VÌ NÔNG DÂN
Phạm Duy Nghĩa
Nhà nước là của dân, nhưng tự thủa nào người ta vẫn băn khoăn tự hỏi nhà nước ấy là của hạng dân nào. Cấm xe ba gác, hẹp đường xe máy thì rộng lối cho ô-tô, cấm hàng rong thì thênh thang cửa hiệu, khó cho đám thợ đình công thì giới chủ vừa lòng. Thì cũng thế, dân khôn khó trị, có thời nào người làm quan lại ưa bị đàn hạch, giải trình giữa chốn công khai.
Kính yêu nghiệp tổ, trong người Việt Nam nào mà chẳng có một chút nông dân. Kìa Nam chinh, Bắc chiến, xương máu dân cày bao đời nay đã tạo cho ai những lấp lánh hào quang. Kìa nhà máy- sân gôn, vì ai phì nhiêu mà nông dân bỗng một ngày thành ra thất nghiệp. Tiếng hú hoang dã của chủ nghĩa tư bản cướp bóc một thời thoảng lại tái hồi. Tiền mất giá, kinh tế khó khăn, phần da thịt đau rát trước tiên ấy cũng là nông dân nghèo và con em của họ. Nông dân-nông nghiệp-nông thôn, tam nông ấy đang cần tới những chính sách kịp thời.
Muốn có chính sách đúng và trúng vì nông dân, trước hết phải có tranh luận dựa trên thông tin trung thực. Người dân quê muốn biết ngân sách và tài sản quốc gia đã được chi dùng cho những việc gì và nông thôn được lợi gì từ những khoản chi tiêu ấy. Dồn tiền cho bệnh viện trung ương thì tiêu điều y tế dự phòng; phố sáng đèn với những con đường “đắt nhất hành tinh” thì đôi khi xóm làng quạnh hiu đèn dầu chỉ còn người già và con trẻ. Có vẻ như trong cơn lũ công nghiệp hóa, mất đất, mất luôn cả nghề, song nông dân được lợi gì vẫn là câu hỏi đau đáu đợi trả lời.
Khi được truy hỏi công khai, người ta có thể sẽ tìm thấy nhiều hướng giải đáp. Không hiếm doanh nhân có tâm và đầy sáng kiến với nông dân, hãy cho họ cơ hội cạnh tranh để tiệm cận các dự án, các gói thầu.. hơn là ưu tiên tiêu tiền cho các tập đoàn quốc doanh hầu như chỉ sống để khai thác độc quyền. Linh hoạt dồn thửa và tích tụ đất đai, tự nguyện thương thảo để góp đất thành cổ phần trong các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thoát khỏi những hạn chế hành chính khiên cưỡng, người nông dân có nhiều cơ may đứng vững bằng chính sự tự do của họ. Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đối với doanh nhân, thì cũng thế muốn xây dựng chính sách tam-nông, cần rà soát các rào cản và gánh nặng của nền hành chính đối với nông dân. Bỏ qua những việc ấy, miếng bánh hỗ trợ nông nghiệp có khi rơi vãi gần hết ở các công ty quốc doanh trung gian bán gạo và nhập phân bón để ăn lãi từ hạt thóc của nông dân.
Sau khi tranh luận kỹ lưỡng, mọi chính sách vì nông dân nên cụ thể, chiến lược, khả thi và đo lường được. Cụ thể, vì ngoài những lời hứa, nông dân cần thông tin canh tác và thương mại hóa nông sản của mình cho hiệu quả, họ cần tới những thể chế hỗ trợ thích hợp. Chiến lược, vì nông dân không chỉ cần tới miếng ăn, tấm áo tức thời, điều họ cần là sự bình đẳng về cơ hội. Một dúm tiền bồi thường đâu dễ giúp nông dân thành thợ có nghề, họ cần chiếc cần câu hơn là con cá. Khả thi, bởi đô thị hóa và công nghiệp hóa là xu thế thời đại, dân số sống bằng nghề nông ở nước ta buộc phải giảm. Ly nông là điều khó tránh khỏi, song cần giúp nông dân bớt gánh nặng ly hương và ly tán gia đình. Đo lường được, bởi người dân cần có thước đo để đánh giá chính quyền khi thực thi những chính sách tam-nông.
Khác với Phương Tây, lịch sử Việt Nam đã nhiều lần ngầm chỉ ra rằng ai giữ được nông thôn thì người ấy sẽ giữ được chính quyền. Khi nông dân nghèo túng, cái số đông ấy mà bất an thì thiểu số giàu có cũng khó an thân. Chính quyền, bên cạnh khuyến khích làm giàu, lại càng phải thể chế hóa sự sẻ chia. Chính sách tam-nông đang được nghiên cứu hy vọng sẽ khởi đầu cho những cố gắng ấy./.
