ĐIỀU KHÁC NHAU NHO NHỎ
Phạm Duy Nghĩa
Từ vụ Siemens ở Đức, PCI ở Nhật cho đến Nexus ở Mỹ, các việc tuy có khác nhau song đều chung một dấu hiệu: để giành được các hợp đồng ở nước ngoài, lãnh đạo các công ty đã không ngần ngại trả các khoản tiền bôi trơn cho những quan chức có quyền. Khoản tiền ấy ở nước ta thường được gọi là lại quả, là lộc, song đôi khi ở nước ngoài người ta lại gọi là hối lộ- một tội danh có thể dẫn người lãnh đạo công ty đến nhà giam.
Quan sát vài việc vô tình ấy, có thể thấy đôi điều nho nhỏ khác nhau trong cách cách ứng xử ở xứ ta so với xứ người. Điều thứ nhất, người ta trọng cạnh tranh. Hối lộ quan chức ngoại quốc để giành lấy các gói thầu được coi là hành vi cản trở tự do cạnh tranh, hành vi không lành mạnh ấy được trấn áp bằng hình phạt, từ phạt tiền cho tới tù giam. Cái mà ở xứ người được xem là điều xấu hổ, kém lành mạnh và có thể bị xử phạt thì ở ta được xem là hành vi tình cảm, biết điều, để lấy chỗ đi lại.
Dường như lo lắng sẽ lộ mặt vài quan chức nhận tiền, có quan chức nước ta có ý trách móc báo chí nước ngoài chưa rõ thực hư thế nào mà đã dám đưa tin. Lại một thứ khác giữa ta và xứ người. Có vẻ như ở ta báo chí đưa tin gì thì cũng phải đúng và thật chính xác, cơ quan nhà nước chưa điều tra kết luận thì chớ vội đưa tin. Ở xứ người, quan chức có quyền cao chức trọng tới đâu cũng khó lòng mà chỉ đạo được báo chí; giới truyền thông có những sứ mệnh đưa tin, khám phá sự thật và có khi họ cũng hăng hái điều tra những gì mà họ cho rằng bạn đọc quan tâm.
Quyền của cơ quan điều tra và công tố nước ngoài chắc mỗi nước sẽ khác nhau, song chắc rằng chủ đích chính của họ là khởi tố doanh nhân và công ty nước họ, dù hành vi phạm tội có thể được gây ra ở nước ngoài. Nơi phạm tội không thật quan trọng, miễn rằng hành vi phạm tội đã góp phần cản trở tự do cạnh tranh ở xứ họ. Quan chức nhận hối lộ ở nước ta chắc khá an tâm, bởi cánh tay của pháp luật nước ngoài dù có dài đến mấy chắc rằng làm sao với tới được nước ta.
Có thể danh tính của vị này vị kia sẽ được đám ký giả cứng cổ ngoại quốc bêu giếu, đàm tiếu. Điều ấy cũng ít hề hấn gì, bởi danh dự chỉ có nhiều ý nghĩa ở những nơi con người còn nhiều tự trọng và quan chức phải rát mặt với trách nhiệm chính trị trước cử tri. Cổng quan đồ sộ, bảo vệ vòng trong lớp ngoài, cái khái niệm trách nhiệm trước cử tri ấy có vẻ còn rất mơ hồ ở xứ ta.
Mất danh tiếng, thương hiệu sụt giảm sẽ rục rịch kéo theo những thay đổi nhân sự và định hướng lại quản trị công ty nhằm tìm kiếm lòng tin của cổ đông và nhà đầu tư. Chuyện thường ngày ấy trong quản trị công ty ở nước ngoài cũng ít khi diễn ra ở nước ta. Xuân sinh, hạ trưởng, cái xã hội Việt Nam có vẻ cứ tiệm tiến dềnh dàng với những quy luật rất riêng của nó, mặc cho các xì-căng-đan bôi trơn quan chức hết ầm ỹ ở Đức, ở Nhật lại lan sang đến tận Hoa Kỳ. Xứ ta vạn tuế./.
