Bài viết dưới đây gợi thảo luận về các vấn đề sau: (i) Vì sao người dân không có nghiệp vụ lại được tạo cơ hội tham gia các hội đồng xét xử tại tòa án cùng với các thẩm phán chuyên nghiệp? (ii) Việc tạo điều kiện cho người dân tham gia xét xử tại tòa án có thể đặt ra những rủi ro gì? (iii) Các gợi ý chính sách làm cho người dân tham gia có hiệu quả hơn vào hoạt động xét xử của tòa án.
I. Khái quát về hội thẩm/bồi thẩm
đoàn
Hội thẩm là một chế định ngoại lai, từ nước
ngoài, du nhập vào nước ta từ 70 năm nay. Mục đích của chế định hội thẩm là để tạo
điều kiện cho người dân có thể tham gia vào quá trình xét xử, nhất là trong cá
vụ án hình sự, tạo trao đổi thảo luận giữa các thẩm phán chuyên nghiệp và người
nghiệp dư, qua đó nhằm đạt được và làm lan rộng công lý.
Tên gọi của chế định này có thể dịch là hội thẩm,
bồi thẩm, thẩm phán không chuyên, bồi thẩm đoàn. Tùy theo truyền thống pháp luật theo án
lệ kiểu Anh hay dân luật kiểu Châu Âu lục địa, mà cách lựa chọn, phân công công
việc, trách nhiệm, thẩm quyền của hội thẩm ở các nước là khác nhau (juries, lay judges, assessor, Schöffen).
Đã có một số đánh giá quốc tế về hai mô
hình bồi thẩm đoàn và hội thẩm trên phạm vi gần 70 quốc gia trên thế giới (Toby
S. Goldbach, 2014), hội thẩm của
các quốc gia Châu Âu (Stephan Machura, 2014) hoặc kinh nghiệm du nhập hội thẩm ở các
quốc gia Đông Bắc Á (Landsman, Stephen Zhang, 2008). Sơ bộ có thể khái quát các điểm sau:
(i)
Muốn
du nhập thành công chế định hội thẩm, hoặc bồi thẩm đoàn, phải chuẩn bị các tiền
đề, nhận thức xã hội (trong và ngoài tòa án) để ủng hộ, hậu thuẫn cho chế định
này. Một nước có truyền thống dân luật thì sẽ khó du nhập mô hình bồi thẩm
đoàn. Người hội thẩm giúp khai phóng dân
chủ, tăng sự tham gia của người dân trong hoạt động xét xử, tăng nhận thức cộng
đồng về công lý và giám sát tòa án. Họ là thẩm phán không chuyên/nghiệp dư, đảm
nhận công việc một cách kiêm nhiệm, vì danh dự, và vì trách nhiệm công dân. Tuy
nhiên, đã chấp nhận, thì hội thẩm trở thành một nghĩa vụ, một bổn phận nặng nề,
không phải vì là người nghiệp dư mà tùy tiện.
(ii)
Quy
trình lựa chọn, đề xuất và phê duyệt danh sách hội thẩm, một mặt phải dựa trên
sự tự nguyện/sẵn sàng của cá nhân các ứng viên, mặt khác phải đảm bảo quyền
tham gia của tòa án, và tính đại diện cho các giai tầng trong xã hội.
(iii)
Sau
khi được lựa chọn, hội thẩm được phân công tham gia xét xử hình sự dưới sự điều
hành về hành chính của tòa án. Là hội thẩm, song có vai trò như một thẩm phán,
có quyền và nghĩa vụ như một thành viên bình đẳng trong hội đồng xét xử, người
hội thẩm phải có các nghĩa vụ tương tự như một thẩm phán. Hội thẩm là một thẩm
phán không chuyên trong Hội đồng xét xử, song không thể hành xử tùy ý. Như vậy
không chuyên không có nghĩa là không có đào tạo: người hội thẩm thường được tập
huấn, giới thiệu, làm quen với vai trò có tính chất danh dự của mình, được nhắc
nhở về cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng và hậu quả pháp lý nếu vi phạm
trách nhiệm.
