Skip to main content

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

 Phạm Duy Nghĩa

1.    Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công.

2.    Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượm được. Tôi dự kiến sẽ bắt đầu bằng quan sát những bất công và nguyên nhân của chúng, sau đó sẽ lạm bàn về công lý và trách nhiệm của mỗi chúng ta, như bạn và tôi. (Khi các phần viết được hoàn tất, hy vọng một ngày nào đó, tôi sẽ có được một cuốn sách nhỏ tặng mọi người. Sẽ không phải một cuốn sách hàn lâm của các giáo sư, mà là tâm tình, bình dân, đại chúng. Tôi có thói quen đặt tựa đề cho từng đoạn viết để giữ cho các ý tưởng được mạch lạc).

3.    Vương miện Hoàng đế nước Anh: Chúa và Quyền trị vì của ta (Dieu et Mon Droit) là câu bạn sẽ thấy khi quan sát kỹ Vương miện của Hoàng đế nước Anh. Đến thăm Yorktown và Colonial Williamburg bang Virginia, bạn đang đến với những vùng đất mà những người phưu lưu từ Châu Âu bắt đầu định cư từ hơn bốn trăm năm trước. Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, người Anh, người Đức, người Pháp di cư dần sang đây, lập các thuộc địa của họ. Họ cấy trồng, làm nông, trồng bông, dệt vải, họ chế biến thuốc lào, họ đóng thuế cho nước Anh. Gươm, súng, đại bác, tiền cất lên tiếng nói. Vua nước Anh đặt Thái thú cai trị ở các thuộc địa của mình. Trong Dinh Thái Thú Williamburg, gươm và súng sắp từng hàng đón chào bạn ngay từ tiền sảnh.

4.    Chúa và Quyền trị vì của ta: Vâng, Chúa. Người ta đồn rằng máu của giới vua chúa châu Âu có màu xanh, chứ không đỏ như người phàm chúng ta. Họ đứng đầu giới quý tộc, giới cai trị, quyền lực của họ truyền từ đời này qua đời khác. Vua chúa Châu Âu duy trì quyền lực của mình qua huyết thống, qua hôn nhân, và qua các cuộc chiến tranh. Vua William nước Anh kết hôn với công chúa người Đức. Ảnh của họ được treo ở khắp nơi, nhất là công sở của xứ Colonial Williamburg. Nghi thức lên ngôi thường được cử hành trong Nhà thờ, với sự chứng giám của Chúa. Thần quyền và Huyết thống, họ sinh ra để cai trị. Dưới Chúa là hoàng đế. Nghe cũng thấy giống một thứ triết lý quen quen: mọi thứ dưới trời (thiên hạ) là của vua, lấy được thiên hạ có nghĩa là giành được quyền cai trị.  Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hà Lan chia nhau thôn tính các thuộc địa ở Châu Mỹ. Hình thức cai trị từ Mẫu quốc tới các Thuộc địa khá giống nhau: Thái thú nhân danh sự trị vì của Hoàng đế thực thi các quyền lực hành chính. Một sự ủy trị, phân quyền, chắc rằng rất hiệu quả nên Hoàng đế nước Anh mới có thể nói rằng “”Mặt trời không hề lặn ở Vương Quốc Anh””.

5.    Thổ dân và người da đen: Thực sự chữ “”thổ dân”” không thật đúng lắm với người da đỏ ở Châu Mỹ. Họ mới chính là người chủ của những vùng đất này vào thời điểm người Châu Âu xuất hiện. Họ đã từng có những vương quốc mạnh mẽ, song không hiểu vì những lý do gì, các nền văn minh của họ cứ lụi dần. Khi gặp văn minh Châu Âu, người da đỏ không còn năng lực kháng cự, vì thế mất dần lãnh thổ của mình. Tôi không nhìn thấy họ ở vùng Colonial Williamburg (khác với ở Darwin, châu Úc, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp cư dân bản địa). Người da đen được đưa sang Châu Mỹ làm nô lệ, các bang miền Nam nước Mỹ xưa kia là những vùng đất của chủ nô da trắng. Bất công đã bắt đầu. Nếu tạo hóa sinh ra bạn trong làn da đen hoặc da đỏ, vài trăm năm trước, bối cảnh đã buộc bạn lùi dần trước người da trắng. Không phải Chúa, máu xanh hay máu đỏ, da đen, da đỏ, hay da vàng, BỐI CẢNH mới là tội đồ tạo ra bất công? Bối cảnh là đứa nào vậy, sao nó lại có quyền uy áp đặt số phận chúng ta?

