ĐÀO TẠO LUẬT HỌC: GÓP MỘT CÁCH NHÌN
TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ VÀI GỢI Ý THẢO LUẬN
Phạm Duy Nghĩa [*]
1. Dẫn đề
2. Đào tạo luật tại Nhật bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Philippines
3. Đào tạo luật tại Đức và Thụy Sỹ
4. Đào tạo luật học tại Anh, Úc, Tân Tây Lan và Nam Thái Bình Dương
5. Đào tạo luật tại Hoa Kỳ, Canada và một số nước Nam Mỹ
6. Bình luận tổng quan
7. Một vài đề xuất
1. Dẫn đề
Tôi đang làm một vài cuộc điều tra nho nhỏ để tìm hiểu sinh viên ngành luật. Kết quả dưới đây chưa thật khách quan, song có thể gợi suy ngẫm. Trong số 50 người đã tốt nghiệp ngành luật, 30% tìm được việc trong lĩnh vực kinh doanh, 30% trong lĩnh vực công chức, 26% hành về luật sư và bổ trợ pháp lý, và 14% đang tìm việc. Từ đây có thể cảm thấy dường như khu vực tìm việc của người học luật ngày càng xa nhau; nhu cầu khác biệt thì chương trình học cũng nên thiết kế đa dạng hơn chăng?
Thêm nữa, tin dưới đây có thể làm không vui cơ sở dạy luật, trong gần 90 người tham gia chỉ có 10% tự hào với nơi mình học, 41% cho rằng chất lượng đào tạo là bình thường, không ấn tượng, dễ quên, 25% không hài lòng cho rằng chất lượng đào tạo là kém, và 22% có vẻ bực mình cho rằng chất lượng đào tạo khá tồi tệ. Như quý vị, tôi cũng không muốn tin rằng các cơ sở dạy luật ở ta có chất lượng giảng dạy quá đáng báo động như vậy, song điều có thể cảm nhận ở đây là học sinh không cảm thấy gắn bó, thân thương, không cảm thấy tự hào về nơi mình đã và đang học. Như vậy, cần suy tính để xây dựng thương hiệu nhà trường.. trong cuộc cạnh tranh dịch vụ đào tạo đã và sẽ sôi động hơn.
Có vẻ như xây dựng triết lý đào tạo luật học, xây dựng các chương trình phù hợp với từng đối tượng học viên và du nhập phương pháp dạy học hiện đại dành cho người lớn đang là những vấn đề cần được thảo luận trong giới dạy luật ở nước ta. Để góp thêm dữ liệu cho cuộc tranh luận này, bài viết dưới đây bước đầu tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức các chương trình dạy luật, từ đó có thể đưa ra một vài ý kiến gợi mở cho thảo luận.
Để tham khảo kinh nghiệm dạy và học luật nước ngoài, nhờ có mạng Internet, tôi đã tham chiếu chương trình đào tạo của nhiều trường dạy luật trên thế giới [ ]. Phần viết dưới đây giới thiệu một cách khái lược nhất cách thức tổ chức dạy và học luật ở một số nước, mà tôi có chủ đích phân bổ theo các khu vực hơn là theo hệ thống pháp luật theo tư duy của luật so sánh. Bắt đầu bằng các quốc gia láng giềng Phương Đông, tiếp đến các nước châu Âu lục địa ít hay nhiều có những gần gũi với nền luật học thời thực dân đã hầu như bị lãng quên ở Việt Nam sau biết bao biến cố phức tap, tiếp đến giới thiệu việc đào tạo luật ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ, bài viết kết thúc bằng những quan sát nền dạy và học luật ở Tây bán cầu xa xôi.
Sau khi giới thiệu kinh nghiệm ngoại quốc, bài viết kết thúc bởi vài thiển ý chủ quan của cá nhân tôi về việc dạy và học luật cũng như mạo muội đề xuất vài ý tưởng góp thêm vào cuộc cách tân nền luật học ở nước ta.
2. Đào tạo luật tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á
2.1. Những tín hiệu cải cách từ Nhật Bản từ những năm 2004
Từ năm 1999, một ủy ban cải cách tư pháp thuộc Nội các Nhật bản được thành lập nhằm xem xét lại vai trò của hệ thống tư pháp trong xã hội nước này trong thế kỷ 21. Người ta dự kiến cải tổ hệ thống tòa án, làm cho chúng dễ tiếp cận hơn cho người dân, đánh giá lại và cải tổ hệ thống đào tạo luật học, tăng số lượng luật sư hành nghề và chất lượng của những người hành nghề luật [ ].
Nước Nhật (110 triệu dân) hiện có 91 Khoa Luật thuộc các trường đại học, tổng số sinh viên học luật trong các khóa khoảng 200.000 người, trong số đó hàng năm có khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp đại học luật. Đại đa số sinh viên tốt nghiệp luật học không tiếp tục hành nghề luật, mà tìm việc trong các lĩnh vực kinh doanh hoặc hành chính.
Muốn hành các nghề luật (công tố viên, luật sư, thẩm phán), các cử nhân luật phải thi đỗ kỳ thi của Hiệp hội luật sư Nhật bản. Nước Nhật hiện có khoảng 19.000 luật sư hành nghề; các kỳ thi này rất khó khăn, hàng năm chỉ có khoảng 1-2% thí sinh đỗ các kỳ thi này [ ]. Trong số 30.000 thí sinh dự thi của Hiệp hội luật sư Nhật bản, hàng năm chỉ có khoảng 1000 người trúng tuyển. Những người này được nhập học tại Viện nghiên cứu và tập huấn pháp luật thuộc Tối cao pháp viện (The Institute of Legal Training and Research Shiho Kenshusho). Các khóa học ở đây thường kéo dài một năm rưỡi, tốt nghiệp Viện này người học mới có đủ chứng chỉ hành nghề luật.
Việc học luật ở Nhật bản bắt đầu bằng hệ cử nhân. Cơ sở để các khoa luật tuyển chọn là kỳ thi đại học, môn thi có thể khác nhau tùy theo từng khoa, song các môn thi phổ biến bao gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Lịch sử và Địa lí. Sinh viên luật phải học các khóa về văn hóa và khoa học chung như: ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ; hầu hết các trường yêu cầu sinh viên phải học đủ ít nhất 20 môn luật, trong đó chia thành 6 nhóm môn chính: (i) Luật hiến pháp, (ii) Hình luật, (iii) Dân luật, (iv) Luật thương mại, (v) Tố tụng dân sự, (vi) Tố tụng hình sự.
Chương trình đào tạo hệ cử nhân do các hội đồng khoa luật quyết định, hội đồng này thường gồm các giáo sư, phó giáo sư và một số giảng viên. Giáo viên dạy luật không nhất thiết phải dự thi kỳ thi của Hiệp hội luật sư, thường là những người theo học hệ cao học luật, viết những luận văn trong thời gian 2 năm, sau đó nghiên cứu theo hệ đào tạo tiến sĩ. Giáo sư luật ở Nhật bản không nhất thiết là người có kinh nghiệm thực tiễn hành nghề luật.
Người ta cho rằng, so với nền đào tạo luật học Hoa Kỳ, nền đào tạo luật học của nước Nhật rất cần được cải cách. Sinh viên đại học thường học 4-5 năm, các giáo sư thuyết trình trong các giảng đường lớn, có khi cho 500 sinh viên. Bài giải nhấn mạnh tới lí thuyết. Để đỗ các kỳ thi của Hiệp hội luật sư, sinh viên thường đi học thêm tại các trường dự bị, các lò luyện này rèn cách viết, cách trả lời sao cho có thể thi đỗ. Các tình huống đem ra bình giảng thường là phán quyết của Tối cao pháp viện.
Từ năm 2004, những biện pháp cải cách dưới đây đã được áp dụng [ ]:
§ Bên cạnh 91 khoa luật thuộc các trường đại học hiện thời, người ta cho phép thành lập các trường luật đào tạo sau đại học. Các trường đại học tổng hợp và Hiệp hội luật sư Nhật bản thỏa thuận để hình thành những trường luật này.
§ Muốn theo học tại các trường luật sau đại học này, thí sinh phải vượt qua thi tuyển chọn. Thí sinh có thể là các cử nhân luật tốt nghiệp tại các khoa luật đào tạo hệ đại học hoặc cử nhân các ngành khoa học khác. Không nhất thiết chỉ có cử nhân luật mới có quyền theo học tại trường luật sau đại học.
§ Nếu các khoa luật đào tạo cử nhân ít nhất trong 4 năm, thì chương trình đào tạo tại trường luật sau đại học là 2-3 năm. Nếu các khoa luật nhấn mạnh tới lí thuyết, các giáo sư giảng những chuyên ngành luật tách biệt, thì trường luật sau đại học nhấn mạnh tới đào tạo thực hành nghề luật. Song khác với Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp trường luật sau đại học, luật gia Nhật bản vẫn phải thi tuyển để được theo học tạo Viện nghiên cứu và tập huấn luật.
2.2. Những tranh luận cải cách đào tạo luật ở Nam Hàn
Hiện nay, ở Nam Hàn có 79 khoa luật trong các trường đại học, hàng năm đào tạo khoảng 9.000 cử nhân luật [ ]. Số sinh viên luật của các khoa có thể rất khác nhau, có thể từ 30-300 người được tuyển hàng năm qua các kỳ thi đại học. Trong số 70 vạn tú tài dự thi các trường đại học, các khoa luật thường có cơ hội chọn được những học sinh ưu tú nhất.
Hệ đại học luật kéo dài 4 năm với 140 tín chỉ, hệ sau đại học bao gồm các khoa đào tạo dẫn tới cấp bằng thạc sĩ kéo dài 2 năm, học sinh phải tích lũy 24 tín chỉ cho chương trình thạc sĩ. Chương trình đào tạo tiễn sĩ kéo dài tiếp thêm 3 năm nữa, nghiên cứu sinh phải hoàn thành tiếp 12 tín chỉ và một bản luận án tiến sĩ. (Do Nam Hàn áp dụng Luật nghĩa vụ quân sự đối với nam giới, nhiều cử nhân luật đăng kí thi vào kỳ thi của Hiệp hội luật sư hoặc học các khóa thạc sĩ ở nước ngoài có khi chỉ vì trốn lính).
Phụ trách về nội dung đào tạo ở các khoa luật tại Nam Hàn thường là hội đồng các giáo sư, tùy theo khoa mà số lượng rất khác nhau, thường một khoa có từ 7-34 giáo sư. Số lượng giáo sư được Bộ giáo dục ấn định, chỉ khi một ghế trống bởi có giáo sư về hưu hoặc từ chức, một người mới mới được bổ nhiệm bổ sung thông qua tuyển dụng công khai. Chương trình 140 tín chỉ do các hội đồng giao sư các khoa quyết định, đôi khi các khoa còn giảng dạy những khoa học khác, có trường chỉ dành 33 tín chỉ cho các môn luật học.
Cử nhân luật phải trúng tuyển kì thi do Hiệp hội luật sư tổ chức mới được tập huấn hành nghề tương tự như mô hình Nhật bản. Nhiều người phê phán cách tổ chức đào tạo này, bởi chúng định hướng sinh viên quá nhiều vào các nội dung thi tuyển của hiệp hội luật sư.
Trong 40 năm gần đây, hệ thống đào tạo luật học của Nam Hàn chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật Hoa Kỳ, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh (luật công ty, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, chống độc quyền..). Chính phủ Nam Hàn chủ động vay mượn nhiều mô hình đào tạo theo truyền thống pháp luật Hoa Kỳ, nhiều khi cấp học bổng cho giáo sư và công chức (thẩm phán, công tố) du học từ 1-2 năm tại Hoa Kỳ. Cho đến nay người ta đang tranh luận có nên du nhập mô hình trường luật sau đại học của Nhật bản và Hoa Kỳ hay không. Người Hàn chưa có các cải cách cụ thể như người Nhật.
2.3. Đào tạo luật tại CHND Trung Hoa
Vào cuối đời Thanh, năm 1907, trường đào tạo luật học đầu tiên của Trung Quốc được thành lập với tên gọi "Trường Chính Pháp" [ ]. Kể từ đó, trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, 19 trường chính pháp khác và khoa luật thuộc các trường đại học đã được thành lập, số lượng tuyển sinh học luật năm 1909 đã tăng lên 12.000 sinh viên. Sau năm 1949, một hệ thống đào tạo theo mô hình Xô Viết được du nhập, số lượng sinh viên giảm rất nhanh trong những năm 50, đến năm 1956 chỉ có 2800 sinh viên nhập học ngành luật, vai trò của luật học giảm, đầu những năm 60 chỉ còn 9 cơ sở đào tạo luật học với tổng số sinh viên là 4144 người, hàng năm tốt nghiệp hơn 800 người. Trong những năm cách mạng văn hóa (1966-1976), 7 trường luật bị đóng cửa, chỉ sót lại 2 trường với 410 sinh viên, mỗi năm đào tạo 49 sinh viên tốt nghiệp.