II. Nhận diện
các trục trặc có thể xảy ra trong hoạt động tham gia xét xử của hội thẩm
Ở Việt Nam, nhiệm kỳ của các hội thẩm theo nhiệm
kỳ của HĐND địa phương. Họ được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm của HĐND, có thể tái cử.
Mặt trận và Tòa án cùng cấp sẽ thống nhất đề cử danh sách hội thẩm trình HĐND thông
qua. Theo số liệu cập nhật toàn quốc của TANDTC, cả nước thống kê được 17.000 hội
thẩm nhân dân. Ví dụ, trong nhiệm kỳ 2021-2025, tại TAND TP HN có 100 hội thẩm,
trong đó: 41 là cán bộ hưu trí, 33 chọn từ các sở ban ngành của UBND, 26 người
từ đoàn thể của Mặt trận. (Trong số 41 cán bộ hưu trí, 27 vị là cán bộ ngành
tòa án, kiểm sát, công an đã về hưu).
Mỗi năm hệ thống tòa án nước ta thụ lý gần nửa
triệu vụ án các loại. Sơ tính, với quy định 2/3 hoặc 3/5 số thành viên các hội
đồng xét xử các vụ án đó là hội thẩm, thì có hàng triệu lượt những người dân,
không phải là thẩm phán chuyên nghiệp, hàng năm sẽ tham gia hoạt động xét xử của
tòa án. Điều này gợi ý:
-
Nếu
làm tốt, sự tham gia của hội thẩm sẽ góp phần đáng kể làm lan rộng cảm nhận
công lý, truyền thông nhận biết pháp luật đến hàng triệu hộ gia đình, các cộng
đồng, từ đó cho thấy bảo vệ công lý là sự nghiệp chung của toàn dân. Người hội
thẩm cần được tôn vinh cho đầu tư công sức đóng góp hầu như thiện nguyện, vì
danh dự, cho công việc chung này.
-
Nếu
làm tốt, hội thẩm giúp lan truyền niềm tin, nâng cao vị thế của tòa án trong
nhân dân, minh bạch hoạt động của tòa án, tăng sự quan tâm của người dân đối với
tòa án.
-
Nếu
làm tốt, hội thẩm không chuyên giúp tăng đối thoại giữa người dân với các thẩm
phán chuyên nghiệp, các bản án sẽ phản ánh tốt hơn nhận thức, cảm nhận xã hội về
công lý, tăng tính chính danh cho tòa án và các thẩm phán chuyên nghiệp.
Hiển nhiên, theo chiều ngược lại, nếu làm không
tốt, nếu không được quan tâm và có chính sách phù hợp, thì hậu quả của hoạt động
hình thức, kém hiệu quả của người hội thẩm có thể gây tổn hại đáng kể cho cải
cách tư pháp, cho thanh danh của ngành tòa án, và cho nhận thức của xã hội đối
với tính nghiêm minh của luật pháp.
Dựa trên một số báo cáo hoạt động của Đoàn hội
thẩm một số địa phương mà tôi sơ bộ có điều kiện tham khảo, trong việc hội thẩm
tham gia xét xử tại tòa án, có thể xuất hiện những trục trặc như mô tả sơ bộ dưới
đây:
-
Ai giám sát sự tham gia của các hội thẩm sau khi được HĐND bầu, hội thẩm chịu trách nhiệm
như thế nào trước HĐND, trước
Đoàn hội thẩm, Tòa án, và xã hội?
-
Tòa án không ràng buộc được người hội thẩm, vậy
ai quản lý hội thẩm, nếu
được mời mà hội thẩm từ chối tham gia, hoặc đã nhận tham gia vụ án mà vắng mặt
hoặc không chuẩn bị chu đáo cho Phiên xử thì Tòa án có thể làm được gì, có thể
quy định trách nhiệm của người hội thẩm như thế nào?
-
Sau
khi nhận hồ sơ, có hội thẩm không nghiên cứu kỹ hồ sơ, không tích cực tham gia, không chuẩn bị, không phát biểu đúng trọng tâm, thậm chí phát biểu không đúng
mực. Tòa án không có cách gì để
ràng buộc trách nhiệm những hội thẩm này.