6.    Acemoglu và Robinson: Năm 2024, trong ba nhà kinh tế học nhận giải Nobel, có giáo sư Acemoglu, ông này người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuốn sách “”Vì sao các quốc gia thất bại”” hay “”Hành lang hẹp”” của ông này đã được dịch và xuất bản ở nước ta. Nhìn lại nền văn minh cả vài ngàn năm, Acemoglu và Robinson cho rằng các nền văn minh lụi tàn vì thể chế cai trị có tính bóc lột của chúng. Cách đây 100 năm, Achentina là một trong 5 nước giàu nhất thế giới. Cách đây 70 năm, Cuba là thiên đường cho Singapore ngưỡng mộ. Ngày nay, các quốc gia đó đều nghèo đi nhanh chóng. Thổ dân và người da đen không xây dựng và duy trì được các nền văn minh với chính quyền mạnh mẽ, theo Acemoglu, nguyên nhân chính bởi thể chế cai trị bất công của họ. Một nhóm nhỏ quyền thế thâu tóm quyền lực công cộng, biến của cải trong quốc gia thành của riêng nhà mình. Vì lẽ ấy, chăm chỉ và sáng tạo không được ban thưởng, quốc gia rơi dần trong bất an, khủng hoảng, dẫn tới suy tàn. Đó là góc nhìn của Acemoglu. (Hiển nhiên còn có nhiều cách giải thích khác về sự hưng thịnh và suy tàn của các nền văn minh).

7.    Virginia- Thuộc địa của người Anh: Từ luận thuyết ở trên, nhiều người cho rằng thuộc địa của các quốc gia Châu Âu lục địa (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp) thường kém phát triển hơn thuộc địa của Vương quốc Anh, vì người Anh trao quyền dân chủ rộng rãi cho dân thuộc địa. Các quyền ấy lan tỏa tới nhiều giai tầng, và khi người Anh ra đi, đôi khi họ để lại di sản là các nền dân chủ với kinh tế thị trường phát triển. Virginia là một thuộc địa như thế. Thời thuộc địa, Williamburg là thủ phủ của một vùng rộng lớn, bao gồm cả Kentucky, và 6 vùng khác, chứ không chỉ gồm bang Virginia như bây giờ. Thăm Colonial Williamburg, bạn vừa ghé thăm Dinh Thái thú. Nơi ấy là hành pháp, nhân danh Quyền trị vì của Hoàng đế nước Anh. Song từ 300 năm trước cũng đã có Tòa nhà Capitol, tựa như Nghị viện của vùng thuộc địa. Những người đàn ông da trắng, có đóng thuế cho Nhà vua, có đất đai và thường là chủ nô, thì có quyền bầu cử các đại diện của mình vào Hạ viện của vùng thuộc địa này. Hạ viện gồm vài chục ghế, xếp theo hình chữ U, khá chen chúc. Trong tòa nhà Capitol này, ngoài Hạ viện (Senate) còn có một thứ như Hội đồng xét xử với Thái thú là người chủ trì và các thẩm phán ngồi xung quanh. Như vậy dân biểu tự do, chí ít đại diện cho cử tri da trắng có đóng thuế, hội đồng và các thẩm phán độc lập, dường như làm cho cách cai trị của người Anh ở các thuộc địa khác với người Pháp.

