Ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ
“nhôm”) sa lưới kéo theo nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ công an, TP.HCM, Đà
Nẵng bị khởi tố, bắt giam để điều tra và xét xử về những dấu hiệu sai phạm
trong quản lý, sử dụng đất công. Tuổi Trẻ trò chuyện với PGS.TS Phạm Duy Nghĩa về nguyên nhân cũng như giải pháp
để hạn chế được những vụ án như vụ án Vũ “nhôm”.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: “Những vụ án quy mô như vụ Vũ “nhôm” ra đời trong bối cảnh phân
cấp quản lý cho địa phương song thiếu kiểm soát có hiệu quả trung ương và người
dân, cùng lúc đó hoạt động kinh tế của lực lượng vũ trang chưa minh bạch, chưa được
kiểm soát chặt chẽ”.
Phần quyền mạnh nhưng thiếu kiểm
soát
*Bối cảnh để tạo ra những nhóm lợi
ích như trong vụ án Vũ “nhôm” và một số vụ án liên quan đến sai phạm trong quản
lý tài sản công, nhất là đất đai ở đây là gì?
Một đặc trưng riêng trong vụ án này là một người được đưa vào lực
lượng công an, sau đó được sự hậu thuẫn của công an trong việc kinh doanh. Từ đấy
cá nhân Vũ “nhôm” mới tạo thế lực, có cơ hội tiếp cận quan chức địa phương, tạo
lợi thế để chia sẻ lợi ích, cùng nhau thâu gom tài nguyên, nhất là những tài
nguyên khan hiếm như nhà đất, quyền kinh doanh phát triển các dự án bất động sản.
Nhìn rộng ra, nguy cơ thôn tính công sản, chủ yếu là nhà đất,
doanh nghiệp nhà nước, diễn ra phổ biến ở tất cả các nước chuyển đổi từ kế hoạch
hóa sang nền kinh tế thị trường. Đây không phải vấn đề mới, càng không phải
riêng của Việt Nam. Gần 30 năm trước đây, một làn sóng “Big Bang” (phát nổ lớn
– NV) diễn ra ở Liên Xô và hầu hết các nước Đông Âu, bán tống bán tháo khối tài
sản toàn dân tích lũy được từ 60-70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra một
thế lực tài phiệt định hình cấu trúc kinh tế-chính trị nhiều nước Đông Âu và
Liên Xô cũ cho đến tận bây giờ.
Việt Nam đi theo cải cách tiệm tiến, từ từ, từng bước một, ở cả hai
lĩnh vực nông và công nghiệp. Trong đó, công nghiệp trước đây tất cả thuộc doanh
nghiệp nhà nước, có khoảng 12.000 xí nghiệp phân tán được gom lại, chuyển thành
những công ty cổ phần hay hữu hạn, sau đó từng bước cổ phần hóa, nay mạnh dạn
hơn gọi là thoái vốn, tức là trao dần quyền kiểm soát cho khu vực tư nhân. Tài
nguyên đất đai hiển nhiên cần được hiểu trong bối cảnh đó, song trước 2006 những
Vũ “nhôm” chưa lộ mặt.
Vũ “nhôm”, và nhiều nhà giàu khác phất lên nhanh chóng tựa như ông
ta, chỉ hình thành trong bối cảnh sau năm 2006, khi nhà nước trung ương phân cấp
quản lý mạnh mẽ cho 63 tỉnh, thành. Các tỉnh được phân quyền tự kêu gọi đầu tư,
chỉ định dự án, giới thiệu dự án cho nhà đầu tư, thu hồi đất, chuyển mục đích sử
dụng đất, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Trao quyền nhanh,
mạnh, nhưng thiếu kiểm soát hiệu quả dẫn đến những sự lạm quyền, câu kết giữa
quan chức địa phương và nhiều ông Vũ “nhôm” xuất hiện.
Mặt khác, ở Việt Nam có một thực tế nhiều cơ quan nhà nước, lực lượng
vũ trang đều tham gia kinh doanh thông qua các doanh nghiệp của mình. Rất nhiều
cơ quan của Đảng và Nhà nước có doanh nghiệp riêng. Cũng như nhiều nước, quân đội,
công an nước ta cũng có doanh nghiệp. Tuy nhiên khu vực kinh tế của lực lượng
quốc phòng, an ninh, lực lượng công an lâu nay chưa được thảo luận rộng rãi, thống
kê chặt chẽ, công bố minh bạch, dẫn tới kiểm soát chúng chưa thể hiệu quả.
* Một loạt quan chức đã vướng vào
vòng lao lý khi giúp Vũ
“nhôm” thâu tóm nhiều nhà, đất công sản có vị trí đắc địa tại địa phương, gây
thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Điều gì khiến Vũ “nhôm” có thể làm
mưa làm gió, thao túng cả những quan chức cấp cao địa phương như vậy?
