Chúc mừng Năm mới, mong Tết là của chung, PDN
(Việt Nam, 1908-100 năm trước đây, thực dân đàn áp các nghĩa sĩ tham gia cuộc đầu độc trại lính Pháp)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=242100&ChannelID=87
TÂM SỰ CHIỀU CUỐI NĂM
TT (Tết 2008)
Chiều cuối năm, khi nhạc Giáng sinh và bóng ông già tuyết vẫn còn vương trên phố, nơi ngõ nhỏ cô công nhân so đo cùng chị hàng rau lo bữa cơm chiều. Vui với chợ toàn cầu, vui với từng dòng tiền đầu tư sôi réo, bỗng bâng khuâng trước quầng sáng, tối của buổi giao thời.
Từ ruộng lúa, cô thôn nữ thủa nào nay hối hả ca kíp để dệt may xuất khẩu trên 7 tỷ USD vượt cả dầu thô mà dẫn đầu kim ngạch bán hàng. Mỗi ngày kiếm được 3 đồng bạc Mỹ, nếu ai cũng được như cô, thu nhập bình quân hàng năm của người dân nước ta dần tiến tới 1000 USD. So với một thời đói rét, chút no ấm ấy quả đã là một hạnh phúc lớn lao.
Chỉ thoáng chạnh lòng khi bông vải sợi kim chỉ cúc bấm.. hầu như hết thảy còn đều phải nhập từ nước ngoài. Ai biết trong cái giá 30 đồng cho từng chiếc áo, phần đóng góp của người nước ta có vượt quá vài đồng. Đóng góp ít thì được lợi cũng ít: 3 đồng bạc Mỹ mỗi ngày cho hàng chục giờ làm, dù đã quý, song có ngôi ngoai nỗi lo vời vợi cho 18 năm nuôi cho cô lớn và những tháng ngày rập rình mắt mờ xương vẹo với đủ loại bệnh nghề. Xưa tung tăng trên đường quê, nay ngột ngạt trong ca kíp cô có mơ một khoảng lặng bình yên cho chuyện gia đình và con cái mai sau. Tăng trưởng, song nếu không tăng thêm giá trị, nghèo vẫn hoàn nghèo xơ xác, khi dòng tư bản ồn ào rồi một ngày sẽ như thác lũ cuốn đi.
Vui với chị cả dệt may, song sẽ vui hơn nữa nếu trên chợ toàn cầu một ngày kia sẽ nhiều hơn thương hiệu Việt Nam. Một dân tộc khéo tay, nhạy cảm và tinh tế.. có dám mơ trở thành cửa hàng thời trang bậc nhất của thế giới này. Ẩm thực, thời trang, du lịch, nghỉ dưỡng và biết đâu còn vô tận những ngành công nghiệp không khói khác vẫn có thể góp phần làm cho nước ta trở nên giàu có mà vẫn giữ lại được môi trường sống trong lành cho con cháu mai sau.
Cuộc tranh luận về tính cạnh tranh và thương hiệu quốc gia đừng vì quá rộn ràng đón tiếp khách đầu tư và vui với những con số tăng trưởng GDP mà vội vàng lắng xuống. Nếu chủ nghĩa ái quốc đã làm nên những “Made in Japan”, “Made in Germany”, thì cũng thế một dân tộc thông minh và giàu sức chống đỡ với những mưu toan thôn tính của ngoại bang từ bao đời nay không thiếu nguyên khí để khôn ngoan giành lấy chỗ đứng xứng đáng của mình trong chợ toàn cầu.
Nguyên khí ấy chắc đang rạng rỡ trên khuôn mặt các nhà kỹ trị xuất hiện ngày càng nhiều trong giới quan chức nước ta, song nguyên khí ấy trên hết phải được phát sáng bởi hàng triệu con người dũng cảm ganh đua nơi thương trường. Mọi sáng kiến làm giàu và vinh danh sản phẩm Việt Nam của họ phải được thể chể này hoan hỉ đón chào. Hơn thế nữa, yêu nước còn bắt nguồn từ bà nội trợ thông minh tập yêu lấy sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, những cô công nhân biết tự do liên kết và khôn ngoan thương lượng với giới chủ để ngoài đồng lương còn một chút an sinh và an dưỡng tâm hồn. Tích cóp từ muôn dân, yêu nước thời nay là hằng hà sa số những đóng góp nhỏ bé nhằm nâng cao lòng tự tôn tất cả những gì thuộc về người Việt Nam.
Chiều cuối năm, trong vương vấn nhạc Giáng sinh, bỗng nhớ quá cây nêu và khói hương ngày Tết thủa nào. Một thoáng thuần Việt bỗng chốc mong manh, mong manh ngay cả trên mảnh đất đã thấm máu và nước mắt của cha ông./.
Comments