Phạm Duy Nghĩa
Từ vụ Siemens ở Đức, PCI ở Nhật cho đến Nexus ở Mỹ, các việc tuy có khác nhau song đều chung một dấu hiệu: để giành được các hợp đồng ở nước ngoài, lãnh đạo các công ty đã không ngần ngại trả các khoản tiền bôi trơn cho những quan chức có quyền. Khoản tiền ấy ở nước ta thường được gọi là lại quả, là lộc, song đôi khi ở nước ngoài người ta lại gọi là hối lộ- một tội danh có thể dẫn người lãnh đạo công ty đến nhà giam.
Quan sát vài việc vô tình ấy, có thể thấy đôi điều nho nhỏ khác nhau trong cách cách ứng xử ở xứ ta so với xứ người. Điều thứ nhất, người ta trọng cạnh tranh. Hối lộ quan chức ngoại quốc để giành lấy các gói thầu được coi là hành vi cản trở tự do cạnh tranh, hành vi không lành mạnh ấy được trấn áp bằng hình phạt, từ phạt tiền cho tới tù giam. Cái mà ở xứ người được xem là điều xấu hổ, kém lành mạnh và có thể bị xử phạt thì ở ta được xem là hành vi tình cảm, biết điều, để lấy chỗ đi lại.
Dường như lo lắng sẽ lộ mặt vài quan chức nhận tiền, có quan chức nước ta có ý trách móc báo chí nước ngoài chưa rõ thực hư thế nào mà đã dám đưa tin. Lại một thứ khác giữa ta và xứ người. Có vẻ như ở ta báo chí đưa tin gì thì cũng phải đúng và thật chính xác, cơ quan nhà nước chưa điều tra kết luận thì chớ vội đưa tin. Ở xứ người, quan chức có quyền cao chức trọng tới đâu cũng khó lòng mà chỉ đạo được báo chí; giới truyền thông có những sứ mệnh đưa tin, khám phá sự thật và có khi họ cũng hăng hái điều tra những gì mà họ cho rằng bạn đọc quan tâm.
Quyền của cơ quan điều tra và công tố nước ngoài chắc mỗi nước sẽ khác nhau, song chắc rằng chủ đích chính của họ là khởi tố doanh nhân và công ty nước họ, dù hành vi phạm tội có thể được gây ra ở nước ngoài. Nơi phạm tội không thật quan trọng, miễn rằng hành vi phạm tội đã góp phần cản trở tự do cạnh tranh ở xứ họ. Quan chức nhận hối lộ ở nước ta chắc khá an tâm, bởi cánh tay của pháp luật nước ngoài dù có dài đến mấy chắc rằng làm sao với tới được nước ta.
Có thể danh tính của vị này vị kia sẽ được đám ký giả cứng cổ ngoại quốc bêu giếu, đàm tiếu. Điều ấy cũng ít hề hấn gì, bởi danh dự chỉ có nhiều ý nghĩa ở những nơi con người còn nhiều tự trọng và quan chức phải rát mặt với trách nhiệm chính trị trước cử tri. Cổng quan đồ sộ, bảo vệ vòng trong lớp ngoài, cái khái niệm trách nhiệm trước cử tri ấy có vẻ còn rất mơ hồ ở xứ ta.
Mất danh tiếng, thương hiệu sụt giảm sẽ rục rịch kéo theo những thay đổi nhân sự và định hướng lại quản trị công ty nhằm tìm kiếm lòng tin của cổ đông và nhà đầu tư. Chuyện thường ngày ấy trong quản trị công ty ở nước ngoài cũng ít khi diễn ra ở nước ta. Xuân sinh, hạ trưởng, cái xã hội Việt Nam có vẻ cứ tiệm tiến dềnh dàng với những quy luật rất riêng của nó, mặc cho các xì-căng-đan bôi trơn quan chức hết ầm ỹ ở Đức, ở Nhật lại lan sang đến tận Hoa Kỳ. Xứ ta vạn tuế./.
Comments