8.    Vì sao Ép lại là Báo chí: Người Anh còn có một điểm khác với người Pháp trong cách cai trị các thuộc địa, đó là duy trì nền báo chí tự do. Hồi học ở Đức tôi có đi thăm những xưởng sắp chữ đã có từ thế kỷ thứ XIV. Martin Luther và đạo Tin lành phát triển nhanh, chắc rằng cũng có phần nhờ ơn tiến bộ của ngành in, làm cho Kinh thánh được đọc bằng bản ngữ (tiếng Đức, tiếng Hà lan, tiếng Anh), vì thế mà phán tán rộng rãi ra công chúng. Ở Williamburg, bạn có thể thăm một nơi sắp chữ, lên khuôn một tờ báo, tra mực, và ép, ép, ép ra các tờ báo. Hóa ra ép (press) lại cắt nghĩa sự ra đời của các tờ báo. Nhờ những công nghệ in như thế, tin tức lan nhanh trong thuộc địa Anh. Nhà vua, Thái thú không can thiệp vào những việc đưa và truyền tin như thế, báo chí tự do đã ra đời. Họ sẽ đưa đủ loại tin tức, miễn là những thứ đó người đọc đón nhận. Tiếng nói của người đọc, theo tay ông thợ sắp chữ, mà lên khuôn, lên mặt báo.

9.    Xẻo tai và dí chữ nung đỏ vào tay giữa chợ: Chợ bao giờ cũng là trung tâm của một đô thị (đô thành trung tâm hành chính, thị là cái chợ). Ở Williamburg mọi con đường cũng dồn đến một nơi từng là cái chợ, nay đã thành quảng trường. Ở giữa chợ là nơi hành án cho phạm nhân (nơi hành hình treo cổ phạm nhân thì ở một nơi khác, cách xa thành phố). Gông cổ và gông hai cổ tay, phạm nhân sẽ bị cắt một phần của cả hai cái tai giữa chợ. Phạm nhân cũng có thể bị dí một chữ vào giữa lòng bàn tay (phôi chữ bằng sắt nung nóng). Bất tuân luật pháp dẫn tới trừng phạt và thị uy giữa chợ. Gan góc chống lại Hoàng đế thì cho đến khi sắt nóng dí vào bàn tay, phạm nhân chắc rằng cũng sẽ hô lớn “”Chúa phù hộ cho Hoàng đế””. Hơn thế nữa, dù có lang thang tìm nghiệp sống ở bất kỳ nơi nào trong Vương quốc Anh, người ta cũng dễ nhận ra những người từng thụ án (cắt tai và in dấu vào lòng bàn tay). Một thứ duy trì án tích, lý lịch tư pháp cổ xưa, vào thời chưa có Google.

10.  Nhà tù: Nhà tù thường nằm không xa nơi xét xử (Dinh công lý, Hỏa lò, Trường bắn hay Chợ Âm phủ ở Hà Nội chỉ cách nhau vài bước chân). Cũng như thế, ở Williamburg, nhà tù nằm sát Capitol nơi có Hội đồng xét xử. Nam nữ giam riêng. Có vài loại phạm nhân thời thuộc địa, một là nô lệ và những người bỏ trốn, hai là tù thường phạm. So với Nhà tù Côn Đảo của người Pháp, nhà tù của người Anh có vẻ bớt ảm đạm hơn, cửa sổ ngục tù nhìn ra một chuồng ngựa. Cũng có một cái sân nhỏ để phạm nhân có thể đi loanh quanh.

11.  Tòa án quận: Không rõ chữ county dịch thành quận có đúng không, song nó là một đơn vị hành chính của thuộc địa nước Anh. Từ ngoài đường, xộc thẳng vào Tòa án quận, không có tiền sảnh, không có hành lang. Không rõ đó có là dụng ý vài ba trăm năm trước, khi người ta thiết kế Tòa án mở cửa đón công chúng thoải mái đến dự hay không. Ngồi chính giữa là Quận trưởng, một viên chức hành chính của chính quyền thuộc địa. Cùng hàng hình vòng cung đó là các Thẩm phán, tôi sẽ mô tả kỹ hơn dưới đây. Có khoảng 7-8 cái ghế dành cho các thẩm phán. Ngồi dưới là lục sự, giúp việc cho tòa án, tựa như thư ký tòa ở nước ta. Trên bàn của lục sự là hai quyển luật to tướng, luật của thuộc địa Virginia từ thế kỷ XVII. Bên tay phải là bailif, một nhân viên hành pháp giúp trong phiên tòa và giúp trong thi hành án sau này, ông này thường đứng phục vụ chứ không ngồi. Ngồi trước mặt các thẩm phán là các bên nguyên đơn, bị đơn, bị cáo và công tố, khi tòa gọi tên thì những người này phải đứng dậy. Không thấy có vành móng ngựa như đã từng có ở nước ta. Cuối cùng là các hàng ghế cho công chúng đến xem phiên tòa.

