TƯ THỤC HAY NGHĨA THỤC
Trên đất tổ, trơ trọi giữa đồng lúa sừng sững mọc lên một trường đại học của tư nhân. “Lướt sóng” giáo dục, có dân tộc nào trên thế giới này cả tin dám gửi tương lai con cháu mình cho những hội cổ phần buôn giáo dục để kiếm lời?
Luật pháp nước ta gọi những hội buôn ấy là đại học tư thục, có đại hội cổ đông, có các nhà đầu tư, có cổ phần, có mua bán và thôn tính, và đương nhiên chúng tồn tại vì lợi nhuận. Dù núp dưới những tấm biển mỹ miều, song thị trường vốn trơ trụi và hà khắc, công ty trước hết phải vì lợi ích của cổ đông. Cuốn theo động lực của nhà đầu tư, những trường ấy tìm kiếm những ngành đào tạo ăn khách, thu hồi vốn nhanh, đầu tư thấp. Không ngạc nhiên, số lượng sinh viên quản trị kinh doanh, kế toán, thương mại và những ngành đào tạo chi phí thấp tăng lên vòn vọt. Nếu chỉ chủ trương khuếch trương những hội buôn giáo dục kiểu ấy, sẽ nhạt phai dần tinh thần đại học. Sản phẩm đào tạo sẽ là hàng triệu tấm bằng, song dân tộc ta sẽ vắng dần những trí thức trăn trở với cuộc đời.
Vì lẽ ấy, các trường tư thục vì lợi nhuận có thể đóng góp một vai trò nhất định cho nền giáo dục quốc gia, song không nên và không thể trở thành một trụ cột cho chính sách đại học. Từ Đức, Pháp, Anh cho tới hầu hết các quốc gia Âu châu, nền tảng giáo dục đại học về căn bản là công lập, giáo dục là trách nhiệm không thể thoái thác của nhà nước.
Khi ta nghèo, nhà nước có nguồn lực hạn chế, có một truyền thống khác bổ trợ cho các trường công lập. Đó chính là các trường nghĩa thục, vì nghĩa, không vì tiền, người ta quyên góp dựng trường mời thày dạy dỗ cho con em mình. Nền Nho học Việt Nam đã được dựng lên vì những trường nghĩa thục kiểu ấy. Đông Kinh Nghĩa Thục, một tiếng sấm khai trí Việt tộc, cũng là một trào lưu giáo dục với những trường vì nghĩa, không vị lợi.
Người Nhật, người Hàn đã học theo mô hình các trường phi lợi nhuận của Hoa Kỳ mà dựng lên một nền giáo dục tân tiến với những trường đại học nghĩa thục bổ sung cho các trường công. Nghĩa thục có nghĩa là góp tiền của vì nghĩa lớn, không mong chờ cổ tức, không ham muốn tranh giành quyền lãnh đạo nhà trường như các công ty. Vì lẽ ấy, trường nghĩa thục không có đại hội cổ đông, không có hội đồng quản trị, không được chia cổ tức như các hội buôn.
Lãnh đạo nhà trường sẽ gồm những người có uy tín, được cộng đồng các nhà tài trợ, cơ quan quản lý giáo dục, cộng đồng giáo viên và sinh viên tiến cử, mỗi người một phiếu ngang nhau, họ duy trì một nền tự quản đại học độc lập, không chạy theo lợi ích của bất kỳ ai. Với đặc trưng bất vụ lợi như thế, các trường nghĩa thục có khả năng duy trì tinh thần đại học, hy vọng đào tạo ra những lớp trí thức có khí tiết. Để giúp ra đời những trường nghĩa thục như thế, nhà nước chỉ cần thực thi chính sách miễn thuế, cấp đất không thu tiền cho các trường nghĩa thục. Ngược lại, các trường vì lợi nhuận phải chịu thuế, phải trả tiền thuê đất như các hội buôn, thậm chí phải ghi rõ mục tiêu vì lợi nhuận vào bảng hiệu để cảnh báo người dân, tránh lập lờ dẫn đến lạm dụng niềm tin của người dân vào nền đại học.Thời của tiền bạc, quanh chúng ta sôi réo những tiếng gầm vì lợi nhuận. Đã tới lúc dừng ngay lại trào lưu mang chợ vào trường và chung tay ươm mầm nghĩa thục, khuyến khích sự ra đời của các trường vì nghĩa, không chỉ vì tiền./.
