Nhân đọc Tuyển tập Huy Nam: Họ không là
phía bên kia
Xuân Ất Tỵ
Tết, nhàn tản,
cũng như mọi người, tôi có vài sở thích, có thể cổ quái, đọc những gì mà tôi có
và nghe những thứ mà tôi thích. Bất chợt, giữa vườn, đàn gà nháo nhác chạy tán
loạn, những âm thanh của hơn sáu thập niên trước, khi hai con người nhỏ bé bước
những bước đi vĩ đại đầu tiên trên mặt trăng. Còn một người thứ ba nữa, chờ trên
tàu mẹ, hai ngày ở đâu đó giữa mặt trăng và mặt trời, cách xa trái đất, ông ấy
thưa chuyện với Chúa, qua “Phần tối của Mặt trăng”. Hay “Làn gió của đổi mới”, giữa gầm gừ Chiến
tranh lạnh, bức tường ngột ngạt sụp đổ, khoảng không mênh mông mở ra, “Bọ cạp” đôi
khi phát ra những thanh âm dịu dàng đến không ngờ.
“Tương thích
& Phát triển bắt kịp”, cuốn sách của tác giả Huy Nam, bắt đầu với thời đại ấy,
không còn phe ta để mà dựa, nước Việt Nam phải tự cứu lấy mình. Ngơ ngác, vụng
về, hầu như tay trắng, tôi ở Đông Âu hay bạn là thuyền nhân ở Quận Cam, người
Việt nào bước ra thế giới mà chẳng bắt đầu như thế. Các cải cách kinh tế và
chính trị, 40 năm trước, diễn ra đơn sơ, vừa làm, vừa học, đổ vỡ thì sửa, đúng
là “dò đá qua sông”, mọi chủ thuyết về Đổi mới có chăng là do người đời sau tùy
ý mà vẽ vời cho thêm phần huyền bí, lâm li.
Trong 40 năm ấy,
lưu luyến thật lâu với “nền kinh tế hàng hóa đa thành phần”, mãi 20 năm sau Việt
Nam mới dám nhận mình là “nền kinh tế thị trường”, dù trong lòng vẫn chưa thể
đoạn tuyệt với kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy và sợ hãi sự lạnh lùng của thị trường.
Phần bắt đầu của cuốn sách, Huy Nam dành nhiều trang viết cho các đổi thay
trong quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các nguyên lý của quản trị công ty
hiện đại, cho tới tài chính công ty và những cấu trúc phức tạp hơn của thị trường
vốn. Đây là điểm mắc mớ thú vị ở Việt Nam. Các nước tư bản, có sẵn các công ty
tư nhân và thị trường, nhà nước chỉ học theo tư nhân, học theo thị trường, để tổ
chức các sinh hoạt kinh tế và quản lý công, nếu cần. Không giống như thế, 30-40
năm trước đây, Việt Nam chỉ có các nông hộ, nhỏ bé, đói nghèo, làm chả đủ ăn,
các hợp tác xã chấm công ghi điểm, những người buôn nhỏ, và khoảng 1 vạn xí
nghiệp quốc doanh nghe theo kế hoạch của Nhà nước. Một cuộc bể dâu đã bầm dập
các xí nghiệp quốc doanh ấy, sau cơn bão, xơ xác hết, chỉ còn trơ ra những nền
đất. Ồ, vâng, những ô thửa đất và độc quyền của xí nghiệp quốc doanh, đó mới
chính là nguồn tài nguyên thực sự của họ, rảnh tôi sẽ thưa thêm về chuyện này.
Tôi học xong, về
nước, cũng đúng vào dịp ấy. Đầu tiên là học việc, học nghề. Nghe các bác ở Viện
Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tranh luận liệu có nên gọi xí nghiệp quốc
doanh là doanh nghiệp, có là công ty, liệu xí nghiệp quốc doanh có tài sản
riêng hay không, có tư cách pháp nhân hay không, có chịu trách nhiệm hữu hạn
hay không, liệu ký kết hợp đồng là nghĩa vụ của xí nghiệp quốc doanh, hay là
quyền, hay là tự do, liệu xí nghiệp quốc doanh có vỡ nợ, phá sản được hay
không. Các nghị định, tôi nhớ hồi đó được nhắc đến thật nhiều là 217, 388, và
sau đó là Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã được ban hành khoảng những năm 1995,
cách đây tròn 30 năm, chính thức đổi tên xí nghiệp quốc doanh thành “doanh nghiệp
nhà nước”, dù vẫn còn tranh cãi nhiều, ví dụ DNNN có là công ty TNHH hay công
ty cổ phần. Thủa ban đầu ngơ ngác là thế.
Nước ta, lúc đó
đã có Luật Công ty, với vỏn vẹn khoảng 50 điều, bên cạnh Luật Doanh nghiệp tư
nhân, cùng ban hành năm 1990. Nghe các bác CIEM nói Luật Công ty 1990 có tham
khảo Luật Thương mại 1972 của chính quyền Sài Gòn. Tôi đoán, vào thời điểm đó
dù được viết bằng tiếng Việt, song Luật Thương mại 1972 chắc cũng như ngoại ngữ
với phần lớn người Việt Nam. Những năm 1990 không còn ai ở Việt Nam sử dụng những
ngôn từ và tư duy bằng những hệ luận của luật thương mại và dân sự đã có từ thời
thực dân. Luật Doanh nghiệp 1999 và các đạo luật kinh doanh về sau dường như
không tham khảo đáng kể gì những kinh nghiệm của dân luật và thương luật đã từng
tồn tại thời thuộc địa và trước kia ở miền Nam Việt Nam.