Vũ “nhôm” không thể thao túng nếu không có nhiều người hậu thuẫn
cho ông ta trong chính quyền các cấp. Trước khi chuyển đổi vạch xuất phát điểm
của các giới ở Việt Nam tương đối đồng đều. Cán bộ, công chức, người lao động,
nhân viên và người dân đều nghèo cả. Không có những đại gia, nhà giàu trội lên.
Nền kinh tế và quốc gia như một thể thống nhất được quản lý chặt chẽ từ trung
ương. Quản lý như vậy xơ xứng làm cho khối tài sản của đất nước không nở ra được,
không có miếng bánh thì cũng khó có thể chia, mọi sự thất thoát của công chắc
cũng có, song quy mô nhỏ, chứ không như bây giờ.
Sau 30 năm chuyển đổi Việt Nam trở thành nền kinh tế khá lớn, ngày
càng có vị trí cao trên bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới, từ đó tạo động
lực phát triển cho tất cả các khu vực công cũng như tư. Nhưng từ đấy cũng sinh
ra những cuộc xung đột về lợi ích. Chính bối cảnh thay đổi nó tạo ra những khe
hở, cơ hội rất lớn, ai nhanh nhạy sẽ hưởng lợi quy mô rất lớn từ cuộc chơi thay
đổi này.
Các địa phương trong bối cảnh được phân quyền mạnh trở thành một
thế lực có ảnh hưởng thực sự lớn trong đời sống chính trị Việt Nam. Minh chứng
rõ nhất là các sáng kiến cải cách của Việt Nam không phải từ trung ương chuyển
xuống mà đều sáng kiến từ địa phương lên. Các đoàn đại biểu của các tỉnh, thành
chiếm tỉ lệ lớn trong quốc hội, đại hội đảng và có tiếng nói. Như vậy những vi
phạm xảy ra ở địa phương hiển nhiên sẽ có lợi cho những liên minh quyền lực nhất
định, và họ sẽ tìm cách che chắn, nếu có thể. Nhiều vụ việc sai phạm được
“khui” ra hiện nay không phải không ai biết, song không ai dám công khai truy hỏi,
nếu có vô tình trồi lên trong dư luận thì cũng nhanh chóng bị ấn chìm. Nếu sự
kiểm tra từ trung ương kém hiệu quả hoặc bị tha hóa vì chia sẻ lợi ích với địa
phương thì sẽ không bao giờ phát hiện ra những án lớn quy mô như Vũ nhôm. Nhưng
nay dưới sức ép của quản lý kinh tế một cách chặt chẽ hơn, Đảng siết dần kỷ luật,
dân cũng nhìn thấy nên những vụ việc mới dần lộ ra ánh sáng.
*Hiện nay cơ quan trung ương đang
có xu hướng đẩy mạnh phân quyền giải quyết nhiều công việc quản lý cho các địa
phương, liệu có mâu thuẫn gì với điều ông đã phân tích ở trên hay không?
Hoàn toàn không mâu thuẫn. Một nhà nước trung ương mạnh chỉ có
phân quyền cho địa phương nếu địa phương đó có quy mô hợp lý. Chuyện gì ở cấp địa
phương nơi họ có thông tin đầy đủ nhất thì giao cho cấp ấy giải quyết, ví dụ phần
lớn các vấn đề trị an, dân sinh. Thế còn những vấn đề liên quan đến nhiều địa
phương, liên quan đến tài nguyên chung như môi trường, giáo dục, chống tội phạm
địa phương không đủ thông tin, phải có cấp trên quyết định. Có rất nhiều lĩnh vực
của địa phương không thể tự phát hiện, giải quyết được.
Nỗ lực thể chế
*Lâu nay không phải không có những
đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí điều tra về các hoạt động quản lý, sử dụng
tài sản công ở các địa phương. Nhưng những sai phạm đó chỉ thật sự lộ rõ khi
công cuộc “đốt lò” nóng lên mấy năm trở lại đây?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhiều lần, đại
thể rằng dân họ biết hết cả, khó có gì che được tai mắt nhân dân. Ngoài sự tự giám
sát của chính quyền, người dân, dư luận xã hội cũng có phần tham gia. Song nếu bưng
bít thông tin, người dân không thể nào biết được hoạt động kinh doanh của các
doanh nghiệp thuộc lực lượng công an, quân đội hay các tập đoàn nhà nước khác.
Những thông tin đó đôi khi còn là tài liệu mật, không công bố, không cho dân biết
thì làm sao có thể thảo luận rộng rãi.
