Thề là một nghi lễ cổ xưa, thường là cam kết
đạo đức trước các đấng linh thiêng. Từ Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước và các vị
đứng đầu các ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp ở nước ta, sau khi được Quốc
hội bầu, phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và trung thành với
Hiến pháp.
Việc khôi phục nghi lễ này nhắc nhở nhiều
điều. Thứ nhất, mọi quyền lực đều có giới hạn, người giữ chức vụ cao nhất trong
các quyền lực đó cũng phải dừng trước các ngưỡng không thể bước qua. Nói cách
khác, mọi quyền lực phải được giới hạn, giới hạn trước các giá trị linh thiêng.
Thước đo sự phụng sự của những người giữ ngôi cao là sự tận tụy vì lợi ích của
tổ quốc, lợi ích của nhân dân và tuân thủ Hiến pháp.
Thứ hai, nếu vi phạm lời thề, thường người
ta phải chịu “trời tru đất diệt”. Làm quan, thậm chí làm vua, đều nhất thời, chỉ
có tiếng thơm trong lòng dân mới mong vạn đại. Người ta có thể dối dân, song
làm sao dối trá được trước trời đất. Nếu vi phạm cam kết đạo đức ấy, người đã
thề tự chết trong hổ thẹn, tự chôn mình trong sự quên lãng của nhân dân. Lời tự
răn ấy khắc kỷ, phục lễ, buộc người thề tự tiết chế trong mọi hành vi cử chỉ của
mình.
Thứ ba, không chỉ là các đấng linh thiêng,
chứng nhân cho lời thề đó là toàn thiên hạ. Đại biểu trong phiên họp và toàn thể
dân chúng chứng kiến những lời thề ấy. Họ sẽ quan sát, họ sẽ đánh giá, họ sẽ đo
lường lời nói và việc làm của những người đã thề. Người xưa bảo “thiên ý dân
tâm”, lòng dân là ý trời, đạt được chút tín nhiệm đã khó, mất đi lòng tin của
nhân dân thì mất hết mọi sự chính danh về đạo đức để giữ những ngôi cao.
Hiển nhiên, lời thề dù thiêng liêng đến thế,
cũng chỉ là cam kết đạo đức, góp một phần bổ khuyết cho những cam kết chính trị
và pháp lý, giúp cho quyền lực được kiểm soát và bị giới hạn tốt hơn vì lợi ích
quốc gia và lợi ích của nhân dân.