12.  Thẩm phán thời thuộc địa Anh: Trong tòa án quận ở thuộc địa Williamburg bạn có thể thấy những chiếc ghế dành cho thẩm phán, ngồi thành hình vòng cung, cùng hàng với Quận trưởng ngồi ở giữa. Thẩm phán, hiển nhiên là người da trắng, chủ nô, thương gia, thường là giàu có và có uy tín. Họ được bầu làm thẩm phán, họ cũng không cần phải học luật, họ không nhận lương, tối thiểu phải có 3 người thẩm phán cùng dự thì Quận trưởng mới có thể bắt đầu Phiên xử. Nếu cần kiến thức pháp luật thì thẩm phán yêu cầu các lục sự giúp việc cung cấp. Họ tuyên án sau khi đã nghe nguyên đơn, bị đơn, công tố, bị cáo trình bày. Nếu cần biết rõ gì thêm thì họ hỏi. Án của họ giảng giải thế nào là công bằng, công lý, họ đại diện cho cảm nhận của công chúng mà tuyên. Mỗi án văn là diễn giải thế nào là luật, là lẽ công bằng. Điều này thật khác lạ với thuộc địa Pháp và truyền thống nước ta khi thẩm phán là công chức hưởng lương nhà nước. Ở thuộc địa Anh, thẩm phán là người có uy tín trong xã hội, được bầu, tham gia xét xử mà không hưởng lương, họ cũng không cần là người đã từng học luật.

13.  Giáo sư luật đầu tiên của nước Mỹ: Cũng ở Virginia, bạn nên đến thăm Trường Luật William and Mary. Trước cổng trường có một bức tượng, một thầy, một trò. Các giáo sư trường này luôn tự hào rằng trường của họ có Giáo sư luật đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, còn sớm hơn cả Trường Luật Harvard.  Vì thế, họ tự hào là trường luật đầu tiên của nước Mỹ. Trường luật đầu tiên, giáo sư luật đầu tiên, không rõ, chỉ biết rằng muốn hành nghề luật sư bào chữa, biện hộ, hay lục sự tại tòa, những người này phải trải qua trường luật. Tổng thống Jefferson, khi còn là luật sư trẻ tuổi đã thảo Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, khi về già ông ấy lui về ở Monticello, cùng lập ra Trường luật Virginia ở Charlottesville. Có vẻ như truyền thống dạy luật và mở các trường luật ở thuộc địa Anh đã có từ gần 300 năm nay. Tổng thống Madison cũng là người từng học luật. Chỉ có Washington hình như là một chủ đồn điền, chủ nô, là tướng quân, song không học luật. Ghi chú thêm, cả ba tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, các ông Washington, Madison và Jefferson… đều là các chủ nô, với bạt ngàn mẫu đất, và hàng trăm nô lệ.

