Trong
khi cả nước đang đón đợi TPP đầy cảm xúc, thông tin Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng
(PVTex) được đầu tư 7.000 tỷ đồng, nay đắp chiếu, như một gáo nước lạnh
cảnh báo cuộc cạnh tranh khốc liệt sẽ tới. Sản phẩm làm ra đắt hơn nhập khẩu,
máy móc thiết bị đắp chiếu, công nhân mất việc, sơ tính đã thua lỗ hơn 1.700 tỷ
đồng.
Ngay
lập tức, thói quen cũ lại hiện về. PVtex, cũng như bao DNNN yếu kém khác, nghĩ
ngay tới xin cơ chế đặc thù: nào là giảm thuế VAT, giảm tiền điện nước, giảm tiền
thuê đất, giảm phí nước thải, tái dựng lên hàng rào thuế nhập khẩu với xơ sợi,
thậm chí nghĩ tới đề xuất chính sách buộc các nhà sản xuất trong nước phải sử dụng
sản phẩm của PVtex.
TPP
giúp thêm sức ép cho những nhà cải cách trong nước để dứt khoát nói không với
những thói quen bao cấp đó. PVtex buộc phải cạnh tranh. Nếu gục ngã, doanh nghiệp
phải phá sản, tài sản phải được chuyển tới những người kinh doanh hiệu quả hơn.
Đó là kỷ luật lạnh lùng của thị trường.
Của
đau con xót, nếu PVtex là của tư nhân, ông chủ sẽ ráng hết sức để sống sót. Chỉ
có điều PVtex, cũng như các DNNN khác, chẳng bao giờ rõ chủ. Cha chung không ai
khóc, PVtex đắp chiếu thì tài sản Nhà nước thất thoát, toàn dân và con cháu
chúng ta cùng gánh chịu. Những người quyết định đầu tư tiền của của Nhà nước
vào Dự án to lớn này đều giấu mặt sau tấm màn bùng nhùng của trách nhiệm tập thể.
Ai mà biết để duyệt và thực hiện được một dự án cỡ 7000 tỷ đồng, biết bao của
chung đã róc rách trở thành của riêng. Điều này giải thích DNNN tuy hoạt động kém
hiệu quả, song là bình phong che đậy cuộc bòn rút tài nguyên quốc gia để chuyển
dần vào túi của khu vực tư nhân.
Ai
cũng biết, ai cũng hiểu những điều đơn giản ấy. Chỉ có điều có quá nhiều người
được lợi từ những DNNN kém hiệu quả tựa như PVtex. Họ chính là lực lượng đầy uy
quyền cản trở cải cách. Ôm lấy bao cấp, xin thêm cơ chế chính sách, cản trở áp
dụng phá sản, DNNN và những người được lợi vùng vẫy cố giữ lấy các thể chế hiện
hành đang có lợi cho mình.
Nhân
chuyện Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, cần ủng hộ mạnh mẽ các chính sách thúc ép DNNN
tuân thủ kỷ luật thị trường. Thứ nhất, cần ủng hộ việc thoái vốn Nhà nước ở các
DNNN có hiệu quả. Chỉ có điều, bản chất thoái vốn là bán vốn cho tư nhân, muốn
tránh tham nhũng, cần minh bạch và đấu giá cạnh tranh dưới sự giám sát khắt khe
hơn của công chúng. Thứ hai, cần ủng hộ việc dùng Luật phá sản để giải quyết nợ
nần của DNNN yếu kém. Trong thủ tục ấy, giới chủ nợ phải có quyền dàn xếp, họ dần
dần thu lấy quyền quản lý tài sản từ khu vực doanh nghiệp yếu kém. Cả hai gọng
kìm trên sẽ giúp thúc ép quản trị tốt hơn các nguồn tài nguyên quốc gia. Đó chính
là một phần của cuộc cải cách thể chế rộng lớn cần phải tiến hành để đón lấy những
cơ hội từ TPP.