Song, tới một ngày, tài nguyên quốc gia bị thôn tính tới mức không
còn bưng bít được nữa, nếu không có sự giải thích sẽ khó lấy lại niềm tin của
người dân vào chính quyền, nhất là chính quyền địa phương. Mất niềm tin của dân
chúng, chính quyền có nguy cơ mất đi sự chính danh để cầm quyền. Vì vậy, khi tới
ngưỡng phải thiết lập lại trật tự, sẽ có những sức ép đòi thực thi những cam kết
pháp luật mà trên giấy không thiếu như: phòng chống tham nhũng; quản lý công sản,
quản lý đất đai và quản lý cán bộ. Qua vụ án Vũ “nhôm” cũng như nhiều vụ khác nhiều
hay ít cho thấy nhu cầu thiết lập lại kỷ luật, một chế độ cai trị bằng pháp luật,
lãnh đạo phải làm gương cho người dân tin dần. Đây rõ ràng là nỗ lực và sự phát
triển hơi đặc biệt của thể chế nhằm duy trì tính chính danh của Đảng cầm quyền
trong mắt người dân.
*Sự nỗ lực và phát triển hơi đặc
biệt của thể chế mà ông muốn nói đến ở đây là gì, thưa ông?
Có thể nói rộng hơn, trong những năm đầu cải cách Việt Nam chủ yếu
phát triển các chính sách kinh tế. Nhưng, nếu bộ máy nhà nước ung nhọt, thiếu
năng lực, không đáng tin cậy, sẽ làm cho những thành tựu kinh tế có nguy cơ đổ
vỡ. Để giành lại niềm tin của dân, nhiều vụ án được đưa ra ánh sáng, trong đó
có những vụ án Vụ “nhôm”. Quan sát kỹ sẽ thấy, công cuộc “khui” ra những vụ án kiểu
như Vũ nhôm không thể do lực lượng tư
pháp thuần túy như cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa địa phương phát hiện. Những
cơ quan này đều nằm dưới sự quản lý của tỉnh (thành) ủy nên khó để họ độc lập
phát hiện, điều tra những liên minh lợi ích kinh tê-chính trị quy mô lớn như
các vụ Vũ nhôm. Ngược lại, phải có một lực lượng có quyền lực, kỹ năng và có sự
độc lập nhất định mới có thể đủ sức mạnh đưa ra ánh sáng những đại án tham
nhũng.
Bộ máy kiểm tra Đảng trong khoảng 10 năm vừa qua trở nên có năng lực
phát hiện, điều tra độc lập với địa phương. Lực lượng này phát hiện, điều tra dấu
hiệu vi phạm rồi mới chuyển cơ quan tư pháp thuần túy thực hiện các bước tiếp
theo để giải quyết các vụ án.
Tạo thể chế cạnh tranh trong khu vực
công và tư nhân
*Vây giải pháp nào để có thể hạn
chế những vụ án như Vũ “nhôm” xảy ra, tránh thất thoát tài sản công, thưa ông?
Hiện nay Việt Nam có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện,
thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình. Mặt khác, Việt Nam tham gia những
cam kết quốc tế thúc đẩy nhà nước minh bạch hóa, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong
cả hai khu vực công và tư.
Tuy nhiên, những vụ như Vũ “nhôm” cho thấy cá nhân và doanh nghiệp
núp dưới bình phong các cơ quan nhà nước, nhất là của công an, quân đội có nhiều
ưu thế. Những ưu thế này trên thực tế là nuông chiều khu vực công, là nguyên
nhân làm tha hóa và mất cán bộ. Do vậy cần phải thực hiện pháp luật đã ban hành
và các cam kết quốc tế, ép khu vực công minh bạch hơn, quản lý công sản theo
nguyên tắc công khai hơn. Cần tạo ra cơ chế buộc các doanh nghiệp nhà nước cạnh
tranh bình đẳng hơn. Ví dụ chẳng cam kết quốc tế nào cấm quân đội, công an hay
các công ty của đảng kinh doanh nhưng các doanh nghiệp đó phải kinh doanh công
khai, cạnh tranh bình đẳng. Tài sản ấy là của toàn dân, cơ hội và rủi ro trong
kinh doanh của DNNN liên lụy đến toàn dân, vì là tài sản công, nên dân cần được
biết. Chí ít, các vấn đề lớn liên quan đến DNNN và công sản cần được công khai
thảo luận và quyết định bởi các cơ quan dân cử như HĐND, Quốc hội.
Tôi nhấn mạnh, không cần ưu tiên làm thêm nhiều luật, mà nên thi
hành tốt những cam kết quốc tế và quy định pháp luật Việt nam hiện hành. Như vậy
cũng đã đủ để kiềm chế được những nhóm lợi
ích như Vũ “nhôm” cố tình thao túng, thâu tóm tài sản công.
TIẾN LONG
thực hiện