14.  Trường khai phóng và tự-quản trị: Trường luật Virginia ở Charlottesville, một thị trấn tĩnh lặng đến mức ai cũng dễ trở thành hiền triết. Jefferson được xem như người sáng lập ra trường này. Triết lý của trường này kỳ lạ, thầy trò thân thiết như ruột thịt trong nhà. Không hiếm khi các giáo sư gọi học viên đến nhà riêng và giảng bài trong cả cuối tuần. Trò trưởng thành trong tình thương và sự dìu dắt liên tục của thầy cô, theo đúng nghĩa đen. Ban đầu lớp học của trò ở tầng dưới, ký túc xá ở tầng trên, gần nơi ở của các giáo sư. Chữ campus chắc rằng có nghĩa như một cái trại để thầy và trò cùng ở, cùng học. Mỗi năm Trường luật Virginia, tuy quy mô đồ sộ, song chỉ tuyển khoảng 60-70 học viên. Một học viên gốc Hoa liến thoắng kể đã từng học từ cử nhân tới thạc sĩ ở nơi đây, cậu ta là Hội trưởng của Hội đồng đạo đức của học viên. Nhiều công việc ở Trường này được trao cho học viên, họ tự làm báo, tạp chí, họ tự xuất bản, đến cả mức họ tự xem xét và quyết định về việc liệu một học viên có vi phạm chuẩn mực đạo đức của Nhà trường hay không. Nếu có vi phạm, người bị tố giác sẽ làm việc với các luật sư và tư vấn của mình, đôi khi cũng là học viên. Hội đồng đạo đức của sinh viên sẽ cử ra người lập luận, chứng minh hành vi của người bị tố giác là vi phạm (ví dụ chép bài, đạo văn), tựa như một biện lý. Một phiên điều trần sẽ diễn ra với sự tham gia của đại diện học viên và Hội đồng đạo đức. Các bên liên quan sẽ được thầy cô tư vấn và đưa ra quan điểm xác định vi phạm hoặc bào chữa là không vi phạm. Sau đó hội đồng sẽ thảo luận và đưa ra hình thức kỷ luật, bao gồm cả việc đuổi học. Đây là dấu hiệu của tự-quản trị mà tôi sẽ bàn dần sau.

15.  Tự-quản trị: Self-governance, chữ này phải hiểu trong bối cảnh cụ thể. Vua Anh ở xa, cấp bạt ngàn mẫu đất cho di dân da trắng khai hoang, họ có sở hữu chắc chắn, họ đóng thuế, họ có quyền bầu cử. Quyền lực ở Châu Âu chuyển từ Tây Ban Nha, sang Anh, rồi chiến tranh liên miên ở Châu Âu. Các thuộc địa ở Mỹ bắt đầu tìm kiếm cơ hội đòi lấy độc lập của mình, lần lượt trở thành các vùng đất tự quản, tự cai trị, không chấp nhận Sự trị vì của Hoàng đế nước Anh. Chữ này cũng lan ra trong kinh doanh, giáo dục, tổ chức xã hội, các hội đoàn tự quản, độc lập, ra đời trước khi các chính quyền hình thành.

16.  Bản tuyên ngôn độc lập: Áng văn bất hủ này được Bác Hồ trích dẫn ngay ở phần mở đầu của Bản tuyên ngôn độc lập nước ta. Được Jefferson soạn thảo, nghe bảo chỉ trong vòng 3 ngày, Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ đã là niềm cảm hứng cho hàng trăm dân tộc trên thế giới này. Mọi người sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm. Đó là quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Jefferson đã viết như thế. Ông này người cao lớn, là luật sư, là chủ đồn điền, chủ nô, là Bộ trưởng của nước Mỹ (sau khi tuyên bố độc lập) ở Pháp, là người yêu khoa học, nhà nghiên cứu, và sáng lập ra Đại học Virginia. Jefferson không tỏ rõ cho lắm về thiên hướng tôn giáo, ông ấy cho rằng niềm tin tôn giáo là việc riêng tư của mỗi cá nhân với Chúa, không phải là thứ đem ra cho công chúng bàn luận. Điều này phảng phất trong Hiến pháp nước ta, theo đó mỗi người đều có tự do tín ngưỡng, tin hay không tin vào tôn giáo. Chỉ có giáo dục, giáo dục, giáo dục… mới đem lại niềm tin của con người vào chính mình, và qua đó mới xác định được vị trí của mình trước Chúa. Tại dinh thự Monticello, thường ngày có những buổi ””Gặp Jefferson"” -một ông diễn viên, trao đổi với hậu thế về đủ chuyện đã diễn ra với ông Tổng thống thời lập quốc này của nước Mỹ. Lưu ý, khi đó nước Mỹ mới chỉ gồm 13 bang ở miền Đông, quyền lực vẫn nằm ở các bang vừa giành được độc lập, chính quyền trung ương sơ sài, chứ chưa bành trướng ra như bây giờ.

