Đã có nhiều
nhà nghiên cứu thảo luận rất chi tiết về vốn cổ tự trị làng xã ở Việt Nam. Không
muốn nhắc lại các đặc trưng của tự trị làng xã, chúng tôi chỉ lưu ý rằng trong
nền quan chế cổ truyền ở Việt Nam, làng xã được tự trị, chức dịch phục vụ ở
làng xã được chi trả từ các nguồn thu của cộng đồng, và hầu như không được trả
lương từ ngân sách Trung ương. Vì lẽ đó, tự trị làng xã giúp cho bộ máy chính
quyền Trung ương được gọn nhẹ, giúp cho Nhà nước chỉ tập trung tuyển dụng và
chi trả lương bổng cho số lượng công chức hạn chế. Mặt khác, tự trị làng xã
cũng như duy trì bản sắc văn hóa, gắn kết xã hội, duy trì sự bền vững của các cộng
đồng, góp phần chống trả một cách thành công các nỗ lực Hán hóa lâu dài hàng
nghìn năm. Nói thế đủ hiểu rằng, cấu trúc xã hội làng xã đã là một nhân tố quyết
định tạo nên tính cách Việt, con người Việt.
Để đánh
giá về tự trị làng xã và sự hữu dụng của nó trong thời buổi chuyển sang nền cai
trị ngày nay, chắc nên trích nhận xét của Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), trùm
thực dân Paul Doumer: “làng xã là một nước cộng hòa nhỏ bé chịu cống nạp…
hệ thống này thật tiện cho chúng ta, nó đem lại cho tổ chức xã một sức mạnh lớn”[i].
Thực dân Pháp đã dùng ngay hệ thống cố truyền này làm trung gian thu thuế, trấn
áp và cai trị. Và, thật sự, những thành tựu cai trị trong nhiệm kỳ 5 năm của Paul
Doumer đã là minh chứng hùng hồn cho nhận xét trên của ông ta.
Đó là chuyện
ngày xưa. Nay, vì nhiều lý do, tự trị làng xã đã biến mất. Sau năm 1945, nhất
là sau 1953, hợp tác xã kiểu Xô-viết và chính quyền cấp xã đã thay thế tự trị
làng xã ở nông thôn. Từ vài chục năm gần đây, có một vài chính sách cổ súy cho
việc khôi phục hương ước, những mong phục dựng được phần nào tính tự quản, chí
ít trong các hoạt động tự quản cộng đồng. Đình làng và sinh hoạt tín ngưỡng có
thể phục chế, song quyền lực tự trị của hội đồng tiên chỉ, hội đồng kỳ mục đối
với cư dân địa phương, cách thức trao quyền hành pháp thông qua lý trưởng, xã
trưởng và bộ máy giúp việc, các thiết chế đại diện cư dân thông qua hàng giáp,
hội tư văn… vĩnh viễn đã trở thành quá khứ xa xôi. Xét về quyền lực tự cai trị
tại đơn vị làng xã, mô hình tự trị làng xã đã thực sự tiêu vong ở nước ta.
Chúng tôi
cho rằng ngày nay không có căn cứ để hy vọng về sự phục sinh của tự trị làng xã
trong cấu trúc quyền lực chính quyền và hệ thống chính trị nước ta. Thứ nhất, làng như cấp tự quản hình
thành tự nhiên đã không còn nhiều ý nghĩa trong cấu trúc chính quyền địa
phương. Ngày nay chính quyền cơ sở là cấp xã, với sự phân chia thành các xóm,
khóm, khu dân cư, làng cổ truyền không còn nhiều ý nghĩa. Thứ hai, đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trên diện rộng, ở các khu vực
được công nghiệp hóa và đô thị hóa, làng đang trở thành phường, một phần không
thể tách rời của những chính quyền đô thị rộng lớn hơn. Các sức ép xây dựng
chính quyền đô thị sẽ vĩnh viễn đẩy lùi mọi cơ hội của tự trị làng xã theo kiểu
cũ.
Tuy vậy,
bài học tự trị làng xã vẫn có giá trị nên được tham khảo khi xây dựng các chính
sách khuyến khích tự quản cộng đồng, nhằm giảm bớt sức ép cho nền công vụ. Phục
dựng hương ước, thúc đẩy các hình thức tự quản trong các sinh hoạt văn hóa, tín
ngưỡng là một hướng đi đúng. Ngay cả trong quá trình đô thị hóa cũng nên quan
tâm thảo luận tự quản cộng đồng ở các đô thị mới. Đô thị mới thường được hình
thành bởi các nhà kinh doanh phát triển bất động sản. Họ có viễn kiến, lập ra dự
án, hùn vốn xây ra các đô thị hoặc tiểu đô thị hiện đại. Họ thường cũng cung cấp
các dịch vụ cho cộng đồng dân cư (bảo vệ, cây xanh, môi trường, giữ trẻ, các tiện
ích công khác). Chính quyền địa phương, thay vì thành lập các phường mới trùm
lên các đô thị này, nên khuyến khích các hình thức cư dân tự quản, kể cả giao
cho doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ và tiện ích công cộng cho các khu dân
cư này.
Cần
nghiên cứu để áp dụng ngay kinh nghiệm “tự trị làng xã”, hiển nhiên là với những
cải biên cho hợp thời, đối với 136.824 tổ
dân phố, khóm, xóm, thôn. Hiện nay, cấp tự quản này đã được hành chính hóa một phần, với cơ cấu nhân
sự bán chuyên hàng triệu người, chi phí ngân sách hàng năm để duy trì bộ máy
này là 32.400 tỷ đồng[ii].
Cấp tự quản này không nên trở thành một cấp hành chính sơ khai, mà ngược lại cần
quay trở lại tự quản cộng đồng, tách bạch với khu vực hành chính.
[i] Paul
Doumer, Xứ Đông Dương, NXB Thế Giới,
2015, tr. 271
[ii]
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/gan-1-3-trieu-can-bo-thon-xa-moi-nam-32-400-ty-tien-luong-404523.html