VỤ ÁN VƯỜN MÍT
Sau 7 năm tạm giam, một nghi can đối mặt với án tử hình đã được tuyên vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa. Nhờ hồng phúc gia tộc, ơn hảo tâm của những nhà báo và đại biểu Quốc hội, ơn ông luật sư bào chữa miễn phí, anh ta thật may mắn. Công lý chưa trọn bởi kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài đời, song vụ án này rung thêm một tiếng chuông hối thúc cải cách nền tư pháp nhằm bảo vệ những quyền cơ bản làm người.
Qua rồi một thời nghèo song yên ả, văn minh vẫn chưa tới song cái ác đã ập đến thật nhanh. Điều tra hàng vạn vụ án mỗi năm, sức ép phá án đè nặng lên cơ quan điều tra. Song không thể “bắt oan còn hơn bỏ lọt tội phạm”, trách nhiệm chứng minh tội phạm trước hết thuộc về cơ quan điều tra và cơ quan giữ quyền công tố. Muốn buộc tội công dân, nghĩa vụ chứng minh duy nhất thuộc về nhà nước.
Trong cuộc tìm kiếm bằng chứng, luật pháp Việt Nam quy định không được dùng lời nhận tội của bị can làm chứng cứ duy nhất để kết tội, lời nhận tội chỉ được xem là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Như vậy, sau khi bị tạm giam, bị can không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội. Nghi ngờ thì không thiếu, song nếu thiếu bằng chứng thì một công dân phải được tuyên là vô tội. Làm như thế, để bảo vệ quyền của công dân và tăng trách nhiệm chứng minh của nhà nước, người ta chấp nhận thỏa hiệp “thả nhầm người còn hơn bắt oan”.
Bị can được thả, song những tháng ngày tạm giam lấy đi của anh ta phần đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Để tránh oan sai không lặp lại, các nghi can phải được quyền kêu cứu tới luật sư bào chữa, những luật sư ấy ngay từ đầu phải có quyền tham gia tìm kiếm và thẩm định các chứng cứ trình ra phiên tòa. Người buộc, kẻ gỡ, phiên tòa trở thành nơi tranh luận và hội đồng xét xử là những người phải cân nhắc cuối cùng về giá trị của các chứng cứ dựa trên lý lẽ của đôi bên.
Nghi can trong vụ án vườn mít gặp may, vụ án được dư luận quan tâm, các vị đại biểu của dân yêu cầu giám sát, ông Chủ tịch nước quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình. Làm cho may mắn của anh ta cũng trở thành may mắn của bất kỳ ai lỡ rơi vào vòng lao lý chính, đó là mục đích nhân văn của một chế độ thượng tôn pháp luật, ngăn chặn bàn tay công quyền trước mọi sự tùy tiện có thể phương hại đến tự do của mỗi người dân.
Comments