THÁNG BA: TẢN MẠN VỀ TÀI CHÍNH CÔNG
Phạm Duy Nghĩa
Cuối năm ngoái, Bộ NN và PTNT ước tính có tới 122 loại phí, quỹ và đóng góp khác đè nặng nông dân Việt Nam. Tình cảnh bên ta có vẻ chẳng mấy khác so với thực tế mà một ông Lý Xương Bình nào đó đã cả gan nói thật với thủ tướng nước Tàu. Như mọi chuyện trồi lên chìm xuống tựa vô tình trên mặt báo, mới đây người ta lại loan tin “loạn thu phí” ở vài địa phương. Có đủ loại “phí đầu người”, “phí đầu công”, những khoản đóng góp tự nguyện được chuyển thành bắt buộc. Dù rằng những khoản thu ấy không quá lớn so với người giàu, song tích dần thành gánh nặng, chúng trở nên bức bách đối với người nghèo.
Cùng tình cảnh ấy ở đô thị, loạn thu phí trước hết gây phiền nhiều cho tiểu thương, người buôn bán và dịch vụ lặt vặt, cho các chủ cửa hàng, loạn thu phí trông giữ xe máy, phí an ninh đủ loại làm mệt thị dân. Phường, xã là cấp chính quyền đáng lẽ phải thân dân, gần dân nhất; nếu ngay ở những nơi ấy đã bắt đầu phiền nhiễu, khó có thể chờ đợi dân chúng thân và gần được với chính quyền những cấp cao hơn.
Như mọi thuở, chính quyền nào mà chẳng sống bởi thuế của dân. Một chính quyền giỏi và thạo việc trước hết thể hiện qua năng lực thu thuế và phân bổ các nguồn thu đó một cách khôn ngoan sao cho chính quyền từ làng, tỉnh tới trung ương đều có động lực làm việc và dân chúng đều được lợi từ mọi nỗ lực tìm nguồn sống và làm giàu. Nếu trên trung ương “khoán thu” cho cục thuế tỉnh, tỉnh lại phân bổ mức “khoán thu” cho chi cục thuế huyện, một cách hành thu quan liêu và bất lực như thế không thể giúp nhà nước phản ứng nhanh với những khó khăn chồng chất của người dân khi tiền mất giá.
Từ làng lên tỉnh, tin tức từ nô nức đất dự án ở Hà Tây cho tới vịnh Vân Phong, nơi đâu lãnh đạo tỉnh cũng sốt sắng “chuyển nhượng” đất cho các nhà đầu tư, dù đôi khi năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư chưa được thẩm định và các tác hại lâu dài tới môi sinh có khi được ém lẹm. Chữ “chuyển nhượng” được dùng cho êm ả, chứ thực ra trong thời hạn cấp đất hàng mấy chục năm sau đó quyền sử dụng đất đã trở thành miếng riêng của chủ đầu tư. Nguyên do cho đủ loại phí và thu tiền bán đất có thể nhiều, song ở tỉnh cũng như làng, nền hành chính địa phương cần có kinh phí để xoay sở. Công chức trước hết cũng phải được đàng hoàng với mức lương đủ nuôi sống vợ con. Có ân thì mới có uy, người đứng đầu chính quyền mà không “lo” được cho thuộc cấp của mình thì cũng khó lòng lãnh đạo được họ.
Dù chữ “lo” ấy cũng có năm bảy đường, song mọi mối dường như đều trực chỉ tới cách phân chia thuế và lệ phí giữa các cấp chính quyền từ làng, huyện, tỉnh tới trung ương. Cách mà chúng ta quản lý mọi nguồn tài chính công theo kiểu cấp phát lồng ghép từ trên xuống dưới đang hại chúng ta, nó trao quyền cho những người có quyền cấp phát của công, từ đó nảy sinh thói xin-cho “đi ít về ít, đi nhiều về nhiều”, nó làm cho chính quyền địa phương bề ngoài thì thụ động, trên thực tế thì “phá rào, lách luật” bởi họ phải phản ứng nhanh với thực tiễn náo nhiệt nơi dân.