17.  Quyền lực dựa trên pháp luật: Đọc và nghe nhiều về chế độ thượng tôn pháp luật, bạn có thể suy đoán lung tung về khái niệm này.Thăm dinh thự của Tổng thống Madison ở Montpelier bạn sẽ có những cảm nhận khác. Ông chủ nô này cũng bạt ngàn mẫu đất, nô lệ cả trăm người, song yêu thích học thuật từ nhỏ, nhà của ông ấy đầy ắp sách từ Nền cộng hòa của Plato cho đến Tinh thần pháp luật của Montesque. Đây mới là những bộ óc, sau khi có được độc lập rồi, thì kiến tạo nền Tự-quản trị của 13 bang nước Mỹ ra sao. Những bộ óc thời ấy đã soạn ra Bản Hiến pháp ngắn nhất thế giới này, chỉ gồm hơn 6700 chữ, song có sức sống mãnh liệt nhất, bền bỉ, dẻo dai từ hơn vài trăm năm nay. Cùng ký vào Bản Hiến pháp ấy, thật thú vị, quyền lực của nước Cộng hòa, re-public, mọi thứ đều là của chung, đã hình thành. Từ triết lý cổ đại của Plato, tới thuyết tam quyền phân lập của Montesque, Cộng hòa Mỹ mới thực sự là một quyền lực nhà nước đầu tiên trên thế giới này, được thiết lập không phải bởi súng, cũng không phải bởi tiền, mà bởi cam kết thượng tôn Hiến pháp của các thế lực kình địch, canh chừng lẫn nhau. Tướng quân Washington tự nguyện trao quyền cho chính quyền dân sự, điều ấy làm ông ấy cao lớn hơn rất nhiều so với Napoleon. Các đảng phái tranh cử bầu ra tổng thống, điều ấy làm cho nước Mỹ khác rất xa với “”Chúa và Sự trị vì của ta””.

18.  Nội chiến: Hình như chế độ nô lệ là một rắc rối lớn giữa các bang miền Bắc và miền Nam nước Mỹ. Khi khánh thành Nghĩa trang Gitterburg cho binh sĩ tử trận, Tổng thống Lincoln trong bài diễn văn bất hủ năm 1884 đã kết thúc bằng câu ””Cầu cho nước Mỹ, nước của dân, do dân, vì dân không lụi tàn trên thế gian này””. Những nghĩa trang của nước Mỹ, khá giống với những nghĩa trang ở Anh mà tôi đã thăm, nghiêm trang, giản dị, chứ không rồng phượng lộng lẫy như ở Phương Đông. Hình như thiết kế ra được một nền Cộng hòa đã là một triết lý vĩ đại, dựng lên nó cần tới những bộ óc nhìn thấu nhiều thế kỷ, song duy trì được nền cộng hòa, có vẻ như cũng rắc rối vô cùng. Khẩu hiệu “”Nhà nước của dân, do dân, và vì dân””, hóa ra không chỉ là đặc trưng mà Nhà nước Việt Nam tự nhận, mà từ rất xa xưa đã là khát vọng của nhiều dân tộc. Nói thì dễ, đạt được điều ấy mới khó.

19.  Thủ đô nước Mỹ: Nếu tính về diện tích, thủ đô của nước Mỹ nhỏ hơn so với Hà Nội. Nếu tính từ mốc phát triển, nước Mỹ cũng như nước Việt Nam với quy mô từ thời Hoàng đế Gia Long, đã trải qua khoảng hơn 200 năm. Thủ đô của họ có Đài tưởng nhớ Washington, từng là công trình cao nhất thế giới vào thời điểm khánh thành vào năm 1884. Những thứ khác thì đã thành từ ngữ phổ thông mà ai cũng biết, Nhà trắng, Quốc hội Mỹ, Đài tượng niệm chiến tranh, với tượng của Tổng thống Lincoln, từ tượng đài nhìn sang bên phải là Bức tường tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên, bên trái là Bức tường tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam. Ngày cuối tuần, những dòng người lặng lẽ bước đi bên cạnh bức tường cẩm thạch màu đen. Nắng chiếu trên tên tử sĩ. Nước mắt mất con của người mẹ nào mà chẳng giống nhau.