Ngày nay, sau những cuộc cải cách từ năm 1978, Trung Quốc đã tái lập và thành lập mới khoảng 330 khoa luật và cơ sở đào tạo luật trên toàn quốc (210 cơ sở chính quy, 120 cơ sở đào tạo từ xa, đào tạo qua truyền hình..), hàng năm có khoảng 70.000-90.000 cử nhân luật tốt nghiệp (chiếm khoảng 2,5% tổng số sinh viên tốt nghiệp trong hơn 1.000 trường đại học ở Trung Quốc). Ngoài các khóa chính quy, luật học còn được đào tạo từ xa, kể cả trên truyền hình. Các trường đào tạo hệ đại học, một số trường có chương trình sau đại học và đào tạo tiến sĩ. Trước đây 330 cơ sở đào tạo luật học được quản lí khá tản mạn bởi 4 loại cơ quan dưới đây:
(i) các cơ sở thuộc Bộ tư pháp,
(ii) các cơ sở thuộc Bộ giáo dục,
(iii) các cơ sở thuộc các bộ khác ở trung ương,
(iv) các cơ sở thuộc chính quyền địa phương.
Ngày nay, Chính phủ Trung Quốc tái tổ chức các trường luật thường thuộc về hai đầu mối, hoặc là thuộc Bộ giáo dục, hoặc là thuộc các chính quyền địa phương. Mặc dù ở Trung quốc đã có nhiều trường đại học tư nhân, song chưa có trường luật tư nhân. Các trường đạo tạo luật nổi tiếng Trung Hoa hiện nay là: (i) Trường đại học Chính pháp Trung Hoa, (ii) Khoa Luật Đại học Bắc Kinh, (iii) Khoa luật Đại học Nhân dân, (iv) Khoa Luật Đại học Vũ Hán.
Hệ đại học kéo dài 4 năm, hệ thạc sĩ kéo dài 3 năm và hệ tiến sĩ kéo dài thêm 3 năm nữa. Trong số 330 trường/cơ sở dạy luật hiện có 53 cơ sở đào tạo hệ thạc sĩ luật học (kéo dài 2-3 năm) và 9 cơ sở đào tạo chương trình tiến sĩ luật học (kéo dài 3-4 năm).
Ngoài hệ thống đào tạo luật học các hệ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ chính quy kể trên, Truong Quốc có hơn 2000 trung tâm/cơ sở đào tạo pháp lý cho nhân viên hành chính. Bộ tư pháp cũng thành lập 4 trung tâm đào tạo nghề luật chuyên ngành như: (i) Trung tâm đào tạo luật sư quốc tế Thượng Hải, (ii) Trung tâm đào tạo chuyên gia pháp lí cao cấp quốc tế Bắc Kinh, (iii) Trung tâm đào tạo chuyên gia pháp lí cao cấp quốc tế Chongqing và (iv) Trung tâm đào tạo luật sư cao cấp và công chứng viên.
Chương trình đào tạo do các trường/cơ sở đào tạo tự quyết định dựa trên những tiêu chuẩn khung bắt buộc của Bộ giáo dục Trung Quốc.
2.4. Đào tạo luật học tại Philippines
Từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, hệ thống đào tạo luật của Philippines có nhiều đặc biệt. Trong năm 2000, đã có 59 trường luật đã được đăng kí tại Tối cao pháp viện. Trong số đó chỉ có 5 trường công lập, phần lớn các trường là tư, 9 trường do nhà thờ Thiên chúa giáo, một trường luật do cộng đồng Hồi giáo lập nên. Hệ đào tạo bao gồm 3 cấp: cử nhân luật, thạc sĩ và tiến sĩ luật. Chỉ có 6 trong 59 trường luật đào tạo trình độ thạc sĩ, duy nhất một trường luật đào tạo luật học ở cấp tiến sĩ [ ]. Trường dạy luật có uy tín nhất thường được cho là trường luật thuộc Tổng hợp Philippines với khoảng 20 giáo viên chính nhiệm, 30 giảng viên kiêm nhiệm.
Việc giám sát hệ thống dạy luật trước đây thuộc Bộ văn hóa giáo dục, từ năm 1994 thuộc chức năng của Ủy ban giáo dục. Ủy ban này quy định các yêu cầu tối thiểu về chương trình giảng dạy, các yêu cầu đối với giảng viên, thư viện, cơ sở vật chất và các yêu cầu khác. Ngoài ra, Tối cao pháp viện có ảnh hưởng lớn đối với đào tạo luật, bởi điều kiện tham dự kỳ thi của hiệp hội luật sư Phillipines do Tối cao pháp viện quy định.
Điểm đặc trưng của hệ thống đào tạo luật ở Philippines là phần lớn sinh viên đều theo học hệ tại chức vào các lớp buổi tối. Chương trình chính quy cho hệ cử nhân kéo dài 4 năm, cho các hệ tại chức là 5 năm. Giảng viên, kể cả hầu hết các trưởng khoa luật, cũng thường kiêm chức, được mời từ các văn phòng luật sư và công chức các cơ quan nhà nước. Yêu cầu để trở thành giảng viên là thành viên của hiệp hội luật sư, đã hành nghề ít nhất 5 năm. Đây có lẽ là điểm cốt lõi đã làm cho hệ thống đào tạo của nước này trở nên yếu kém.
3. Đào tạo luật học ở Đức và Thụy Sĩ
3.1. Đào tạo luật học tại CHLB Đức
Đào tạo luật học được quy định riêng theo pháp luật 16 tiểu bang dựa trên những hướng dẫn chung của CHLB Đức. Hiện tại nước Đức có khoảng 50 khoa luật (cho khoảng 70 triệu dân) thuộc các trường đại học tổng hợp, hầu hết là trường công, mới có một trường luật tư duy nhất tại Hamburg (Bucerus Law School). Các bậc học luật ở Đức bao gồm: (i) cử nhân luật sau khi đỗ kỳ thi quốc gia lần 1, (ii) luật gia toàn phần sau khi đỗ kỳ thi quốc gia lần 2. Sau kỳ thi quốc gia lần 1, người học có thể đăng ký các chương trình đào tạo tiến sĩ luật, thường kéo dài từ 18-32 tháng dưới sự hướng dẫn của một giáo sư. Tiến sĩ luật không nhất thiết phải trải qua kỳ thi quốc gia lần hai.
Theo truyền thống, người Đức không đào tạo thạc sĩ luật học, song thời gian gần đây, một số trường đại học đào tạo hệ thạc sĩ luật thường kéo dài từ 9 tháng cho đến một năm rưỡi, thường dành cho học viên là người nước ngoài đã có bằng đại học muốn tìm hiểu pháp luật Đức hoặc sinh viên Đức đã tích lũy một số lượng tín chỉ nhất định từ các khoa học khác. (Muốn đạt cử nhân luật bậc 1, những người có học vị thạc sĩ này phải tích lũy thêm một số tín chỉ).
Pháp luật Đức quy định thống nhất điều kiện để trở thành thẩm phán, luật sư và công tố. Sau khi học xong hệ đại học tại các khoa luật kéo dài ít nhất 3 năm rưỡi tương đương với 7 học kỳ và đỗ kỳ thi quốc gia luật học lần thứ nhất, muốn hành nghề luật, học viên phải dự tuyển vào các khóa đào tạo thẩm phán dự bị kéo dài 2 năm, nhấn mạnh vào việc học tập kỹ năng hành nghề và trải qua kỳ thi quốc gia luật học lần thứ 2. Sau khi có bằng quốc gia lần 2, luật gia được gọi là luật gia đầy đủ hay luật gia toàn phần (Volljurist), khác với cử nhân luật chỉ có bằng lần thứ nhất [ ]. Các bang dựa trên điều kiện tối thiểu đó để cụ thể hóa trong pháp luật của tiểu bang, ví dụ nhiều bang quy định hệ đại học luật ở các khoa luatạ phải là 4 năm với 8 học kì.
Trong hệ đại học, các môn học sau là bắt buộc: dân luật, hình luật, luật công, luật tố tụng, luật Châu Âu, phương pháp luận pháp luật, cơ sở triết học, lịch sử và xã hội của luật học. Ngoài ra, tùy từng khoa luật mà các môn tự chọn có thể rất khác nhau. Kỳ thi quốc gia lần thứ nhất bao gồm thi vấn đáp và thi viết với hội đồng chấm thi gồm các giáo sư đại học và luật gia thực hành, thường là thẩm phán, được chỉ định bởi Bộ tư pháp các bang. Dưới đây là chương trình đạo tạo tối thiểu, dựa vào đó các khoa luật xây dựng những chương trình cụ thể của mình:
Hiện nay đang có những xu hướng muốn rút ngắn thời gian đào tạo hệ đại học luật ở Đức xuống còn 3 năm, tương đương với 6 học kỳ. Tuy đã có một trường luật tư đầu tiên ở Hamburg, song người Đức vẫn chưa quen với hệ thống đào tạo tư nhân. Bộ tư pháp các bang vẫn là cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức các kỳ thi quốc gia lần 1 và lần 2 cho người học luật.
3.2. Đào tạo luật học tại Thụy Sĩ
Thụy Sĩ, một nước liên bang với nhiều quận nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý, tổng số dân là 7 triệu người, có 9 khoa luật trong các trường đại học, tất cả là trường công, không có trường tư. Tổng số luật sư hành nghề là 6.200, như vậy bình quân 1.100 có một luật sư hành nghề [ ].
Điều kiện học đại học luật ở Thụy Sĩ là tất cả những ai có bằng tú tài sau 12 năm học tiểu học và trung học. Trong số thanh niên Thụy Sĩ ở độ tuổi 19-20, chỉ có 18% có bằng tú tài, bởi vậy các trường đại học tuyển sinh thường dựa vào kết quả thi tú tài, mà không tổ chức các kỳ thi đại học. Học phí ở Thụy Sĩ không cao, khoảng 500-1000 Euro một năm. Hàng năm, tổng số sinh viên nhập học của 9 khoa luật là 2.000 người, số sinh viên tốt nghiệp ra trường là 1.400 người; trong số đó 50% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong các nghề luật như thẩm phán, luật sư hay công tố viên.
Hệ đại học thường kéo dài 4 năm với 8 học kỳ, song để tích lũy đủ tín chỉ, người học thường cần 9-10 học kỳ. Nghiên cứu sinh cần 18-36 tháng để hoàn thành luận án, thường ở dạng một cuốn sách dày khoảng 150-400 trang. Thụy sĩ không có truyền thống đào tạo cao học luật, song một số trường bắt đầu đã du nhập mô hình này từ vài năm gần đây.
Phương pháp giảng bao gồm thuyết giảng theo kiểu châu Âu cho các lớp từ 70-300 người, không điểm danh và không bắt buộc. Ngoài ra, để trao đổi giữa các học viên, các khoa thường tổ chức thảo luận về các vụ án. Các kỳ thi thường tổ chức vào cuối năm, có thể thi viết hoặc vấn đáp, các hội đồng thi quốc gia bao gồm thành viên là những người thực hành nghề luật và giới giảng dạy luật.
Sau khi thi đỗ hệ cử nhân, người muốn hành nghề luật phải tham gia học nghề từ 1-2 năm trong tòa án hoặc công ty luật, sau đó phải thi kỳ thi tham gia đoàn luật sư.
4. Đào tạo luật học ở Anh, Úc và Tân Tây Lan
4.1. Đào tạo luật học tại Vương quốc Anh
Vương quốc Anh, 60 triệu dân, gồm ba xứ Anh và Wales, Scottland và Bắc Ireland, có 3 nền tư pháp tương đối độc lập, tuy vậy hệ thống đào tạo luật ở các xứ này có nhiều điểm chung. Hiện nay, trên toàn bộ vương quốc hiện có 89 trường đại học đào tạo luật học ở các hệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Tổng số sinh viên luật khoa hệ chính quy ước tính là 33.000 người, ngoài ra còn khoảng 7.500 sinh viên luật thuộc các hệ phi chính quy khác [ ].
Khác với người Mỹ, người Anh có truyền thống đào tạo luật học ở bậc cử nhân và chia việc đào tạo luật học thành 2 công đoạn tương đối tách biệt: (i) công đoạn đào tạo hàn lâm, lí thuyết do các trường luật đảm nhiệm, (ii) công đoạn đào tạo nghề luật sư tranh tụng hoặc luật sư tư vấn do hiệp hội đào tạo với những chương trình dạy nghề riêng kéo dài từ 1-2 năm cộng thêm thời gian tập sự. Ngoài bậc cử nhân, có rất nhiều hệ sau đại học khác nhau, bao gồm cả những chương trình đào tạo chuyển đổi kéo dài 1 năm dành cho những người đã có một bằng đại học, muốn tích lũy thêm kiến thức luật học để có thêm bằng cử nhân luật.
