Chống bệnh dịch, co cụm lại, chúng ta sống. Dịch hết, lo
làm ăn, chúng ta cần tự do. Vụ án Hồ Duy Hải được cả nước quan tâm bởi dường
như sự tự do ấy còn rất mong manh, dễ vỡ. Cần làm gì để từng người dân an tâm
hăng hái làm ăn?
Sự khá giả mà Việt Nam đạt được, hết thảy đều
nhờ tự do. Tem phiếu, phân phối, ngăn sông cấm chợ… đã lùi xa như cổ tích. Tự
do khởi nghiệp, sáng tạo, tư hữu, cạnh tranh đang tạo thêm của cải và sự thoải
mái cho người dân. Người ta cần những sự tự do ấy để sống.
Với bất kỳ ai, vướng vào vòng lao lý thì ngay lập
tức mọi sự thoải mái đều chấm dứt. Khi Hồ Duy Hải là người tù, trước quyền uy
nhà nước, chỉ có thượng tôn những quy tắc pháp luật chặt chẽ, khắt khe may ra mới
bảo vệ được anh ta. Trọng chứng hơn trọng cung, từ cổ xưa người nước ta cũng đã
biết điều đó. Nếu chứng cứ được lập ra bằng những cách không đúng luật, thì
chúng vô giá trị. Thiếu chứng cứ, phải suy đoán mọi nghi can là vô tội. Là suy
đoán thôi, chứ chỉ có trời cao đất dày mới biết ai bị oan trong cuộc đời này.
Vậy nên, hạn chế sự tùy tiện của công quyền, hạn
chế quyền lực tùy nghi của nhà nước, nói thì dễ, làm rất khó. Người ta quan tâm
đến vụ án Hồ Duy Hải vì nguy cơ oan sai có ở nhiều nơi. Tòa cấp trên biết có
sai sót trong tố tụng, song mặc dù vậy vẫn y án của tòa cấp dưới. Tín hiệu này
làm người ta lo lắng. Thế cho nên, để an lòng dân, án vừa tuyên xong, các thẩm
phán và quan chức ngành tòa đã lần lượt đăng đàn giải thích.
Người dân nước ta tin ở chính quyền, song người
dân nước ta cũng lo lắng cho sự tự do của họ. Trong thời đại nứt toang của nhiễu
loạn thông tin, nếu không khéo kiểm soát, nhiều nỗ lực xây dựng một ngành tòa
án có năng lực, từng bước thực thi quyền tư pháp độc lập có nguy cơ bị trôi
theo sóng dư luận.
Vì thế, hãy thành thực: của cải và sức mạnh của
dân tộc chúng ta chính là sự tự do của người dân và niềm tin của họ vào chính
quyền. Niềm tin ấy, sự tự do ấy có lẽ nên là những giá trị cao quý nhất cần được
bảo vệ.