Nhà báo ơi,
xin đừng xui dại. Nói xấu cán bộ, phạt. Khiếu nại, tố cáo cán bộ… không khéo hại
thân. Dù lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kêu gọi báo chí và nhân dân ghi hình cán bộ và bất cứ ai phạm luật, ví dụ như phạm luật giao thông, ít ai dám hưởng ứng lời
kêu gọi này.
Người dân
thời nay tỉnh táo hơn nhiều cán bộ nghĩ. Không dễ dẫn dắt họ bởi những lời kêu
gọi tựa những phong trào cổ xưa. Tranh cổ động, tờ rơi, khẩu hiệu, cuộc thi
đua, tấm biển gia đình văn hóa, chúng ta hãy thẳng thắn, thực sự không còn nhiều
giá trị lôi kéo nhân dân như ngày xưa.
Muốn thay đổi
tận gốc hành vi con người, phải thay đổi luật chơi. Hạn chế lạm dụng xe công,
phải đưa chi phí đón rước cán bộ vào lương của họ, phải khoán chi đối với từng
công sở. Muốn đẩy lùi xe biển xanh phạm luật, hãy hủy bỏ quy định riêng về biển
xanh, công sở cũng như dân thường khi đi đăng ký đều nhận cùng một màu biển số.
Cán bộ cũng
như thường dân, nếu phạm luật giao thông, cảnh sát ghi lại hành vi phạm luật: qua camera ghi hình, máy bắn tốc độ, hay biên bản như ta thường thấy.
Có lỗi rành rành, người dân chỉ cần chấp nhận trả phạt theo một thủ tục
thanh toán nhanh chóng, ví dụ chuyển khoản tiền phạt cho Kho bạc Nhà nước. Song nếu người
dân chưa phục, họ phải có quyền nại ra tòa, chỉ có tòa án mới có quyền phán xét
họ phạm luật hay không. Hiển nhiên, nếu bị tuyên án vi phạm, người vi phạm phải
chịu thêm án phí và vô số khoản chi phí tranh tụng khác.
Đó là những
luật chơi cần thay đổi. Chỉ có thế, quyền lực mới thực sự được kiểm soát, như
Hiến pháp 2013 và các cam kết chính trị mới đây đã long trọng tuyên bố. Nói đã
nhiều, đã tới lúc phải làm.
Tuy nhiên, nói dễ làm khó,
người có quyền chẳng ai muốn tự trói tay trói chân chính mình. Chẳng cán bộ nào tự nguyện cho phép
dân chúng thoải mái ghi hình chụp ảnh họ, nhất là trong lúc họ đang ung dung thưởng thức quyền
lực của mình.
Thôi thì, lại
đã nói nhiều. Hãy để cho báo chí được tự do, tự sống sót trong thị trường truyền thông khốc liệt này. Vì bạn đọc, họ phải săn và đưa những tin đáng đọc. Đi tìm sự thật, báo chí sẽ tận lực vạch trần,
phanh phui đủ loại thói hư tật xấu và cổ vũ cho những mầm tươi tốt trong xã hội
chúng ta. Khi ấy không cần cổ động, không cần phong trào, để tồn tại, tự thân báo chí sẽ tìm cách ghi lại những sự thật trần trụi
mà người dân muốn biết.