Khi còn làm Thủ tướng, trong
các năm 2013-2015, ông Nguyễn Tấn Dũng đã
có nhiều bài
viết đầu năm. Báo chí nhất loạt rút tít: Thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Lời lẽ hào sảng,
viễn kiến toàn cầu, ngôn từ tân thời, này nhé: dân chủ, pháp trị, nhân quyền, sự
tham gia của người dân, phát triển bao trùm.
Rồi
ông về hưu. Không thấy ai nói gì thêm về những Thông điệp ngày ấy. Những gì ông
cựu Thủ tướng đã làm không đủ sức trở thành một tục lệ. Lý do thật đơn giản: ở các
quốc gia do những đảng cộng sản lãnh đạo Thủ tướng không có toàn quyền thực sự để
dẫn dắt nền hành pháp (tuy hiển nhiên là người có thế lực mạnh mẽ, tùy thuộc vào
cách tạo dựng và điều khiển các liên minh).
Không
biết ông cựu Thủ tướng, hay những quân sư chắp bút bài viết cho ông ấy, có lấy
cảm hứng từ những Thông điệp Liên bang của Tổng thống nước Mỹ hay không. Chắc là
không, vì người ngây thơ bây giờ hiếm lắm.
Hôm
qua, Tổng thống nước Mỹ vừa diễn xong màn trình bày Thông điệp. Người Mõ của Hạ
viện rao: Ngài Chủ tịch, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tới. Cả đám đến gần
nghìn người của giới tinh hoa nước Mỹ người đứng, người ngồi, vừa xì xầm tán
chuyện, bỗng đứng dậy vỗ tay. Cốc. Chủ tịch Hạ viện nện cái búa xuống bàn và
tuyên bố một câu gọn lỏn: Quý ông bà, hân hạnh giới thiệu Tổng thống Hợp chúng
quốc Hoa Kỳ. Từ khi nhậm chức, ông Trump chẳng kiêng nể gì giới tinh hoa. Một năm
sau, giới tinh hoa nước Mỹ đứng lên ngồi xuống vỗ tay tán thưởng không ngớt màn
tự khen của người đứng đầu Nhà trắng.
Ông bà nội
là người xứ Rheinland Pfalz, mang một nửa dòng máu Đức, từ Trumpf trở thành
Trump, ông Tổng thống này làm người ta kinh hãi liên tưởng đến những gì đã xảy
ra vào năm 1933 ở Đức. Thời đó, ứng viên của Đảng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Quốc-Xã:
Nazi) thắng cử, trở thành Thủ tướng nước Đức, rồi kiêm luôn Tổng thống, rồi độc
tài, biến tất cả các thể chế dân chủ có sẵn của nước Đức thời đó … thành công cụ
của mình.