20.  Tòa tối cao nước Mỹ: Công trình đồ sộ này, trông cổ kính, song thực ra có tuổi đời chưa được 100 năm, được khánh thành khoảng những năm 1930 dưới thời Tổng thống Taft. Hình như ông này cũng đã từng là Chánh án Tòa án nước Mỹ. So với những công trình ở Đức, ở Nga … cùng được xây dựng thời gian đó, cảm giác chung là sự phô trương quyền lực, to lớn, bề thế, đe nẹt, làm cho ai đến đó cũng có cảm giác nhỏ bé (cái chữ imposant, überdimensional… tôi không biết dịch thế nào cho đúng). Kiến trúc này khác xa với tòa án quận ở Williamburg có dáng dấp thân thiện với dân chúng được mô tả ở trên. Cuộc vận động để có đất, có tiền cho Tòa nhà này… không hề đơn giản. Nghị viện nước Mỹ ban đầu dự định cho Tòa tối cao làm việc ở tầng hầm của Tòa nhà Quốc hội. Những gì mà khách đến thăm ngày nay nhìn thấy, chắc là nhờ ơn sự dàn xếp rất khéo léo của Tổng thống Taft.

21.  Quyền lực tư pháp: Tòa án làm gì có thực quyền so với hành pháp và nghị viện, ở đâu cũng thế. Những gì đã thấy ở Williamburg thời thuộc địa cho thấy Thái thú hay Quận trưởng sẽ chủ trì Hội đồng xét xử với các thẩm phán được bầu, thẩm phán còn không hưởng lương. Ngày nay, Quốc hội có ý chí, nắm quyền chi tiền, Hành pháp có quyền lực và bộ máy thi hành, còn Tòa án và các thẩm phán chỉ có quyền phán xử. Sức mạnh của các thẩm phán, hóa ra rất thần thánh, họ nhân danh cảm nhận của công chúng về công bằng, họ có sự chính trực để nói lời phải trái đúng sai, từ các án văn của họ lấp lánh công lý.

22.  Điều thứ ba vắn tắt: Trong Hiến pháp nước Mỹ, điều 1 nói về Nghị viện, điều 2 nói về Tổng thống, điều 3 nói về Tòa án liên bang. Bản Hiến pháp vỏn vẹn có 6700 chữ, phần lớn chữ dành cho Quốc hội. Cũng dễ hiểu vì ăn cây nào rào cây ấy, các nghị viên sẽ thảo luận kỹ quyền của mình. Điều 1 vì thế rất dài. Điều thứ 2 tìm cách hạn chế quyền lực của Tổng thống, chỉ sợ hở ra là Tổng thống sẽ lạm quyền. Lưu ý, vào thời lập ra nền Cộng hòa Mỹ, quyền lực vẫn ở các bang, họ vừa giành được quyền ấy từ tay Hoàng đế Anh, và chắc rằng rất dè chừng với quyền lực của Liên bang. Hội nghị ở Philadelphia chắc là không thể kéo dài mãi, ông Washington chỉ muốn về với điền trang và nô lệ của ông ấy, thành ra Điều 3 mới sơ sài làm sao. Cũng có một lý do nữa, Nghị viện và Tổng thống vào thời điểm lập Hiến pháp thì đã có, song lúc đó chưa có Tòa tối cao, các nhà soạn ra Hiến pháp nước Mỹ cũng chưa hình dung cụ thể Tòa tối cao sẽ có quyền lực và cấu trúc như thế nào. Bởi thế, như số phận của quyền lực tư pháp ở đâu cũng thế, điều thứ 3 thật sơ sài vắn tắt.

23.  Tiền sảnh: Lối vào Tòa tối cao dẫn thẳng vào Phòng xử án. Ngày nay nó được trưng diện như một thánh đường với các bức tranh ca tụng công đức các thẩm phán tiền bối đã tạo dựng nên Quyền lực tư pháp của nước Mỹ. Uy tín và đạo đức của thẩm phán làm cho người ta ngưỡng mộ, là niềm cảm hứng để các luật sư sau khi đã thành danh thì mong muốn được làm thẩm phán để phụng sự, đóng góp cho cộng đồng. Lý tưởng là thế. Gọi thẩm phán là nghề ở Mỹ thì không hoàn toàn đúng cho lắm, đó là đỉnh cao danh dự của cộng đồng hành nghề luật. Sức mạnh của họ có được bởi niềm tin và sự kính trọng của xã hội dành cho người thẩm phán.