Phạm Duy Nghĩa
Nhà nước là của dân, nhưng tự thủa nào người ta vẫn băn khoăn tự hỏi nhà nước ấy là của hạng dân nào. Cấm xe ba gác, hẹp đường xe máy thì rộng lối cho ô-tô, cấm hàng rong thì thênh thang cửa hiệu, khó cho đám thợ đình công thì giới chủ vừa lòng. Thì cũng thế, dân khôn khó trị, có thời nào người làm quan lại ưa bị đàn hạch, giải trình giữa chốn công khai.
Kính yêu nghiệp tổ, trong người Việt Nam nào mà chẳng có một chút nông dân. Kìa Nam chinh, Bắc chiến, xương máu dân cày bao đời nay đã tạo cho ai những lấp lánh hào quang. Kìa nhà máy- sân gôn, vì ai phì nhiêu mà nông dân bỗng một ngày thành ra thất nghiệp. Tiếng hú hoang dã của chủ nghĩa tư bản cướp bóc một thời thoảng lại tái hồi. Tiền mất giá, kinh tế khó khăn, phần da thịt đau rát trước tiên ấy cũng là nông dân nghèo và con em của họ. Nông dân-nông nghiệp-nông thôn, tam nông ấy đang cần tới những chính sách kịp thời.
Muốn có chính sách đúng và trúng vì nông dân, trước hết phải có tranh luận dựa trên thông tin trung thực. Người dân quê muốn biết ngân sách và tài sản quốc gia đã được chi dùng cho những việc gì và nông thôn được lợi gì từ những khoản chi tiêu ấy. Dồn tiền cho bệnh viện trung ương thì tiêu điều y tế dự phòng; phố sáng đèn với những con đường “đắt nhất hành tinh” thì đôi khi xóm làng quạnh hiu đèn dầu chỉ còn người già và con trẻ. Có vẻ như trong cơn lũ công nghiệp hóa, mất đất, mất luôn cả nghề, song nông dân được lợi gì vẫn là câu hỏi đau đáu đợi trả lời.
Khi được truy hỏi công khai, người ta có thể sẽ tìm thấy nhiều hướng giải đáp. Không hiếm doanh nhân có tâm và đầy sáng kiến với nông dân, hãy cho họ cơ hội cạnh tranh để tiệm cận các dự án, các gói thầu.. hơn là ưu tiên tiêu tiền cho các tập đoàn quốc doanh hầu như chỉ sống để khai thác độc quyền. Linh hoạt dồn thửa và tích tụ đất đai, tự nguyện thương thảo để góp đất thành cổ phần trong các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thoát khỏi những hạn chế hành chính khiên cưỡng, người nông dân có nhiều cơ may đứng vững bằng chính sự tự do của họ. Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đối với doanh nhân, thì cũng thế muốn xây dựng chính sách tam-nông, cần rà soát các rào cản và gánh nặng của nền hành chính đối với nông dân. Bỏ qua những việc ấy, miếng bánh hỗ trợ nông nghiệp có khi rơi vãi gần hết ở các công ty quốc doanh trung gian bán gạo và nhập phân bón để ăn lãi từ hạt thóc của nông dân.
Sau khi tranh luận kỹ lưỡng, mọi chính sách vì nông dân nên cụ thể, chiến lược, khả thi và đo lường được. Cụ thể, vì ngoài những lời hứa, nông dân cần thông tin canh tác và thương mại hóa nông sản của mình cho hiệu quả, họ cần tới những thể chế hỗ trợ thích hợp. Chiến lược, vì nông dân không chỉ cần tới miếng ăn, tấm áo tức thời, điều họ cần là sự bình đẳng về cơ hội. Một dúm tiền bồi thường đâu dễ giúp nông dân thành thợ có nghề, họ cần chiếc cần câu hơn là con cá. Khả thi, bởi đô thị hóa và công nghiệp hóa là xu thế thời đại, dân số sống bằng nghề nông ở nước ta buộc phải giảm. Ly nông là điều khó tránh khỏi, song cần giúp nông dân bớt gánh nặng ly hương và ly tán gia đình. Đo lường được, bởi người dân cần có thước đo để đánh giá chính quyền khi thực thi những chính sách tam-nông.
Khác với Phương Tây, lịch sử Việt Nam đã nhiều lần ngầm chỉ ra rằng ai giữ được nông thôn thì người ấy sẽ giữ được chính quyền. Khi nông dân nghèo túng, cái số đông ấy mà bất an thì thiểu số giàu có cũng khó an thân. Chính quyền, bên cạnh khuyến khích làm giàu, lại càng phải thể chế hóa sự sẻ chia. Chính sách tam-nông đang được nghiên cứu hy vọng sẽ khởi đầu cho những cố gắng ấy./.
Comments