-
Nếu
có án oan sai, thì trách nhiệm của hội thẩm như thế nào? Nhất là trong án sơ thẩm,
2/3 thành viên của hội đồng xét xử là hội thẩm, nếu hai hội thẩm quyết định
theo đa số, án bị sai, thì ai chịu trách nhiệm?
-
Án hành chính thường rất khó mời hội thẩm, người được mời sẽ tìm mọi lý do để từ chối tham gia, nhằm tránh tình thế
khó xử có thể xảy ra với cơ quan hành chính địa phương,
-
Với
án liên quan đến vị thành niên, theo quy định cần hội thẩm có hiểu biết về giáo
dục, công tác thanh niên hoặc với án lao động cần có hội thẩm đại diện từ khu vực
có sử dụng lao động, nếu họ vắng hoặc từ chối thì tòa án có khó khăn trong tìm
người thay thế,
-
Việc
phân công hội thẩm tham
gia xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ
cho hội thẩm nên được tiến hành như thế nào?
-
Vướng
mắc trong hoạt động của
Đoàn hội thẩm nhân dân, nhất
là kinh phí hoạt động của Đoàn hội thẩm nhân dân đôi khi khiêm tốn hoặc chưa được cấp đúng hạn,
phụ cấp đọc hồ sơ và tham gia phiên xử chưa tương xứng (thù lao 90.000 đồng cho
một ngày dự xét xử).
III. Đi tìm nguyên nhân và gợi ý
chính sách
Dựa trên khung lý thuyết ROCCIPI, có thể dự báo
nguyên nhân dẫn tới những trục trặc nêu trên bắt nguồn từ những yếu tố sau:
-
Về lý thuyết,
có nên quy định hội thẩm tham gia các phiên xét xử kinh tế, dân sự, hôn nhân
gia đình, hay hành chính hay không? Đây là các vụ kiện có tính riêng tư, quyền
dân sự của các bên chưa chắc đã liên quan đến công cộng? Nhiều nước chỉ quy định
sự tham gia của hội thẩm/bồi thẩm đoàn đối với án hình sự mà thôi, thậm chí
cũng chỉ giới hạn ở trọng án.
-
Về khung khổ pháp luật: Xét xử có sự tham gia của hội thẩm là một nguyên tắc hiến định, Điều 103 khoản 1, Hiến pháp 2013. Nguyên tắc này được thể hiện chi tiết
trong các Điều 8, 84-91 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014; trong Quy
chế tổ chức và hoạt động của đoàn hội thẩm 2016 (Nghị quyết số
1213/2016/UBTVQH13 ngày 13/06/2016). Tuy nhiên, cần đánh giá, rà soát các văn bản
hướng dẫn thi hành, ví dụ để hạn chế chỉ chấp nhận hội thẩm cho các vụ trọng
án, bớt dần sự tham gia của hội thẩm tại án dân sự, hoặc mở rộng, đa dạng hóa
đối tượng được chọn làm hội thẩm, để trao quyền cụ thể hơn cho tòa án và mặt
trận có thể xác định danh sách hội thẩm mà không cần thông qua HĐND, quy định
các chế tài đối với hội thẩm cố ý vi phạm bổn phận của mình.
-
Lựa chọn, đề xuất, phê chuẩn danh sách hội thẩm: Xét trên số lượng nửa triệu án hàng
năm, một nguồn lực xã hội rất lớn cần huy động để có đủ số lượt hội thẩm, các hội
thẩm có đủ năng lực tham gia công tác xét xử tại tòa án. Điều này chỉ có thể đạt
được nếu năng lực quản lý của tòa án, đoàn hội thẩm, và của chính các hội thẩm
được nâng cao. Sơ bộ cho thấy thành phần của hội thẩm hiện nay được cơ cấu như
sau: khoảng 1/3 từ khu vực đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, công đoàn, giáo viên; 1/3
từ các ban ngành quản lý của chính quyền, 1/3 từ các khu vực khác như cán bộ
hưu trí. Dưới sức ép của số lượng án, có lẽ cần suy tính mở rộng đối tượng có
thể lựa chọn làm hội thẩm, ví dụ mở rộng ra khu vực hộ kinh doanh, nông dân,
công nhân, chủ doanh nghiệp. Một mặt vừa xem đây là bổn phận danh dự, mặt khác
phải xem đây là trách nhiệm công dân. Công dân chỉ có quyền từ chối làm hội thẩm
nếu có lý do chính đáng, ví dụ họ đang phục vụ trong các ngành dịch vụ công thiết
yếu như y tế, cảnh sát. Cũng nên quy định loại trừ những người không được làm hội
thẩm, ví dụ luật sư hành nghề, luật sư tư vấn, thẩm phán về hưu không nên được
chọn làm hội thẩm. Cũng nên trao quyền xác định danh sách này cho Tòa án và
Đoàn hội thẩm hoặc Mặt trận, danh sách hội thẩm không nhất thiết phải được HĐND
thông qua.
