Khi không thể chối cãi mãi được nữa, chính quyền tỉnh Hưng Yên, dù chưa biết xin lỗi, song đã bắt đầu lấy làm tiếc về việc lực lượng cưỡng chế ở Văn Giang đánh người. Thật trớ trêu, người bị đánh đòn đau lại là hai nhà báo từ trung ương. Mặt mày sưng húp rồi cũng sẽ lành, song nỗi đau tinh thần sẽ mãi ê ẩm với cảnh đánh đập hung tợn này.
Gần hai vạn phóng viên của 800 cơ quan báo chí nước ta rất dè dặt, chưa dám phanh phui những nhức nhối ẩn sau vụ thu hồi đất mang tính kinh điển này. Một ống kính bí hiểm, cho đến nay vẫn chưa lộ danh tính, đã chộp lấy cảnh hành hung, sau khi được tung lên mạng, đoạn video clip lan truyền nhanh chóng, day dứt nhiều, dần dần lộ ra danh tính của các nạn nhân. Không có đoạn video clip đó, không có sự phản ứng của công chúng trên mạng, nếu người bị hại cũng cam nín lặng, ai dám tin rằng ở đất nước chúng ta hàng chục dân phòng và cảnh sát lại xúm vào đánh hội đồng một người không có khả năng kháng cự giữa thanh thiên bạch nhật.
Người ta bảo ánh nắng làm chết vi trùng. Bưng bít thông tin chỉ làm cho sự gian trá lên ngôi. Ngày nay, với chiếc điện thoại di động bé xíu, một người nông dân vốn quen cầy cuốc bỗng chốc có thể trở thành nhà báo công dân. Mẩu video clip trở thành chứng cứ buộc chính quyền tỉnh Hưng Yên phải đối mặt với sự thật, đối mặt với trách nhiệm giải trình.
Để giữ lấy sự chính danh, xứng đáng đại diện cho nhân dân để cầm quyền, Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố xây dựng một chính quyền minh bạch. Báo chí là một trụ cột góp phần tạo nên sự minh bạch ấy. Muốn làm được điều đó, nhà báo phải có quyền được an toàn, được tự do hành nghề. Luật pháp Việt Nam không hề thiếu những cam kết đó.
Đối mặt với những thế lực không ưa sự minh bạch, nguy cơ nhà báo bị cản trở tác nghiệp tự do, bị mua chuộc, bị đe dọa hoặc thậm chí bị đánh là những rủi ro nghề nghiệp thường thấy. Theo một nghiên cứu của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam công bố tháng 10/2011, có tới 12 loại hành vi cản trở báo chí tác nghiệp rất phổ biến ở Việt Nam. Trong số các hành vi cản trở đó, đe dọa, giữ người, khủng bố tinh thần nhằm vào cá nhân và người thân trong gia đình nhà báo, trả thù phóng viên do viết bài phanh phui tiêu cực là các hành vi thường xảy ra. Vì lẽ ấy, dấn thân cho một nền báo chí trung thực và có trách nhiệm trước công chúng quả thật là một cam kết không kém phần nguy hiểm.
Hành vi hành hung nhà báo không chỉ làm tổn thương sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm của cá nhân người bị hại. Đằng sau báo chí là hàng triệu người dân với quyền được biết về những gì đang xảy ra trên đất nước này. Mỗi nhà báo bị đánh là ẩn chứa một mưu đồ bưng bít thông tin. Không được biết, không được bàn thì khó giám sát, quyền lực thực sự của nhân dân sẽ bị cản trở ngay từ quyền được tiếp cận thông tin. Vì lẽ ấy, những hành vi hành hung nhà báo làm tổn thương đến hàng triệu bạn đọc, chúng cần bị nghiêm trị bởi pháp luật và lên án bởi toàn xã hội.
Hai nhà báo bị đánh ở Văn Giang, thêm một lời cảnh báo để xây dựng một chính quyền mạnh chúng ta cần chung tay xây dựng một xã hội công dân mạnh, có năng lực phản kháng chống lại những điều ác, bất công và tàn nhẫn vẫn còn nhởn nhơ tồn tại trong xã hội này.