Tham nhũng “vặt” ở đây có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, quy mô của hoạt động tham nhũng tuy nhỏ nhưng rải rác khắp nơi, ví dụ như xin cho con đi học phải “lót tay”, để được chăm sóc tốt hơn ở bệnh viện cũng phải “bồi dưỡng”... Nghĩa thứ hai đáng bàn hơn, theo đó người dân cảm thấy tham nhũng trở thành chuyện vặt đến mức như một thói quen, khiến người ta không bức xúc, không thấy lạ. Nói cách khác, khi đó tham nhũng đã phổ biến tới mức người ta không lên án mà dễ dàng chấp nhận. Nếu hiểu như vậy, báo cáo PAPI đáng phải suy nghĩ ở chỗ đã tái khẳng định cảm nhận của dân chúng rằng tham nhũng ở VN không còn mang tính đơn lẻ mà là một hiện tượng mang tính xã hội lan rộng.
"Trên thế giới, chính quyền thường không muốn minh bạch thông tin. Đó là một thực tế, kể cả ở nhiều quốc gia phát triển. Chỉ dưới sức ép liên tục của dân chúng thì chính quyền mới chấp nhận buộc phải minh bạch, càng minh bạch thì chính quyền càng vững mạnh, tựa như ánh sáng sẽ giết chết vi trùng. Nói cách khác, trong bưng bít và bóng tối thì thừa cơ hội nảy sinh lạm quyền, ngược lại dưới ánh sáng chói chang của sự giám sát rộng khắp thì chỉ có người thực tài mới có thể tìm được sự ủy trị của nhân dân"
|
Với người đưa hối lộ thì việc đưa hối lộ cũng sẽ giúp giải quyết được công việc của họ một cách thuận tiện, đạt được một mức độ thỏa dụng nào đấy và có thể cũng làm người ta hài lòng. Tuy nhiên, nếu điều này tiếp diễn sẽ xảy ra những hệ quả xấu như quan chức sẽ hành xử ngày càng tùy tiện và thói quen tùy tiện lan rộng, khả năng tiếp cận dịch vụ và cơ hội từ khu vực công sẽ tùy thuộc vào mức độ chấp nhận phải đưa hối lộ của người dân. Hành xử tùy tiện của quan chức gia tăng sẽ dẫn đến vô hiệu hóa nhiều quy định của pháp luật. Khi đó phong bì hay quà biếu sẽ làm ra chuẩn mực. Đồng thời các thể chế phi chính thức như các mối quan hệ quen biết, sự chia chác lợi ích... sẽ thắng thế. Trong bối cảnh đó, luật pháp và công lý bị khinh nhờn.
Hành vi bất tuân ấy dẫn đến những giá trị của xã hội dần dần sẽ bị lung lay. Một xã hội không có những giá trị bền vững thì không thể ổn định lâu dài được, các nhóm lợi ích nào chiếm được quyền lực sẽ tạo ra luật chơi mới và họ sẽ khai thác quyền lực cho lợi ích của họ. Một xã hội như vậy mẫn cảm với những biến đổi về chính trị và báo trước những nguy cơ bất ổn.
Thật ra, chúng ta có vài điểm sáng như những cố gắng có thể quan sát ở tỉnh Bình Dương hay nỗ lực cải cách hành chính ở quận 1 (TP.HCM). Tôi nghĩ rằng các địa phương khác nếu có điều kiện cần đến những nơi này để trao đổi, tự rút ra bài học cho riêng mình.
Rõ ràng những dấu hiệu của một nền hành chính thân thiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã nhen nhúm xuất hiện ở một số địa phương. Tại sao những tín hiệu tích cực này xuất hiện ở tỉnh này, địa phương này mà không xuất hiện ở nhiều nơi khác, theo cá nhân tôi là có nhiều yếu tố. Thứ nhất, đã xuất hiện cạnh tranh giữa các địa phương. Thứ hai, dưới sức ép của điều hành địa phương đã xuất hiện những lãnh đạo có quyết tâm và tầm nhìn.
Những điểm sáng nói trên đều có một mẫu số chung bao gồm nỗ lực xây dựng chính quyền minh bạch; nỗ lực hạn chế sự tùy tiện của cán bộ, công chức bằng cách kiểm soát quyền hạn của họ. Đặc biệt, một tiền đề rất quan trọng là phải tin người dân và doanh nghiệp, trao cho họ quyền yêu cầu cán bộ, công chức phải tuân theo các chuẩn mực đã quy định và giúp họ có đủ sức kiểm soát được quyền hạn của nhóm người có quyền.