Đào tạo cử nhân luật: Tuy không tổ chức các kỳ thi đại học, song các trường luật ở Anh đều có chế độ tuyển lựa tập trung dựa trên học lực ở bậc phổ thông của các thí sinh dự tuyển, khi cần thiết một số trường cũng tổ chức phỏng vấn bổ sung để xét tuyển sinh viên. Chương trình đào tạo bậc cử nhân do các trường tự quyết, song thường kéo dài 3 năm, chia thành 6 học kỳ, mỗi kỳ kéo dài 12-15 tuần. Sinh viên luật thường học khoảng 8 môn mỗi học kỳ. Trong bậc cử nhân, 8 môn dưới đây được xem là bắt buộc:
Luật hợp đồng Đất và tài sản Hiến pháp và hành chính Luật Châu Âu
Đền bù thiệt hại Trusts (Ủy thác!) Hệ thống pháp luật Hình luật
Ngoài các môn kể trên, hệ thống tư pháp hoặc triết học pháp quyền đôi khi cũng được xem là môn bắt buộc. Trong quá trình thống nhất Châu Âu, một số trường luật ở Anh kéo dài chương trình đào tạo cử nhân thành 4 năm, thường cho phép sinh viên theo học một năm tại một hoặc nhiều trường ở Châu Âu khác (thường là Đức hoặc Pháp).
Đào tạo nghề: Sau khi tốt nghiệp, chỉ có khoảng 45% cử nhân luật lựa chọn học thêm để hành nghề luật. Nghề luật chia thành 2 nhóm ngành chính: nghề luật sư tư vấn và nghề luật sư tranh tụng. Trên 60 triệu dân, nước Anh hiện có 70.000 luật sư tư vấn và 9.000 luật sư tranh tụng.
Để trở thành luật sư tư vấn (solicitor: tư vấn, tư chứng, không tranh biện trước tòa), cử nhân luật phải theo học một khóa đào tạo nghề kéo dài một năm, sau đó nếu thi đỗ, phải tham gia thực tập tại một công ty luật ít nhất 2 năm mới có thể đăng ký vào danh bạ luật sư tư vấn của nước Anh. Hiện nay có 12 cơ sở đào tạo được quyền tổ chức các khóa đào tạo nghề này. Lệ phí cho một khóa học khoảng 7.000 bảng Anh.
Nếu chọn nghề tranh biện (barrister), cử nhân luật phải theo học các khóa học và kỳ thi do Hiệp hội luật sư tranh biện giám sát. Trong các khóa học nghề này, ngoài kiến thức nghiệp vụ tranh biện, cử nhân cũng được học thêm các môn hình luật, luật thương mại, luật thuế, tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Sau đó, người học phải trải qua các kỳ thi, thường là thi trắc nghiệm, do Hiệp hội luật sư tranh biện giám sát. Trải qua kỳ thi đó, người học phải được thu nạp vào một trong 4 nơi thực tập, tương tự như các vườn ươm của tòa án (Inn of Court: Gray's Inn, Inner Temple, Middle Temple, Lincoln's Inn). Đây là một công đoạn khó khăn, bởi các vườn ươm này đều có giới hạn hạn ngạch, có lẽ phần do giới luật sư tranh biện muốn bảo vệ độc quyền của mình. 12 tháng sau đó, người học việc phải tập tranh biện dưới sự giám sát của một luật sư có kinh nghiệm. Vì những sự rắc rối đó, nhiều cử nhân luật, tuy đã theo đuổi các khóa học nghề tranh biện, vẫn chuyển sang làm việc cho các công ty, các cơ quan nhà nước hoặc làm lục sự trong hệ thống tòa án.
Ngoài hệ thống đào tạo nghề ở bậc đại học kể trên, ở Anh còn xuất hiện một hệ đào tạo có tên gọi para legal, dường như là đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, những người này làm những công việc ít nhiều liên quan đến pháp luật, có hiểu biết nhất định về pháp luật, song không có trình độ luật sư.
4.2. Đào tạo luật học ở Úc, Tân Tây Lan và một số nước Nam Thái Bình Dương
Trên tổng số gần 20 triệu dân, nước Úc hiện có 28 trường luật, trong đó 26 trường là công lập, 2 trường là đại học tư nhân, hàng năm đào tạo 24.000 cử nhân luật học [ ]. Dù pháp luật các bang có thể khác nhau, song về cơ bản đào tạo luật ở Úc có thể tạm chia thành hai giai đoạn: (i) giai đoạn hàn lâm và (ii) giai đoạn học nghề.
Các khóa cử nhân thường kéo dài ít nhất 3 năm. Thông thường sinh viên luật ở Úc thường học thêm một số tín chỉ nữa để lấy thêm một bằng cử nhân nữa, ví dụ bằng luật và khoa học nhân văn, luật và quản trị kinh doanh, luật và thương mại. Một số trường có đào tạo cử nhân luật theo các hệ đào tạo từ xa. Chương trình đào tạo do các trường tự quyết dựa trên các hướng dẫn chung về nội dung tối thiểu. Cho đến những năm 1970, sách luật (văn bản, giáo trình..) của Anh được dùng thường xuyên tại Úc, người Anh sang giảng thường xuyên ở Úc và ngược lại, giáo viên người Úc thường xuyên tu nghiệp tại Anh. Ngày nay, cạnh tranh đã làm cho tính độc lập của đào tạo luật ở Úc tăng lên, người Úc mở rộng hợp tác với các trường luật Bắc Mỹ, Nhật bản, Indonexia và nhiều nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hơn là gắn chặt với người Anh.
Tùy theo pháp luật từng bang, người hành nghề luật cần trải qua các khóa đào tạo hành nghề và thời gian tập sự khác nhau. Các chương trình này một phần cũng do các trường luật của Úc đảm nhiệm.
Nước New Zealand có 5 trường luật rải đều trên hai hòn đảo có tổng số dân là 3,5 triệu người. Chương trình đại học luật kéo dài 4 năm với nội dung đào tạo về cơ bản là giống nhau. Đôi khi do học hai văn bằng hoặc các chương trình liên kết, nên để tốt nghiệp văn bằng cử nhân luật, người học phải mất tới 5-6 năm. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân luật phải theo học các khóa đào tạo nghề kéo dài 13 tháng mới được cấp phép hành nghề luật.
Ngoài 28 trường ở Úc, 5 trường ở New Zealand, trường luật ở Ha-oai (Mỹ), còn có 3 trường luật đào tạo cho 11 quốc đảo mới giành lại độc lập từ người Pháp và Mỹ. Một số trường dạy luật theo truyền thống dân luật của Pháp, ví dụ ở Tahiti, một số dạy luật theo mô hình của Úc, ví dụ ở Papua New Guinea. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân phải theo học các khóa hành nghệ luật trong thời gian ít nhất 3 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt trường luật Papua New Guinea đào tạo luật học cho nhiều đảo quốc với hơn 800 sắc tộc và tổng dân số gần 3 triệu người.
5. Đào tạo luật học tại Hoa Kỳ, Canada và một số nước Nam Mỹ
5.1. Đào tạo luật học tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là nước đầu tiên trên thế giới không đào tạo luật học ở bậc cử nhân, mà chỉ đào tạo luật ở bậc sau đại học, dành cho những người đã có ít nhất một bằng cử nhân từ các ngành khoa học khác sau khi họ đã theo học hệ đại học thường kéo dài không dưới 4 năm. (Từ năm 2004 đã có thêm Nhật Bản từng bước du nhập mô hình này). Vì thế bằng luật ở Mỹ không được gọi là cử nhân luật như các nước khác, mà được gọi là J.D. (Juris Doctor). Chương trình này kéo dài ít nhất 3 năm với khoảng 45 tín chỉ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều trường đào tao các hệ thạc sĩ luật khác nhau kéo dài khoảng 9 tháng-12 tháng với khoảng 20 tín chỉ, một số trường đào tạo tiến sĩ khoa học về luật (S.J.D) và các chương trình liên kết, ví dụ luật và kinh tế, luật và quản trị. Các hệ thạc sĩ luật thường dành cho người nước ngoài và thường phải tích lũy thêm nhiều tín chỉ mới lấy được bằng J.D. Ví dụ Trường Luật của Tổng hợp New York hàng năm đào tạo các khóa thạc sĩ luật sau đây: (i) General Studies, (ii) Comparative Jurisprudence, (iii) Corporations Law, (iv) International Studies, (v)Labor and Employment Law, (vi) Public Service Law (new in 2000-2001), (vii) Taxation, (viii) International Taxation, (ix) Trade Regulation
Ước tín có trên dưới 200 trường dạy luật trên toàn liên bang Mỹ, song đến cuối tháng 1 năm 2005 chỉ có 191 trường được Hiệp hội luật sư công nhận (sinh viên tốt nghiệp của 191 trường này mới có quyền dự thi vào hiệp hội luật sư các bang). Hầu hết các trường luật đều hoạt động độc lập trong các trường tổng hợp tư nhân hoặc công lập (được tổ chức như một công ty theo pháp luật từng bang), một vài trường được thiết kế như là khoa trực thuộc các đại học và hãn hữu có một vài trường luật độc lập không trực thuộc một trường tổng hợp nào. Hiện nay trong số 191 trường luật được công nhận ở Mỹ, 111 trường là trường tư, 89 trường công và 1 trường thuộc hệ thống đào tạo công tố và thẩm phán dành riêng cho quân đội Mỹ.
Hàng năm khoảng 70.000 cử nhân đăng kí xin theo học tại 191 trường luật được công nhận tại Hoa Kỳ, song chỉ 43.000 người được nhập học [ ]. Học phí từng năm giao động từ 5.000-20.000 USD tùy theo từng trường; trung bình để có được bằng luật JD ở Mỹ, một người học phải tiêu tốn khoảng 60.000-100.000 USD cho tất cả các loại chi phí.
Tuy bề ngoài có sự tự do trong việc xác định chương trình, song muốn được Hiệp hội luật sư Mỹ công nhận văn bằng, 181 trường luật ở Mỹ buộc phải tuân thủ những chuẩn mực chung ít nhất về: (i) chương trình giảng dạy, (ii) thủ tục nhập học, (iii) tiêu chuẩn giảng viên luật, (iv) quy chế về tài chính, (v) điều kiện về cơ sở vật chất và (vii) về thư viện [ ]. Người ta nhấn mạnh đến tính đào tạo vừa hàn lâm, vừa đào tạo nghề của các trường luật ở Mỹ. Trong khoảng 45 tín chỉ, chia đều cho 3 năm, Hiệp hội luật sư định chuẩn khá rõ các môn bắt buộc. Người ta thường dạy những môn như "suy nghĩ như một luật sư: Think like a lawyer", kế đến là các kỹ năng hành nghề "lawyering" như đàm phán, tư vấn, tranh biện, các môn luật mang tính liên ngành (tài chính công ty, thuế, quản trị công ty), một số lượng vừa phải các môn luật công và triết lí pháp quyền cũng như luật so sánh và luật quốc tế. Tương tự như vậy, tỷ lệ số giảng viên trên tổng số sinh viên cũng được quy định. Hàng năm một ủy ban gồm 18 người sẽ đi phỏng vấn và rà soát không dưới 4 lần các trường luật đã được công nhận để giám sát việc tuân thủ chuẩn mực của Hiệp hội luật sư. Ví dụ, nếu có quá 30 sinh viên trên một giáo viên giảng dạy (GV) thì trường luật không đạt yêu cầu được công nhận (GV được quy đổi như sau: giáo sư tính 1, phó giáo sư tính 0,7, giáo sư trợ giảng tính 0.5, giáo viên hướng dẫn thực tập, thủ thư và nhân viên khác: 0.2).
Hiệp hội luật sư và hiệp hội các trường dạy luật có vai trò định chuẩn rất lớn chẳng những trong xác định chương trình, mà ngay cả việc tuyển lựa, đào tạo giảng viên, đánh giá giảng viên. Vào thời điểm cuối Tháng Giêng năm 2005, nước Mỹ có 4.681 giáo sư dạy luật chuyên nghiệp, 1.191 phó giáo sư và 755 giáo sư trợ giảng.
