Mỗi dịp Đại hội Đảng, ngoài những tin về bầu bán lãnh đạo
mới, dân chúng cũng mong những người cầm lái cũ và mới nhìn lại những gì đã làm và định đường lối thúc đẩy quốc gia
vùng vẫy thoát khỏi tụt hậu. Cải cách thể chế, xây dựng nền hành chính phục vụ sẽ vẫn là một trong các mắt xích cần đột phá. Chúng ta đã làm được gì và cần
phải làm như thế nào để thúc đẩy nền hành chính phục vụ người dân.
Không chỉ ở Việt Nam, ngày nay trên trái đất này, chính
quyền nào cũng tuyên bố mình là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Câu nói nổi
tiếng trong bài diễn văn tại Gettysburg năm 1863 của Tổng thống Abraham Lincoln
đã trở thành niềm mơ ước của nhiều dân tộc không phân biệt thể chế chính trị:
làm sao xây dựng được những chính quyền, những nền hành chính thực sự phục vụ
nhân dân.
Nền hành chính ở nước ta đã và đang thay đổi rất
nhanh trong một thế giới toàn cầu hóa sâu sắc. Công bằng mà nói, các dòng vốn
chỉ đến và ở lại nước ta, nếu hành xử của chính quyền là nhất quán, minh bạch,
có thể tin cậy được, tiên liệu được. Muốn vậy, nền hành chính phải thay đổi, mọi
can thiệp của chính quyền vào hoạt động kinh doanh phải rõ ràng và có thể lường
trước được, chí ít đối với các ông chủ tư bản, các công ty đa quốc gia. Đất
lành chim đậu, đầu tư trong và ngoài nước vào Việt Nam tăng nhanh, điều ấy hiển
nhiên cho thấy môi trường kinh doanh ở nước ta đã được cải thiện.
Cuộc cải cách hành chính đã có phần thành công. Văn hóa và quy trình hành
chính tại các công sở trên thực tế đã được cải thiện. Khẩu hiệu nơi tiếp dân tại
trụ sở Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM, theo đó “sự hài lòng của người
dân là thước đo hiệu quả của chúng tôi” là một ví dụ cho thấy những thay đổi
trong thái độ phục vụ người dân đang lặng lẽ diễn ra trong nền hành chính nước
ta. Nơi tiếp dân tại Trung tâm chính trị hành chính tỉnh Bình Dương cũng là một
ví dụ khác về sự đổi thay đáng kinh ngạc trong cung cách tiếp đón, phục vụ người
dân tại chính quyền cấp tỉnh.
Tất nhiên, không phải nơi nào và lúc nào nền hành
chính nước ta cũng đã làm được như tại hai ví dụ kể trên. Thêm nữa, Việt Nam cải
cách, song các quốc gia khác cũng cải cách, thậm chí nhanh hơn. Tự so với chính
mình thì Việt Nam hiển nhiên có tiến bộ, song so với các quốc gia láng giềng, kể cả với Lào và
Căm-pu-chia, chúng ta đã tụt hậu về nhiều chỉ số quản trị quốc gia.
Phàn nàn và kêu ca không làm nền hành chính tốt
lên, người dân phải hành động thúc đẩy thay đổi. TPP sẽ mở cửa thị trường
rộng hơn, doanh nghiệp tư nhân phải lớn được ở sân nhà mới mong vươn ra bên ngoài. Hiệp
hội doanh nghiệp phải chỉ rõ rào cản hành chính cản trở kinh doanh là gì, từng
dịp giao lưu với chính quyền phải kiểm kê chi tiết những vướng mắc nào đã được
tháo gỡ, những gì cần phải tiếp tục đổi thay. Đại biểu dân cử phải dùng các
phiên chất vấn của hội đồng nhân dân và Quốc hội để chỉ rõ trong chính quyền ai
phải chịu trách nhiệm cá nhân về những trì trệ và nhũng nhiễu cụ thể nào trong
nền hành chính. Chúng ta cần một sự sòng phẳng trong trách nhiệm giải trình: tất
cả các lãnh đạo phải được đánh giá, đo lường sự tận tụy của mình trước cử tri bằng
kết quả quản lý, điều hành công việc cụ thể.
Nền hành chính chỉ buộc phải phục vụ, nếu người dân
và doanh nghiệp biết đòi hỏi và thúc ép chính quyền phải chịu trách nhiệm rõ
ràng hơn. Khách có khó tính thì chị mậu dịch viên thời bao cấp ngày xưa mới hóa
thân trở thành cô tiếp thị ngày nay. Thì cũng như thế, trong quản lý công, ý thức
công dân, đòi hỏi và thực thi các quyền công dân như đã được ghi nhận trong bản
Hiến pháp năm 2013, cần là một tiền đề, một sức ép để thúc đầy nền hành chính
tiếp tục đổi thay theo hướng phục vụ nhân dân được tốt hơn.