Trên đất tổ, trơ trọi giữa đồng lúa sừng sững mọc lên một trường đại học của tư nhân. “Lướt sóng” giáo dục, có dân tộc nào trên thế giới này cả tin dám gửi tương lai con cháu mình cho những hội cổ phần buôn giáo dục để kiếm lời?
Luật pháp nước ta gọi những hội buôn ấy là đại học tư thục, có đại hội cổ đông, có các nhà đầu tư, có cổ phần, có mua bán và thôn tính, và đương nhiên chúng tồn tại vì lợi nhuận. Dù núp dưới những tấm biển mỹ miều, song thị trường vốn trơ trụi và hà khắc, công ty trước hết phải vì lợi ích của cổ đông. Cuốn theo động lực của nhà đầu tư, những trường ấy tìm kiếm những ngành đào tạo ăn khách, thu hồi vốn nhanh, đầu tư thấp. Không ngạc nhiên, số lượng sinh viên quản trị kinh doanh, kế toán, thương mại và những ngành đào tạo chi phí thấp tăng lên vòn vọt. Nếu chỉ chủ trương khuếch trương những hội buôn giáo dục kiểu ấy, sẽ nhạt phai dần tinh thần đại học. Sản phẩm đào tạo sẽ là hàng triệu tấm bằng, song dân tộc ta sẽ vắng dần những trí thức trăn trở với cuộc đời.
Vì lẽ ấy, các trường tư thục vì lợi nhuận có thể đóng góp một vai trò nhất định cho nền giáo dục quốc gia, song không nên và không thể trở thành một trụ cột cho chính sách đại học. Từ Đức, Pháp, Anh cho tới hầu hết các quốc gia Âu châu, nền tảng giáo dục đại học về căn bản là công lập, giáo dục là trách nhiệm không thể thoái thác của nhà nước.
Khi ta nghèo, nhà nước có nguồn lực hạn chế, có một truyền thống khác bổ trợ cho các trường công lập. Đó chính là các trường nghĩa thục, vì nghĩa, không vì tiền, người ta quyên góp dựng trường mời thày dạy dỗ cho con em mình. Nền Nho học Việt Nam đã được dựng lên vì những trường nghĩa thục kiểu ấy. Đông Kinh Nghĩa Thục, một tiếng sấm khai trí Việt tộc, cũng là một trào lưu giáo dục với những trường vì nghĩa, không vị lợi.
Người Nhật, người Hàn đã học theo mô hình các trường phi lợi nhuận của Hoa Kỳ mà dựng lên một nền giáo dục tân tiến với những trường đại học nghĩa thục bổ sung cho các trường công. Nghĩa thục có nghĩa là góp tiền của vì nghĩa lớn, không mong chờ cổ tức, không ham muốn tranh giành quyền lãnh đạo nhà trường như các công ty. Vì lẽ ấy, trường nghĩa thục không có đại hội cổ đông, không có hội đồng quản trị, không được chia cổ tức như các hội buôn.
Lãnh đạo nhà trường sẽ gồm những người có uy tín, được cộng đồng các nhà tài trợ, cơ quan quản lý giáo dục, cộng đồng giáo viên và sinh viên tiến cử, mỗi người một phiếu ngang nhau, họ duy trì một nền tự quản đại học độc lập, không chạy theo lợi ích của bất kỳ ai. Với đặc trưng bất vụ lợi như thế, các trường nghĩa thục có khả năng duy trì tinh thần đại học, hy vọng đào tạo ra những lớp trí thức có khí tiết. Để giúp ra đời những trường nghĩa thục như thế, nhà nước chỉ cần thực thi chính sách miễn thuế, cấp đất không thu tiền cho các trường nghĩa thục. Ngược lại, các trường vì lợi nhuận phải chịu thuế, phải trả tiền thuê đất như các hội buôn, thậm chí phải ghi rõ mục tiêu vì lợi nhuận vào bảng hiệu để cảnh báo người dân, tránh lập lờ dẫn đến lạm dụng niềm tin của người dân vào nền đại học.Thời của tiền bạc, quanh chúng ta sôi réo những tiếng gầm vì lợi nhuận. Đã tới lúc dừng ngay lại trào lưu mang chợ vào trường và chung tay ươm mầm nghĩa thục, khuyến khích sự ra đời của các trường vì nghĩa, không chỉ vì tiền./.
Comments