Con đường trở thành một giảng viên luật ở Mỹ thường diễn ra như sau: Sau khi tốt nghiệp một trong số các trường luật danh tiếng, người ta đi làm luật sư hay nhân viên tòa án vài ba năm. Hiệp hội các trường luật ở Mỹ hàng năm thường công bố tuyển dụng giáo sư trợ giảng (Assitant Professor). Từ hàng trăm ứng viên toàn quốc, người ta sơ tuyển khoảng trên dưới 50 người dựa trên lực học, các công bố khoa học và các đánh giá khác. Sau khi phỏng vấn, ứng viên có thể được tuyển chọn với mức lương giáo sư trợ giảng dao động từ 40.000-100.000 USD một năm. Sau khoảng 5-7 năm trợ giảng, giáo sư trợ giảng có thể được nhà trường công nhận là phó giáo sư và giáo sư đầy đủ sau khi đánh giá năng lực nghiên cứu, các công bố khoa học, đánh giá năng lực giảng dạy và các đóng góp cho đoàn luật sư, cho nhà trường và cộng đồng. Lương của một giáo sư Mỹ khoảng 200.000 USD một năm, các giáo sư thường thay đổi nơi giảng dạy, nhiều người thay đổi trường luật khoảng 4-5 lần trong cuộc đời sư phạm của mình. Ngoài ra các trường chú trọng đến đội ngũ hướng dẫn thực tập, kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý, chú trọng tới đội ngũ thủ thư và cộng tác viên được mời thỉnh giảng, thù lao trả cho từng khóa thỉnh giảng giao động từ 2.000 -5.000 USD tùy theo từng khóa.
5.2. Đào tạo luật học tại Canada
Canada là một nước có hệ thống pháp luật đặc biệt. Theo hiến pháp nước này, luật công tuân thủ theo truyền thống luật án lệ; luật tư (tài sản và nghĩa vụ) tuân theo luật của các tỉnh. Cho 7,5 triệu người Quebec áp dụng hệ thống dân luật, cho 9 tỉnh và 3 đặc khu còn lại (22.5 triệu dân) áp dụng hệ thống luật án lệ.
Hiện nay Canada có 5 trường luật chuyên dạy luật bằng tiếng Pháp, chủ yếu theo hệ thống luật dân sự, 14 trường dạy luật bằng tiếng Anh theo truyền thống án lệ [ ]. Vì đặc thù song ngữ Anh Pháp, nhiều trường luật đào tạo cả hai loại bằng cử nhân, ví dụ Tổng hợp Ottawa đào tạo cử nhân theo pháp luật dân sự (LL.L.) và cử nhân theo hệ thống án lệ (LL.B), thậm chí khoảng 1/3 số sinh viên tốt nghiệp của trường luật này theo học cả hai hệ. Một số trường liên kết đào tạo cả hai hệ thống dân luật và luật án lệ. Người Canada chú trọng việc giảng luật so sánh và luật quốc tế, tạo cho sinh viên của họ nhiều cơ hội tìm việc trong thị trường này càng toàn cầu hóa.
Hệ đào tạo cử nhân thường kéo dài ít nhất 3 năm. Ở Quebec, việc tuyển sinh chủ yếu dựa trên kết quả học phổ thông và bằng tú tài (sau 13 năm học phổ thông) hoặc tú tài toàn phần (sau 14 năm học phổ thông). Ở các tỉnh theo hệ thống án lệ, người ta căn cứ vào kết quả trắc nghiệm lực học LSAT (Law School Admission Test), lí lịch khoa học và văn bằng tốt nghiệp B.A. Các trường tự xây dựng chương trình đào tạo, song ít nhiều chịu sự ảnh hưởng định hướng của các kỳ thi của Hiệp hội luật sư của tỉnh.
5.3. Đào tạo luật học tại một số quốc gia Nam Mỹ
Nguyên nhân cho thực trạng này rất đa dạng, song có thể nhìn thấy ở tính bất ổn định của hệ thống chính trị các nước này cũng như vai trò của giới luật học trong đời sống xã hội Nam Mỹ là chưa cao. Do các quốc gia này phần lớn là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, từ đó họ đã tiếp thu truyền thống pháp luật dân sự từ châu Âu lục địa.
Nền giáo dục pháp luật thường bắt đầu ở bậc đại học, có nơi kéo dài 4 năm, có nơi kéo dài 5 năm (ví dụ Brazil). Hệ thống các trường luật bao gồm cả trường công và trường tư cũng như sự tham gia đào tạo luật của các tổ chức tôn giáo. Chương trình dạy luật bám sát các đạo luật cơ bản theo truyền thống dân luật, hơn là giảng công cụ và kỹ năng hành nghề. Khi kiểm tra đánh giá, người thầy là chủ khảo, nhấn mạnh tới kiểm tra kiến thức đã truyền đạt, hầu như không đánh giá kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tìm tin và khả năng viết các bình luận. Nghiệp đoàn của các giảng viên luật hầu như chưa có, tiếng nói của các hiệp hội luật sư trong xây dựng và đánh giá chương trình dạy luật hầu như không đáng kể./.
6. Bình luận tổng quan
Nhìn nhận lại việc dạy và học luật ở Việt Nam cũng như trên thế giới là một công việc lớn, đòi hỏi sự góp sức của nhiều người. Qua sơ khảo kinh nghiệm các nước láng giềng và trên thế giới, bước đầu có thể đưa ra ba nhận định chủ quan sau đây:
Thứ nhất, ở những nước XHCN trước kia, nền luật học không phát triển. Luật pháp được đồng nghĩa với cách hiểu của luật công, là những công cụ triển khai chính sách của giai cấp cầm quyền. Dạy luật về cơ bản cũng dựa trên các phương pháp của luật công, lấy lí luận Mác-Lênin về tổ chức bộ máy nhà nước làm công cụ tư tưởng chính, các ngành luật được lựa chọn tùy theo nhãn quan quản lí nhà nước từng thời điểm khác nhau. Trong hệ đại học, người ta không rèn luyện các kỹ năng hành nghề cần có của luật sư như kỹ năng thẩm vấn, kỹ năng đàm phán, kỹ năng tranh tụng, mà chủ yếu diễn giảng tư tưởng và cầu trúc các đạo luật, cách hiểu và vận dụng chúng theo một đường lối thống nhất bởi đảng cầm quyền. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, ảnh hưởng của mô hình này suy giảm đáng kể trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ đều quay trở lại với nền dân luật truyền thống. Ngay cả ở Trung Quốc và Việt Nam, hệ thống pháp luật của mô hình nhà nước toàn trị đã rạn nứt và được thay thế nhiều phần bởi một nền pháp luật tương thích với kinh tế thị trường. Tư duy lại việc dạy và học luật ở các quốc gia này là một điều tất yếu đang diễn ra.
Thứ hai, ở các quốc gia châu Âu lục địa, kể cả ở Anh và các quốc gia chịu ảnh hưởng của người Anh, việc dạy luật được bắt đầu ở bậc đại học, học viên phần lớn là những tú tài trẻ tuổi, chưa thể có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Sau khi có bằng cử nhân luật, những người này phải trải qua những kỳ đào tạo nghiệp vụ mới có thể từng bước hành nghề luật. Như vậy, về đại thể có thể chia quy trình đào tạo luật học thành hai công đoạn lớn: (i) công đoạn hàn lâm, thường do các khoa luật thuộc các trường đại học tổng hợp phụ trách, và (ii) công đoạn dạy nghề, thường do Bộ tư pháp, Hiệp hội luật sư hoặc các tổ chức được ủy quyền tiến hành. Các cấp học thạc sĩ, tiến sĩ luật học thường là nối dài của quá trình đào tạo hàn lâm, người có bằng tiến sĩ luật thường đạt được một số kỹ năng nghiên cứu, mà không được đào tạo về hành nghề luật. Các khoa dạy luật thường hoặc tuyệt đại đa số thuộc các trường đại học công lập, thậm chí giai đoạn dạy nghề luật ở một số nước còn được xem như đào tạo công chức tập sự với chế độ lương bổng và nghĩa vụ giống với công chức.
Thứ ba, Hoa Kỳ là quốc gia hầu như duy nhất trên thế giới này không đào tạo luật học (cũng như y khoa) ở bậc cử nhân, không phân chia đào tạo luật thành hai công đoạn hàn lâm và dạy nghề, mà dường như nhập hai giai đoạn này vào chương trình đạo tạo luật cho những người đã có ít nhất một bằng cử nhân ở các ngành khoa học khác. Dạy luật ở nước này mang tính rèn luyện kỹ năng rõ rệt, sau có bằng luật (J.D.) của các trường được công nhận, người học có thể thi ngay vào Hiệp hội luật sư các bang để hành nghề. Các cơ sở đào tạo luật vì thế cũng không được gọi là khoa luật, mà là các trường luật độc lập. Đây cũng là quốc gia thương mại hóa giáo dục đến cao độ, các trường danh tiếng phần lớn là trường tư, vận hành với những cơ chế không khác gì các công ty. Thẩm phán được lựa chọn từ những luật sư có kinh nghiệm. Những điểm đặc thù này chỉ có thể lý giải được bởi vai trò rất đáng kể của giới luật sư trong đời sống kinh tế và chính trị nước Mỹ. Một quốc gia chậm phát triển như Việt Nam chưa có điều kiện để du nhập mô hình đặc biệt này vào thời điểm hiện nay.
7. Một số đề xuất
Khác với thực dân Anh, người Pháp ra đi thường để lại những xứ thuộc địa kém phát triển và thiếu các thiết chế cần thiết cho nền kinh tế thị trường, đặc biệt là thiếu một hệ thống tư pháp biết giữ gìn công lý và những luật sư am hiểu dịch vụ pháp lí. Điều đó cũng đúng cho Việt Nam. Cộng thêm với 3 thập kỷ xây dựng nhà nước toàn trị, cho đến đầu thế kỷ thứ 21, Việt Nam về cơ bản vẫn không có một di sản pháp luật vững chắc và không hề có truyền thống đào tạo pháp luật tương thích với nền kinh tế thị trường.
Đã có rất nhiều cố gắng nhằm cách tân nền luật học nước nhà. Riêng về đào tạo luật học, sau khi quan sát kinh nghiệm quốc tế, xin góp thêm một số thiển ý dưới đây:
Thứ nhất, thể chế nào, luật gia đó; nước ta đã có một hệ thống đào tạo tương thích với trình độ mà xã hội chờ đợi ở người luật gia. Tuy nhiên, về cơ bản có thể nhận thấy đào tạo cử nhân luật và dạy hành nghề luật là hai công đoạn cần tách rời. Việc đào tạo bậc cử nhân tốt nhất nên trao cho các khoa luật thuộc các trường đại học trong hệ thống của Bộ giáo dục và đạo tạo, như người Trung Quốc đã hợp nhất thành công trong các năm qua. Bộ tư pháp, Tòa tối cao hoặc hiệp hội luật sư, nếu có chỉ nên tham gia vào công đoạn dạy hành nghề luật (luật sư, thẩm phán, công chứng, công tố..). Các viện nghiên cứu không nên tham gia đào tạo cử nhân (nếu có chỉ bắt đầu ở cấp sau đại học). Lý do thuyết phục nhất cho việc này là: việc đào tạo cử nhân cho những người bắt đầu từ 18 tuổi và tốt nghiệp khi mới 22 tuổi không thể ngay lập tức vươn tới những kỹ năng điều hành xã hội cần có của một người hành nghề luật. Môi trường liên ngành khoa học thường thấy ở các trường đại học là phù hợp với giai đoạn kiến thức ban đầu này.
Thứ hai, vì đào tạo ở bậc đại học là truyền tải kiến thức (chứ không nhấn mạnh kỹ năng) và đào tạo cơ bản (chứ không chuyên sâu), cho nên không quá tham vọng đưa case study hay diễn án vào thí nghiệm ở đối tượng này. Trong thời lượng 4 năm đào tạo, việc dành khoảng 1 năm cho các ngành khoa học cơ bản và 3 năm cho luật học như hiện nay là phù hợp. Trong các môn cơ bản, theo thiển ý của tôi nên dành một thời gian thích hợp cho môn Hán Văn và cổ luật (người Phương Tây học tiếng Latinh và Luật La mã thì người Việt Nam có lẽ cũng nên học hai môn này). Trong các môn luật, nên bắt đầu bằng dân luật ngay từ năm thứ nhất hoặc năm thứ hai, giảm bớt và tránh dạy các môn luật công ngay từ ban đầu. Với một nền kiến thức chung như vậy, người học có thể tìm được việc làm ở cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, các tổ chức thông tấn báo chí và trong các doanh nghiệp hoặc tự lập kinh doanh. Cử nhân luật mới là bước đầu tiên dẫn đến nghề luật.
Thứ ba, việc dạy các kỹ năng hành nghề luật tập trung cho các đối tượng thẩm phán, luật sư, công tố và công chứng là một công đoạn riêng, tách biệt với đào tạo hàn lâm; ở đây mới cần nhấn mạnh tới đào tạo các kỹ năng. Việc đào tạo có thể giao cho một hoặc nhiều cơ sở tiến hành, song nên có một kỳ thi quốc gia thống nhất được đồng thời tiến hành bởi Bộ tư pháp, Tòa tối cao, Hiệp hội luật sư hành nghề. Các nghề bổ trợ tư pháp như thư ký tòa án, chấp hành viên .. nên được đào tạo theo một quy chế riêng, có thể tương đương với hệ cao đẳng (para legal) là vừa đủ. Không nên chỉ tuyển nguồn thẩm phán từ đội ngũ thư ký tòa án, mà nên tuyển dụng rộng hơn từ đội ngũ luật sư hành nghề.
TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ VÀI GỢI Ý THẢO LUẬN
Phạm Duy Nghĩa [*]
1. Dẫn đề
2. Đào tạo luật tại Nhật bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Philippines
3. Đào tạo luật tại Đức và Thụy Sỹ
4. Đào tạo luật học tại Anh, Úc, Tân Tây Lan và Nam Thái Bình Dương
5. Đào tạo luật tại Hoa Kỳ, Canada và một số nước Nam Mỹ
6. Bình luận tổng quan
7. Một vài đề xuất
1. Dẫn đề
Tôi đang làm một vài cuộc điều tra nho nhỏ để tìm hiểu sinh viên ngành luật. Kết quả dưới đây chưa thật khách quan, song có thể gợi suy ngẫm. Trong số 50 người đã tốt nghiệp ngành luật, 30% tìm được việc trong lĩnh vực kinh doanh, 30% trong lĩnh vực công chức, 26% hành về luật sư và bổ trợ pháp lý, và 14% đang tìm việc. Từ đây có thể cảm thấy dường như khu vực tìm việc của người học luật ngày càng xa nhau; nhu cầu khác biệt thì chương trình học cũng nên thiết kế đa dạng hơn chăng?
Thêm nữa, tin dưới đây có thể làm không vui cơ sở dạy luật, trong gần 90 người tham gia chỉ có 10% tự hào với nơi mình học, 41% cho rằng chất lượng đào tạo là bình thường, không ấn tượng, dễ quên, 25% không hài lòng cho rằng chất lượng đào tạo là kém, và 22% có vẻ bực mình cho rằng chất lượng đào tạo khá tồi tệ. Như quý vị, tôi cũng không muốn tin rằng các cơ sở dạy luật ở ta có chất lượng giảng dạy quá đáng báo động như vậy, song điều có thể cảm nhận ở đây là học sinh không cảm thấy gắn bó, thân thương, không cảm thấy tự hào về nơi mình đã và đang học. Như vậy, cần suy tính để xây dựng thương hiệu nhà trường.. trong cuộc cạnh tranh dịch vụ đào tạo đã và sẽ sôi động hơn.
Có vẻ như xây dựng triết lý đào tạo luật học, xây dựng các chương trình phù hợp với từng đối tượng học viên và du nhập phương pháp dạy học hiện đại dành cho người lớn đang là những vấn đề cần được thảo luận trong giới dạy luật ở nước ta. Để góp thêm dữ liệu cho cuộc tranh luận này, bài viết dưới đây bước đầu tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức các chương trình dạy luật, từ đó có thể đưa ra một vài ý kiến gợi mở cho thảo luận.
Để tham khảo kinh nghiệm dạy và học luật nước ngoài, nhờ có mạng Internet, tôi đã tham chiếu chương trình đào tạo của nhiều trường dạy luật trên thế giới [ ]. Phần viết dưới đây giới thiệu một cách khái lược nhất cách thức tổ chức dạy và học luật ở một số nước, mà tôi có chủ đích phân bổ theo các khu vực hơn là theo hệ thống pháp luật theo tư duy của luật so sánh. Bắt đầu bằng các quốc gia láng giềng Phương Đông, tiếp đến các nước châu Âu lục địa ít hay nhiều có những gần gũi với nền luật học thời thực dân đã hầu như bị lãng quên ở Việt Nam sau biết bao biến cố phức tap, tiếp đến giới thiệu việc đào tạo luật ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ, bài viết kết thúc bằng những quan sát nền dạy và học luật ở Tây bán cầu xa xôi.
Sau khi giới thiệu kinh nghiệm ngoại quốc, bài viết kết thúc bởi vài thiển ý chủ quan của cá nhân tôi về việc dạy và học luật cũng như mạo muội đề xuất vài ý tưởng góp thêm vào cuộc cách tân nền luật học ở nước ta.
2. Đào tạo luật tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á
2.1. Những tín hiệu cải cách từ Nhật Bản từ những năm 2004
Từ năm 1999, một ủy ban cải cách tư pháp thuộc Nội các Nhật bản được thành lập nhằm xem xét lại vai trò của hệ thống tư pháp trong xã hội nước này trong thế kỷ 21. Người ta dự kiến cải tổ hệ thống tòa án, làm cho chúng dễ tiếp cận hơn cho người dân, đánh giá lại và cải tổ hệ thống đào tạo luật học, tăng số lượng luật sư hành nghề và chất lượng của những người hành nghề luật [ ].
Nước Nhật (110 triệu dân) hiện có 91 Khoa Luật thuộc các trường đại học, tổng số sinh viên học luật trong các khóa khoảng 200.000 người, trong số đó hàng năm có khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp đại học luật. Đại đa số sinh viên tốt nghiệp luật học không tiếp tục hành nghề luật, mà tìm việc trong các lĩnh vực kinh doanh hoặc hành chính.
Muốn hành các nghề luật (công tố viên, luật sư, thẩm phán), các cử nhân luật phải thi đỗ kỳ thi của Hiệp hội luật sư Nhật bản. Nước Nhật hiện có khoảng 19.000 luật sư hành nghề; các kỳ thi này rất khó khăn, hàng năm chỉ có khoảng 1-2% thí sinh đỗ các kỳ thi này [ ]. Trong số 30.000 thí sinh dự thi của Hiệp hội luật sư Nhật bản, hàng năm chỉ có khoảng 1000 người trúng tuyển. Những người này được nhập học tại Viện nghiên cứu và tập huấn pháp luật thuộc Tối cao pháp viện (The Institute of Legal Training and Research Shiho Kenshusho). Các khóa học ở đây thường kéo dài một năm rưỡi, tốt nghiệp Viện này người học mới có đủ chứng chỉ hành nghề luật.
Việc học luật ở Nhật bản bắt đầu bằng hệ cử nhân. Cơ sở để các khoa luật tuyển chọn là kỳ thi đại học, môn thi có thể khác nhau tùy theo từng khoa, song các môn thi phổ biến bao gồm: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Lịch sử và Địa lí. Sinh viên luật phải học các khóa về văn hóa và khoa học chung như: ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ; hầu hết các trường yêu cầu sinh viên phải học đủ ít nhất 20 môn luật, trong đó chia thành 6 nhóm môn chính: (i) Luật hiến pháp, (ii) Hình luật, (iii) Dân luật, (iv) Luật thương mại, (v) Tố tụng dân sự, (vi) Tố tụng hình sự.
Chương trình đào tạo hệ cử nhân do các hội đồng khoa luật quyết định, hội đồng này thường gồm các giáo sư, phó giáo sư và một số giảng viên. Giáo viên dạy luật không nhất thiết phải dự thi kỳ thi của Hiệp hội luật sư, thường là những người theo học hệ cao học luật, viết những luận văn trong thời gian 2 năm, sau đó nghiên cứu theo hệ đào tạo tiến sĩ. Giáo sư luật ở Nhật bản không nhất thiết là người có kinh nghiệm thực tiễn hành nghề luật.
Người ta cho rằng, so với nền đào tạo luật học Hoa Kỳ, nền đào tạo luật học của nước Nhật rất cần được cải cách. Sinh viên đại học thường học 4-5 năm, các giáo sư thuyết trình trong các giảng đường lớn, có khi cho 500 sinh viên. Bài giải nhấn mạnh tới lí thuyết. Để đỗ các kỳ thi của Hiệp hội luật sư, sinh viên thường đi học thêm tại các trường dự bị, các lò luyện này rèn cách viết, cách trả lời sao cho có thể thi đỗ. Các tình huống đem ra bình giảng thường là phán quyết của Tối cao pháp viện.
Từ năm 2004, những biện pháp cải cách dưới đây đã được áp dụng [ ]:
§ Bên cạnh 91 khoa luật thuộc các trường đại học hiện thời, người ta cho phép thành lập các trường luật đào tạo sau đại học. Các trường đại học tổng hợp và Hiệp hội luật sư Nhật bản thỏa thuận để hình thành những trường luật này.
§ Muốn theo học tại các trường luật sau đại học này, thí sinh phải vượt qua thi tuyển chọn. Thí sinh có thể là các cử nhân luật tốt nghiệp tại các khoa luật đào tạo hệ đại học hoặc cử nhân các ngành khoa học khác. Không nhất thiết chỉ có cử nhân luật mới có quyền theo học tại trường luật sau đại học.
§ Nếu các khoa luật đào tạo cử nhân ít nhất trong 4 năm, thì chương trình đào tạo tại trường luật sau đại học là 2-3 năm. Nếu các khoa luật nhấn mạnh tới lí thuyết, các giáo sư giảng những chuyên ngành luật tách biệt, thì trường luật sau đại học nhấn mạnh tới đào tạo thực hành nghề luật. Song khác với Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp trường luật sau đại học, luật gia Nhật bản vẫn phải thi tuyển để được theo học tạo Viện nghiên cứu và tập huấn luật.
2.2. Những tranh luận cải cách đào tạo luật ở Nam Hàn
Hiện nay, ở Nam Hàn có 79 khoa luật trong các trường đại học, hàng năm đào tạo khoảng 9.000 cử nhân luật [ ]. Số sinh viên luật của các khoa có thể rất khác nhau, có thể từ 30-300 người được tuyển hàng năm qua các kỳ thi đại học. Trong số 70 vạn tú tài dự thi các trường đại học, các khoa luật thường có cơ hội chọn được những học sinh ưu tú nhất.
Hệ đại học luật kéo dài 4 năm với 140 tín chỉ, hệ sau đại học bao gồm các khoa đào tạo dẫn tới cấp bằng thạc sĩ kéo dài 2 năm, học sinh phải tích lũy 24 tín chỉ cho chương trình thạc sĩ. Chương trình đào tạo tiễn sĩ kéo dài tiếp thêm 3 năm nữa, nghiên cứu sinh phải hoàn thành tiếp 12 tín chỉ và một bản luận án tiến sĩ. (Do Nam Hàn áp dụng Luật nghĩa vụ quân sự đối với nam giới, nhiều cử nhân luật đăng kí thi vào kỳ thi của Hiệp hội luật sư hoặc học các khóa thạc sĩ ở nước ngoài có khi chỉ vì trốn lính).
Phụ trách về nội dung đào tạo ở các khoa luật tại Nam Hàn thường là hội đồng các giáo sư, tùy theo khoa mà số lượng rất khác nhau, thường một khoa có từ 7-34 giáo sư. Số lượng giáo sư được Bộ giáo dục ấn định, chỉ khi một ghế trống bởi có giáo sư về hưu hoặc từ chức, một người mới mới được bổ nhiệm bổ sung thông qua tuyển dụng công khai. Chương trình 140 tín chỉ do các hội đồng giao sư các khoa quyết định, đôi khi các khoa còn giảng dạy những khoa học khác, có trường chỉ dành 33 tín chỉ cho các môn luật học.
Cử nhân luật phải trúng tuyển kì thi do Hiệp hội luật sư tổ chức mới được tập huấn hành nghề tương tự như mô hình Nhật bản. Nhiều người phê phán cách tổ chức đào tạo này, bởi chúng định hướng sinh viên quá nhiều vào các nội dung thi tuyển của hiệp hội luật sư.
Trong 40 năm gần đây, hệ thống đào tạo luật học của Nam Hàn chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật Hoa Kỳ, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh (luật công ty, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, chống độc quyền..). Chính phủ Nam Hàn chủ động vay mượn nhiều mô hình đào tạo theo truyền thống pháp luật Hoa Kỳ, nhiều khi cấp học bổng cho giáo sư và công chức (thẩm phán, công tố) du học từ 1-2 năm tại Hoa Kỳ. Cho đến nay người ta đang tranh luận có nên du nhập mô hình trường luật sau đại học của Nhật bản và Hoa Kỳ hay không. Người Hàn chưa có các cải cách cụ thể như người Nhật.
2.3. Đào tạo luật tại CHND Trung Hoa
Vào cuối đời Thanh, năm 1907, trường đào tạo luật học đầu tiên của Trung Quốc được thành lập với tên gọi "Trường Chính Pháp" [ ]. Kể từ đó, trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, 19 trường chính pháp khác và khoa luật thuộc các trường đại học đã được thành lập, số lượng tuyển sinh học luật năm 1909 đã tăng lên 12.000 sinh viên. Sau năm 1949, một hệ thống đào tạo theo mô hình Xô Viết được du nhập, số lượng sinh viên giảm rất nhanh trong những năm 50, đến năm 1956 chỉ có 2800 sinh viên nhập học ngành luật, vai trò của luật học giảm, đầu những năm 60 chỉ còn 9 cơ sở đào tạo luật học với tổng số sinh viên là 4144 người, hàng năm tốt nghiệp hơn 800 người. Trong những năm cách mạng văn hóa (1966-1976), 7 trường luật bị đóng cửa, chỉ sót lại 2 trường với 410 sinh viên, mỗi năm đào tạo 49 sinh viên tốt nghiệp.
