Sau 10 năm thụ án oan, người tù ở Bắc Giang được tự do về với mái ấm đã tan tác sau những chuỗi
ngày lao lý. Còn biết bao thân phận con người đã và có thể sẽ bị dập vùi bởi những
án oan được tuyên sai nghiệt ngã. Bất công và tai họa giáng xuống gia đình ông
Chấn cũng có nguy cơ xảy đến với bất kỳ ai trong xã hội này. Vì vậy, muốn tránh
những tai họa ấy, chúng ta cần phải làm gì?
Khỏi phải than thêm, khi xã hội bất an, con người dễ
hung hãn và nổi đóa, tội ác nhan nhản khắp nơi thì gánh nặng trấn áp tội phạm
trước hết dồn lên cơ quan điều tra. Ở đời ai chẳng mắc sai lầm, nhận định nhầm
thì suy đoán cũng nhầm, điều tra nhầm thì cáo trạng cũng nhầm, cáo trạng nhầm
thì buộc tội cũng nhầm, buộc tội nhầm thì tuyên án cũng nhầm. Cứ như thế, từ điều
tra, kiểm sát tới tòa án, một bộ máy các cơ quan nhà nước đầy uy lực hùng dũng
ra quân để truy xét và buộc tội người nghi can đơn độc.
Muốn chống đỡ lại nguy cơ bị bỏ tù oan, người nghi can
ấy chỉ có thể trông mong vào vài nguyên tắc mong manh của nền công lý. Thứ nhất, mọi lời thú nhận tội trong quá
trình điều tra không thể xem là chứng cứ đủ để buộc tội. Trách nhiệm chứng minh
nghi can phạm tội là của cơ quan điều tra, nếu thiếu bằng cớ thì nghi can được
suy đoán là vô tội và phải thả họ. Thứ hai,
luật pháp văn minh nghiêm cấm truy bức, đánh đập, hành hạ về thể xác và tinh thần
nghi can, cấm ép cung, mớm cung. Thứ ba,
bắt đầu từ khi bị tạm giữ để điều tra, nghi can có quyền mời luật sư bào chữa,
và vị này được quyền tham gia vào tất cả các phiên lấy lời khai. Trong quá
trình bào chữa, luật sư có quyền nại ra chứng cứ gỡ tội, tranh luận về giá trị
của các chứng cứ được trưng ra bởi cơ quan điều tra. Dựa trên chứng cứ được nêu
ra của cả hai bên buộc và gỡ tội, Tòa án cân nhắc, đánh giá và phán xét.
Những nguyên tắc đơn sơ ấy tất nhiên cũng được cam kết
trong pháp luật nước ta. Chỉ có điều, sau cánh cửa trại giam là thế giới riêng
của phạm nhân, dù tạm giam hay đã có án. Nước ta đã có 8000 luật sư, họ chỉ được
phép tham gia các phiên lấy cung sau khi đã trải qua những thủ tục hành chính
tương đối phiền nhiễu, đặc biệt phải được cơ quan điều tra ưng thuận cho tham
gia. Ngoài ra, được tham gia nghĩa là chỉ được dự và chứng kiến phiên hỏi cung,
luật sư nước ta chưa quen với những thao tác chủ động điều tra và trưng ra các
chứng cứ ngược lại. Họ quen đánh giá dựa trên chứng cứ do bên buộc tội đưa ra,
chứ chưa có đủ quyền lực xông xáo tìm ra mọi chứng cứ gỡ tội. Thiếu những quyền
năng điều tra chứng cứ ấy, cuộc đối thoại giữa bên buộc tội và luật sư bào chữa
tất yếu nghiêng về cơ quan nhà nước.
Ông Chấn ở Bắc Giang, may mà còn sống để mơ có ngày
đoàn tụ với vợ con. Nếu không phải là con liệt sỹ, nếu khung án tử hình giáng
xuống đầu ông, nếu án ấy lại cũng đã được nghiêm chỉnh thi hành... thì kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn người chịu án oan đã mất mạng từ
lâu. Sau nỗi run sợ hãi hùng ấy, có lẽ người ta mới thấu hiểu đằng sau pháp luật
là những thân phận con người. Luật pháp phải lấy nhân phẩm và thân phận con người
làm điều quý nhất. Xin đừng “xử oan còn hơn bỏ lọt tội phạm”, ngược lại hãy
dũng cảm chấp nhận bỏ lọt tội phạm còn hơn vi phạm những nguyên tắc sơ đẳng bảo
vệ công lý và nhân phẩm con người.