Sành
điệu lướt mạng, trầm ngâm chìm mình trong báo giấy, hay hoài cổ chụm đầu dõi
theo những bảng tin công cộng còn sót lại từ thế giới ngày xưa, truyền thông thời
nay đã đổi thay nhanh đến ngỡ ngàng. Đằng sau vô số công cụ truyền thông ấy là
những nhà báo, những người săn tìm và đưa tin tới công chúng. Ngày tôn vinh các
nhà báo, trước hết nên là một ngày để lắng nghe và thấu hiểu những nhọc nhằn và
hiểm nguy nghề báo.
Nghề
báo trước hết là nghề đưa tin. Muốn đưa tin, phải săn lùng tin. Vì lẽ đó nhà
báo phải có quyền được khai thác và được cung cấp thông tin. Trong cuộc truy
tìm tin tức xuất hiện những vô số hiểm nguy đe dọa đến danh dự, nhân phẩm, tính
mạng của người làm báo. Không hiếm nhà báo bị hành hung một cách dã man, bị cản
trở tác nghiệp một cách vô lý, phương tiện làm báo bị phá hủy hay cưỡng đoạt. Tựa
như bom đạn có thể quật ngã phóng viên chiến trường, trong thời bình những thế
lực cản trở minh bạch và quyền được biết của nhân dân cũng rình rập ngày đêm uy
hiếp quyền khai thác thông tin của người làm báo.
Luật
Báo chí nước ta đã ghi nhận quyền được khai thác và cung cấp thông tin của nhà
báo, cam kết bảo hộ tính mạng, danh dự và tài sản của nhà báo trong tác nghiệp.
Gần đây Chính phủ ban hành quy định buộc các cơ quan nhà nước cung cấp thông
tin định kỳ và kịp thời cho báo chí. Nhiều cố gắng xây dựng chính quyền minh bạch
và đảm bảo quyền tự do tiếp cận thông tin cho người dân đã góp phần tạo điều kiện
thuận lợi hơn cho các nhà báo trong khai thác và tiếp cận tin tức.
Tuy
vậy môi trường pháp lý cũng cần được cải thiện hơn nhằm đảm bảo quyền tự do tác
nghiệp, thực hiện quyền tự do khai thác và đưa tin của nhà báo cũng như bảo vệ
quyền được biết của người dân. Nhà báo được tự do tác nghiệp trong khuôn khổ
các quy định pháp luật được ban hành từ chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh cho tới
trung ương. Mạng lưới của hàng vạn văn bản pháp quy đó làm cho hoạt động nghề
nghiệp báo chí trên thực tế phụ thuộc vào sự cho phép và kiểm soát của chính
quyền các cấp. Chỉ riêng việc tuân thủ nguyên tắc báo chí nhằm giữ bí mật nguồn
tin cũng trở nên khó khăn trước yêu cầu của các cơ quan điều tra. Người ta vẫn
còn nhớ nhà báo phải cải trang, nương náu nhờ sự che chở của người dân mới có
được thông tin về vụ thu hồi đất ở Cống Rộc, Tiên Lãng năm nào. Như vậy, để đảm
bảo quyền được biết của người dân và quyền tự do đưa tin của nghề báo, cần ấn định
rõ ràng giới hạn mang tính loại trừ như lằn ranh đỏ mà tự do báo chí không được
vượt qua, ví dụ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, thuần phong mỹ
tục và bí mật đời tư của người dân. Ngoài những giới hạn đó, báo chí được tự do
tác nghiệp.
Xông
vào nơi hiểm nguy, điều tra phanh phui xã hội đen, gian lận thương mại, lần
theo dấu vết của tham nhũng, ai sẽ bảo vệ nhà báo trước đòn thù của những thế lực
ngầm. Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu thực thi công lý, trấn áp những
hành vi côn đồ hành hung, đe dọa và phá hủy tài sản của vô số nhà báo bị hại
trong vài năm qua. Nếu sự bảo hộ của các cấp chính quyền còn hời hợt, thiếu hiệu
quả, không hiếm nhà báo chua chát cho rằng họ chỉ có thể tiếp tục xông xáo với
nghề báo nếu đồng thời giỏi nghề võ. Thờ ơ với bảo hộ tự do báo chí tức là thờ
ơ với quyền được biết của người dân, một xã hội như vậy đã quỳ gối đầu hàng bất
công và bạo lực.
Tôn
vinh chưa quan trọng bằng thấu hiểu và tôn trọng. Truyền thông phát triển là một
yêu cầu không thể thiếu để kiểm soát quyền lực nhà nước, thực thi dân quyền, đảm
bảo phát triển phục vụ lợi ích của toàn thể nhân dân. Muốn vậy, phải bắt đầu từ
quyền tìm và đưa tin của người làm báo. Quyền tự do ấy phải được đảm bảo, người
hành nghề ấy phải được an toàn.