TƯ DUY CON ĐÀ ĐIỂU
Phạm Duy Nghĩa
Quê gốc mãi tận châu Phi, thời hội nhập, con đà điểu dần đã thành quen với dân chúng Việt Nam. Chạy nhanh lắm, song lúc quá sợ hãi, giống chim không biết bay ấy thường vùi đầu trong cát và nghĩ rằng tai hoạ đã qua. Thì cũng thế, khi hàng vạn khách thợ người Hoa đã tràn vào tranh việc với đồng bào quen chân lấm tay bùn, quan chức của Bộ LĐTB&XH vẫn khăng khăng khẳng định Việt Nam chỉ tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chứ làm gì có chấp nhận lao động giản đơn.
Rừng đã thưa, biển đã hẹp, nguồn lực con người đã ngơ ngác đến nỗi mất cả việc giản đơn nhất trên sân nhà. Có ai lo, tư duy con đà điểu, chức có thể cao, quyền có thể lớn, song chúng ta quen hài lòng với những gì đạt được qua mỗi nhiệm kỳ. Suy thoái kinh tế toàn cầu, như hứng dội một cơn mưa lạnh, đáng ra có thể là nguyên cớ hối thúc cải cách chính quyền và cải cách cả Đảng cầm quyền cho thêm phần rắn chắc, gần dân hơn. Song những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta dường như cho thấy ý chí cách tân to lớn ấy vẫn chưa lộ diện.
Sốt sắng lo bán tài nguyên, sốt sắng chuyển đất trồng lúa thành những dự án sinh lời, ai sẽ lo cho những ngày giáp hạt. Cuộc sống đã trở nên nhếch nhác và ồn ào chen lấn, không gian sinh tồn của Việt tộc đôi khi đã bị ám ảnh bởi những mối lo xa, người dân mong đổi thay trong thái độ của chính quyền. Chỉ có điều, hình như do thiếu vắng trách nhiệm chính trị cá nhân, quan chức lo chăm sóc quan hệ với những người có quyền nâng đỡ cho vị trí của riêng mình hơn là phải đối mặt với dư luận xã hội. Vì lẽ ấy, khách thợ người Tàu dù không có giấy phép cũng không bị trừng trị, tên đường ngang ngõ hẻm trên đất nước chúng ta bị đặt bằng tiếng Tàu cũng chẳng quan chức nào quan tâm ngăn trở.
Không nghe tưởng rằng chẳng có. Chỉ có điều, khác với đà điểu, tim ta bỗng nhói đau khi thế hệ con em đã bắt đầu lên tiếng “người lớn ơi, xin chớ mãi vô tình”.
Phạm Duy Nghĩa
Quê gốc mãi tận châu Phi, thời hội nhập, con đà điểu dần đã thành quen với dân chúng Việt Nam. Chạy nhanh lắm, song lúc quá sợ hãi, giống chim không biết bay ấy thường vùi đầu trong cát và nghĩ rằng tai hoạ đã qua. Thì cũng thế, khi hàng vạn khách thợ người Hoa đã tràn vào tranh việc với đồng bào quen chân lấm tay bùn, quan chức của Bộ LĐTB&XH vẫn khăng khăng khẳng định Việt Nam chỉ tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chứ làm gì có chấp nhận lao động giản đơn.
Rừng đã thưa, biển đã hẹp, nguồn lực con người đã ngơ ngác đến nỗi mất cả việc giản đơn nhất trên sân nhà. Có ai lo, tư duy con đà điểu, chức có thể cao, quyền có thể lớn, song chúng ta quen hài lòng với những gì đạt được qua mỗi nhiệm kỳ. Suy thoái kinh tế toàn cầu, như hứng dội một cơn mưa lạnh, đáng ra có thể là nguyên cớ hối thúc cải cách chính quyền và cải cách cả Đảng cầm quyền cho thêm phần rắn chắc, gần dân hơn. Song những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta dường như cho thấy ý chí cách tân to lớn ấy vẫn chưa lộ diện.
Sốt sắng lo bán tài nguyên, sốt sắng chuyển đất trồng lúa thành những dự án sinh lời, ai sẽ lo cho những ngày giáp hạt. Cuộc sống đã trở nên nhếch nhác và ồn ào chen lấn, không gian sinh tồn của Việt tộc đôi khi đã bị ám ảnh bởi những mối lo xa, người dân mong đổi thay trong thái độ của chính quyền. Chỉ có điều, hình như do thiếu vắng trách nhiệm chính trị cá nhân, quan chức lo chăm sóc quan hệ với những người có quyền nâng đỡ cho vị trí của riêng mình hơn là phải đối mặt với dư luận xã hội. Vì lẽ ấy, khách thợ người Tàu dù không có giấy phép cũng không bị trừng trị, tên đường ngang ngõ hẻm trên đất nước chúng ta bị đặt bằng tiếng Tàu cũng chẳng quan chức nào quan tâm ngăn trở.
Không nghe tưởng rằng chẳng có. Chỉ có điều, khác với đà điểu, tim ta bỗng nhói đau khi thế hệ con em đã bắt đầu lên tiếng “người lớn ơi, xin chớ mãi vô tình”.
Comments