Tài chính công có lẽ trước hết được hiểu là các khoản thu và các mối chi của mọi chính quyền. Thuế và phí chỉ là một loại nguồn thu, tiền bán cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp cho tư nhân dưới tên gọi “cổ phần hóa” cũng là một loại nguồn thu. Các khoản vay nước ngoài cũng là một loại nguồn thu lớn tức thời (dù con cháu sau này dần phải trả). Ngân sách nước ta phải thể hiện trung thực các nguồn thu ấy. Nếu những khoản vay nước ngoài, tiền bán dầu thô, kiều hối, tiền bán nông sản… vẫn là những nguồn thu lớn thì dù tăng trưởng tới 8,5% GDP song chúng đang chạy nhanh mà vẫn dậm chân tại chỗ. Nghèo vẫn hoàn nghèo, tự thuở nào con nợ và người bán tài nguyên có mấy khi được tự do. Tháng 3 thường là lúc Chính phủ đề xuất các chỉ tiêu cho xây dựng ngân sách quốc gia hàng năm. Việc xa xôi ấy tưởng có liên hệ gì đến cô bác nông dân hay chị tiểu thương. Cho phép các địa phương một sự tự do hơn trong trù tính các nguồn thu và dự liệu các khoản chi, buộc những người có quyền thu chi của công ấy có trách nhiệm giải trình trước dân chúng, nếu làm được điều ấy chắc bảng ngân sách các cấp sẽ trở nên thật hơn. Và khi thật hơn, đọc bảng ngân sách có thể người ta sẽ bớt vô cảm khi di sản tài nguyên của muôn đời cha ông bị tiêu sài hoang phí và chút cơ may phát triển của con cháu bị chính thế hệ chúng ta chặn mất… bởi sự ngây thơ tăng trưởng mỗi ngày./.
Phạm Duy Nghĩa
Cuối năm ngoái, Bộ NN và PTNT ước tính có tới 122 loại phí, quỹ và đóng góp khác đè nặng nông dân Việt Nam. Tình cảnh bên ta có vẻ chẳng mấy khác so với thực tế mà một ông Lý Xương Bình nào đó đã cả gan nói thật với thủ tướng nước Tàu. Như mọi chuyện trồi lên chìm xuống tựa vô tình trên mặt báo, mới đây người ta lại loan tin “loạn thu phí” ở vài địa phương. Có đủ loại “phí đầu người”, “phí đầu công”, những khoản đóng góp tự nguyện được chuyển thành bắt buộc. Dù rằng những khoản thu ấy không quá lớn so với người giàu, song tích dần thành gánh nặng, chúng trở nên bức bách đối với người nghèo.
Cùng tình cảnh ấy ở đô thị, loạn thu phí trước hết gây phiền nhiều cho tiểu thương, người buôn bán và dịch vụ lặt vặt, cho các chủ cửa hàng, loạn thu phí trông giữ xe máy, phí an ninh đủ loại làm mệt thị dân. Phường, xã là cấp chính quyền đáng lẽ phải thân dân, gần dân nhất; nếu ngay ở những nơi ấy đã bắt đầu phiền nhiễu, khó có thể chờ đợi dân chúng thân và gần được với chính quyền những cấp cao hơn.
Như mọi thuở, chính quyền nào mà chẳng sống bởi thuế của dân. Một chính quyền giỏi và thạo việc trước hết thể hiện qua năng lực thu thuế và phân bổ các nguồn thu đó một cách khôn ngoan sao cho chính quyền từ làng, tỉnh tới trung ương đều có động lực làm việc và dân chúng đều được lợi từ mọi nỗ lực tìm nguồn sống và làm giàu. Nếu trên trung ương “khoán thu” cho cục thuế tỉnh, tỉnh lại phân bổ mức “khoán thu” cho chi cục thuế huyện, một cách hành thu quan liêu và bất lực như thế không thể giúp nhà nước phản ứng nhanh với những khó khăn chồng chất của người dân khi tiền mất giá.
