Xuân Thu nhị kỳ, Quốc hội nước ta họp hai phiên
toàn thể thường niên. Mỗi phiên kéo dài từ 30-40 ngày. Trong phiên họp
cuối năm, ngoài các quyết định về ngân sách, Quốc hội kỳ này còn làm rất nhiều
luật, giám sát và thảo luận chính sách như một diễn đàn cao cấp nhất đại diện
cho cử tri toàn quốc.
Vấn đề nóng và được cử tri quan tâm nhiều nhất
hiển nhiên sẽ là tình hình phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Có việc làm,
thu nhập ổn định, con cái được học hành tử tế, môi trường sống an toàn là quan
tâm bậc nhất của tất cả cử tri. Để người dân tin tưởng, Quốc hội phải góp phần
làm ra và giám sát thực thi các chính sách thiết thực ấy.
Muốn làm được điều đó chí ít cần tới hai điều
kiện. Một là, Quốc hội phải ưu tiên làm đúng việc. Hai là, hình thức tổ chức và
cung cách hoạt động phải phù hợp, đúng với chức năng của một cơ quan dân cử.
Thời gian, sức người đều hạn hẹp, ưu tiên làm
đúng việc có lẽ là phải bí quyết số một để bất kỳ ai muốn thành công. Điều này
cũng đúng với một tổ chức như Quốc hội. Để trở thành cơ quan quyền lực bậc nhất
trong một quốc gia, Quốc hội phải giành lấy quyền quyết định các nguồn thu, chi
và sử dụng của cải quốc gia, quyết định phân bổ ngân sách và thúc ép thực thi kỷ
luật ngân sách. Đây là vấn đề ưu tiên số 1. Nếu không kiểm soát được vay nợ
quốc gia, không kiểm soát được các dự án đầu tư công và bất lực trước kỷ luật
ngân sách lỏng lẻo, Quốc hội không thể thực quyền.
Vì vậy, trong kỳ họp cuối năm, Quốc hội phải góp
phần siết chặt kỷ luật ngân sách, đánh giá tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế, nhất
là kiểm soát đầu tư công và các chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân. Suy cho
cùng, dân chúng có dễ dàng làm ăn, tự lo được cho bản thân và gia đình, dần dà
giàu lên họ mới đóng được thuế. Khi ấy, nguồn thu tăng, có tiền trong tay nhà
nước mới có cơ hội giúp đỡ người nghèo.
Hàng chục đạo luật dự kiến sẽ được thảo luận và
phần lớn sẽ được thông qua trong kỳ họp lần này, lật cần tạo điều kiện cho
nền kinh tế tư nhân phát triển như một động lực của nền kinh tế quốc dân. Luật
thì nhiều song tư duy phải đơn giản, nhất quán, chúng phải liên kết lại với
nhau như một tấm lưới đỡ khổng lồ nâng đỡ nền kinh tế tư nhân.
Muốn làm được ưu tiên đó, tổ chức Quốc hội phải
phù hợp. Quốc hội thực ra là cả một hệ thống tổ chức. Ngoài các phiên họp toàn
thể, Quốc hội còn có nhiều cơ quan khác nhau, chân rết vươn xuống địa phương là
63 đoàn đại biểu. Mỗi đại biểu một phiếu, quy trình nghị viện đảm bảo quyền của
500 đại biểu không hề đơn giản. Vì vậy phải ủy quyền cho các cơ quan của Quốc hội,
chỉ những việc quan trọng bậc nhất mới đem ra thảo luận và biểu quyết tại các
phiên họp toàn thể. Làm được như vậy số ngày họp có thể sẽ rút ngắn, cuộc thảo
luận sẽ tập trung, quy tụ được nhiều ý kiến chuyên gia.
Trong thời đại hội nhập ngày nay, Quốc hội Việt
Nam cũng phải dần dần vươn tới các chuẩn mực hoạt động nghị viện mang tính phổ
quát toàn cầu. Ví dụ việc bỏ phiếu bất
tín nhiệm cũng nên giống với chuẩn mực quốc tế, tránh rắc rối: tín nhiệm thấp, tín nhiệm vừa, tín nhiệm cao.
Cuối cùng, đại biểu Quốc hội cũng phải thạo nghề
và chuyên tâm làm công tác dân cử, tránh tình trạng phần lớn đại biểu đóng nhiều
vai, có người cùng một lúc đồng thời giữ tới 4-5 chức danh khác nhau trong hệ
thống chính quyền, đoàn thể hoặc doanh nghiệp. Nếu 70% các đại biểu, vì phải
kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ, không thể chuyên tâm và chuyên nghiệp với nghề đại
biểu dân cử, chất lượng hoạt động của Quốc hội chưa thể cao như cử tri mong đợi.
Cuối kỳ họp Mùa thu năm ngoái, đại biểu Trần Quốc Tuấn
(Trà Vinh) gây quan tâm của báo chí cả nước khi ông này ước đoán mỗi ngày họp
Quốc hội sẽ tiêu tốn không dưới 1 tỷ đồng. Ước đoán đó có thể chưa có cơ sở,
song quan tâm của cử tri là hoàn toàn xác đáng. Tiêu tiền của dân, tất cả các
cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội, phải giải trình trước nhân dân về những việc
mình làm.