Một Câu lạc bộ
các trí thức đáng kính ở miền Nam được tập hợp xung quanh Thời báo kinh tế Sài
Gòn (TBKTSG), nơi tác giả Huy Nam công bố một phần đáng kể các bài phân tích của
mình. Trụ sở của TBKTSG đặt giữa nơi đã và dự kiến sẽ là trung tâm tài chính của
TPHCM. Ngân hàng, bảo hiểm, các định chế tài chính, chứng khoán, các hãng kiểm
toán, hãng luật… đều có văn phòng vây quanh khu vực này. Từ những bàn luận về cải
cách DNNN, tác phẩm của Huy Nam dẫn người đọc tới những nền móng vận hành của
các trung tâm tài chính. Hình như TPHCM và Đà Nẵng đang muốn dồn sức hình thành
những trung tâm như thế. Không phải lô đất,
tòa nhà, những con người đủ hiểu biết và kỹ năng làm chủ cuộc chơi của thị trường
vốn… mới hết sức cần cho các trung tâm tài chính.
Năm 1988, khi ban
hành Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên, Việt Nam có những mơ ước khá giống với
Trung Quốc, kêu gọi đầu tư nước ngoài để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ
năng quản lý cho người Việt, doanh nghiệp Việt, từ đó cải cách, làm mới DNNN. Luật
lúc đó giới hạn tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài, giới hạn chức năng quản lý của
người nước ngoài. Do có sẵn tài nguyên đất đai, bên Việt Nam thường là DNNN,
góp vốn bằng giá trị Quyền sử dụng đất, thường được định giá chiếm khoảng 30% vốn
điều lệ của công ty liên doanh, người Việt Nam cũng tham gia quản lý điều hành
công ty.
Trong khi người
Trung Quốc rất thành công, người Việt Nam đã phải trả giá cho trào lưu quá ưu ái
đầu tư nước ngoài. Công nghệ, thị trường nằm trọn trong tay nhà đầu tư nước
ngoài, phần vốn của DNNN teo tóp và lui dần, các xí nghiệp liên doanh thuở nào
nay đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Từ dạo có cơ hội làm chủ, hoặc đồng
chủ sở hữu, nay chúng ta trở thành người gia công, người làm thuê. Liên doanh với
nước ngoài để đổi mới DNNN đã không thành công như kỳ vọng. Bên nước ngoài vẫn
chơi theo luật chơi của họ (họ nhập nguyên liệu, họ gia công tại Việt Nam, họ
bán sản phẩm ra nước ngoài theo các kênh thị trường sẵn có của họ). Thế còn
chúng ta?
“Tương thích
& Phát triển bắt kịp” giúp cổ đông hiểu được quyền, quản trị viên hiểu được
bổn phận và người điều hành công ty hiểu được nghĩa vụ của mình. Cuốn sách này
cũng phác họa những gì được gọi là tiếp thị vùng và địa phương hay phát triển vùng,
những gợi ý để tìm hiểu về những nơi chúng ta đang sống. Và nhiều chuyện tâm tình
khác nữa.
Tết này râm ran
phát triển hai con số và kỷ nguyên vươn mình. Sau Tết này, hàng vạn lao động
khu vực công có thể bị ảnh hưởng, họ sẽ nhận những khoản tiền hỗ trợ và gia nhập
vòng xoáy lạnh lẽo của thị trường. Nhà nước đang có cơ hội gọn lại và làm đúng
việc. Điều ấy hiển nhiên quá đúng, và quá trúng, khó ai có thể phản đối. Song nếu
Nhà nước lùi lại, khoảng không gian ấy sẽ ngay lập tức được lấp đầy bởi cái gì,
liệu đó có là một thị trường với hằng hà sa số tư bản dân tộc, hàng triệu triệu
doanh nghiệp nhỏ và vừa, được nâng đỡ và bảo hộ bởi pháp luật và chính quyền?
Liệu đó có là hằng hà sa số hội nhóm và liên kết công dân, tự lo cho mình, tự
chăm sóc bản thân mình vì những lợi ích của cộng đồng mình, gọi đó là xã hội của
những công dân đã trưởng thành và ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình? Mong
là thế.
Tôi đọc cái tôi có,
chứ tôi không ưa đọc những thứ mà thuật toán ẩn sau mạng xã hội ùn ủn đổ vào cái
điện thoại. Tôi nghe cái tôi thích để không bị cuốn vào những điều người khác
thích tôi nghe. Nghề viết nhọc nhằn, hẳn là thế. Viết là đối thoại với người đọc,
mà người đọc ngày nay thay đổi thật nhanh. Sách hay khi giúp người đọc tìm thấy
những điều làm giàu thêm cho bản thân họ. Với tôi, đọc là đối thoại với những
trải nghiệm. Quyển sách nào cũng đầy ắp những nguồn sáng. Trải nghiệm tựa như lăng
kính, khi khuếch tán khi hội tụ. Tri thức nảy nở, phát tán qua sự đón nhận của
người đọc. Tết cho ta sự tĩnh lặng để đón nhận, trải nghiệm, phát tán và nảy nở,
nảy nở những tri thức làm chúng ta thêm tự tin. Đất nước chỉ phát triển khi dân
tộc tự do, con người chỉ tự do khi tin vào bản thân mình. Hiểu mình, vì lẽ đó,
là bước đầu tiên để làm người tự do.
Comments