Bác Trương Trọng Nghĩa chắc sẽ cảm thấy cô đơn. Trong lúc người ta thảo luận về thẻ căn cước và chứng minh nhân dân, bác lại chen ngang, xin lỗi Quốc hội, và đề xuất thông qua một Nghị quyết về Biển Đông. Tất nhiên, bác nói thì bác nghe, hết phiên họp ai về nhà nấy, không có Nghị quyết, Quốc hội chỉ thông báo cực lực phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, thế thôi.
Chị bán chè đầu con hẻm ở Sài Gòn, nghe tin Trung Quốc hành xử như côn đồ trên biển, cũng cực lực phản đối. Song khác với chị, Quốc hội hình như còn là một trong vô số các cơ quan quyền lực Nhà nước. Vì là tập thể, 500 ông bà nghị sỹ mỗi người một phiếu ngang nhau, cơ quan ấy chỉ có thể bày tỏ ý chí thông qua các nghị quyết. Luật, dự toán ngân sách, các kết luận giám sát... hết thảy hành vi của Quốc hội đều được thể hiện bởi các nghị quyết mà nó thông qua.
Muốn thông qua một nghị quyết, phải có người đề xướng. Bác Trương Trọng Nghĩa đã làm cái việc ấy. Người đề xướng phải được ít nhất dăm bẩy ông bà nghị sỹ khác phụ họa và ủng hộ. Khi ấy nghị quyết mới được trao cho một nhóm người soạn thảo, rồi trình ra các ủy ban để thảo luận, cuối cùng mới có thể trình ra phiên họp toàn thể của 500 ông bà nghị sỹ để họ biểu quyết. Quy trình ấy khá vòng vo, song nếu xem chủ quyền quốc gia là tối thượng, chắc chắn Quốc hội nước ta dư trí tuệ để soạn thảo và thông qua một nghị quyết như bác Trọng Nghĩa đề nghị.
Khi ấy, lời của Quốc hội mới có nanh có vuốt, nghị quyết trở thành một thứ luật có hiệu lực, bắt buộc Chính phủ và các cơ quan khác phải thi hành. Ví dụ, tuân thủ nghị quyết đó, Chính phủ phải chuẩn bị và xúc tiến vụ kiện Nhà nước Trung Hoa đã cưỡng chiếm Hoàng Sa, cưỡng chiếm đảo Gạc Ma. Viện Kiểm sát với chức năng công tố phải chuẩn bị và khởi tố các hành vi bạo lực mang tính côn đồ trên lãnh hải Việt Nam, gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của người dân Việt Nam.
Bác Trương Trọng Nghĩa là luật sư, bác ấy tưởng các nghị sỹ khác cũng nghĩ và hành xử như con nhà luật. Vì lẽ ấy, bác ấy trở nên cô đơn trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.