-
Quyền và lợi ích của hội thẩm: Kinh nghiệm quốc tế đều cho thấy đây là bổn phận
công dân, có tính chất danh dự, công dân phải thi hành nếu được triệu tập làm hội
thẩm. Người hội thẩm làm công việc này không có thù lao, song họ được thanh
toán chi phí đi lại, lưu trú một cách hợp lý. Như vậy, về lý thuyết, tăng thêm
quyền lợi vật chất cho hội thẩm không phải là chủ trương đúng. Thay vì chỉ nghĩ
tới tăng thêm thù lao đọc án và ngồi xử, tăng thêm tiền phụ cấp trang phục, cần
tìm cách thúc đẩy xã hội tôn vinh, tưởng thưởng cho người hội thẩm bằng sự kính
trọng. Nếu mở rộng đối tượng hội thẩm sang cho công nhân, người buôn bán, phải
tính tới quy định người chủ sử dụng lao động phải xem hoạt động của hội thẩm tại
tòa tựa như đang thực hiện công việc, chủ sử dụng phải tạo điều kiện cho họ có
cơ hội tham gia.
-
Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ: Dựa trên hệ thống các đoàn hội thẩm, tòa án chắc
rằng phải gánh vác thêm nhiệm vụ thường kỳ tập huấn, bồi dưỡng các hiểu biết tối
thiểu về quy trình tố tụng, quyền và nghĩa vụ, cấu trúc hồ sơ vụ kiện, cách đọc,
theo dõi, tham gia một vụ kiện. Cũng có thể cần hình thành một Hiệp hội các
đoàn hội thẩm để điều phối các hoạt động này.
-
Nghĩa vụ của hội thẩm: Điều 89 Luật Tổ chức tòa án 2014 đã quy định nguyên tắc chung, người hội
thẩm, dù là thẩm phán không chuyên, song phải bị ràng buộc trách nhiệm giống
như các thẩm phán chuyên nghiệp. Có thể suy tính để quy định một mức phạt hành
chính, nếu hội thẩm từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng (nhiều
bang ở Đức phạt lên tới 1000 EUR cho hành vi này). Nếu hội thẩm cố ý vi phạm pháp luật, ví dụ có
xung đột lợi ích mà không từ chối vụ việc hoặc có hành vi cản trở công lý, thì
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không khác gì các thẩm phán chuyên nghiệp.
-
Cải tiến cách phân công hội thẩm tham gia xét xử: Để tránh các yếu tố chủ quan, có
thể suy tính bằng cách nào đó tiến hành phân công hội thẩm tham gia các phiên xử
một cách công khai, công tâm, khách quan hơn chăng? Ví dụ căn cứ số lượng án
hàng tháng, số lượng hội thẩm tại tòa, có thể bốc thăm một cách ngẫu nhiên và phân
bổ hội thẩm một cách ngẫu nhiên, sau đó báo trước cho họ, ví dụ trước 1 tháng để
chuẩn bị. Với án kinh doanh, thương mại, án sở hữu trí tuệ, chứng khoán, nếu hội
thẩm được chọn từ giới doanh nghiệp, có kiến thức kinh doanh và chuyên môn
tương đối phù hợp, thì có thể họ sẽ tham gia hiệu quả hơn.
Comments