Ngày nay, sau những cuộc cải cách từ năm 1978, Trung Quốc đã tái lập và thành lập mới khoảng 330 khoa luật và cơ sở đào tạo luật trên toàn quốc (210 cơ sở chính quy, 120 cơ sở đào tạo từ xa, đào tạo qua truyền hình..), hàng năm có khoảng 70.000-90.000 cử nhân luật tốt nghiệp (chiếm khoảng 2,5% tổng số sinh viên tốt nghiệp trong hơn 1.000 trường đại học ở Trung Quốc). Ngoài các khóa chính quy, luật học còn được đào tạo từ xa, kể cả trên truyền hình. Các trường đào tạo hệ đại học, một số trường có chương trình sau đại học và đào tạo tiến sĩ. Trước đây 330 cơ sở đào tạo luật học được quản lí khá tản mạn bởi 4 loại cơ quan dưới đây:
(i) các cơ sở thuộc Bộ tư pháp,
(ii) các cơ sở thuộc Bộ giáo dục,
(iii) các cơ sở thuộc các bộ khác ở trung ương,
(iv) các cơ sở thuộc chính quyền địa phương.
Ngày nay, Chính phủ Trung Quốc tái tổ chức các trường luật thường thuộc về hai đầu mối, hoặc là thuộc Bộ giáo dục, hoặc là thuộc các chính quyền địa phương. Mặc dù ở Trung quốc đã có nhiều trường đại học tư nhân, song chưa có trường luật tư nhân. Các trường đạo tạo luật nổi tiếng Trung Hoa hiện nay là: (i) Trường đại học Chính pháp Trung Hoa, (ii) Khoa Luật Đại học Bắc Kinh, (iii) Khoa luật Đại học Nhân dân, (iv) Khoa Luật Đại học Vũ Hán.
Hệ đại học kéo dài 4 năm, hệ thạc sĩ kéo dài 3 năm và hệ tiến sĩ kéo dài thêm 3 năm nữa. Trong số 330 trường/cơ sở dạy luật hiện có 53 cơ sở đào tạo hệ thạc sĩ luật học (kéo dài 2-3 năm) và 9 cơ sở đào tạo chương trình tiến sĩ luật học (kéo dài 3-4 năm).
Ngoài hệ thống đào tạo luật học các hệ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ chính quy kể trên, Truong Quốc có hơn 2000 trung tâm/cơ sở đào tạo pháp lý cho nhân viên hành chính. Bộ tư pháp cũng thành lập 4 trung tâm đào tạo nghề luật chuyên ngành như: (i) Trung tâm đào tạo luật sư quốc tế Thượng Hải, (ii) Trung tâm đào tạo chuyên gia pháp lí cao cấp quốc tế Bắc Kinh, (iii) Trung tâm đào tạo chuyên gia pháp lí cao cấp quốc tế Chongqing và (iv) Trung tâm đào tạo luật sư cao cấp và công chứng viên.
Chương trình đào tạo do các trường/cơ sở đào tạo tự quyết định dựa trên những tiêu chuẩn khung bắt buộc của Bộ giáo dục Trung Quốc.
2.4. Đào tạo luật học tại Philippines
Từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, hệ thống đào tạo luật của Philippines có nhiều đặc biệt. Trong năm 2000, đã có 59 trường luật đã được đăng kí tại Tối cao pháp viện. Trong số đó chỉ có 5 trường công lập, phần lớn các trường là tư, 9 trường do nhà thờ Thiên chúa giáo, một trường luật do cộng đồng Hồi giáo lập nên. Hệ đào tạo bao gồm 3 cấp: cử nhân luật, thạc sĩ và tiến sĩ luật. Chỉ có 6 trong 59 trường luật đào tạo trình độ thạc sĩ, duy nhất một trường luật đào tạo luật học ở cấp tiến sĩ [ ]. Trường dạy luật có uy tín nhất thường được cho là trường luật thuộc Tổng hợp Philippines với khoảng 20 giáo viên chính nhiệm, 30 giảng viên kiêm nhiệm.
Việc giám sát hệ thống dạy luật trước đây thuộc Bộ văn hóa giáo dục, từ năm 1994 thuộc chức năng của Ủy ban giáo dục. Ủy ban này quy định các yêu cầu tối thiểu về chương trình giảng dạy, các yêu cầu đối với giảng viên, thư viện, cơ sở vật chất và các yêu cầu khác. Ngoài ra, Tối cao pháp viện có ảnh hưởng lớn đối với đào tạo luật, bởi điều kiện tham dự kỳ thi của hiệp hội luật sư Phillipines do Tối cao pháp viện quy định.
Điểm đặc trưng của hệ thống đào tạo luật ở Philippines là phần lớn sinh viên đều theo học hệ tại chức vào các lớp buổi tối. Chương trình chính quy cho hệ cử nhân kéo dài 4 năm, cho các hệ tại chức là 5 năm. Giảng viên, kể cả hầu hết các trưởng khoa luật, cũng thường kiêm chức, được mời từ các văn phòng luật sư và công chức các cơ quan nhà nước. Yêu cầu để trở thành giảng viên là thành viên của hiệp hội luật sư, đã hành nghề ít nhất 5 năm. Đây có lẽ là điểm cốt lõi đã làm cho hệ thống đào tạo của nước này trở nên yếu kém.
3. Đào tạo luật học ở Đức và Thụy Sĩ
3.1. Đào tạo luật học tại CHLB Đức
Đào tạo luật học được quy định riêng theo pháp luật 16 tiểu bang dựa trên những hướng dẫn chung của CHLB Đức. Hiện tại nước Đức có khoảng 50 khoa luật (cho khoảng 70 triệu dân) thuộc các trường đại học tổng hợp, hầu hết là trường công, mới có một trường luật tư duy nhất tại Hamburg (Bucerus Law School). Các bậc học luật ở Đức bao gồm: (i) cử nhân luật sau khi đỗ kỳ thi quốc gia lần 1, (ii) luật gia toàn phần sau khi đỗ kỳ thi quốc gia lần 2. Sau kỳ thi quốc gia lần 1, người học có thể đăng ký các chương trình đào tạo tiến sĩ luật, thường kéo dài từ 18-32 tháng dưới sự hướng dẫn của một giáo sư. Tiến sĩ luật không nhất thiết phải trải qua kỳ thi quốc gia lần hai.
Theo truyền thống, người Đức không đào tạo thạc sĩ luật học, song thời gian gần đây, một số trường đại học đào tạo hệ thạc sĩ luật thường kéo dài từ 9 tháng cho đến một năm rưỡi, thường dành cho học viên là người nước ngoài đã có bằng đại học muốn tìm hiểu pháp luật Đức hoặc sinh viên Đức đã tích lũy một số lượng tín chỉ nhất định từ các khoa học khác. (Muốn đạt cử nhân luật bậc 1, những người có học vị thạc sĩ này phải tích lũy thêm một số tín chỉ).
Pháp luật Đức quy định thống nhất điều kiện để trở thành thẩm phán, luật sư và công tố. Sau khi học xong hệ đại học tại các khoa luật kéo dài ít nhất 3 năm rưỡi tương đương với 7 học kỳ và đỗ kỳ thi quốc gia luật học lần thứ nhất, muốn hành nghề luật, học viên phải dự tuyển vào các khóa đào tạo thẩm phán dự bị kéo dài 2 năm, nhấn mạnh vào việc học tập kỹ năng hành nghề và trải qua kỳ thi quốc gia luật học lần thứ 2. Sau khi có bằng quốc gia lần 2, luật gia được gọi là luật gia đầy đủ hay luật gia toàn phần (Volljurist), khác với cử nhân luật chỉ có bằng lần thứ nhất [ ]. Các bang dựa trên điều kiện tối thiểu đó để cụ thể hóa trong pháp luật của tiểu bang, ví dụ nhiều bang quy định hệ đại học luật ở các khoa luatạ phải là 4 năm với 8 học kì.
Trong hệ đại học, các môn học sau là bắt buộc: dân luật, hình luật, luật công, luật tố tụng, luật Châu Âu, phương pháp luận pháp luật, cơ sở triết học, lịch sử và xã hội của luật học. Ngoài ra, tùy từng khoa luật mà các môn tự chọn có thể rất khác nhau. Kỳ thi quốc gia lần thứ nhất bao gồm thi vấn đáp và thi viết với hội đồng chấm thi gồm các giáo sư đại học và luật gia thực hành, thường là thẩm phán, được chỉ định bởi Bộ tư pháp các bang. Dưới đây là chương trình đạo tạo tối thiểu, dựa vào đó các khoa luật xây dựng những chương trình cụ thể của mình:
Hiện nay đang có những xu hướng muốn rút ngắn thời gian đào tạo hệ đại học luật ở Đức xuống còn 3 năm, tương đương với 6 học kỳ. Tuy đã có một trường luật tư đầu tiên ở Hamburg, song người Đức vẫn chưa quen với hệ thống đào tạo tư nhân. Bộ tư pháp các bang vẫn là cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức các kỳ thi quốc gia lần 1 và lần 2 cho người học luật.
3.2. Đào tạo luật học tại Thụy Sĩ
Thụy Sĩ, một nước liên bang với nhiều quận nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý, tổng số dân là 7 triệu người, có 9 khoa luật trong các trường đại học, tất cả là trường công, không có trường tư. Tổng số luật sư hành nghề là 6.200, như vậy bình quân 1.100 có một luật sư hành nghề [ ].
Điều kiện học đại học luật ở Thụy Sĩ là tất cả những ai có bằng tú tài sau 12 năm học tiểu học và trung học. Trong số thanh niên Thụy Sĩ ở độ tuổi 19-20, chỉ có 18% có bằng tú tài, bởi vậy các trường đại học tuyển sinh thường dựa vào kết quả thi tú tài, mà không tổ chức các kỳ thi đại học. Học phí ở Thụy Sĩ không cao, khoảng 500-1000 Euro một năm. Hàng năm, tổng số sinh viên nhập học của 9 khoa luật là 2.000 người, số sinh viên tốt nghiệp ra trường là 1.400 người; trong số đó 50% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong các nghề luật như thẩm phán, luật sư hay công tố viên.
Hệ đại học thường kéo dài 4 năm với 8 học kỳ, song để tích lũy đủ tín chỉ, người học thường cần 9-10 học kỳ. Nghiên cứu sinh cần 18-36 tháng để hoàn thành luận án, thường ở dạng một cuốn sách dày khoảng 150-400 trang. Thụy sĩ không có truyền thống đào tạo cao học luật, song một số trường bắt đầu đã du nhập mô hình này từ vài năm gần đây.
Phương pháp giảng bao gồm thuyết giảng theo kiểu châu Âu cho các lớp từ 70-300 người, không điểm danh và không bắt buộc. Ngoài ra, để trao đổi giữa các học viên, các khoa thường tổ chức thảo luận về các vụ án. Các kỳ thi thường tổ chức vào cuối năm, có thể thi viết hoặc vấn đáp, các hội đồng thi quốc gia bao gồm thành viên là những người thực hành nghề luật và giới giảng dạy luật.
Sau khi thi đỗ hệ cử nhân, người muốn hành nghề luật phải tham gia học nghề từ 1-2 năm trong tòa án hoặc công ty luật, sau đó phải thi kỳ thi tham gia đoàn luật sư.
4. Đào tạo luật học ở Anh, Úc và Tân Tây Lan
4.1. Đào tạo luật học tại Vương quốc Anh
Vương quốc Anh, 60 triệu dân, gồm ba xứ Anh và Wales, Scottland và Bắc Ireland, có 3 nền tư pháp tương đối độc lập, tuy vậy hệ thống đào tạo luật ở các xứ này có nhiều điểm chung. Hiện nay, trên toàn bộ vương quốc hiện có 89 trường đại học đào tạo luật học ở các hệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Tổng số sinh viên luật khoa hệ chính quy ước tính là 33.000 người, ngoài ra còn khoảng 7.500 sinh viên luật thuộc các hệ phi chính quy khác [ ].
Khác với người Mỹ, người Anh có truyền thống đào tạo luật học ở bậc cử nhân và chia việc đào tạo luật học thành 2 công đoạn tương đối tách biệt: (i) công đoạn đào tạo hàn lâm, lí thuyết do các trường luật đảm nhiệm, (ii) công đoạn đào tạo nghề luật sư tranh tụng hoặc luật sư tư vấn do hiệp hội đào tạo với những chương trình dạy nghề riêng kéo dài từ 1-2 năm cộng thêm thời gian tập sự. Ngoài bậc cử nhân, có rất nhiều hệ sau đại học khác nhau, bao gồm cả những chương trình đào tạo chuyển đổi kéo dài 1 năm dành cho những người đã có một bằng đại học, muốn tích lũy thêm kiến thức luật học để có thêm bằng cử nhân luật.
