Đại diện cơ quan quản lý nhà nước phát biểu hôm qua tại ĐH Luật HCM rằng: nước ta đã cấp phép cho 95 cơ sở đào tạo luật, tức là cứ 1 triệu dân đã có một trường dạy luật. Mạng lưới các trường dạy luật VLSN cũng đã hình thành, góp thêm tiếng nói yêu cầu định chuẩn nghề luật, trước mắt Ban Nội chính TW, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, hai bộ GD-ĐT và Tư pháp chắc sẽ phải nghĩ ra cách để kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường luật.
Cũng nghe thêm tin rằng hàng năm trên toàn quốc số
sinh viên nhập học ngành luật đã lên tới hàng chục vạn, đã xuất hiện xu thế cát
cứ, ví dụ Tòa
án sẽ tuyển dụng thư ký từ Học viện tòa án, VKS tuyển nhân lực từ Trường Đại
học kiểm sát, thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành luật sẽ thêm rối
bởi xu thế cát cứ nêu trên.
Như vậy, từ 1976 đến nay, VN đã có 45 năm đào tạo luật học. Vài ghi nhớ:
- Trước 1945, trường luật đã được mở tại HN dưới thời Pháp thuộc, bắt đầu từ bậc cao đẳng hành chính, sau đó nâng lên bậc cử nhân.
- Sau 1954 ở phía Nam ĐH Luật khoa Sài Gòn mở năm 1955, sau đó dường như có thêm trường dạy luật ở vài nơi nữa.
- Ở miền Bắc, năm 1960 lập Trường Tư pháp TW, sau trường này đổi tên thành Trường cán bộ tòa án, rồi Trường Cao đẳng tòa án do TANDTC quản lý, (khi đó Bộ Tư pháp được giải tán, mãi 1981 mới tái lập). Năm 1976 Khoa Luật ĐH Tổng hợp HN được thành lập, 3 năm sau nhập với Cao đẳng tòa án thành Đại học Pháp lý HN (1979).
- Ở phía Nam, 1976 lập Trường cao đẳng pháp lý-Cơ sở 2, đây cũng là nơi mở lớp đại học luật phía Nam do ĐH Pháp lý từ HN phụ trách, 1987 nơi này tách ra thành Phân hiệu ĐH Pháp lý HN, sau đó 1996 gộp với Khoa Luật ĐH Tổng hợp HCM thành Trường ĐH Luật thuộc ĐHQG HCM, trường này vài năm sau đó lại tách ra khỏi ĐHQG HCM và trở về với Bộ GD-ĐT (hình như có một dạo ai đó đã vận động chuyển ĐH Luật HCM từ Bộ GD-ĐT về cho Bộ Tư pháp quản lý, song không thành).
- 45 năm phân tách triền miên, 95 cơ sở dạy luật hiện nay là minh chứng cho thiếu tầm nhìn, thiếu quy hoạch, và dường như thiếu nhận thức (chí ít rằng để cai trị nhà cầm quyền rất cần luật tốt).
Comments