Từ làng lên tỉnh, tin tức từ nô nức đất dự án ở Hà Tây cho tới vịnh Vân Phong, nơi đâu lãnh đạo tỉnh cũng sốt sắng “chuyển nhượng” đất cho các nhà đầu tư, dù đôi khi năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư chưa được thẩm định và các tác hại lâu dài tới môi sinh có khi được ém lẹm. Chữ “chuyển nhượng” được dùng cho êm ả, chứ thực ra trong thời hạn cấp đất hàng mấy chục năm sau đó quyền sử dụng đất đã trở thành miếng riêng của chủ đầu tư. Nguyên do cho đủ loại phí và thu tiền bán đất có thể nhiều, song ở tỉnh cũng như làng, nền hành chính địa phương cần có kinh phí để xoay sở. Công chức trước hết cũng phải được đàng hoàng với mức lương đủ nuôi sống vợ con. Có ân thì mới có uy, người đứng đầu chính quyền mà không “lo” được cho thuộc cấp của mình thì cũng khó lòng lãnh đạo được họ.
Dù chữ “lo” ấy cũng có năm bảy đường, song mọi mối dường như đều trực chỉ tới cách phân chia thuế và lệ phí giữa các cấp chính quyền từ làng, huyện, tỉnh tới trung ương. Cách mà chúng ta quản lý mọi nguồn tài chính công theo kiểu cấp phát lồng ghép từ trên xuống dưới đang hại chúng ta, nó trao quyền cho những người có quyền cấp phát của công, từ đó nảy sinh thói xin-cho “đi ít về ít, đi nhiều về nhiều”, nó làm cho chính quyền địa phương bề ngoài thì thụ động, trên thực tế thì “phá rào, lách luật” bởi họ phải phản ứng nhanh với thực tiễn náo nhiệt nơi dân.
Tài chính công có lẽ trước hết được hiểu là các khoản thu và các mối chi của mọi chính quyền. Thuế và phí chỉ là một loại nguồn thu, tiền bán cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp cho tư nhân dưới tên gọi “cổ phần hóa” cũng là một loại nguồn thu. Các khoản vay nước ngoài cũng là một loại nguồn thu lớn tức thời (dù con cháu sau này dần phải trả). Ngân sách nước ta phải thể hiện trung thực các nguồn thu ấy. Nếu những khoản vay nước ngoài, tiền bán dầu thô, kiều hối, tiền bán nông sản… vẫn là những nguồn thu lớn thì dù tăng trưởng tới 8,5% GDP song chúng đang chạy nhanh mà vẫn dậm chân tại chỗ. Nghèo vẫn hoàn nghèo, tự thuở nào con nợ và người bán tài nguyên có mấy khi được tự do. Tháng 3 thường là lúc Chính phủ đề xuất các chỉ tiêu cho xây dựng ngân sách quốc gia hàng năm. Việc xa xôi ấy tưởng có liên hệ gì đến cô bác nông dân hay chị tiểu thương. Cho phép các địa phương một sự tự do hơn trong trù tính các nguồn thu và dự liệu các khoản chi, buộc những người có quyền thu chi của công ấy có trách nhiệm giải trình trước dân chúng, nếu làm được điều ấy chắc bảng ngân sách các cấp sẽ trở nên thật hơn. Và khi thật hơn, đọc bảng ngân sách có thể người ta sẽ bớt vô cảm khi di sản tài nguyên của muôn đời cha ông bị tiêu sài hoang phí và chút cơ may phát triển của con cháu bị chính thế hệ chúng ta chặn mất… bởi sự ngây thơ tăng trưởng mỗi ngày./.
Comments