Đào tạo cử nhân luật: Tuy không tổ chức các kỳ thi đại học, song các trường luật ở Anh đều có chế độ tuyển lựa tập trung dựa trên học lực ở bậc phổ thông của các thí sinh dự tuyển, khi cần thiết một số trường cũng tổ chức phỏng vấn bổ sung để xét tuyển sinh viên. Chương trình đào tạo bậc cử nhân do các trường tự quyết, song thường kéo dài 3 năm, chia thành 6 học kỳ, mỗi kỳ kéo dài 12-15 tuần. Sinh viên luật thường học khoảng 8 môn mỗi học kỳ. Trong bậc cử nhân, 8 môn dưới đây được xem là bắt buộc:
Luật hợp đồng Đất và tài sản Hiến pháp và hành chính Luật Châu Âu
Đền bù thiệt hại Trusts (Ủy thác!) Hệ thống pháp luật Hình luật
Ngoài các môn kể trên, hệ thống tư pháp hoặc triết học pháp quyền đôi khi cũng được xem là môn bắt buộc. Trong quá trình thống nhất Châu Âu, một số trường luật ở Anh kéo dài chương trình đào tạo cử nhân thành 4 năm, thường cho phép sinh viên theo học một năm tại một hoặc nhiều trường ở Châu Âu khác (thường là Đức hoặc Pháp).
Đào tạo nghề: Sau khi tốt nghiệp, chỉ có khoảng 45% cử nhân luật lựa chọn học thêm để hành nghề luật. Nghề luật chia thành 2 nhóm ngành chính: nghề luật sư tư vấn và nghề luật sư tranh tụng. Trên 60 triệu dân, nước Anh hiện có 70.000 luật sư tư vấn và 9.000 luật sư tranh tụng.
Để trở thành luật sư tư vấn (solicitor: tư vấn, tư chứng, không tranh biện trước tòa), cử nhân luật phải theo học một khóa đào tạo nghề kéo dài một năm, sau đó nếu thi đỗ, phải tham gia thực tập tại một công ty luật ít nhất 2 năm mới có thể đăng ký vào danh bạ luật sư tư vấn của nước Anh. Hiện nay có 12 cơ sở đào tạo được quyền tổ chức các khóa đào tạo nghề này. Lệ phí cho một khóa học khoảng 7.000 bảng Anh.
Nếu chọn nghề tranh biện (barrister), cử nhân luật phải theo học các khóa học và kỳ thi do Hiệp hội luật sư tranh biện giám sát. Trong các khóa học nghề này, ngoài kiến thức nghiệp vụ tranh biện, cử nhân cũng được học thêm các môn hình luật, luật thương mại, luật thuế, tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Sau đó, người học phải trải qua các kỳ thi, thường là thi trắc nghiệm, do Hiệp hội luật sư tranh biện giám sát. Trải qua kỳ thi đó, người học phải được thu nạp vào một trong 4 nơi thực tập, tương tự như các vườn ươm của tòa án (Inn of Court: Gray's Inn, Inner Temple, Middle Temple, Lincoln's Inn). Đây là một công đoạn khó khăn, bởi các vườn ươm này đều có giới hạn hạn ngạch, có lẽ phần do giới luật sư tranh biện muốn bảo vệ độc quyền của mình. 12 tháng sau đó, người học việc phải tập tranh biện dưới sự giám sát của một luật sư có kinh nghiệm. Vì những sự rắc rối đó, nhiều cử nhân luật, tuy đã theo đuổi các khóa học nghề tranh biện, vẫn chuyển sang làm việc cho các công ty, các cơ quan nhà nước hoặc làm lục sự trong hệ thống tòa án.
Ngoài hệ thống đào tạo nghề ở bậc đại học kể trên, ở Anh còn xuất hiện một hệ đào tạo có tên gọi para legal, dường như là đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, những người này làm những công việc ít nhiều liên quan đến pháp luật, có hiểu biết nhất định về pháp luật, song không có trình độ luật sư.
4.2. Đào tạo luật học ở Úc, Tân Tây Lan và một số nước Nam Thái Bình Dương
Trên tổng số gần 20 triệu dân, nước Úc hiện có 28 trường luật, trong đó 26 trường là công lập, 2 trường là đại học tư nhân, hàng năm đào tạo 24.000 cử nhân luật học [ ]. Dù pháp luật các bang có thể khác nhau, song về cơ bản đào tạo luật ở Úc có thể tạm chia thành hai giai đoạn: (i) giai đoạn hàn lâm và (ii) giai đoạn học nghề.
Các khóa cử nhân thường kéo dài ít nhất 3 năm. Thông thường sinh viên luật ở Úc thường học thêm một số tín chỉ nữa để lấy thêm một bằng cử nhân nữa, ví dụ bằng luật và khoa học nhân văn, luật và quản trị kinh doanh, luật và thương mại. Một số trường có đào tạo cử nhân luật theo các hệ đào tạo từ xa. Chương trình đào tạo do các trường tự quyết dựa trên các hướng dẫn chung về nội dung tối thiểu. Cho đến những năm 1970, sách luật (văn bản, giáo trình..) của Anh được dùng thường xuyên tại Úc, người Anh sang giảng thường xuyên ở Úc và ngược lại, giáo viên người Úc thường xuyên tu nghiệp tại Anh. Ngày nay, cạnh tranh đã làm cho tính độc lập của đào tạo luật ở Úc tăng lên, người Úc mở rộng hợp tác với các trường luật Bắc Mỹ, Nhật bản, Indonexia và nhiều nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hơn là gắn chặt với người Anh.
Tùy theo pháp luật từng bang, người hành nghề luật cần trải qua các khóa đào tạo hành nghề và thời gian tập sự khác nhau. Các chương trình này một phần cũng do các trường luật của Úc đảm nhiệm.
Nước New Zealand có 5 trường luật rải đều trên hai hòn đảo có tổng số dân là 3,5 triệu người. Chương trình đại học luật kéo dài 4 năm với nội dung đào tạo về cơ bản là giống nhau. Đôi khi do học hai văn bằng hoặc các chương trình liên kết, nên để tốt nghiệp văn bằng cử nhân luật, người học phải mất tới 5-6 năm. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân luật phải theo học các khóa đào tạo nghề kéo dài 13 tháng mới được cấp phép hành nghề luật.
Ngoài 28 trường ở Úc, 5 trường ở New Zealand, trường luật ở Ha-oai (Mỹ), còn có 3 trường luật đào tạo cho 11 quốc đảo mới giành lại độc lập từ người Pháp và Mỹ. Một số trường dạy luật theo truyền thống dân luật của Pháp, ví dụ ở Tahiti, một số dạy luật theo mô hình của Úc, ví dụ ở Papua New Guinea. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân phải theo học các khóa hành nghệ luật trong thời gian ít nhất 3 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt trường luật Papua New Guinea đào tạo luật học cho nhiều đảo quốc với hơn 800 sắc tộc và tổng dân số gần 3 triệu người.
5. Đào tạo luật học tại Hoa Kỳ, Canada và một số nước Nam Mỹ
5.1. Đào tạo luật học tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là nước đầu tiên trên thế giới không đào tạo luật học ở bậc cử nhân, mà chỉ đào tạo luật ở bậc sau đại học, dành cho những người đã có ít nhất một bằng cử nhân từ các ngành khoa học khác sau khi họ đã theo học hệ đại học thường kéo dài không dưới 4 năm. (Từ năm 2004 đã có thêm Nhật Bản từng bước du nhập mô hình này). Vì thế bằng luật ở Mỹ không được gọi là cử nhân luật như các nước khác, mà được gọi là J.D. (Juris Doctor). Chương trình này kéo dài ít nhất 3 năm với khoảng 45 tín chỉ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều trường đào tao các hệ thạc sĩ luật khác nhau kéo dài khoảng 9 tháng-12 tháng với khoảng 20 tín chỉ, một số trường đào tạo tiến sĩ khoa học về luật (S.J.D) và các chương trình liên kết, ví dụ luật và kinh tế, luật và quản trị. Các hệ thạc sĩ luật thường dành cho người nước ngoài và thường phải tích lũy thêm nhiều tín chỉ mới lấy được bằng J.D. Ví dụ Trường Luật của Tổng hợp New York hàng năm đào tạo các khóa thạc sĩ luật sau đây: (i) General Studies, (ii) Comparative Jurisprudence, (iii) Corporations Law, (iv) International Studies, (v)Labor and Employment Law, (vi) Public Service Law (new in 2000-2001), (vii) Taxation, (viii) International Taxation, (ix) Trade Regulation
Ước tín có trên dưới 200 trường dạy luật trên toàn liên bang Mỹ, song đến cuối tháng 1 năm 2005 chỉ có 191 trường được Hiệp hội luật sư công nhận (sinh viên tốt nghiệp của 191 trường này mới có quyền dự thi vào hiệp hội luật sư các bang). Hầu hết các trường luật đều hoạt động độc lập trong các trường tổng hợp tư nhân hoặc công lập (được tổ chức như một công ty theo pháp luật từng bang), một vài trường được thiết kế như là khoa trực thuộc các đại học và hãn hữu có một vài trường luật độc lập không trực thuộc một trường tổng hợp nào. Hiện nay trong số 191 trường luật được công nhận ở Mỹ, 111 trường là trường tư, 89 trường công và 1 trường thuộc hệ thống đào tạo công tố và thẩm phán dành riêng cho quân đội Mỹ.
Hàng năm khoảng 70.000 cử nhân đăng kí xin theo học tại 191 trường luật được công nhận tại Hoa Kỳ, song chỉ 43.000 người được nhập học [ ]. Học phí từng năm giao động từ 5.000-20.000 USD tùy theo từng trường; trung bình để có được bằng luật JD ở Mỹ, một người học phải tiêu tốn khoảng 60.000-100.000 USD cho tất cả các loại chi phí.
Tuy bề ngoài có sự tự do trong việc xác định chương trình, song muốn được Hiệp hội luật sư Mỹ công nhận văn bằng, 181 trường luật ở Mỹ buộc phải tuân thủ những chuẩn mực chung ít nhất về: (i) chương trình giảng dạy, (ii) thủ tục nhập học, (iii) tiêu chuẩn giảng viên luật, (iv) quy chế về tài chính, (v) điều kiện về cơ sở vật chất và (vii) về thư viện [ ]. Người ta nhấn mạnh đến tính đào tạo vừa hàn lâm, vừa đào tạo nghề của các trường luật ở Mỹ. Trong khoảng 45 tín chỉ, chia đều cho 3 năm, Hiệp hội luật sư định chuẩn khá rõ các môn bắt buộc. Người ta thường dạy những môn như "suy nghĩ như một luật sư: Think like a lawyer", kế đến là các kỹ năng hành nghề "lawyering" như đàm phán, tư vấn, tranh biện, các môn luật mang tính liên ngành (tài chính công ty, thuế, quản trị công ty), một số lượng vừa phải các môn luật công và triết lí pháp quyền cũng như luật so sánh và luật quốc tế. Tương tự như vậy, tỷ lệ số giảng viên trên tổng số sinh viên cũng được quy định. Hàng năm một ủy ban gồm 18 người sẽ đi phỏng vấn và rà soát không dưới 4 lần các trường luật đã được công nhận để giám sát việc tuân thủ chuẩn mực của Hiệp hội luật sư. Ví dụ, nếu có quá 30 sinh viên trên một giáo viên giảng dạy (GV) thì trường luật không đạt yêu cầu được công nhận (GV được quy đổi như sau: giáo sư tính 1, phó giáo sư tính 0,7, giáo sư trợ giảng tính 0.5, giáo viên hướng dẫn thực tập, thủ thư và nhân viên khác: 0.2).
Hiệp hội luật sư và hiệp hội các trường dạy luật có vai trò định chuẩn rất lớn chẳng những trong xác định chương trình, mà ngay cả việc tuyển lựa, đào tạo giảng viên, đánh giá giảng viên. Vào thời điểm cuối Tháng Giêng năm 2005, nước Mỹ có 4.681 giáo sư dạy luật chuyên nghiệp, 1.191 phó giáo sư và 755 giáo sư trợ giảng.
Con đường trở thành một giảng viên luật ở Mỹ thường diễn ra như sau: Sau khi tốt nghiệp một trong số các trường luật danh tiếng, người ta đi làm luật sư hay nhân viên tòa án vài ba năm. Hiệp hội các trường luật ở Mỹ hàng năm thường công bố tuyển dụng giáo sư trợ giảng (Assitant Professor). Từ hàng trăm ứng viên toàn quốc, người ta sơ tuyển khoảng trên dưới 50 người dựa trên lực học, các công bố khoa học và các đánh giá khác. Sau khi phỏng vấn, ứng viên có thể được tuyển chọn với mức lương giáo sư trợ giảng dao động từ 40.000-100.000 USD một năm. Sau khoảng 5-7 năm trợ giảng, giáo sư trợ giảng có thể được nhà trường công nhận là phó giáo sư và giáo sư đầy đủ sau khi đánh giá năng lực nghiên cứu, các công bố khoa học, đánh giá năng lực giảng dạy và các đóng góp cho đoàn luật sư, cho nhà trường và cộng đồng. Lương của một giáo sư Mỹ khoảng 200.000 USD một năm, các giáo sư thường thay đổi nơi giảng dạy, nhiều người thay đổi trường luật khoảng 4-5 lần trong cuộc đời sư phạm của mình. Ngoài ra các trường chú trọng đến đội ngũ hướng dẫn thực tập, kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý, chú trọng tới đội ngũ thủ thư và cộng tác viên được mời thỉnh giảng, thù lao trả cho từng khóa thỉnh giảng giao động từ 2.000 -5.000 USD tùy theo từng khóa.
