CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ NHƯ VUA HÙNG KÉN RỂ
Phạm Duy Nghĩa
Nào liên doanh đóng tàu, nào bột ngọt, những dòng sông và không gian sống của người Việt Nam bị bức tử bởi vô khối dự án chẳng hề được lựa chọn và giám sát kỹ. Nhân danh công nghiệp, hiện đại hoá, những ông chủ tư bản ngang nhiên lộng hành trên đất nước chúng ta mà chẳng lo bị trừng trị. Vì đâu nên nỗi ấy?
Trước hết đó là vì các địa phương đua nhau mời gọi nhượng quyền dùng đất cho các ông chủ để thu vén thêm cho công quỹ địa phương. Sự hăng hái ấy làm cho con số các dự án tăng với số vốn đăng ký vọt lên hàng chục tỷ USD. Liệu họ có thực góp từng ấy tiền hay không lại là một chuyện khác, song chỉ trong một thời gian khá ngắn, các nguồn tài nguyên đã được sang tay những ông chủ mới; trong số ấy chẳng thiếu những dự án gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và đầu độc giống nòi chúng ta một cách lâu dài.
Qua một cuộc khảo sát chúng tôi đã thấy quy trình cấp phép cho các dự án đầu tư, dù bề ngoài có vẻ rắc rối, song quyền lực dồn cả về cho một cơ quan, thường là Uỷ ban nhân dân các tỉnh. Ký giấy thu hồi và cho thuê đất là ông chủ tịch tỉnh hoặc người thừa lệnh, cũng như vậy đối với giấy chứng nhận đầu tư, duyệt quy hoạch, duyệt giá đất, đánh giá tác động môi trường, hết thảy đều diễn ra dưới ngón tay của ông nhạc trưởng ấy. Điều này giải thích cái kỷ lục đã diễn ra ở một tỉnh phía Bắc, nơi mà cả giàn nhạc cùng hợp xướng với đủ loại giấy xác nhận quy hoạch, chứng chỉ hạ tầng, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư với hàng nghìn trang tài liệu… tất cả được thẩm định và cấp phép trong vòng 1 ngày [[1]].
Hệ thống thẩm định dự án đầu tư đang có một vài vấn đề nho nhỏ, ví dụ như năng lực nhà đầu tư không được kiểm chứng, tác động đến môi trường không được cảnh báo, ấy là chưa nói đến giá trị gia tăng của dự án có giúp gì cho tăng trưởng bền vững của địa phương hay không? Năng lực thẩm định yếu, bởi cả bộ máy chỉ là giúp việc, ai mà dám trái lời những ông lãnh đạo tỉnh đầy quyền uy.
Càng tuyên truyền xúc tiến đầu tư tốt, càng mời mọc được nhiều chàng rể tương lai, thì cơ hội chọn được người ưng ý càng cao. Vấn đề của một dự án, xem ra bắt đầu ở khâu xúc tiến, mời chào. Tốt nhất là mời thầu cạnh tranh để chọn lấy nhà đầu tư có năng lực nhất, cam kết có lợi nhất cho người dân địa phương.
Để chọn rể quý, xem lý lịch, thư giới thiệu, bảng báo cáo tài chính vài năm gần nhất… là tốt, song tốt hơn trước khi giao đất phải buộc họ nộp một khoản tiền đặt cọc đáng kể. Chỉ sau khi tiền đặt cọc đã được nộp, mới bàn tới đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ đỡ lặp lại những bài học như Dự án Nàng tiên cá ở Khánh Hoà hay Dự án công ty thép khổng lồ Eminence ở Thanh Hoá.
Một điều không đáng ngạc nhiên, song cần được nhắc lại rằng hầu hết đối tác Việt Nam trong các liên doanh quốc tế đều là những doanh nghiệp quốc doanh. Nhiều liên doanh đổ bể, nhiều liên doanh bị bên nước ngoài thao túng cũng là do bên Việt Nam tuy góp không ít vốn, song cơ chế giám sát đại diện kém. Có thể đại diện Việt Nam trong hội đồng quản trị liên doanh sớm hài lòng với mức lương cao và những lợi ích tư khác, mà dễ mặc lòng cho nhà quản trị nước ngoài thao túng liên doanh theo những sách lược của họ. Vì lẽ ấy, người Việt Nam chưa được lợi thực sự đáng kể và lâu dài từ các dự án đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, người ta đang chờ Bộ KH&ĐT hướng dẫn một quy trình tốt hơn, giúp ngày càng có nhiều tỉnh hơn dám nói “KHÔNG” với những dự án huỷ hoại môi sinh, bóc lột cạn kiệt tài nguyên và ít mang lại giá trị gia tăng cho địa phương. Trọng tâm của chính sách phải là: không mời gọi đầu tư bằng mọi giá, cần hối thúc và ép buộc các địa phương tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn khi chọn dự án đầu tư./.
[1] Đấy là vụ kỷ lục ở tỉnh Hoà Bình. Trong ngày 29/02/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, ông Bùi Văn Tỉnh, đã hối thúc ký đủ loại văn bản thẩm định dự án khu biệt thự nhà vườn và du lịch sinh thái Sunne Lights thực hiện tại xã Tiến Xuân huyện Lương Sơn. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị Ánh Dương. Trong chỉ một ngày, quy hoạch1/500 của lô đất 38 hecta đã được giao nhiệm vụ, được duyệt, được cấp phép đầu tư. Nguồn: Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, số 266, Tháng 8/2008, tr. 9. VTV1 cũng đã đưa tin vụ này.
