The Lê Code: Law in Traditional Vietnam, A Comparative Sino-Vietnamese Legal Study With Historical-Juridical Analysis and Annotations. 3 Volumes. By Nguyen Ngoc Huy and Ta Van Tai with the cooperation of Tran Van Liem for the translation. Athens and London: Ohio University Press, 1987. Vol. I: Pp. xii, 293; Vol. II: Pp. 360; Vol. III: Pp. 363. Tables, Appendices, Sketches, Bibliography, Glossary, Index.
Nhận xét về cuốn sách "The Lê Code: Law in Traditional Vietnam"
Đây là một cuốn sách có mặt ở hầu hết thư viện luật học ở các trường đại học danh tiếng ở Phương Tây. Tôi đọc cuốn sách này lần đầu tiên cách đây khoảng 14 năm, vào Mùa thu năm 1998 tại Trường Luật Stanford và thi thoảng vẫn phải tìm đến nó để tra cứu về cổ luật.
Cuốn sách này nổi bật trên giá sách của thư viện vì mấy lẽ. Thứ nhất, tư liệu viết về luật pháp Việt Nam bằng tiếng Anh thật nghèo nàn, thế giới biết về luật pháp nước ta chủ yếu thông qua lăng kính của người Tây. Thứ hai, cổ luật Việt Nam đã âm thầm lưu vong ngay trên xứ sở của mình, người rành về cổ luật ngày càng hiếm. Thảm trạng này có nhiều nguyên nhân. Kể từ khi Giáo sư Vũ Văn Mẫu khuếch trương tinh thần thượng tôn giá trị truyền thống và tinh thần dân tộc trong học luật, đã có một số người tiếp bước, mặc dù vậy các giáo trình về cổ luật Việt Nam của ông từ nửa thế kỷ trước cho đến nay vẫn là đỉnh cao về sự uyên thâm mà chưa ai vượt qua được. Ông Vũ Văn Mẫu có lẽ đã hối thúc soạn dịch toàn bộ Quốc triều hình luật từ chữ Nho sang tiếng Việt. Các ông Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài với sự hợp tác của ông Trần Văn Liêm có lẽ là những người đầu tiên soạn dịch Bộ luật này ra tiếng Anh. Thứ ba, không chỉ soạn dịch, “The Lê Code: Law in Traditional Vietnam” còn là một công trình nghiên cứu so sánh luật công phu, sắc sảo, thấm đượm sự kính trọng tổ tiên, tình yêu tổ quốc và lòng tự hào dân tộc.
Vượt rất xa giá trị của một bản dịch, cuốn sách là một tác phẩm so sánh chi tiết các quy định của Quốc Triều Hình Luật với Hình Luật Trung Hoa, từ đời nhà Đường và Hình Luật đời nhà Minh. Thêm nữa, cuốn sách là một biên sử về cổ pháp Việt Nam. Đọc cuốn sách này, người Việt Nam thêm ngẩng đầu tự hào về những thành tựu lập pháp sáng chói đời Lê. Dù không tinh xảo trong khái quát hóa một cách cùng cực với vật quyền, trái quyền như người La Mã, song tổ tiên chúng ta đã để lại một di sản pháp luật rất tường minh về chế độ sở hữu, nhất là sở hữu đất đai, pháp luật thừa kế, hôn nhân, khế ước, cho tới tổ chức bộ máy chính quyền và đương nhiên là hệ thống hình phạt cho những hành vi cản trở cuộc chung sống văn minh.
“The Lê Code” không chỉ bàn về đạo luật thời Lê, người đọc cũng ngậm ngùi nhận thấy nhiều giá trị bình đẳng và tiến bộ, phản ánh trung thực tập tục của người Việt đã nhạt dần trong Hoàng Việt Luật Lệ, hay còn gọi là Bộ Luật Gia Long, một bản sao của Đại Thanh Luật Lệ được nhà Nguyễn ban hành cách đây hơn 200 năm.
Ngày nay, cải cách thể chế đang là một chủ đề mốt. Mốt với thế giới, và mặc nhiên cũng mốt với người Việt Nam. Thực ra, đọc “The Lê Code”, người ta thấy du nhập thể chế là một điều bình thường và hiển nhiên diễn ra trong cuộc giao lưu giữa các nền văn minh. Du nhập chữ viết, du nạp văn hóa Trung Hoa, và mặc nhiên du nhập cả nền quan chế và luật pháp, song những người biên soạn Quốc Triều Hình Luật đã làm một cuộc du nạp đầy sáng tạo, dựa trên tinh thần độc lập, tự chủ và tự hào về truyền thống dân tộc của mình. Ngược lại, nhiều người đời sau, cũng đắm đuối du nạp những tư tưởng từ bên ngoài, song đã mất dần cái thần thái hiên ngang của tổ tiên từ thời Lê.
Nếu khuếch trương tự do, khai phóng, cải cách và đổi mới dựa trên tinh thần dân tộc là một tôn chỉ được Giải thưởng Phan Chu Trinh thờ phụng, tôi vững tin rằng cuốn sách “The Lê Code: Law in Traditional Vietnam” là một ứng viên thật sáng giá cần được đề cử cho Giải thưởng này.
Ấn tượng cuối mà tôi còn lưu giữ liên quan đến cuốn sách này là vào Mùa Xuân 2005, tại thư viện Viện Luật so sánh ở Hamburg một học giả Đài Loan chăm chú đọc cuốn sách này với chi chít những ghi chép. Ông ta bảo tôi rằng đọc cuốn sách này giúp ông ta hiểu thêm được cổ luật Trung Hoa./.