5.2. Đào tạo luật học tại Canada
Canada là một nước có hệ thống pháp luật đặc biệt. Theo hiến pháp nước này, luật công tuân thủ theo truyền thống luật án lệ; luật tư (tài sản và nghĩa vụ) tuân theo luật của các tỉnh. Cho 7,5 triệu người Quebec áp dụng hệ thống dân luật, cho 9 tỉnh và 3 đặc khu còn lại (22.5 triệu dân) áp dụng hệ thống luật án lệ.
Hiện nay Canada có 5 trường luật chuyên dạy luật bằng tiếng Pháp, chủ yếu theo hệ thống luật dân sự, 14 trường dạy luật bằng tiếng Anh theo truyền thống án lệ [ ]. Vì đặc thù song ngữ Anh Pháp, nhiều trường luật đào tạo cả hai loại bằng cử nhân, ví dụ Tổng hợp Ottawa đào tạo cử nhân theo pháp luật dân sự (LL.L.) và cử nhân theo hệ thống án lệ (LL.B), thậm chí khoảng 1/3 số sinh viên tốt nghiệp của trường luật này theo học cả hai hệ. Một số trường liên kết đào tạo cả hai hệ thống dân luật và luật án lệ. Người Canada chú trọng việc giảng luật so sánh và luật quốc tế, tạo cho sinh viên của họ nhiều cơ hội tìm việc trong thị trường này càng toàn cầu hóa.
Hệ đào tạo cử nhân thường kéo dài ít nhất 3 năm. Ở Quebec, việc tuyển sinh chủ yếu dựa trên kết quả học phổ thông và bằng tú tài (sau 13 năm học phổ thông) hoặc tú tài toàn phần (sau 14 năm học phổ thông). Ở các tỉnh theo hệ thống án lệ, người ta căn cứ vào kết quả trắc nghiệm lực học LSAT (Law School Admission Test), lí lịch khoa học và văn bằng tốt nghiệp B.A. Các trường tự xây dựng chương trình đào tạo, song ít nhiều chịu sự ảnh hưởng định hướng của các kỳ thi của Hiệp hội luật sư của tỉnh.
5.3. Đào tạo luật học tại một số quốc gia Nam Mỹ
Nguyên nhân cho thực trạng này rất đa dạng, song có thể nhìn thấy ở tính bất ổn định của hệ thống chính trị các nước này cũng như vai trò của giới luật học trong đời sống xã hội Nam Mỹ là chưa cao. Do các quốc gia này phần lớn là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, từ đó họ đã tiếp thu truyền thống pháp luật dân sự từ châu Âu lục địa.
Nền giáo dục pháp luật thường bắt đầu ở bậc đại học, có nơi kéo dài 4 năm, có nơi kéo dài 5 năm (ví dụ Brazil). Hệ thống các trường luật bao gồm cả trường công và trường tư cũng như sự tham gia đào tạo luật của các tổ chức tôn giáo. Chương trình dạy luật bám sát các đạo luật cơ bản theo truyền thống dân luật, hơn là giảng công cụ và kỹ năng hành nghề. Khi kiểm tra đánh giá, người thầy là chủ khảo, nhấn mạnh tới kiểm tra kiến thức đã truyền đạt, hầu như không đánh giá kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tìm tin và khả năng viết các bình luận. Nghiệp đoàn của các giảng viên luật hầu như chưa có, tiếng nói của các hiệp hội luật sư trong xây dựng và đánh giá chương trình dạy luật hầu như không đáng kể./.
6. Bình luận tổng quan
Nhìn nhận lại việc dạy và học luật ở Việt Nam cũng như trên thế giới là một công việc lớn, đòi hỏi sự góp sức của nhiều người. Qua sơ khảo kinh nghiệm các nước láng giềng và trên thế giới, bước đầu có thể đưa ra ba nhận định chủ quan sau đây:
Thứ nhất, ở những nước XHCN trước kia, nền luật học không phát triển. Luật pháp được đồng nghĩa với cách hiểu của luật công, là những công cụ triển khai chính sách của giai cấp cầm quyền. Dạy luật về cơ bản cũng dựa trên các phương pháp của luật công, lấy lí luận Mác-Lênin về tổ chức bộ máy nhà nước làm công cụ tư tưởng chính, các ngành luật được lựa chọn tùy theo nhãn quan quản lí nhà nước từng thời điểm khác nhau. Trong hệ đại học, người ta không rèn luyện các kỹ năng hành nghề cần có của luật sư như kỹ năng thẩm vấn, kỹ năng đàm phán, kỹ năng tranh tụng, mà chủ yếu diễn giảng tư tưởng và cầu trúc các đạo luật, cách hiểu và vận dụng chúng theo một đường lối thống nhất bởi đảng cầm quyền. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, ảnh hưởng của mô hình này suy giảm đáng kể trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ đều quay trở lại với nền dân luật truyền thống. Ngay cả ở Trung Quốc và Việt Nam, hệ thống pháp luật của mô hình nhà nước toàn trị đã rạn nứt và được thay thế nhiều phần bởi một nền pháp luật tương thích với kinh tế thị trường. Tư duy lại việc dạy và học luật ở các quốc gia này là một điều tất yếu đang diễn ra.
Thứ hai, ở các quốc gia châu Âu lục địa, kể cả ở Anh và các quốc gia chịu ảnh hưởng của người Anh, việc dạy luật được bắt đầu ở bậc đại học, học viên phần lớn là những tú tài trẻ tuổi, chưa thể có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Sau khi có bằng cử nhân luật, những người này phải trải qua những kỳ đào tạo nghiệp vụ mới có thể từng bước hành nghề luật. Như vậy, về đại thể có thể chia quy trình đào tạo luật học thành hai công đoạn lớn: (i) công đoạn hàn lâm, thường do các khoa luật thuộc các trường đại học tổng hợp phụ trách, và (ii) công đoạn dạy nghề, thường do Bộ tư pháp, Hiệp hội luật sư hoặc các tổ chức được ủy quyền tiến hành. Các cấp học thạc sĩ, tiến sĩ luật học thường là nối dài của quá trình đào tạo hàn lâm, người có bằng tiến sĩ luật thường đạt được một số kỹ năng nghiên cứu, mà không được đào tạo về hành nghề luật. Các khoa dạy luật thường hoặc tuyệt đại đa số thuộc các trường đại học công lập, thậm chí giai đoạn dạy nghề luật ở một số nước còn được xem như đào tạo công chức tập sự với chế độ lương bổng và nghĩa vụ giống với công chức.
Thứ ba, Hoa Kỳ là quốc gia hầu như duy nhất trên thế giới này không đào tạo luật học (cũng như y khoa) ở bậc cử nhân, không phân chia đào tạo luật thành hai công đoạn hàn lâm và dạy nghề, mà dường như nhập hai giai đoạn này vào chương trình đạo tạo luật cho những người đã có ít nhất một bằng cử nhân ở các ngành khoa học khác. Dạy luật ở nước này mang tính rèn luyện kỹ năng rõ rệt, sau có bằng luật (J.D.) của các trường được công nhận, người học có thể thi ngay vào Hiệp hội luật sư các bang để hành nghề. Các cơ sở đào tạo luật vì thế cũng không được gọi là khoa luật, mà là các trường luật độc lập. Đây cũng là quốc gia thương mại hóa giáo dục đến cao độ, các trường danh tiếng phần lớn là trường tư, vận hành với những cơ chế không khác gì các công ty. Thẩm phán được lựa chọn từ những luật sư có kinh nghiệm. Những điểm đặc thù này chỉ có thể lý giải được bởi vai trò rất đáng kể của giới luật sư trong đời sống kinh tế và chính trị nước Mỹ. Một quốc gia chậm phát triển như Việt Nam chưa có điều kiện để du nhập mô hình đặc biệt này vào thời điểm hiện nay.
7. Một số đề xuất
Khác với thực dân Anh, người Pháp ra đi thường để lại những xứ thuộc địa kém phát triển và thiếu các thiết chế cần thiết cho nền kinh tế thị trường, đặc biệt là thiếu một hệ thống tư pháp biết giữ gìn công lý và những luật sư am hiểu dịch vụ pháp lí. Điều đó cũng đúng cho Việt Nam. Cộng thêm với 3 thập kỷ xây dựng nhà nước toàn trị, cho đến đầu thế kỷ thứ 21, Việt Nam về cơ bản vẫn không có một di sản pháp luật vững chắc và không hề có truyền thống đào tạo pháp luật tương thích với nền kinh tế thị trường.
Đã có rất nhiều cố gắng nhằm cách tân nền luật học nước nhà. Riêng về đào tạo luật học, sau khi quan sát kinh nghiệm quốc tế, xin góp thêm một số thiển ý dưới đây:
Thứ nhất, thể chế nào, luật gia đó; nước ta đã có một hệ thống đào tạo tương thích với trình độ mà xã hội chờ đợi ở người luật gia. Tuy nhiên, về cơ bản có thể nhận thấy đào tạo cử nhân luật và dạy hành nghề luật là hai công đoạn cần tách rời. Việc đào tạo bậc cử nhân tốt nhất nên trao cho các khoa luật thuộc các trường đại học trong hệ thống của Bộ giáo dục và đạo tạo, như người Trung Quốc đã hợp nhất thành công trong các năm qua. Bộ tư pháp, Tòa tối cao hoặc hiệp hội luật sư, nếu có chỉ nên tham gia vào công đoạn dạy hành nghề luật (luật sư, thẩm phán, công chứng, công tố..). Các viện nghiên cứu không nên tham gia đào tạo cử nhân (nếu có chỉ bắt đầu ở cấp sau đại học). Lý do thuyết phục nhất cho việc này là: việc đào tạo cử nhân cho những người bắt đầu từ 18 tuổi và tốt nghiệp khi mới 22 tuổi không thể ngay lập tức vươn tới những kỹ năng điều hành xã hội cần có của một người hành nghề luật. Môi trường liên ngành khoa học thường thấy ở các trường đại học là phù hợp với giai đoạn kiến thức ban đầu này.
Thứ hai, vì đào tạo ở bậc đại học là truyền tải kiến thức (chứ không nhấn mạnh kỹ năng) và đào tạo cơ bản (chứ không chuyên sâu), cho nên không quá tham vọng đưa case study hay diễn án vào thí nghiệm ở đối tượng này. Trong thời lượng 4 năm đào tạo, việc dành khoảng 1 năm cho các ngành khoa học cơ bản và 3 năm cho luật học như hiện nay là phù hợp. Trong các môn cơ bản, theo thiển ý của tôi nên dành một thời gian thích hợp cho môn Hán Văn và cổ luật (người Phương Tây học tiếng Latinh và Luật La mã thì người Việt Nam có lẽ cũng nên học hai môn này). Trong các môn luật, nên bắt đầu bằng dân luật ngay từ năm thứ nhất hoặc năm thứ hai, giảm bớt và tránh dạy các môn luật công ngay từ ban đầu. Với một nền kiến thức chung như vậy, người học có thể tìm được việc làm ở cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, các tổ chức thông tấn báo chí và trong các doanh nghiệp hoặc tự lập kinh doanh. Cử nhân luật mới là bước đầu tiên dẫn đến nghề luật.
Thứ ba, việc dạy các kỹ năng hành nghề luật tập trung cho các đối tượng thẩm phán, luật sư, công tố và công chứng là một công đoạn riêng, tách biệt với đào tạo hàn lâm; ở đây mới cần nhấn mạnh tới đào tạo các kỹ năng. Việc đào tạo có thể giao cho một hoặc nhiều cơ sở tiến hành, song nên có một kỳ thi quốc gia thống nhất được đồng thời tiến hành bởi Bộ tư pháp, Tòa tối cao, Hiệp hội luật sư hành nghề. Các nghề bổ trợ tư pháp như thư ký tòa án, chấp hành viên .. nên được đào tạo theo một quy chế riêng, có thể tương đương với hệ cao đẳng (para legal) là vừa đủ. Không nên chỉ tuyển nguồn thẩm phán từ đội ngũ thư ký tòa án, mà nên tuyển dụng rộng hơn từ đội ngũ luật sư hành nghề.
Comments