24.  Phòng xử án: Chính giữa phòng, trên cao, là 9 cái ghế cao thấp khác nhau, không giống như ở nước ta cái ghế chính giữa của ông Chánh án lúc nào cũng phải cao và to hơn những cái còn lại. Hiến pháp nước Mỹ không quy định số lượng thẩm phán Tòa tối cao nước Mỹ là bao nhiêu, cho nên lúc thì 5, lúc thì 6, bây giờ là 9 vị. Khi về hưu, nghỉ, cũng có nhiều thẩm phán tòa tối cao nước Mỹ đã xin nghỉ, họ thường mang theo cái ghế, ví dụ để tặng lại cho các trường luật, các đoàn luật sư mà họ đã tham gia. Bởi thế, nếu có một thẩm phán mới được bầu, Tòa phải đóng cho ông/bà ấy một cái ghế cho vừa người. Các thẩm phán hiển nhiên có khổ người cao thấp to bé khác nhau, vì thế những cái ghế của Hội đồng xét xử Tòa tối cao nước Mỹ cũng như răng khểnh, cao thấp khác nhau. Bên dưới là ghế cho lục sự của tòa, cho nguyên đơn, bị đơn, và lúc nào cũng có một cái bàn cho Công tố đại diện cho Hành pháp. Bàn này nhỏ, khiêm tốn, nằm ở phía bên trái từ trên nhìn xuống. Có 3 hàng ghế cho các luật sư được ghi danh hành nghề tại Tòa tối cao. Người ta bảo có khoảng 5000 luật sư được ghi danh như vậy, như là dấu hiệu khoe ra đẳng cấp và sự thành đạt, song số luật sư thực sự hành nghề biện lý trước Tòa tối cao hạn chế hơn rất nhiều. Tòa tối cao mở cửa cho công chúng đến dự các Phiên tòa, song vì nhu cầu cao quá, nên rồng rắn lên mây xếp hàng mỗi tốp người chỉ được ngồi xuống ghế đúng 2 phút rồi phải đứng dậy nhường ghế cho các tốp tiếp theo. Sự tham gia của người dân theo kiểu này chỉ là trưng diện mà thôi. Trong tòa không được phép ghi âm ghi hình, các phóng viên có chỗ ngồi riêng và chỉ ký họa chứ không được chụp ảnh.

25.  Một giờ với Thẩm phán Gorsuch: Ông Neil M Gorsuch là một trong số 9 Thẩm phán Tòa tối cao nước Mỹ. Nếu ấu trĩ hiểu rằng quyền lực ở nước Mỹ được chia làm 3, thì ông ấy là hiện thân của 1/27 quyền lực nhà nước ở Mỹ. Số lượng các vụ án được Tòa tối cao nước Mỹ xem xét hàng năm không nhiều, chỉ khoảng 80 vụ, chọn lựa khoảng 1% trong số các thỉnh cầu gửi tới toà này. Bởi lẽ 95-96% số án ở Mỹ được giải quyết bởi hệ thống tòa án của các bang, chỉ có một số ít thuộc thẩm quyền của hệ thống tòa án liên bang, trong số đó mỗi năm có khoảng 8000 thỉnh cầu được gửi tới Tòa tối cao, Tòa chỉ chọn rất ít trong số đó đem ra xét xử. Các thẩm phán nghỉ hè trong tháng 9, đầu tháng 10 họ mới quay lại làm việc và sẽ quyết định chọn những vụ việc nào trong năm. Chúng tôi được ông Gorsuch tiếp đúng vào một dịp như vậy. Ông ấy là bậc thầy truyền cảm hứng, cảm hứng đóng góp cho công bằng xã hội, bảo vệ người yếu thế, dám nói lên những điều mà mình cho là đúng đắn.

Phần 2: Quản trị tòa án- Công việc nhìn từ bên trong

Comments

Popular posts from this blog

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due