Ba
mươi năm Đổi mới, nhiều người giàu lên vì đất. Tôi tưởng mang cả ba-lô tiền mặt
đi săn đất Phú Quốc, hiện tượng ấy chỉ có ở Việt Nam. Tôi đã lầm. Từ cổ chí
kim, hàng ngàn năm nay, của cải để dành của các dân tộc tuyệt đại đa số là nhà
đất. Tệ hơn nữa, thời nào của cải cũng chảy vào chỗ trũng, những nhóm nhà giàu
thiểu số thời nào cũng kiểm soát hầu hết sự thịnh vượng của các quốc gia [1].
Vì
bất công, nên cách mạng xảy ra liên miên, tâm điểm của những cuộc cách mạng ấy thường
liên quan tới phân phối lại sở hữu. Sau giải phóng miền Nam, cũng là khi nền
kinh tế kế hoạch được ấn định trên phạm vi toàn quốc, về bản chất chúng ta đã
xóa đi chế độ sở hữu cũ, lập ra sở hữu mới, gọi là sở hữu toàn dân, mọi nguồn lực
kinh tế đều do Nhà nước kiểm soát và chỉ huy. Vượt rào, khoán chui cho tới Đổi
mới, cuộc cải cách kinh tế từ 1986 cho đến nay về bản chất là trả lại quyền định
đoạt sở hữu, nhất là quyền tài sản về nhà đất cho các hộ gia đình, cá nhân,
doanh nghiệp.
Nhờ
ơn cuộc cải cách đó, hàng triệu người dân Việt Nam đã đổi đời. Từ 1986 đến nay,
tính trung bình, GDP của nước ta tăng trưởng bình quân là 6.5%, một tốc độ tăng
trưởng đáng tự hào trên thế giới (từ sau Thế chiến II cho đến nay chỉ có 13 quốc
gia đạt mức độ tăng trưởng liên tục trên 7% một năm trong vòng 30 năm liên tiếp).
Đó là mặt lấp lánh của tấm huy chương.
Mặt
khác, trời thì xa nước Trung Hoa thì gần. Cũng trong 30 năm đó, Trung Quốc tăng
trưởng liên tục bình quân 10% một năm. Thua kém Trung Quốc trong 30 năm qua đã đẩy
Việt Nam vào thế yếu dần. Nếu như những năm 70s của thế kỷ trước, thu nhập bình
quân của người Việt và người Trung Quốc là ngang nhau trong một thời gian rất
dài, thì 30 năm sau, thu nhập bình quân của người Trung Quốc đã cao hơn 2,5 lần
người Việt Nam. Càng yếu, càng lệ thuộc về kinh tế, càng khó giữ biển đảo, càng
khó giữ chủ quyền.
Như
vậy, đằng sau mặt lấp lánh tấm huy chương còn có mặt sần sùi, đó là đáng lẽ Việt
Nam có cơ hội phát triển nhanh và tốt hơn nữa. Nhiều cơ hội đó đã bị bỏ lỡ,
chúng ta đã phát triển dưới mức tiềm năng. 10 năm sau gia nhập WTO, Trung Hoa
trở thành cường quốc dẫn đầu về kinh tế, viết tiếp sự phát triển thần kỳ của
các dân tộc Đông Bắc Á. Tưởng là đồng văn và ít nhiều đồng chủng, song tôi lại
cũng lầm, quốc gia chúng ta dường như rất khó sánh vai với Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc. Chúng ta đang tụt lại cùng Philipines và nhiều quốc gia kém phát
triển phía Nam.
Rào
cản ngăn nước ta phát triển chính là những cuộc cải cách sở hữu ngập ngừng,
không triệt để. Là di sản của tổ tiên để lại, đất đai và các nguồn tài nguyên
thiên nhiên hiển nhiên cần phải được hưởng dụng có lợi cho cả dân tộc, cho thế
hệ này và cho các thế hệ mai sau. Như vậy, tuyên bố những nguồn tài nguyên này
thuộc “sở hữu toàn dân” là đúng về đạo lý, về chính trị. Song khái niệm này
không thể dùng được về mặt pháp lý. Không thể có ông chủ toàn dân.
Của
bạn, của tôi, của thành phố hoặc đất nước chúng ta, mọi thửa đất phải có chủ rõ
ràng. Chủ càng rõ trách nhiệm càng cao. Của đau con xót, vì lợi riêng, mọi phần
tử trong xã hội sẽ ganh đua cạnh tranh, sự cạnh tranh ấy tạo nên sức mạnh bất
diệt làm sinh sôi của cải, tạo ra phúc lợi chung. Vì lẽ đó, minh định sở hữu sẽ
khơi thông tiềm năng phát triển.
Nói
thì dễ, làm mới khó. Thúc đẩy cải cách sở hữu hiện nay rất khó. Sợ mất sở hữu
công là mất công cụ kiểm soát nền kinh tế, chúng ta né tránh thảo luận tới tận
cùng và chấp nhận hiện trạng nửa vời: từng chủ sử dụng đất giữ một số quyền, Nhà
nước giữ một số quyền, trong đó quan trọng nhất là quyền thu hồi, chuyển đổi mục
đích sử dụng và đền bù giá đất theo giá Nhà nước xác định. Tất nhiên, ẩn sau
Nhà nước là vô số bàn tay của cá nhân và tổ chức chia nhau giữ từng quyền quản
lý. Hóa ra, từ của chung có thể phát sinh lợi riêng, sở hữu toàn dân đã trở
thành tấm bình phong giúp các nhóm có thế lực kiểm soát hầu hết các nguồn lực của
quốc gia chúng ta, từ đất đai, rừng biển, các con sông và vốn đầu tư trong
doanh nghiệp nhà nước, trong các dự án công. Các nhóm đó đã trở nên giàu sụ và hùng
mạnh, họ hiển nhiên không hề muốn thay đổi chế độ sở hữu hiện hành.
Các
nhà kinh tế cảnh báo nước ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Về thể chế
pháp luật, cũng có thể dự báo nước ta có nguy cơ bị kẹt giữa những thể chế mang
tính khai thác, bóc lột; của cải của quốc gia ngày càng dồn vào tay những gia
đình và thế lực kiểm soát quyền lực chính trị và kinh tế. “Ở đây muôn sự của
chung, ai khéo vẫy vùng thì được của riêng”, đó là điều chúng ta không hề muốn.
Của bạn, của tôi, của thành phố, của đất nước chúng ta, sở hữu phải rõ ràng thì
quốc gia mới khơi thông thêm được tiềm năng phát triển. Vì lẽ ấy, tránh tụt hậu,
không còn cách nào khác phải thúc đẩy cải cách sở hữu.
1 Tham khảo cuốn sách “Chủ
nghĩa tư bản trong thế kỷ XXI” gây tranh luận dữ dội trong giới kinh tế học
trong hai năm qua của Thomas Piketty (2013), Le Capital au XXIe siècle; Capital in the Twenty-First Century, (2014).