Phạm Duy Nghĩa
Nào liên doanh đóng tàu, nào bột ngọt, những dòng sông và không gian sống của người Việt Nam bị bức tử bởi vô khối dự án chẳng hề được lựa chọn và giám sát kỹ. Nhân danh công nghiệp, hiện đại hoá, những ông chủ tư bản ngang nhiên lộng hành trên đất nước chúng ta mà chẳng lo bị trừng trị. Vì đâu nên nỗi ấy?
Trước hết đó là vì các địa phương đua nhau mời gọi nhượng quyền dùng đất cho các ông chủ để thu vén thêm cho công quỹ địa phương. Sự hăng hái ấy làm cho con số các dự án tăng với số vốn đăng ký vọt lên hàng chục tỷ USD. Liệu họ có thực góp từng ấy tiền hay không lại là một chuyện khác, song chỉ trong một thời gian khá ngắn, các nguồn tài nguyên đã được sang tay những ông chủ mới; trong số ấy chẳng thiếu những dự án gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và đầu độc giống nòi chúng ta một cách lâu dài.
Qua một cuộc khảo sát chúng tôi đã thấy quy trình cấp phép cho các dự án đầu tư, dù bề ngoài có vẻ rắc rối, song quyền lực dồn cả về cho một cơ quan, thường là Uỷ ban nhân dân các tỉnh. Ký giấy thu hồi và cho thuê đất là ông chủ tịch tỉnh hoặc người thừa lệnh, cũng như vậy đối với giấy chứng nhận đầu tư, duyệt quy hoạch, duyệt giá đất, đánh giá tác động môi trường, hết thảy đều diễn ra dưới ngón tay của ông nhạc trưởng ấy. Điều này giải thích cái kỷ lục đã diễn ra ở một tỉnh phía Bắc, nơi mà cả giàn nhạc cùng hợp xướng với đủ loại giấy xác nhận quy hoạch, chứng chỉ hạ tầng, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư với hàng nghìn trang tài liệu… tất cả được thẩm định và cấp phép trong vòng 1 ngày [[1]].
Hệ thống thẩm định dự án đầu tư đang có một vài vấn đề nho nhỏ, ví dụ như năng lực nhà đầu tư không được kiểm chứng, tác động đến môi trường không được cảnh báo, ấy là chưa nói đến giá trị gia tăng của dự án có giúp gì cho tăng trưởng bền vững của địa phương hay không? Năng lực thẩm định yếu, bởi cả bộ máy chỉ là giúp việc, ai mà dám trái lời những ông lãnh đạo tỉnh đầy quyền uy.
Càng tuyên truyền xúc tiến đầu tư tốt, càng mời mọc được nhiều chàng rể tương lai, thì cơ hội chọn được người ưng ý càng cao. Vấn đề của một dự án, xem ra bắt đầu ở khâu xúc tiến, mời chào. Tốt nhất là mời thầu cạnh tranh để chọn lấy nhà đầu tư có năng lực nhất, cam kết có lợi nhất cho người dân địa phương.
Để chọn rể quý, xem lý lịch, thư giới thiệu, bảng báo cáo tài chính vài năm gần nhất… là tốt, song tốt hơn trước khi giao đất phải buộc họ nộp một khoản tiền đặt cọc đáng kể. Chỉ sau khi tiền đặt cọc đã được nộp, mới bàn tới đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ đỡ lặp lại những bài học như Dự án Nàng tiên cá ở Khánh Hoà hay Dự án công ty thép khổng lồ Eminence ở Thanh Hoá.
Một điều không đáng ngạc nhiên, song cần được nhắc lại rằng hầu hết đối tác Việt Nam trong các liên doanh quốc tế đều là những doanh nghiệp quốc doanh. Nhiều liên doanh đổ bể, nhiều liên doanh bị bên nước ngoài thao túng cũng là do bên Việt Nam tuy góp không ít vốn, song cơ chế giám sát đại diện kém. Có thể đại diện Việt Nam trong hội đồng quản trị liên doanh sớm hài lòng với mức lương cao và những lợi ích tư khác, mà dễ mặc lòng cho nhà quản trị nước ngoài thao túng liên doanh theo những sách lược của họ. Vì lẽ ấy, người Việt Nam chưa được lợi thực sự đáng kể và lâu dài từ các dự án đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, người ta đang chờ Bộ KH&ĐT hướng dẫn một quy trình tốt hơn, giúp ngày càng có nhiều tỉnh hơn dám nói “KHÔNG” với những dự án huỷ hoại môi sinh, bóc lột cạn kiệt tài nguyên và ít mang lại giá trị gia tăng cho địa phương. Trọng tâm của chính sách phải là: không mời gọi đầu tư bằng mọi giá, cần hối thúc và ép buộc các địa phương tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn khi chọn dự án đầu tư./.
[1] Đấy là vụ kỷ lục ở tỉnh Hoà Bình. Trong ngày 29/02/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, ông Bùi Văn Tỉnh, đã hối thúc ký đủ loại văn bản thẩm định dự án khu biệt thự nhà vườn và du lịch sinh thái Sunne Lights thực hiện tại xã Tiến Xuân huyện Lương Sơn. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị Ánh Dương. Trong chỉ một ngày, quy hoạch1/500 của lô đất 38 hecta đã được giao nhiệm vụ, được duyệt, được cấp phép đầu tư. Nguồn: Tạp chí Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, số 266, Tháng 8/2008, tr. 9. VTV1 cũng đã đưa tin vụ này.
Comments