máy hành chính cồng kềnh kém hiệu quả, một hệ thống chính trị vô cảm trước
lo toan của người dân… những điều đó làm cho các thành tựu kinh tế như những tượng
đài chông chênh, có thể đổ vỡ nhanh chóng khi bất ổn, động loạn diễn ra trên diện
rộng.
Thật hiển
nhiên, phát triển nhanh và bền vững cần sự hậu thuẫn của một chính quyền mạnh mẽ,
một nhà nước hiệu quả. Bằng chứng cho luận điểm này đã có quá nhiều. Chỉ có điều
làm thế nào để xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định, một nhà nước hiệu
quả… luôn là một thách đố với giới cầm quyền. Bất hạnh và tìm cách đổ lỗi khi một
nhà nước đổ vỡ thì dễ thấy, song làm thế nào xây dựng được các chính quyền với
nền cai trị hiệu quả, vững bền, luôn là điều bí ẩn. Thông thường, các truyền thống
và thói quen quản trị quốc gia tồn tại rất vững bền. Dân chủ, độc tài, tự do,
đa nguyên hay gia trưởng, hay thể chế khai thác, bóc lột, hay dung hợp, bao
trùm, tất cả các thói quen đó có sức kháng cự dẻo dai, sau những ngày ồn ào của
các cuộc cách mạng, chân tướng cũ lại sững sững hiện ra.
Trong bài viết này,
chúng tôi mong muốn góp phần nhận biết, làm rõ, và chỉ tập trung nhấn mạnh một thách thức duy nhất mà chúng tôi cho rằng
đang làm suy yếu Nhà nước. Đó là nguy cơ phân tán, cát cứ, cản trở việc xây
dựng một chính quyền trung ương tập quyền mạnh mẽ ở nươc ta.
Về mặt
phương pháp, chúng tôi cho rằng, trước khi vay mượn các chủ thuyết từ nước
ngoài, cần học cũ để hiểu mới, gạn lọc những kinh nghiệm quý của nền hành chính
cổ truyền của tổ tiên để xây dựng chính quyền hiện nay. Thật đáng hổ thẹn, ở Việt
Nam, hơn 100 năm qua, người nước ta không mấy trân trọng và đánh giá cao những
giá trị của nền hành chính cổ truyền. Chế độ khoa cử, chính quyền quân chủ, tự
trị làng xã, đã mục ruỗng và sụp đổ tan tành. Chúng đã được xem là thối nát, hủ
lậu, không còn đáng quan tâm. Các nhà kiến thiết quản trị quốc gia, dù theo xu
hướng chính trị nào, hết thảy đều ngoảnh mặt sang Phương Tây để tìm lời giải. Từ
nền cộng hòa, chế độ tổng thống, mô hình chính quyền kiểu Xô-Viết, nay là chế độ
pháp quyền XHCN thời hội nhập, hết thảy các lời giải cho các thách thức quản trị
quốc gia đều được vay mượn và nhìn từ các lý thuyết quản trị quốc gia Phương
Tây.
Vì xây dựng
chính quyền cần dựa trên những truyền thống bản địa lâu đời, cần tìm lời giải
cho các thách thức hiện tại và trong tương lai từ bài học quá khứ. Vài năm gần
đây, trong các nỗ lực ôn cũ để hiểu mới, người ta đã bàn nhiều tới tự trị làng xã (trong mối quan hệ phân
quyền giữa Trung ương, địa phương và cấp cơ sở), chế độ khoa cử (trong tuyển dụng công chức qua các kỳ thi quốc gia,
quốc khảo, có tính cạnh tranh, bình đẳng), quy
định hồi tỵ (điều cần né tránh nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích trong nền
quan chế).
[i] Xem các cuộc điều tra của PEW http://www.pewglobal.org/2014/10/09/emerging-and-developing-economies-much-more-optimistic-than-rich-countries-about-the-future/#free-market-seen-as-best-despite-inequality và điều tra của VCCI, http://vneconomictimes.com/article/vietnam-today/market-economy-preferred
[iii] Tham khảo:
Kim Kyong Dong, 2017, Confucianism
& Modernization in East Asia: Critical Reflexions, Palgave McMillan
[iv] Trên thế
giới có hơn 500 Viện Khổng Tử, riêng ở Hoa Kỳ đã có hơn 110 Viện như vậy, http://english.hanban.org/node_10971.htm